Nguyễn Thị Oanh, "cô gái vàng" điền kinh sinh năm Ất Hợi, cũng vì thế, người hâm mộ yêu mến gọi cô với biệt danh Oanh “Ỉn”. Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân, Oanh đã chia sẻ về hành trình vượt qua khó khăn, từ chiều cao khiêm tốn cho đến bệnh viêm cầu thận, để sống với đam mê, đem lại vinh quang cho thể thao Việt Nam.
PV: Sinh ra trong gia đình nhà nông, lý do gì khiến Oanh lựa chọn trở thành vận động viên điền kinh?
Nguyễn Thị Oanh: Đến được với điền kinh là cái duyên của Oanh. Từ những ngày hè năm lớp 4, Oanh đã có những bước chạy đầu tiên. Dù chưa thể định hình, cũng như hiểu rõ các nội dung thi đấu nhưng Oanh vẫn quyết đi theo các anh chị trong nhóm chạy của câu lạc bộ xã. Chạy cùng mọi người rất vui dù chỉ trong một kỳ nghỉ hè.
Bẵng đi 4 năm đến lớp 8, Oanh bắt đầu tham gia các giải chạy của trường, huyện, tỉnh dưới sự dẫn dắt của người anh họ. Còn là một cô bé học sinh, Oanh cảm thấy rất vui khi khi được gặp gỡ nhiều người và thi đấu các giải thể thao. Đó là một môi trường vô cùng năng động.
Điền kinh đến với Oanh trước hết là đam mê. Sau này khi mà có cơ hội gắn bó và rèn luyện thì càng hiểu hơn và yêu thích bộ môn này.
PV: Khi 15 tuổi, Oanh suýt không được vào đội tuyển của tỉnh vì chiều cao khiêm tốn. Oanh có thể kể rõ hơn không?
Nguyễn Thị Oanh: Vào cuối năm lớp 9, đầu năm lớp 10, Oanh có một buổi tuyển chọn để xét tuyển vào đội điền kinh của Trường năng khiếu thể thao Bắc Giang (nay là Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Bắc Giang), song thời điểm này, thể hình của Oanh còn hạn chế vì chiều cao khá thấp.
Những gì Oanh nhận được là những cái lắc đầu. Ban tuyển chọn cho rằng cô bé với thân hình nhỏ nhắn như vậy thì không phù hợp với điền kinh để phát triển. Tuy nhiên, Oanh đã được các thầy cô huấn luyện viên trấn an tinh thần, bản thân thì nhắc nhở mình phải cố gắng thi thật tốt. Cuối cùng Oanh đã may mắn được chọn.
PV: Vào thời điểm cuối năm 2014 đến giữa năm 2015, Oanh đã phải nghỉ thi đấu. Vậy với một vận động viên điền kinh, việc quay trở lại đường chạy có khó khăn không?
Nguyễn Thị Oanh: Đây là câu hỏi mà Oanh nhận được rất nhiều. Nhiều đến mức mà Oanh có thể bình tĩnh hơn khi nhắc lại quãng thời gian đó. Cuối năm 2014, sau khi Oanh trở về từ Đại hội Thể dục Thể thao Toàn quốc tại Nam Định thì phát hiện bản thân có những bất thường, đi khám mới phát hiện bị bệnh viêm cầu thận.
Sau quãng thời gian điều trị khoảng 1 năm, Oanh được bác sĩ đồng ý cho phép trở lại tập luyện. Ban đầu Oanh rất vui, nhưng không ngờ khi quay trở lại mọi thứ lại “kinh khủng” như vậy.
Trong quá trình điều trị, Oanh đã sử dụng thuốc và vô tình dẫn đến teo cơ, ảnh hưởng xương khớp, cùng với chế độ ăn kiêng dẫn đến sức khỏe không thể bảo đảm, thiếu chất dinh dưỡng, cơ bắp không còn linh hoạt như trước. Oanh gần như trở về thể trạng yếu ớt.
