
PGS, TS Nguyễn Thiên Tạo vẫn rất khiêm tốn và không muốn nói về mình, như lần trò chuyện với chúng tôi 6 năm trước. Ông chỉ dám nhận mình là một người làm khoa học, sẵn sàng tình nguyện, hỗ trợ việc nhận dạng các loài rắn giúp các bác sĩ lâm sàng điều trị tai nạn rắn độc cắn, vì mục tiêu cao nhất là cứu người.
Đầu năm Ất Tỵ, chia sẻ với bạn đọc Báo Nhân Dân về những tâm huyết 20 năm nghiên cứu rắn độc, ông vẫn một mực khao khát Việt Nam chủ động phát triển sản xuất thêm các loại huyết thanh kháng nọc rắn. Bài phỏng vấn, có thể sẽ mang đến một góc nhìn khác về “Tạo rắn” trong hàng loạt các bài viết về ông dịp Tết Ất Tỵ năm nay.

CHƯA NGỪNG NUÔI TÂM HUYẾT PHÁT TRIỂN HUYẾT THANH KHÁNG NỌC RẮN
Phóng viên: Ông từng chia sẻ Việt Nam là nước đầu tiên sản xuất huyết thanh nọc độc rắn trên thế giới và công tác nghiên cứu phát triển các loại huyến thanh mới đã được quan tâm khởi động lại. Sáu năm qua, nhóm ông hiện thực hóa được giấc mơ có thêm huyết thanh kháng nọc rắn chưa?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Việt Nam hiện có 2 loại huyết thanh rắn lục xanh và rắn hổ mang đều được Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) phát triển sản xuất đã và đang được lưu hành. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng, còn một vài loại độc rắn thường gặp khác mà chúng ta hoàn toàn có thể chủ động sản xuất được huyết thanh. Hơn 10 năm qua, cùng với các đồng nghiệp nghiên cứu, phân tích dữ liệu về các loại rắn độc khác để mong muốn phát triển thêm hai loại huyết thanh kháng nọc độc gồm 1 loài rắn phổ biến phía bắc là cạp nia và 1 loài ở phía nam là rắn lục chàm quạp.
Để hiện thực hóa ý tưởng nghiên cứu này, nhóm chúng tôi tham gia thu thập, phân tích về thành phần độc tố của 2 loại rắn và hỗ trợ điều tra để xây dựng sơ đồ dịch tễ tai nạn rắn độc cắn. Đây là công việc tiếp nối hành trình nghiên cứu của các tiền bối đi trước. Sau nhiều năm, các đồng nghiệp IVAC đã phát triển và sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm, nhưng vẫn nằm ở trong kho lạnh. Cho đến hiện tại thì vẫn chưa có thêm loại huyết thanh kháng nọc rắn độc nào đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người. Huyết thanh mặc dù rất thiết yếu, nhưng tính thương mại không cao, và chỉ dự trữ phòng trong các trường hợp tai nạn rắn độc cắn, nên để sản xuất huyết thanh, rất cần có sự bảo trợ từ Nhà nước.
Chúng tôi cũng tâm tư mặc dù anh em nhiệt huyết, cố gắng để phát triển sản phẩm nhưng cũng mới chỉ dừng ở nghiên cứu. Hiện cơ chế từ nghiên cứu cơ bản đến định hướng để ứng dụng đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc là vấn đề khó. Dù vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các hợp tác liên ngành từ nghiên cứu cơ bản đến định hướng ứng dụng, để có thể phát triển các sản phẩm này và không ngừng tìm kiếm các hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu.
Phóng viên: Nghề “thu thập nọc độc” thú vị và thách thức thế nào?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Việc nhẹ lương cao (cười). Thật ra việc thu nọc rắn có thể được coi là công việc nguy hiểm mà không phải ai cũng muốn thử sức, công việc này đòi hỏi phải kiến thức chuyên môn, kỹ thuật và xử lý các tình huống. Khi thu nọc rắn dùng tay giữ phần đầu rắn, bảo đảm miệng rắn không thể cắn người thực hiện. Việc này cần người có kinh nghiệm để tránh làm tổn thương rắn, sử dụng ngón tay ấn nhẹ lên tuyến nọc hai bên phía sau đầu của rắn để kích thích tuyến nọc tiết ra nọc qua răng nanh. Ngoài ra, công việc này cũng cần bảo đảm đạo đức trong việc nuôi và khai thác rắn độc.
