Nông nghiệp thuận tự nhiên
một xu hướng mới
Việc làm nông đến với ông Nguyễn Huyền Diệu hết sức tình cờ. Từ một người hoạt động trong ngành công nghệ, một ngày “nổi hứng” theo bạn bè đi trồng cam. Thế rồi vì theo cây cam mà chỉ sau mấy năm, ông trở thành “nhà nông học” thực thụ. Và bởi những quả cam đặc biệt của trang trại HD, thật bất ngờ, nhiều người đã “khăn gói” đến nhà ông để học cách làm nông nghiệp sạch… Khái niệm “nông nghiệp thuận tự nhiên” cũng là phương pháp mà ông đang theo đuổi, mở ra một hướng đi mới cho nông nghiệp phát triển bền vững lâu dài. Nhưng.., đó là một hành trình vô cùng gian nan.
Bước tiếp theo của nông nghiệp hiện đại cho Việt Nam
Phóng viên: Mùa đông năm ngoái, nhiều người biết đến quả cam HD với hương vị ngọt thơm rất đặc biệt, hơn nữa còn “ăn được cả vỏ” vì được biết quy trình trồng hoàn toàn tự nhiên không phun thuốc, không sử dụng đạm hoá học. Từ một người “ngoại đạo” trong lĩnh vực nông nghiệp, ông đã bắt đầu sự nghiệp trồng cam như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Diệu: Tình cờ thôi, lúc đầu tôi cũng chỉ là nhà đầu tư. Có một số bạn bè rủ lên Hòa Bình trồng cam nên tôi tham gia. Trong đó một người là tiến sĩ nông nghiệp - tác giả của một giống cam. Nhưng trong quá trình thực hiện, thấy cứ “lệch dần” so với suy nghĩ của mình. Ngay từ hôm đầu tiên, tôi hỏi trồng cam như thế nào thì các ông bảo đào lỗ rồi cho các loại phân trộn với 2 kg vôi rồi trồng. Tôi thấy thế có gì đó sai sai, vì đất mỗi nơi mỗi khác. Tôi đành phải đi tìm hiểu, nhưng tìm hiểu rồi mới thấy, hình như người làm nông ở đất nước mình không có ai làm cải tạo đất trước khi canh tác, hoặc rất ít- hoàn toàn thiếu tài liệu và các hướng dẫn, hỗ trợ cơ bản về khoa học từ các viện nghiên cứu, các chuyên gia cho nông dân.
Phóng viên: Vâng, hẳn đó là một quá trình gian nan?
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Diệu: Vì tài liệu tiếng Việt hầu như không có, nên tôi tìm đọc tiếng Anh. Mảng tư liệu nước ngoài họ làm rất kỹ. Theo hướng dẫn, chúng tôi tự nghiền đất, mua dụng cụ, hoá chất về để đo độ hiện tại và tiềm tàng rồi từ đó, viết phần mềm tính toán ra lượng vôi vừa để trung hòa độ chua. Mất mấy tuần nghiền đất đá và đo, tính thì ra bản chi tiết từng khu vực trong thung lũng mà chúng tôi định trồng cam. Xét nghiệm xong mới biết có những vùng không dùng cân vôi nào, nhưng có vùng phải dùng lên đến 25kg vôi cho một hố…
Phóng viên: Nghe nói ông còn mang đất sang Mỹ xét nghiệm?
