
“Báo Nhân Dân đã cho tôi cái tên Đỗ Quảng! Những lúc buồn nhất, đau đớn nhất, thách thức nhất, tôi đều nghĩ, sau mình còn có Gốc Đa, là Báo Nhân Dân”. Nhà báo Đỗ Quảng, cây bút phóng sự của Báo Nhân Dân cởi lòng về “nước mắt, nụ cười” nghề báo, nhân dấu mốc 100 năm lịch sử của báo chí nước nhà.
1- Thay đổi
Ông từng làm báo trải qua thời chiến, thời bao cấp, vậy theo ông Báo Nhân Dân bắt đầu chuyển mình sang làm báo theo cơ chế thị trường từ khi nào?
Rõ nhất là sau Đổi mới, khi ra đời tờ Nhân Dân chủ nhật. Phải nói là như được cởi trói, được tự do chọn đề tài, cách thể hiện. Tôi là người đầu tiên được Ban Biên tập điều về Ban Nhân Dân chủ nhật, 10 số đầu thì 9 số tôi viết phóng sự. Chị Mai Nhiễu hồi đó làm phát hành kể, các đại lý hỏi có bài Đỗ Quảng không, nếu có là họ lấy thêm báo. Đó là tín hiệu rõ nhất của thị trường, biết bạn đọc cần gì để viết đúng cái họ cần.
Báo thị trường, phải chăng là “gãi đúng chỗ ngứa” bạn đọc, là tờ báo có cung-cầu thật sự về những vấn đề nghiêm túc của đời sống xã hội?
Nếu thị trường theo nghĩa đó thì tôi có kỷ niệm nhớ mãi. Hồi đó tôi mới học hết phổ thông, vào Đại học Sư phạm được mới mấy tháng. Một hôm tôi đến nhà anh tôi là ông Nguyễn Ứng Chiếm, Thư ký Tòa soạn Báo Nhân Dân, vốn là Trưởng ty Văn hóa tỉnh Phú Thọ được ông Hoàng Tùng lấy về báo.
Hôm đó nhà báo Thép Mới đến chơi. Ông hỏi tôi làm gì, rồi bảo: “Đừng làm anh bán cháo phổi nữa, thích viết lách thì về Báo Nhân Dân”. Thế là tôi về, cùng 72 người nữa.
Tổng Biên tập Hoàng Tùng gặp chúng tôi ở Phòng Bí thư - căn nhà quay ra Bờ Hồ là nơi Ban lãnh đạo ngồi, bảo: “Cuộc tuyển nào cũng phải thi”. Ông Thép Mới thì nói “Tốt nhất là cho đi phát hành báo!”.
Thế là chúng tôi hằng ngày sang Nhà in Báo Nhân Dân Tràng Tiền. Mỗi người được phát 30 tờ báo, một cái loa tôn. Nhiệm vụ là ra bến xe khách, ga Hàng Cỏ, chợ búa, chỗ đông người để tuyên truyền Báo Nhân Dân là gì, báo viết gì, rồi đọc xã luận Báo Nhân Dân cho họ nghe, ai mua thì bán. Tôi thích viết nên anh em bán giúp để tôi đi lấy tài liệu. Bài đầu tiên ký tên “Đỗ Quảng - Đội thanh niên xung phong tuyên truyền báo Đảng”.
Anh Hữu Thọ, anh Lê Điền đọc cũng động viên. Có lẽ, đó là ấn tượng thị trường đầu tiên: Đi bán báo để hiểu bạn đọc cần gì trước khi viết báo.
Còn thị trường thật sự những năm khủng hoảng xuống đáy với loạt bài “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân và câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu", ông cảm nhận ra sao?
Câu nói đó nổi tiếng khoảng những năm 1988-1990. Ở Báo Nhân Dân hồi đó anh em ý thức rõ sự thay đổi. Báo không chạy theo đề tài giật gân, chém giết gì mà là hướng về những chuyện người đọc cần báo Đảng lên tiếng: nỗi oan trái, ách tắc cơ chế; sự trù dập người thẳng thắn đấu tranh; tham ô, tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội... Trước đây báo không nói, ít nói thì bạn đọc không biết. Giờ mỗi số báo ra lại thêm nhiều bạn đọc.