Phóng viên: Để sản xuất huyết thanh kháng độc rắn, quy trình có nhiều khó khăn?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn là một quy trình đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức khoa học, các kỹ thuật tiên tiến, và quy trình quản lý rất chặt chẽ. Mỗi loại huyết thanh kháng độc cần được phát triển từ chính nọc của loài rắn đó, do vậy nọc rắn cần được thu thập một cách cẩn thận để bảo đảm tính nguyên vẹn, không bị nhiễm tạp chất, và phải đủ lượng nọc. May mắn thì có thể thu đủ được lượng nọc rắn trong một thời gian, có những loài rắn lượng nọc thu được từ mỗi cá thể là rất ít, phải thu trên nhiểu cá thể dẫn đến phải nuôi nhiều rắn, chi phí tăng cao. Do đó, trước tiên là chúng tôi phải nghiên lựa chọn những cá thể rắn, nuôi nhốt, theo dõi kỹ các chế độ ăn uống. Bằng những kinh nghiệm thực tế quan sát trong quá trình nhân nuôi, chúng tôi sẽ lựa chọn thời gian thích hợp nhất để có thể thu được nọc độc.
Nọc sau khi thu sẽ được sử dụng trong các nghiên cứu và phải được bảo quản đúng quy trình thường thì sẽ đông khô để phục vụ nghiên cứu lâu dài. Nhóm chúng tôi sẽ tách chiết, phân tích, xác định khối lượng phân tử và cấu trúc các protein, peptide trong nọc rắn cũng như đánh giá hoạt tính sinh học. Nọc rắn tinh sạch sẽ được chuyển vào Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) để các đồng nghiệp trong đó sản xuất huyết thanh trên ngựa theo quy trình nghiêm ngặt đã được quy định.


TÔI THẤY MÌNH KHÔNG CÒN CÔ ĐƠN TRONG NGHIÊN CỨU VỀ RẮN
Phóng viên: Trong cuộc trò chuyện 6 năm trước, ông từng kể việc ông từng bị tai nạn rắn cắn, cũng như đồng nghiệp của ông trong quá trình đi thực địa cũng bị tai nạn đôi khi làm cho tâm trí bị nao núng. Ông thì sao?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Hoang mang và sợ hãi chứ. Nhất là khi lúc ấy còn rất trẻ. Trong quá trình nghiên cứu tôi cũng đã từng bị tai nạn bởi một loài rắn lục sừng. Lúc đó tôi phải tự động viên mình khi có biết được rằng độc tố của loài này không quá nguy hiểm và lượng độc tố vào cơ thể là không nhiều do chỉ bị sượt qua. Dù bình tĩnh sơ cứu, băng ép chặt lại, nhưng tôi nghĩ mình cần phải được đưa tới cơ sở y tế nhanh nhất có thể. Bình tĩnh một lần nữa, theo dõi các phản ứng của cơ thể, các chỉ số đều khá ổn khi đến cơ sở y tế thấy mình ổn và may mắn vì loài này cũng không có sẵn huyết thanh.
Đồng nghiệp của tôi cũng vậy, khi bị tai nạn rắn độc cắn là rất hoang mang. Tôi nhớ người chú là đồng nghiệp của tôi cùng đi nghiên cứu ngoài thực địa, khi không may bị rắn lục cườm cắn ở ngoài đảo tại Quảng Ninh. Cả đoàn lo lắng, nhưng tình thế khó khăn vì vào ban đêm, vào bờ phải mất mấy tiếng, sóng điện thoại thì phập phù. Lúc ấy, cùng với việc sơ cứu ban đầu thì liệu pháp tâm lý rất quan trọng, nếu mất bình tĩnh thì khó xử lý. Từ những kiến thức thực tế nghiên cứu, chúng tôi xác định độc tố của loài này cũng như vết cắn không quá nguy hiểm và trường hợp này cũng không có sẵn huyết thanh kháng nọc độc.
Phóng viên: 20 năm bám đuổi theo nghiệp này, ông có lúc nào thấy mình cô đơn?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Ban đầu thì có cô đơn chứ và bản thân cũng có đôi chút e sợ. Như bạn thấy đó, công việc này có vẻ hơi khác biệt và có thể là khá biệt lập, không có nhiều người hứng thú. Nhưng dần dần, tôi cảm thấy thú vị và đam mê hơn bởi khám phá những bí mật của loài rắn, cùng với đó cũng có những người quan tâm đến tìm hiểu về các loài rắn, thi thoảng tôi được mời chia sẻ những kiến thức về nhận dạng rắn độc hay các độc tố tự nhiên từ rắn độc…, nhờ đó tôi thấy mình có nhiều cảm hứng mới trong nghiên cứu. Và cũng nhờ sự truyền cảm hứng từ các nghiên cứu chuẩn chỉnh của các bậc tiền bối, nhất là người thầy bên Nga của mình, tôi càng có động lực trong công việc.