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Diệu: Đó là sau này. Ban đầu tôi tự làm hết. Việc chuyển sang Mỹ là bất đắc dĩ do các phòng xét nghiệm trong nước làm chậm, chất lượng thấp mà giá thì cao gấp nhiều lần. Không chỉ xét nghiệm đất, tôi còn xét nghiệm lá cây hàng năm để biết cây cần gì. Theo đúng nông nghiệp công nghệ cao, tôi trộn các loại phân hóa chất hoà tan rồi làm hệ thống phun tưới nhỏ giọt tận gốc, cung cấp dinh dưỡng trực tiếp. Tôi đã tốn không ít tiền để đầu tư theo hướng "công nghệ cao" này. Và dù có được một trang trại hiện đại, điều khiển tưới và bón phân từ xa nhưng kết quả không được như mong chờ. Trồng được một thời gian thì sinh ra sâu bệnh. Như mọi nông dân hiện đại, thuốc sâu được tìm hiểu, nghiên cứu và sử dụng ngay. Tuy nhiên với 30ha cam, sâu bệnh sinh trưởng nhanh, dẹp được góc này lại bùng góc kia, tốn kém vô cùng. Đặc biệt có những loại sâu bệnh không có cách gì diệt được hết như sâu bướm phượng, vẽ bùa, nhện đỏ, loét vi khuẩn. Sau này tôi mới biết, những sâu bệnh này đã miễn dịch với nhiều hoạt chất của thuốc, vì nó quá quen với hóa chất rồi, phun vào không ăn thua gì với nó cả. Bất lực, tôi thử bỏ không dùng hóa chất nữa, tự đọc thêm và mua chế phẩm vi sinh về pha chế phun thử thì mới được. Từ đó, tôi nghiên cứu sâu về vi sinh. Hóa ra vi sinh lại ổn, tự chế tạo, phun thấy diệt được nhện đỏ và các loại sâu bệnh.
Phóng viên: Những loại phân bón và thuốc trừ sâu vi sinh do ông tự chế biến có đủ đáp ứng cho diện tích canh tác lớn không?
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Diệu: Thoải mái chứ. Vi sinh là sinh vật sống nên tự mình có thể nuôi cấy, nhân lên được. ban đầu mình mua giống, từ 1/2 kg mình nhân nuôi lên lên ngàn lít, phun thấy hiệu quả với các loại sâu ăn lá, nhện, các loại nấm bệnh. Đặc biệt, vi sinh có giá thành vô cùng rẻ khi sản xuất được.
Phóng viên: Bây giờ, sau 5-6 năm canh tác, thì nay ông đã hoàn toàn có thể chuyển giao cho người dân sở tại?
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Diệu: Ngay từ đầu tôi đã sử dụng nhân công tại chỗ. Tôi chỉ nghiên cứu và giám sát, còn các công đoạn làm đều do người dân thực hiện. Như vậy là một cách để mình phổ biến làm nông nghiệp tự nhiên đến từng người dân. Từ khâu cải tạo đất, nhân nuôi vi sinh để khôi phục màu mỡ cho đất, diệt sâu bệnh.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về sự khác nhau giữa nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thuận tự nhiên?
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Diệu: Bạn cứ hình dung thế này: Khi chúng ta nói về nông nghiệp công nghệ cao, là nói về nhà kính, về hệ thống tưới tiết kiệm nước, những hệ thống kiểm soát độ ẩm, kiểm soát dinh dưỡng cấp cho hệ thống nhỏ giọt, nói về các hệ thống phần mềm điều khiển tự động các loại. Tất cả đều đúng cho nơi mà họ phát minh ra: Sa mạc và các vùng đất lạnh thuộc miền ôn đới. Khi du nhập khái niệm này về Việt Nam, chúng ta đã bỏ qua đặc điểm khác biệt là nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Ở các vùng đất sa mạc hay Châu Âu, người ta không quan tâm nhiều tới côn trùng và dịch bệnh. Nhà kính là để giải quyết vấn đề về nhiệt độ môi trường.
Sa mạc cũng là nơi nghèo nàn về vi sinh nên cây được các nhà khoa học tính toán để cho ăn dinh dưỡng trực tiếp từ nước tưới - nó cũng giống như chúng ta được truyền đường, đạm và vitamin qua đường tĩnh mạch vậy.