Hồi đó điện thoại để bàn còn ít, chưa có điện thoại di động, người ta đến Tòa soạn đòi gặp bằng được tác giả. Trong TP Hồ Chí Minh có độc giả là ông Nguyễn Thanh Lân - cựu Trung tá Việt Nam Cộng hòa, chồng cũ của diễn viên Thẩm Thúy Hằng bị hai ông quan chức, một ở trung ương, một ở địa phương, ức hiếp ăn hối lộ 5 cây vàng. Ông ấy đọc Báo Nhân Dân, bay ra Hà Nội tìm tôi. Tôi hỏi tài liệu, vào tìm hiểu và viết bài “Phó Chánh án quận “cò mồi” cho quan Thượng thẩm ăn hối lộ”.
Bài báo có được duyệt đăng không? Dư luận ra sao, thưa ông?
Có chứ, tôi phải cảm ơn Tổng Biên tập Hà Đăng cùng Ban Biên tập dũng cảm dám đăng.
Vì sao nói thế, vì ông ấy nhân thân vốn là sĩ quan chế độ cũ, mới đi cải tạo về. Đối tượng bị kiện là cán bộ, quan chức đương thời. Người viết là phóng viên chưa phải đảng viên. Tờ báo dám đăng là Báo Nhân Dân, Cơ quan Trung ương của Đảng. Từng ấy yếu tố đã đủ áp lực chưa?
Tôi hồi đó vào TP Hồ Chí Minh chưa nhiều, nghe kể bạn đọc hỏi anh em cơ quan Thường trực tại đó, “Đỗ Quảng là ông nào mà dám viết bài bênh một người có lý lịch, thân nhân như thế trên báo Đảng? Báo Nhân Dân chơi ngon! Để tụi này lấy vé rước ông Quảng vào đây xem mồm ngang mũi dọc thế nào”. Vụ ấy, uy tín Báo Nhân Dân trong các vùng mới giải phóng tăng lên rất cao.
"Thị trường" phải hiểu đúng, là cái gắn liền với cuộc sống người đọc, là cái họ muốn biết, muốn hiểu. Họ cần đọc gì thì mình viết, thông tin cái đó. Hồi đó, việc minh bạch, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật - dù hiện thực buồn, là điều người ta cần. Họ muốn biết về chủ trương, đường lối, quy định pháp luật; cách thức làm ăn mới, kiếm tiền, làm giàu chính đáng; cơ chế ách tắc, mất dân chủ; cán bộ, quan chức sai phạm, nhũng nhiễu dân... đó là điều người ta cần - là thị trường đúng nghĩa.
Tác giả và nhà báo Đỗ Quảng. Ảnh: Hoàng Xuân Thắng
Tác giả và nhà báo Đỗ Quảng. Ảnh: Hoàng Xuân Thắng
Thế hệ gen Z..., chắc không thể biết từ “con buôn, con phe”. Một thời, đó là cách nghĩ ấu trĩ của xã hội với người kinh doanh, buôn bán. Bài viết đầu tiên của ông về doanh nhân, doanh nghiệp có bị áp lực không?
Thời đầu bung ra, nhiều vấn đề lắm, từ chuyện oan khuất, làm sai pháp luật, đến bức xúc của nhân dân, doanh nghiệp...
Cùng một công ty ở Vinh, Báo Nhân Dân có một anh Phó ban và một anh thường trú cùng viết. Anh thì khen, anh thì chê! Hai ông hai góc nhìn ngược nhau. Hội thảo nghiệp vụ ở Báo Nhân Dân, tôi đặt vấn đề lấy tài liệu như thế nào, đứng trên quan điểm nào, góc độ nào, lợi ích của ai để viết?
Rồi vụ Báo Nhân Dân bảo vệ Công ty 3C với bài viết của tôi “Một vụ trốn thuế hay một vụ nhầm lẫn?”. Tôi yêu cầu họ đưa tài liệu về hoạt động kinh doanh và nộp thuế, hóa đơn chứng từ đi kèm rồi nhờ bạn bè chuyên gia thẩm định để chứng minh cho quan điểm nghiệp vụ của mình là họ không trốn thuế.
