
Lần đầu tôi gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là khi chị ra Hà Nội, cách đây đã nhiều năm. Dĩ nhiên chúng tôi biết nhau từ trước, nhưng gặp là lần đầu. Trời nhá nhem tối, chúng tôi hẹn ở đầu phố Hàng Đào, cùng ăn quà vặt trong phố cổ, rồi ngồi cà-phê vỉa hè, sau đó đi bộ loanh quanh khu vực Hồ Gươm. Tư ít nói, chủ yếu nghe và hay cười. Hiền. Sau này gặp và làm việc với nhau nhiều hơn thì thấy trong đám đông, chị còn ít nói hơn nữa, thậm chí hơi lơ đãng, chỉ đưa ra ý kiến riêng khi thật cần thiết.
Đi dạo một hồi, đến lúc chia tay mới nảy ra rắc rối. Chị không nhớ mình ở khách sạn nào, chịu không tả được đặc điểm của khách sạn cũng như những dấu hiệu đặc biệt chung quanh có thể tìm ra manh mối. Sau một hồi bối rối, tôi gợi ý đi quanh các phố theo hình ô vuông, kích thước các ô vuông mở rộng dần sau mỗi một vòng (đây là cách tìm người và tàu thuyền mất tích trên biển tôi nghe các phi công trực thăng kể lại). Phải gần nửa đêm mới tìm thấy khách sạn nhỏ đối tác “book” cho nhà văn và nhận được câu khen: “Cách này hay thiệt đó!”.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ký tặng bạn đọc. Ảnh: Bookish
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ký tặng bạn đọc. Ảnh: Bookish
Lần khác, tôi và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đi chấm thi Hoa hậu Việt Nam ở Bạc Liêu, nhân tiện xuống Cà Mau chơi với Nguyễn Ngọc Tư. Bạc Liêu cách Cà Mau hơn 60 cây số, đi khoảng một tiếng rưỡi, tới nơi đã gần trưa. Nhờ Tư chọn chỗ ăn trưa, vừa ăn vừa nói chuyện. Tư bảo: Ra đầm bà Tường nha, hay lắm. Chúng tôi đinh ninh là quán ăn nào đó trong thành phố. Nhưng ô-tô cứ đi mãi, đi mãi, hết đường lớn, tới đường nhỏ, kinh rạch, đồng nước, hàng cây ven đường vun vút lướt qua. Khi rụt rè hỏi bà “tour guide” mới biết, thì ra đầm bà Tường chính là đầm Thị Tường nổi tiếng, là “biển hồ giữa đồng bằng”, ở tận dưới huyện Cái Nước, dài tới 12km và cách thành phố Cà Mau quãng 40 cây số.
Đến đầm rồi, lại ngồi thuyền ra nhà nổi dựng trên đầm, tổng thời gian gần gấp đôi đi từ Bạc Liêu xuống Cà Mau. Cả đội đói mèm, nhưng bù lại, có một buổi trưa mênh mang trời xanh nước bạc, gió phóng khoáng, lồng lộng. Chủ nhà lội xuống đầm vớt hải sản, còn đích thân “cô Tư” ra tay nướng làm mồi nhậu, má đỏ hồng. Cô nói, ở đây không giống ngoài bắc nha, phải ăn chén cơm trước rồi nhậu mới khỏe; mà chờ bác gái chút đã, trong này chồng nhậu thì vợ cũng nhậu. Trước chúng tôi chẳng phải nhà văn nổi tiếng mà đích thực một phụ nữ giản dị miền sông nước.
Chỉ là những chuyện đời thường, nhưng tôi thấy nó mật thiết với con người và cá tính sáng tạo của một nhà văn nữ độc đáo trong văn chương Việt hiện nay. Cho dù hay gặp nhau mỗi lần Nguyễn Ngọc Tư ra bắc hoặc tôi vào trong đó, nhưng thực ra cũng chỉ thấp thoáng. Bởi cứ hễ xong công việc chính là chị lập tức “biến mất”. Thí dụ dự Hội nghị Lý luận, phê bình văn học ở Tam Đảo hôm trước xong, hôm sau đã thấy chị vù sang Tuyên Quang, Yên Bái. Hết họp với Ban Nhà văn trẻ tại Hà Nội, đã nghe chị đi Hà Giang hay Cao Bằng. Nhưng ngoài tản văn, hình như tôi chưa được đọc tác phẩm nào chị viết về con người hoặc một vùng đất khác (hay nó thấp thoáng tới mức khó nhận ra), ngoài Cà Mau của chị. Nhà văn có thể đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều nhân vật, nhưng đó là quá trình tích lũy bắt buộc vốn sống, để rồi chỉ viết thật sâu sắc, uyên áo bất tận về những gì quen thuộc với mình. Văn vật của vùng quê sông nước đã thấm vào chị và ở lại trong đó, không bao giờ rời xa.