Ở nông nghiệp thuận tự nhiên, người nông dân chăm cho đất để đất nuôi dưỡng vi sinh rồi đến lượt vi sinh sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây theo đúng yêu cầu của cây. Cây và vi khuẩn có mối quan hệ cộng tác rất chặt. Khuẩn bám vào cây, ăn các chất hữu cơ mà cây tiết ra, đổi lại, nó tiết ra các enzyme phân giải lân, kali và các vi lượng từ trong đá, nó tổng hợp nitơ từ không khí thành phân đạm cấp cho cây. Nếu mình nuôi đám vi sinh chung quanh rễ tức là mình nuôi dưỡng vi khuẩn để nó nuôi cây. Cây nuôi dưỡng theo cách này sẽ ra hương vị tự nhiên và có chất lượng đặc biệt. Như cách làm của tôi và một số mô hình tương tự, chúng tôi gọi là nông nghiệp thuận tự nhiên.
Trong mô hình này, người nông dân cũng phải chăm chút cho môi trường để đảm bảo cân bằng sinh thái, nhờ đó sâu bệnh không thể bùng phát. Làm nông nghiệp thuận tự nhiên khó hơn vì phải tác động gián tiếp vào cây trồng nhưng là bước phát triển tiếp theo bắt buộc phải tới của nông nghiệp hiện đại. Nó là một cách trở về với truyền thống canh tác cũ nhưng được áp dụng công nghệ và khoa học hiện đại một bước cao hơn rất nhiều.
Nông nghiệp theo cách này dù có rất nhiều lợi ích và không quá khó để thực hiện nhưng cần phải thay đổi tư duy và do đó cần một chiến lược lâu dài của nhà nước. Tuy nhiên nếu thực hiện được thì đây thực sự là công cuộc đi tắt đón đầu của ngành nông nghiệp.
Nhà kính không phải là giải pháp cho nông nghiệp sạch và bảo vệ môi trường
Phóng viên: Ông đánh giá như nào là nông nghiệp sạch?
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Diệu: Hiện giờ nông nghiệp sạch được coi là phun thuốc đúng thời điểm. Thực ra không phải vậy. Lâu nay thói quen dùng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật đã bám sâu cội rễ cách làm của nhà nông. Có lẽ phần lớn do sự tác động của những công ty hóa chất và những nhóm hưởng lợi. Còn các mô hình nông nghiệp dùng giải pháp nhà kính như các nước Nhật Bản, Israel thì đầu tư lớn mà hiệu quả thì cần phải xem lại.
Với tôi, nông nghiệp sạch phải là nông nghiệp sử dụng mọi phương tiện hiện đại để tác động lên môi trường sống tự nhiên của cây, tạo dựng lại cho cây môi trường tự nhiên vốn có của nó với đầy đủ vi sinh, côn trùng, thiên địch... và sử dụng tối đa hiểu biết về vi sinh để bảo vệ đất đai mùa màng, đảm bảo được năng suất.
Phóng viên: Nhưng ở thời điểm hiện nay, nhà kính có lẽ là giải pháp cho nông nghiệp an toàn, áp dụng công nghệ để phòng trừ sâu bệnh và cho năng suất, chất lượng cao?
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Diệu: Nhà kính chỉ ngăn được vài loại côn trùng, chứ với các loại như nhện đỏ, rệp... và nhất là bệnh nấm, bệnh vi khuẩn, vi rút thì không ngăn được. Môi trường nhà kính và cả nhà lưới là môi trường hoàn hảo cho dịch bệnh hoành hành bởi độ ẩm cao, nhiệt độ cao, nhiều bề mặt lưu bám. Tưởng dùng nhà kính để khỏi bị sâu bệnh nhưng sau 1 năm, nhiều nhà kính phải dùng nhiều thuốc BVTV hơn cả ruộng. Do vậy, không hẳn sản phẩm từ nhà kính là sạch hoàn toàn.
Nhà kính bảo vệ được cây trồng trước các tác nhân vật lý như mưa, nắng, gió, lạnh nên với sự kiểm soát nhất định có thể đạt được năng suất cao hơn so với bên ngoài ở một số vùng khí hậu. Tuy nhiên hậu quả của nó thì vô cùng lớn. Nó tác động rất xấu tới câu chuyện phát thải CO2 bởi nó tiêu thụ quá nhiều năng lượng. Nó cũng là tác nhân gây giảm nước ngầm, lũ quét, sa mạc hoá những vùng đất canh tác.