Ở đây phải nhấn mạnh, phóng viên dám làm, không sợ, nhưng một mình phóng viên không quyết định được bài đăng. Lãnh đạo nếu bản lĩnh, đồng hành, hiểu nghề, hiểu người, tin phóng viên và sẵn sàng chia lửa thì anh em mới xả thân, hết lòng vì nghề, vì tờ báo được. Chứ hô hào anh em “chiến đấu”, nó lại chạy lên dừng bài được, hoặc vì an toàn cái ghế mà mà bỏ bài vô lý thì làm sao quân nó phục?
"Thị trường" phải hiểu đúng, là cái gắn liền với cuộc sống người đọc, là cái họ muốn biết, muốn hiểu. Họ cần đọc gì thì mình viết, thông tin cái đó.
- Nhà báo Đỗ Quảng -
In Báo Nhân Dân
In Báo Nhân Dân
2- Lằn ranh
Nhà báo Hữu Thọ những năm 90 của thế kỷ trước có bài về cái “phong bì”. So với chuyện cho nhau một căn hộ, một dự án, một va-li khóa số bây giờ... thì cái phong bì ba chục, năm chục hồi ý, kể cũng tội?
Làm báo hồi kinh tế thị trường mới tràn vào, nó đáng nhớ lắm!
Tôi vào TP Hồ Chí Minh, bạn bè, em út ông Lân kể trên, nhất định đòi tài trợ cho tôi vé máy bay của Vietnam Airlines, lúc đó 120.000 đồng/chiều bay, tương đương 2 chỉ vàng. Tôi bay vào đó, người bảo “tặng anh 1 vé”, người bảo “em tặng 2”. Tôi bảo mình đi công tác, có chế độ rồi nhưng họ vẫn nài bằng được, để “khi nào anh nhớ chúng em lại vào”. Mỗi người cho một ít thế mà tôi có tiền ra chợ Bến Thành mua được cả cây vàng. Tôi là phóng viên đầu tiên ở báo những năm 90 thế kỷ trước mua được Honda 82-89 đập hộp, rồi điện thoại di động Motorola quay tít tít là hiếm lắm.
Thời đầu, xã hội làm giàu say mê, nhiều doanh nghiệp, quan chức, nhà báo đã phải “trả giá”. Theo ông “ranh giới đỏ” là gì?
Nói thật nhé, là con người, ai chả thích vật chất! Nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, danh lợi, ai chả muốn. Nhưng đến độ nào đó phải dừng lại, đó là lằn ranh. Họ mời mình đi, bao tiền vé, ăn nghỉ thì được. Chứ bán rẻ nhà, cho tặng nhà thì tôi không mua, không lấy. Không là không! Lấy nhà của họ, sao tôi còn nhìn mặt họ được?
Làm thế nào cân bằng, nuôi dưỡng niềm tin vào con người - đôi khi rất trong sáng thơ ngây - để làm việc, trong khi phóng sự điều tra phải thường trực thái độ hoài nghi, lạnh lùng như câu cửa miệng của ông: “Có tài liệu không, đưa tài liệu đây”?
Ngoài cái chốt an toàn đó, thêm câu hỏi nữa: “Có dám chơi đến cùng không”. Kể cả với luật sư-thân chủ, tôi cũng phải hỏi: “Có dám bán nhà bán cửa để theo đuổi không?”.
Khi họ quyết tâm, điều đó phản ánh họ tin ở lẽ phải và dám bảo vệ đến cùng. Vậy thì mình phải có trách nhiệm đồng hành giúp đỡ họ - những người yếu thế, thấp cổ bé họng, chỉ còn biết đặt niềm tin ở mình, ở báo mình, ở công lý.
Nghề này được rất nhiều nếu mình dám sống thật, dám đeo đuổi nghề tận cùng. Khi anh tin, bênh vực cái mình cho là đúng thì đương nhiên, anh sẽ phải chấp nhận hậu quả và hệ lụy của nó và ngược lại! Yêu ghét là thường mà! Điều quan trọng là chả có gì quan trọng!
