Nhà dân tộc học
Nguyễn Mạnh Tiến:

Nhìn từ núi để thấu hiểu Việt Nam đa tộc người

Ruộng bạc thang Hoàng Su Phì. (Ảnh: VOV)

Ruộng bạc thang Hoàng Su Phì. (Ảnh: VOV)

Cảm giác vừa thu mình lại, chìm sâu vào những chồng lớp lịch sử lại vừa vươn ra thực địa, trải lòng mình, dấn thân vào đời sống các tộc người-ở Nguyễn Mạnh Tiến là song hành, cộng hưởng.

Tỉnh táo đi cùng bay bổng. Coi trọng thực chứng nhưng không trói buộc, ngăn trở con tim đập những nhịp tự do, phóng khoáng. Nhà dân tộc học hoạt động độc lập, dấu chân in khắp nhiều vùng cả nước sẽ nói gì về một nghề khắc nghiệt nhưng cũng đầy những khoảnh khắc rung động cộng cảm với đời sống để hiểu hơn một Việt Nam đa tộc người?

Đấy là mấy dòng ngắn gọn in ở bìa những cuốn sách của Nguyễn Mạnh Tiến - nhà dân tộc học sinh năm 1983. Nhưng, những đóng góp của anh là đáng kinh ngạc đối với bất kỳ người đọc nghiêm cẩn nào.

Với hàng nghìn trang sách mà phía sau đó là những dặm dài thực địa liên tục suốt hàng chục năm, Nguyễn Mạnh Tiến nỗ lực mang đến cho chúng ta sự thông hiểu các tộc người, tiến tới việc hiểu Việt Nam trong tính tổng thể, phức tạp trong chiều sâu với nhiều cảm xúc hơn.

Những chia sẻ thẳng thẳn, chân thành của Nguyễn Mạnh Tiến với Nhân dân điện tử còn là những gợi mở dành cho các bạn trẻ để thấu hiểu về nghiên cứu dân tộc học - một cách độc lập - một “nghề” đầy hấp lực với những cuộc phiêu lưu, trải nghiệm và không ít thử thách.

Tôi đánh giá cao độc giả trẻ hiện nay!

Phóng viên: Những đỉnh núi du ca: Một lối tìm về cá tính H’mông” liên tục tái bản kể từ lần ra mắt đầu tiên năm 2014. Buổi đầu của tác phẩm này có phải cũng là lần “ra mắt” của Nguyễn Mạnh Tiến với tư cách một cây bút dấn thân với dân tộc học?


Nguyễn Mạnh Tiến:

Bản in đầu tiên của “Những đỉnh núi du ca: Một lối tìm về cá tính H’Mông” do SongThuy bookstore giúp in ấn và NXB Thế giới đứng ra ấn hành năm 2014. Khi tác phẩm này xuất hiện thì độc giả trong nước mới biết đến mình, sau đó là độc giả quốc tế - họ chú ý, tìm kiếm nhiều hơn.

Có rất nhiều buổi giới thiệu và ra mắt sách, ở các đại học, trường, viện và nhiều nơi khác, trong đó, buổi ra mắt sách đáng chú nhất là ở Đại sứ quán Thụy Sĩ với sự tham gia của đại diện 23 Đại sứ quán và Lãnh sự quán tại Việt Nam. Những sự kiện đấy, thúc đẩy để 500 bản đầu tiên bán hết rất nhanh. Bản in đầu tiên, khổ lớn, trên giấy trắng, khá nặng, giờ tìm rất khó và giới chơi, sưu tầm sách có thời điểm còn phát giá mua vào gấp hàng chục lần giá gốc, nhất là những cuốn có thủ bút tác giả.

Từ sau tác phẩm này, các nhà sách và NXB mới tìm đến tôi để hợp tác xuất bản và công việc của tôi chạy đều đến nay.

“Khai nguyên Rồng Tiên” tác phẩm mới nhất của Nguyễn Mạnh Tiến cho thấy những góc nhìn mới mẻ, thú vị về huyền thoại nguồn gốc dân tộc.

“Khai nguyên Rồng Tiên” tác phẩm mới nhất của Nguyễn Mạnh Tiến cho thấy những góc nhìn mới mẻ, thú vị về huyền thoại nguồn gốc dân tộc.

Phóng viên: Từ việc “Những đỉnh núi du ca: Một lối tìm về cá tính H’Mông” đến nay vẫn tái bản, cùng các đầu sách trong dự án Hiểu Việt Nam cũng đang rất chạy, anh nghĩ gì về độc giả sách nghiên cứu hiện nay, nhất là người đọc trẻ?