“Nhà nông, xin đừng ghét cỏ” - câu chuyện giảm phát thải về 0
Phóng viên: Vậy theo ông, làm cho đất đai màu mỡ, cây cỏ cộng sinh mới là bền vững lâu dài?
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Diệu: Đúng vậy. Cái này lâu nay nông dân mình không chú trọng. Thực tế sau một thời gian bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu hóa học thì nhiều vùng đất màu mỡ trở nên thoái hóa, và sâu bệnh càng phát triển nặng nề. Nguyên nhân là khi bạn ném hạt đạm hoá học lên mặt đất, nó tan ra và ngấm vào đất thì toàn bộ một vùng trở thành đất chết - không có vi khuẩn/nấm nào sống sót và không có con giun con dế nào chịu được. Trong canh tác cây ngắn ngày, diệt cỏ còn có thể hiểu được. Tuy nhiên, với cây lâu năm, cây công nghiệp người ta cũng diệt cỏ không thương tiếc thì là sai lầm. Người ta nghĩ rằng như vậy mới là tốt, bởi cỏ ăn hết phân của cây.
Với thung lũng Cam HD, tôi để cây cỏ dại mọc um tùm chung quanh gốc cam, cho phép chúng tận dụng năng lượng mặt trời còn dư để biến thành thức ăn cho vô số côn trùng, giun dế, vi khuẩn, nấm, các loại thiên địch để diệt trừ sâu hại. Khi chúng tôi cắt cỏ cũng cắt xen kẽ để không làm mất đi môi trường sống của các loài côn trùng này, chúng thực sự vô cùng quý giá với hệ sinh thái đất đai, mùa màng. Cỏ dại mục nát trở thành thức ăn cho vi sinh trong đất, làm cho đất ngày càng phì nhiêu. Chúng cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giữ nước lại trong vườn, nhờ đó, việc tưới nước cho cây được giảm thiểu.
Phóng viên: Có lẽ, chưa ai nói với người nông dân điều này?
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Diệu: Truyền thông và giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng. Từ nhỏ, con người đã hình thành một ý thức cố hữu là căm thù cỏ, ghét cỏ. Bạn thử kiểm tra lại xem, khi còn học sinh, sách vở cũng ghi làm vườn là nhổ cỏ, làm cỏ, từ vườn tược đồng áng cho đến cái đường đi, không cơn cớ gì cũng phải đi “cuốc cỏ”. Không ai nói rằng, thảm thực vật tự nhiên ấy vô cùng quan trọng. Nó còn liên quan đến việc bảo vệ mặt đất khỏi những trận xói mòn, sạt lở diện rộng. Ngồi trên máy bay nhìn thấy những vùng đất trọc bạc màu đó thật sự đau lòng. Hàng năm mỗi khi có lũ quét mọi người chỉ biết đổ tội cho thiên nhiên mà quên đi rằng thực ra thuốc diệt cỏ trong tay người nông dân thiếu hiểu biết mới là nguyên nhân chính. Tôi đánh giá rất cao thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đầu năm trước khi kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh. Tuy nhiên môi trường có thể được bảo vệ nhanh hơn nhiều nếu thảm cỏ được để phát triển tự nhiên. Thật sự tôi muốn nói rằng, nhà nông, xin đừng ghét cỏ. Hãy để cỏ mọi nơi có thể. Bởi, giảm phát thải về 0 như cam kết của Chính phủ tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 vừa rồi phải bắt đầu từ những hành động nhỏ của mỗi người dân như vậy!
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông vì những chia sẻ rất thú vị và bổ ích.
Tổ chức thực hiện: PHAN THANH PHONG
Nội dung: HỒNG MINH
Trình bày: MINH DUY
Ảnh và đồ họa: MINH DUY - Thiết kế trên chất liệu của Canva