Một điểm quan trọng nữa, hiện nay có nhiều nhà báo quan tâm chia sẻ thông tin về các nghiên cứu về rắn như phát hiện và mô tả loài mới cho khoa học, các nghiên cứu ứng dụng nọc rắn…tới cộng đồng. Cùng với đó, việc phát triển đội ngũ nghiên cứu và hợp tác với các đồng nghiệp trong và ngoài nước làm chúng tôi không còn thấy cô đơn. Cộng đồng khoa học tuy nhỏ nhưng luôn kết nối giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục con đường đầy thử thách này.
Phóng viên: 20 năm theo nghề, khối dữ liệu mà ông thu thập được đã thật sự đồ sộ?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Đến nay, cơ sở dữ liệu về các loài rắn độc và nọc độc rắn được nhóm nghiên cứu chúng tôi tiếp tục xây dựng một cách bài bản gồm nhiều trường dữ liệu phục vụ cho các nghiên cứu về đa dạng loài, phân bố, dịch tễ .. cũng như gợi ý để các bác sĩ trong lựa chọn các phác đồ điều trị. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh, những định hướng từ cơ sở dữ liệu này của chúng tôi chỉ chiếm 1%, còn 99% thành công cứu chữa các nạn nhân không may bị tai nạn rắn độc là do ở các bác sĩ điều trị trực tiếp.
Phóng viên: Ông có thấy mình có những bước tiến hay đột phá trong sự nghiệp nghiên cứu trong thời gian qua?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Trong hai năm đại dịch Covid-19, nhóm chúng tôi đã có nhiều thời gian trao đổi hơn, định hướng và đề xuất các ý tưởng phát triển nhóm nghiên cứu. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xây dựng cơ sở dữ liệu các loài rắn độc trên cạn. Đồng thời, chúng tôi đang đẩy mạnh nghiên cứu về độc tố nọc rắn, nhằm làm rõ hơn bản chất của các hợp chất này.
Ngoài ra, nhóm cũng phát triển các hợp tác nghiên cứu liên ngành để khám phá sự tiến hóa của độc tố nọc rắn, qua đó định hình các ý tưởng mới, hướng tới việc nghiên cứu cơ bản định hướng sang ứng dụng thực tiễn. Ví dụ, một trong những hướng nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi sẽ tập trung vào việc phân tích các bài thuốc đông y từ tri thức bản địa, từ đó cung cấp cơ sở khoa học vững chắc hơn cho việc sử dụng các liệu pháp truyền thống.
Trong năm 2025, nhóm sẽ tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu về các loài rắn độc trên cạn, tập trung vào hơn 10 loài thường gặp. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kết hợp với tri thức dân gian của cộng đồng bản địa để xây dựng các bài thuốc cứu người bị rắn cắn. Toàn bộ các hoạt động này đều hướng đến mục tiêu phi lợi nhuận, với hy vọng mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng.


"Việc thu nọc rắn có thể được coi là công việc nguy hiểm mà không phải ai cũng muốn thử sức, công việc này đòi hỏi phải kiến thức chuyên môn, kỹ thuật và xử lý các tình huống".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo
“TÔI MONG MUỐN CÓ SỰ KẾT HỢP LIÊN NGÀNH TRONG NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HUYẾT THANH KHÁNG NỌC ĐỘC RẮN”
Phóng viên: Tại sao chúng ta cần phải sản xuất huyết thanh đặc hiệu tại Việt Nam?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Mỗi quốc gia có những loài rắn độc phân bố khác nhau với độc tố mang tính chất cũng khác nhau, dù có thể cùng loài. Vì vậy, việc sản xuất huyết thanh đặc hiệu trong nước là điều cần thiết để bảo đảm hiệu quả điều trị tốt nhất, đồng thời giảm giá thành đáng kể so với việc nhập khẩu từ nước ngoài.