Nhà báo Phạm Thanh (người mặc áo khoác trắng) cùng nhà báo Đỗ Quảng (người đầu tiên, bên trái), phỏng vấn phi công lái máy bay B52 Mỹ bị bắt tại bãi đá Phương Liệt, Hà Nội đêm 25/12/1972. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Nhà báo Phạm Thanh (người mặc áo khoác trắng) cùng nhà báo Đỗ Quảng (người đầu tiên, bên trái), phỏng vấn phi công lái máy bay B52 Mỹ bị bắt tại bãi đá Phương Liệt, Hà Nội đêm 25/12/1972. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Nhà báo Đỗ Quảng khai thác tài liệu, trò chuyện với Nguyễn Văn Mười Hai tại khám Chí Hòa, TP Hồ Chí Minh.
Nhà báo Đỗ Quảng khai thác tài liệu, trò chuyện với Nguyễn Văn Mười Hai tại khám Chí Hòa, TP Hồ Chí Minh.
3- Giữ nghề
Thay đổi phong cách phóng sự (từ thời chiến tranh phá hoại, thời chiến đấu ở Campuchia rồi chiến tranh biên giới phía bắc, vượt biên di tản thời hậu chiến) sang các đề tài đời thường sau Đổi mới, ông lấy chất liệu ở đâu?
Nhìn lại lịch sử, Báo Nhân Dân đã có những chuyển động, đột phá mạnh mẽ, chuyển hướng thông tin, làm nét các thể loại bình luận, phóng sự, điều tra, ghi chép từ chất liệu, quan sát cuộc sống, đơn từ bạn đọc, hồ sơ cơ quan chức năng, đi thực tế thâm nhập lấy vốn sống.
Hồi tôi viết về gián điệp Lý Nghiệp Phu sau năm 1979, tôi đóng cửa phòng, đọc hồ sơ Bộ Công an cung cấp hằng tuần, rồi đi thực tế.
Khi viết mấy kỳ, ở trên còn gọi xuống hỏi, “Đỗ Quảng lấy tài liệu này ở đâu ra mà viết ghê gớm thế”. Cái thằng sĩ quan đội lốt ăn mày, ăn xin, ngày lê la xó chợ, góc phố, nhặt rác, ăn đồ ăn thừa để nghe ngóng lấy tin, tối về uống thuốc thải độc lại tỉnh quéo!
Khi chuyển sang những đề tài sau Đổi mới như “Đồng” Chi, Lan “lừa”, “Tàu lên xứ Lạng”, “Thư ký tòa “cò mồi” cho quan Thượng thẩm ăn hối lộ”, “Mát xa ba công đoạn”, “Những quái kiệt làm đồ cổ rởm”... tôi từng viết trên Nhân Dân chủ nhật đã phản ánh đúng thực tiễn hồi đó.
Cái gì chính thống, không có ở báo khác, hoặc có nhưng độc giả muốn kiểm chứng đúng-sai, thì họ đọc Báo Nhân Dân. Còn đề tài phóng sự điều tra ở Báo Nhân Dân là những vấn đề nghiêm túc, bảo vệ pháp luật, bảo vệ cái đúng, nếu cộng thêm sự dụng công sáng tạo, in dấu ấn phong cách tác giả thì sẽ được nhớ.
Thật ra, cái bạn đọc quan tâm chưa hẳn những gì to tát mà là chuyện “cơm áo gạo tiền”, thiết thân. Có khi là một sáng tạo của người viết, thí dụ “Mát-xa ba công đoạn” là khái niệm tôi đưa ra khi viết về những ăn chơi nhố nhăng của thời mới mở cửa. Rồi góc khuất của nghề làm đồ cổ giả trong “Những quái kiệt làm đồ cổ”... cũng được nhiều bạn đọc nhớ lâu.
Ông có tạng phóng sự riêng, mô tả, kể chuyện, ngôn ngữ, nhân vật chả giống ai. Phóng sự điều tra ở Báo Nhân Dân có khác gì các báo bạn?
Thời chúng tôi làm thì thấy khá rõ sự phân định riêng, tự nhiên thế, cứ thế làm thôi, “nước sông không đụng nước giếng”.