Thực sự Oanh không thể quên được cảm giác chỉ chạy 1-2 vòng sân đã vô cùng mệt mỏi, toàn thân đau nhức. Lúc đó, Oanh nghĩ không biết liệu mình có thể quay trở lại và tiếp tục chạy, hay phải từ bỏ những mục tiêu còn dang dở trước khi bị bệnh.
Tuy nhiên, bản thân Oanh đã rất may mắn và nhận ra mình không hề cô đơn. Giữa những lúc khó khăn nhất, Oanh có được tình cảm, sự quan tâm của thầy cô, gia đình và bạn bè. Mọi người luôn bên cạnh, động viên và tiếp thêm sức mạnh cho Oanh.
Nếu lúc đó chỉ có một mình vật lộn, có lẽ Oanh khó mà có thể quay trở lại. Mọi người đã giúp Oanh có được như ngày hôm nay. Chính vì thế, những thành tích, kết quả đã đạt được, cùng với nghị lực tiếp bước hành trình phía trước, đều là công lao to lớn mà mọi người đã mang đến cho Oanh. Oanh sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn và trân trọng những điều đó.
Phóng viên: Bắt đầu từ năm 2017, Nguyễn Thị Oanh là một cái tên được nhiều người biết đến khi giành rất nhiều giải thưởng, vậy thì sau khi có được sự nổi tiếng, cuộc sống của Oanh đã thay đổi như thế nào?
Nguyễn Thị Oanh: Oanh luôn nhắc nhở bản thân cần tập trung cho chuyên môn - đó là ưu tiên số 1. Còn sau mỗi giải đấu với những thành tích, nhận được sự chúc mừng, quan tâm của người hâm mộ, Oanh rất vui và hạnh phúc. Oanh luôn lấy đó là động lực để bước tiếp, chinh phục những con đường phía trước.
Oanh tâm niệm rằng, mỗi người hãy làm tốt công việc của mình, hướng đến những mục tiêu, dự định của bản thân cùng với sự đồng hành của người thân và bạn bè. Cá nhân Oanh sẽ luôn cố gắng để không phụ lòng sự kỳ vọng của mọi người. Với mỗi thành tích, Oanh muốn cống hiến cho thể thao tỉnh Bắc Giang nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Phóng viên: Điền kinh đã mang lại cho Oanh rất nhiều thứ, vậy nó có lấy đi gì không?
Nguyễn Thị Oanh: Oanh không nghĩ quá nhiều về các vấn đề để cố gắng hướng tới những suy nghĩ tích cực. Oanh chỉ đơn giản cảm thấy hạnh phúc khi chạy. Đương nhiên, sẽ có những khoảng thời gian vất vả, những lúc yếu mềm, nản lòng, nhưng khi vượt qua được chúng, Oanh trở thành một con người bản lĩnh hơn, sẵn sàng đương đầu với những nghịch cảnh.
Thể thao mang lại cho Oanh nhiều giá trị để có thể lấp đầy “khoảng trống” mà mọi người thường nghĩ Oanh phải chịu thiệt thòi. Oanh cảm nhận được những giá trị của quá trình rèn luyện và thi đấu, chúng giúp ích rất nhiều trong cuộc sống của Oanh.
Phóng viên: Đã bao giờ Oanh muốn kết thúc sự nghiệp điền kinh?
Nguyễn Thị Oanh: Cũng có những thời điểm, Oanh nản lòng với ý nghĩ giải nghệ. Chẳng hạn như lúc mắc căn bệnh viêm cầu thận, Oanh nghĩ, chắc mình không còn cơ hội để sống với những khát khao nữa. Oanh cũng từng cho rằng bản thân yếu đuối, không thể vượt qua trở ngại này. Nhưng mọi người có thể thấy, Oanh đã tiếp bước khi nhận được sự đồng hành, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và gia đình. Từ đó có thêm niềm tin để tiến lên phía trước.