Phóng viên: Tỷ lệ người dân nhập viện vì tai nạn rắn độc cắn có xu hướng tăng. Chúng ta chỉ mới có 2 huyết thanh được lưu hành ngoài thị trường. Đây là một khoảng trống thật lãng phí khi những nghiên cứu của các ông vẫn chỉ nằm trong kho?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Theo ghi nhận các số liệu hiện có, thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm có nhiều ca tai nạn do rắn độc cắn được đưa tới các cơ sở y tế. Các bác sĩ thường gửi thông tin hoặc hình ảnh lên nhóm chuyên môn để định danh các loài rắn. Tuy nhiên, ngoài tự nhiên có rất nhiều loài rắn độc, và bệnh nhân đôi khi chỉ mang đến một mẫu vật nhỏ hoặc mẫu vật đã biến dạng, khá là khó khăn cho việc định danh. Chính vì thế, chúng tôi đã xây dựng mạng lưới liên kết các nhà khoa học nghiên cứu độc tố tự nhiên và bác sĩ điều trị để hỗ trợ nhanh chóng khi có trường hợp khó, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả điều trị.


Phóng viên: Ông dẫn dắt, truyền cảm hứng cho các học trò của mình thế nào?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Tôi có tham gia là thành viên của một vài hiệp hội quốc tế như Hiệp hội Hoàng gia Anh về Y học Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ (RSTMH), hay Nhóm Chuyên gia nghiên cứu về Sinh thái các loài rắn Quốc tế.... Nhờ đó, tôi thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ nghiên cứu về rắn và rắn độc với đồng nghiệp quốc tế. Các đối tác từ Nhật, Đức, Mỹ và Nga cũng đang hợp tác với chúng tôi để phát triển hướng nghiên cứu độc tố rắn và áp dụng công nghệ mới. Nhờ các hoạt động nghiên cứu và hợp tác cụ thể này, các học trò của tôi được tiếp xúc, làm việc với các chuyên gia trong nước và quốc tế, từ đó các bạn ý thức được việc nghiên cứu có giá trị nhân văn này.
Tôi vẫn đang có nhiều hợp tác với thầy người Nga của tôi, một năm thầy và tôi cùng dành thời gian 2-3 tháng đi thực địa nghiên cứu. Thầy rất tin tưởng tôi và sẵn sàng hỗ trợ tôi bất kỳ khi nào cần thiết. Thầy luôn động viên, nhắn tin hỏi về những nghiên cứu của mình và theo dõi các nghiên cứu. Mặc dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông vẫn giữ lửa nhiệt với nghề, nên tôi học được nhiều tinh thần cống hiến từ ông. Đôi khi tôi chia sẻ các bạn trẻ có thể chưa để ý, nhưng khi nhìn thấy các hoạt động của tôi với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế, cùng đi thực địa, cùng sinh hoạt đời thường ngoài thực địa,.. các em học viên trẻ sẽ nể, tin tưởng hơn vào sứ mệnh của nghề.
Phóng viên: Tâm huyết và năng lượng theo đuổi ngành còn rất lớn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn đương đầu. Ông mong muốn gì cho những nhà nghiên cứu?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Tôi mong muốn có sự kết hợp liên ngành mạnh mẽ giữa các nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu, trường đại học và bệnh viện.., đồng thời mong muốn các chính sách sẽ tiếp tục hỗ trợ và tháo gỡ những rào cản để công việc nghiên cứu đạt hiệu quả cao nhất.
Mỗi chúng ta cần gạt bỏ bớt cái tôi cá nhân của mình, cùng nhau hướng tới giá trị nhân văn. Các nhà nghiên cứu cùng nhau hợp tác, chia sẻ để tạo ra sản phẩm có ích, trong khi các nhà quản lý tiếp tục hỗ trợ để giải quyết những khó khăn về thủ tục.
Nghiên cứu cơ bản đôi khi phải mất 20-30 năm mới ứng dụng được, hoặc chỉ mở ra ý tưởng để thế hệ sau tiếp tục phát triển. Vì vậy, tôi hy vọng rằng cả cộng đồng khoa học và xã hội đều kiên nhẫn và đồng hành để chúng ta có thể tạo ra những thành tựu ý nghĩa hơn nữa.
Xin cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo!
Mỗi chúng ta cần gạt bỏ bớt cái tôi cá nhân của mình, cùng nhau hướng tới giá trị nhân văn. Các nhà nghiên cứu cùng nhau hợp tác, chia sẻ để tạo ra sản phẩm có ích.
Ngày xuất bản: 1/2/2025
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM - NGỌC ANH
Trình bày: HẠNH VŨ
Ảnh: THIÊN LAM