Phóng sự điều tra liên quan chính trị, xã hội chính thống, nghiêm ngắn là Đỗ Quảng (Nhân Dân); phóng sự điều tra vụ việc, nhân vật nổi tiếng, có chất khảo cứu là “tạng” của Xuân Ba (Tiền Phong). Còn phóng sự điều tra về mạo hiểm, cần cái “tôi” người viết thâm nhập, khám phá, soi rọi là Huỳnh Dũng Nhân (Lao Động), kiểu “Tôi đi bán tôi” ấy...
Đấy cũng là nhận xét của những luận văn khi khảo sát tác phẩm của chúng tôi. Hội đồng chấm luận văn về thể loại phóng sự, điều tra của Khoa Báo chí cũng hay mời tôi, các anh Xuân Ba, Huỳnh Dũng Nhân... còn các báo nhìn nhận như thế nào thì tôi cũng chưa có điều kiện khảo sát hết.
Ông có hay bị cắt bài, gác bài, bỏ bài gai góc không? Thái độ của ông khi gặp chuyện đó là gì?
Tôi ít khi bị bỏ bài, gác bài. Ở Báo Nhân Dân có một quy định bất thành văn, khi lãnh đạo đã không duyệt ở ấn phẩm này, thì không được “thay tên đổi họ” chuyển đăng ấn phẩm khác, cũng ngại đưa báo khác khi chính báo mình không duyệt. Nhưng đáng nhớ nhất là loạt phóng sự 10 kỳ của tôi đăng trên báo Độc Lập của Đảng Dân chủ lúc bấy giờ.
Trước đó là tôi đi thực tế với công an các tỉnh có người vượt biên, rồi gặp người Việt trốn đi không được... viết bài cho Báo Nhân Dân. Dù tôi đã “đứt lưỡi” xin rút từ 10 xuống 5, rồi từ 5 xuống 3 rồi 3 xuống 1 kỳ cũng không được, lãnh đạo vẫn không cho đăng, bảo là lý do “nhạy cảm”.
Cực chẳng đã, tôi đưa cho các anh Ngô Quân Miện - Tổng Biên tập báo Độc Lập, Cơ quan Trung ương của Đảng Dân chủ và anh Việt Sơn, Phó Tổng Biên tập. Ban Biên tập họp luôn trong đêm và quyết định cho đăng, dù cũng có băn khoăn: “Báo Nhân Dân không đăng thì báo mình đăng có tiện không”.
Thật ra, đã máu nghề thì dứt khoát phải “khai sinh” cho con mình, chưa kể tự ái nghề vì bản báo, vì lợi ích chung. Nhưng ở góc độ kỷ luật xuất bản của mỗi tòa soạn thì cũng có thể hiểu được cân nhắc đó?
Thì tôi đã từng bảo vệ quan điểm “những bài báo vượt rào, phá cách là những bài báo hay” mà. Loạt bài đó, bà Hân vợ tôi bấy giờ đang học ở Hunggary nói bạn đọc ở nước ngoài đặc biệt quan tâm theo dõi qua Đài Tiếng nói Việt Nam, đọc trong chương trình đặc biệt dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc. Loạt bài đó đoạt Giải A Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Công an trao Giải Đặc biệt và tặng Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Anh Hữu Thọ mắng tôi: “Chú mày là loại chất xám di tản”. Tôi hiểu cũng là “chơi chữ”, là mắng yêu tôi thôi. Bất đắc dĩ tôi mới phải thế! Tự ái nghề là cái cần phải có. Để dám theo đuổi đến cùng cho đứa con tinh thần của mình không chết. Vì cuối cùng theo tôi, phải vì bạn đọc, bảo vệ uy tín bản báo, không thể im lặng, để “thối” bài, chìm xuồng những vấn đề có lợi cho đất nước.

Nghề báo, nếu mình làm nghề đúng nghĩa vì lương tâm thì đó là nghề cao quý!
Cả đời tôi sống và thành danh với báo, trưởng thành từ anh phát hành, bán báo cho đến “phóng viên đặc biệt”. Tôi hay nói, làm báo không có gì mà có tất!
Đó là tài sản vô giá của tôi. Tôi biết ơn và tự hào về điều đó!