Càng có nhiều khó khăn thì Oanh lại càng nhận ra giá trị mà điền kinh mang lại. Trải qua quá trình tập luyện thi đấu, Oanh phát triển và hoàn thiện bản thân hơn không chỉ về mặt chuyên môn, mà còn cả trong cuộc sống thường ngày - những điều mà Oanh có lẽ sẽ không bao giờ nhận được nếu không gắn bó với điền kinh.
Phóng viên: Điền kinh có ý nghĩa như thế nào với Oanh?
Nguyễn Thị Oanh: Thực sự rất khó để nói hết cảm xúc của Oanh dành cho điền kinh. Nếu nói yêu không thôi thì không đủ, đó còn là một cơ duyên mà Oanh nghĩ không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Có những thời điểm Oanh không thể chạy, như trong khoảng thời gian nghỉ hay đơn giản hơn là sau mỗi giải đấu, Oanh luôn cảm thấy nhớ đường chạy, thiếu đi hương vị trong cuộc sống.
Oanh có thể không tập một buổi đầy đủ và bài bản theo quy trình, nhưng Oanh vẫn cần được chạy. Oanh mong rằng bản thân có thật nhiều sức khỏe để sống trọn với đam mê, đó là được chạy mỗi ngày.
Hiện tại công việc chính của Oanh vẫn là một vận động viên điền kinh. Đây là sứ mệnh để Oanh tập trung tập luyện, thi đấu và mang về thành tích, nhưng bên cạnh đó, chạy cũng giúp Oanh có một hình thể tự tin và năng động hơn. Tất cả điều đó rất có giá trị và có ích trong cuộc sống.
Phóng viên: Quen đi giày thể thao, vậy khi đi giày cao gót, Oanh cảm thấy mình như thế nào?
Nguyễn Thị Oanh: Bên cạnh tập luyện với tư cách một vận động viên nữ, Oanh cũng giống các cô gái khác, đều thích làm đẹp và có những sở thích riêng. Trên đường chạy, Oanh quyết liệt và cứng cỏi. Nhưng khi mang trên mình đôi giày cao gót, hay những bộ trang phục điệu đà hơn thì Oanh hay bị trêu nhìn không giống vận động viên (cười).
Oanh cũng không biết đấy là thật hay mọi người trêu đùa khi thấy hình ảnh khác thường của Oanh so với hằng ngày. Nhưng Oanh cũng rất vui vì điều đó, bởi vì Oanh cũng là một người con gái có nhu cầu làm đẹp. Bên cạnh chạy, Oanh cũng có những sở thích khác cùng những bộ trang phục đa dạng.
Phóng viên: Sau thành tích tại SEA Games vừa qua cùng những đồng nghiệp, Oanh có niềm tin thế nào với điền kinh nữ Việt Nam?
Nguyễn Thị Oanh: Với mỗi một vận động viên không riêng gì nam hay nữ, họ đều có sự quyết tâm, cố gắng với công việc, nhiệm vụ hiện tại của mình. Nhưng để nói về khía cạnh các vận động viên nữ, thật sự các chị em đều rất bản lĩnh khi sống trọn với đam mê và nhiệt huyết. Có những chị đã có gia đình nhưng vẫn theo đuổi được thể thao khiến Oanh vô cùng ngưỡng mộ.
Bản thân Oanh nghĩ rằng, phụ nữ phải chịu rất nhiều tác động từ người thân, đặc biệt sau khi lập gia đình, nhưng Oanh thấy mọi người vẫn giữ vững được sự chuyên nghiệp và tập trung. Những điều đó đã giúp các chị đạt được những kết quả chuyên môn nhất định. Oanh mong rằng, các nữ vận động viên sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn, để thêm phần tự tin và có tinh thần thoải mái nhất, qua đó có thể toàn tâm cống hiến cho nền thể thao Việt Nam.