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, sau ngày nước nhà thống nhất một năm. Đang học phổ thông, chị phải bỏ dở giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình không cho phép; lặng lẽ viết văn, hầu như chưa được ai biết đến, cho đến tuổi 24 vụt sáng bằng tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt - Giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 (lần thứ hai) năm 2000 của Nhà xuất bản Trẻ. Ngay từ lúc ấy, người đọc đã bị thu hút bởi thứ văn chương đẫm chất Nam Bộ, sử dụng nhiều phương ngữ vô cùng sinh động viết về những cuộc đời chìm nổi, éo le của con người vùng sông nước, mà vẫn chân chất, hồn hậu, hướng tới những gì nhân văn tốt đẹp. Chàng trai và cô gái không đến được với nhau, khi chia tay đã dặn người yêu: Sau này sanh con, cứ tên anh mà đặt… Câu thoại khiến ta mỉm cười cùng lúc với cay cay sống mũi.
Cũng kể từ đó, truyện ngắn, tản văn của Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện dày trên các báo, trở thành hàng hiếm. Sự vụt sáng ấy từng có lúc gây nghi ngờ rằng một nhà văn nào đó đứng sau tên Nguyễn Ngọc Tư. Phải đến truyện Cánh đồng bất tận ra đời năm tác giả tròn 30 tuổi, Nguyễn Ngọc Tư mới xác lập vị trí vững chãi trên văn đàn. Cho dù tác phẩm này đã gây cho chị không ít sóng gió, nhưng bấy giờ bên cạnh và đằng sau chị còn có Hội Nhà văn và những người bạn biết và dám bảo vệ những giá trị văn chương đích thực. Cánh đồng bất tận được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2006, rồi giải thưởng Văn học ASEAN 2008 (cùng với Ngọn đèn không tắt), cùng nhiều giải thưởng khác, được tái bản hơn 40 lần và dịch sang nhiều thứ tiếng, được chuyển thành phim truyện điện ảnh cũng nổi tiếng không kém…
Nguyễn Ngọc Tư viết khỏe và đều, đến nay đã xuất bản khoảng 30 đầu sách gồm truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết và… thơ; tính trung bình hằng năm kể từ lần đầu trình làng, mỗi năm cho ra từ 1 đến 2 cuốn. Với tốc độ và sự chuyên chú chuyên nghiệp như vậy, hiện nay ngoại trừ Nguyễn Nhật Ánh, khó nhà văn Việt Nam nào bì kịp.
"Quan trọng là, đừng kể cái chuyện mình sắp viết với ai, mạng xã hội hay bạn bè hay bồ. Một khi bạn kể ra, thì đã triệt tiêu gần hết ham muốn viết. Không nói được thì mới dồn hết lực viết ra, chứ nói ra được thì nhẹ người quá, còn thiết gì".

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư


Bên ngoài tác phẩm, Nguyễn Ngọc Tư có “hiền” như ngoại hình và giao tiếp của chị không, tôi từng có lúc tự hỏi như vậy. Nhưng khi chộp được những câu chị trả lời trên fanpage của Nhà xuất bản Trẻ thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, thì tôi đã có câu trả lời của mình.
Được hỏi: Văn học Việt Nam hình như chưa có tác phẩm lớn vì chưa có sự kiện lớn; chị đã trả lời: Tôi còn không ý thức cái gọi là “tác phẩm lớn”. Mỗi khi thấy cụm từ này là tôi thêm hai chữ “hội chứng” ở đằng trước. Hội chứng tác phẩm lớn... Tôi chỉ quan tâm, để ý chuyện hay/ dở và tin rằng báo chí mới cần sự kiện lớn. Văn chương thì không. Văn chương có đề tài lớn lao là con người, bao nhiêu nhà văn viết cả ngàn năm đã hết chuyện đâu.
Còn khi được hỏi chị nghĩ gì, nếu người đọc nghi ngại cầm tác phẩm mới của chị trên tay và sợ rằng nó không bằng tác phẩm trước; câu trả lời là: “Một nhà văn mà người đọc không chút hồ nghi nào, dễ dàng đoán được phong vị một cuốn sách ngay khi chưa mở nó ra, thì người đó thật bất hạnh. Đòi hỏi của người đọc là vô cùng nhưng cũng thật chật chội theo phương diện nào đó. Nhiều người bị/hoặc tự đóng đinh chính mình, nhưng Chúa thì chỉ một. Giống như sao trên trời, ngôi sao lớn nhất không sáng thay cho những ngôi sao khác, mỗi chúng đều có ánh sáng riêng. Tôi nghĩ tự tắt đi ánh sáng của chính mình vì sợ hãi thì thật là hèn nhát và không thật tự nhiên”.
Những đối đáp sắc bén thế, ai bảo là “hiền”? Có chăng nó không hiện thành lời, mà dành cho trang giấy, đúng như cách chị khuyên những người trẻ mới cầm bút: “Quan trọng là, đừng kể cái chuyện mình sắp viết với ai, mạng xã hội hay bạn bè hay bồ. Một khi bạn kể ra, thì đã triệt tiêu gần hết ham muốn viết. Không nói được thì mới dồn hết lực viết ra, chứ nói ra được thì nhẹ người quá, còn thiết gì”.
Gần đây, mỗi lần mời Nguyễn Ngọc Tư gửi truyện ngắn cho báo, chị thường “mặc cả”, gửi thơ được không? Hoặc trả lời không có truyện. Còn những khi gửi truyện, chị luôn kèm theo tin nhắn, bỡn: “Dám chứa chấp nó không? Năm ngoái viết cái truyện, bị trả lại quá trời luôn”. Thú thật là nhiều lần dám mà cũng không ít lần không. Tôi đồ rằng Nguyễn Ngọc Tư đang “âm mưu” phải viết khác những thành công quen thuộc đã từng, dù có thể thất bại. Nhưng đó mới thật là những điều nhà văn mang cá tính sáng tạo nên làm và cần làm.