4- “Vết thương chữ nghĩa”
Tính cách làm nên số phận và nghề nghiệp cũng góp phần tạo ra số phận, Nghề cho ông niềm tự hào vinh quang nhưng có lấy đi của ông sự bình yên?
Nói thế này, vui cũng nhiều, buồn cũng nhiều! Được nhiều, mất cũng nhiều. Vinh có, mà nhục cũng có! Mình làm việc mà có lúc, trong mắt vợ con cùng người thân, bạn bè, mình như là đồ ăn chơi trác táng! Mất vợ cũng có phần vì nghề... 7 năm từ khi mổ cắt hai nốt ung thư dạ dày, thực quản, ngồi trên giường bệnh mà viết bài báo “Tôi viết điếu văn cho tôi”, đến giờ sống thêm ngày nào là “lãi” ngày ấy.
Trong số những người ruột thịt, thân quen vào thăm tôi hồi đó ở bệnh viện, giờ đã có 23 người “đi” rồi. Đêm viết thơ, viết báo, rồi có lúc ngủ ở đivăng, mở mắt dậy chung quanh toàn là sách, báo.
Nhà văn Bùi Việt Thắng viết: “Ngày nào với Đỗ Quảng cũng là ngày áp chót của cuộc đời này” là ý nhị, tinh tế lắm.
Hồi viết về làn sóng vượt biên, có lúc nào, ông thấy đau lòng khi chưa thể đưa hết lên mặt báo những mặt trái của nó?
Đó là một giai đoạn khó khăn của đất nước, thật sự nhiều điều buồn. Một mặt, mình phải lên án, cảnh tỉnh về mưu đồ chống phá đất nước, xúi giục gây bất ổn, tạo làn sóng ra đi, trục lợi làm tiền trên những số phận khốn khổ. Nhưng còn những số phận phải bỏ xứ mà đi vì cơm áo gạo tiền, đói khổ; vì phân biệt đối xử, thành kiến, trù dập; những chính sách nôn nóng, bất cập ấu trĩ; những hành vi trục lợi, phạm tội trên đầu người dân của một số người trong bộ máy công quyền thoái hóa, biến chất.
Hồi những năm 1984-1985, báo chí đưa công khai vụ xét xử ông Mười Vân (tức Nguyễn Hữu Giộc, cựu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai) tham nhũng, nhận hối lộ, lấy vàng, lấy tiền để đưa người vượt biên. Rất đau xót!
Làm phóng sự điều tra ở Báo Nhân Dân, theo ông phải có phẩm chất gì?
Là khách quan, trung thực, dám làm tới cùng, dám sống thật với chính mình và với nhân vật.
Vậy còn mối nguy hiểm nhất với người cầm bút?
Là không tôn trọng sự thật, thiếu tài liệu, không dám đi đến tận cùng. Chốt lại là anh có dám sống chết vì nghề không? Trong nghề nhiều cạm bẫy lắm: chức quyền, tiền, gái... sa chân, chủ quan, tham lam, coi thường là chết. Danh dự phải là trên hết!
Nhìn lại đời làm báo của mình, nhân dịp 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, ông sẽ nói gì?
Nghề báo, nếu mình làm nghề đúng nghĩa vì lương tâm thì đó là nghề cao quý!
Báo Nhân Dân đã cho tôi cái tên Đỗ Quảng! Những lúc buồn nhất, đau đớn nhất, thách thức nhất, tôi đều nghĩ, sau mình còn có Gốc Đa, là Báo Nhân Dân. Trong lịch sử 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Nhân Dân đã giữ một vị trí xứng đáng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đất nước và với làng báo. Nhân Dân là một thương hiệu, đã tạo nên một giá trị, diện mạo, vị thế riêng. Tôi đảng viên không, lãnh đạo không, chức to nhất là Chủ tịch Công đoàn mấy khóa, trước sau chỉ là một anh nhà báo, nhưng tôi luôn ý thức, sau tôi là uy tín tờ báo được bao người xây đắp. Cả đời tôi sống và thành danh với báo, trưởng thành từ anh phát hành, bán báo cho đến “phóng viên đặc biệt”. Tôi hay nói, làm báo không có gì mà có tất!
Đó là tài sản vô giá của tôi. Tôi biết ơn và tự hào về điều đó!
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