Nguyễn Mạnh Tiến:

Tất cả sách trong Tủ sách Hiểu Việt Nam – một dự án sách độc lập kết nối với các học giả trước hết với tư cách là “những người bạn”, sau là những học giả tìm kiếm một không gian in ấn tự do hơn, không lệ thuộc cơ chế xin cho của các hệ thống phát hành quốc doanh, đến nay, không một cuốn nào không bán chạy. Phần lớn các sách đều tái bản, nối bản ngay sau khi phát hành lần đầu 1-2 tháng. Cá biệt có những ấn phẩm bán đến nhiều nghìn quyển.

Lực lượng đọc trong nước hiện nay là đủ lớn, tôi đánh giá rất cao họ. Một cộng đồng đọc mới đang hình thành. Thứ nhất là họ chịu đọc hơn, thứ hai là chịu chơi hơn. Họ có thể bán đấu giá bản đặc biệt một cuốn sách lên đến vài chục triệu đồng; với sách của tôi, dòng sách khảo cứu, dân chơi mua vào cao nhất cũng chỉ khoảng vài triệu đồng.

Phóng viên: Điều này có phải là do sách nghiên cứu ngày một phong phú và chất lượng không?


Nguyễn Mạnh Tiến:

Tôi nghĩ, mấu chốt là in ấn Việt Nam hiện nay đang dần tạo được môi trường kinh tế học thuật. Không gian xuất bản hiện nay rộng hơn, tự do hơn, hiệu quả kinh tế rõ hơn. Dân khảo cứu dần tìm được tiếng nói trong tự chủ xuất bản. Trước đây, phải xin dự án nhà nước để làm sách, số lượng in ít, chất lượng in không tốt, chưa kể phải xếp hàng hết hơi chờ được in.

Giờ đây nhà sách tìm đến mình, độc giả cần sách mình. Không thiếu việc để làm. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc mình phải làm sách nghiêm túc và cẩn thận, tạo được sức hấp dẫn để người đọc sẵn sàng xuống tiền mua. Thứ nữa là sách phải thật đẹp.

Một điều quan trọng khác là hiện nay, nhiều NXB, đối tác xuất bản đều có nhân sự trẻ, giỏi nghề. Họ có thể phản biện, cộng hưởng với tác giả để nâng cao chất lượng tác phẩm. Họ có con mắt xanh để tìm kiếm bản thảo chất lượng.

Thí dụ như Tao Đàn - đơn vị quen, thường cùng tôi thực hiện dự án Hiểu Việt Nam - tôi xem họ như bạn chứ không chỉ đơn thuần là một đối tác, cho dù, khởi đầu đến với nhau chỉ là đối tác xuất bản. Tôi gọi những mối quan hệ như vậy, là tình bạn dựa trên “tình cảm xuất bản”. Tôi cho rằng đấy là một chỉ dấu tích cực, một sự phát triển có tính bền vững của đời sống xuất bản Việt Nam hiện nay. Đơn vị xuất bản trân trọng học giả và học giả cũng trân trọng xuất bản. Tình cảm xuất bản sẽ giúp hiện hữu những sách vừa chất lượng, vừa đẹp.

Độc giả trẻ bây giờ có trình độ đọc tốt, đặc điểm là đa ngữ, kênh thông tin nhiều. Sự đọc vì thế với họ được quyết định từ chất lượng tác phẩm. Tôi không rõ giới trẻ bây giờ có giàu hơn trước hay không nhưng chịu chơi hơn là điều chắc chắn. Họ sẵn sàng xuống tiền cho sách không tiếc miễn là sách làm lòng họ ưng.

Nhiều nhà nghiên cứu quyết định chất lượng tác phẩm  bằng chính năng lực của họ. Ở nam, như Cao Tự Thanh, Phạm Hoàng Quân… căn bản là người tự học, bằng cấp không phải vấn đề. Tín thế của họ bầu lên địa vị của họ. Ở bắc, Trần Quang Đức, Châu Hải Đường… trình độ vượt lên trên nhiều loại bằng cấp, học hàm, học vị bây giờ. Người trẻ tuổi tìm đến tác phẩm của họ, bởi họ biết đó là những kênh tri thức tin cậy. Vậy thôi!

Phóng viên: Như thế là người làm nghiên cứu về cơ bản có thể sống được bằng nghề?


Nguyễn Mạnh Tiến:

Tôi không thật rõ tình cảnh người khác thế nào, nên không lạm bàn? Với tôi, thật khỏe xoay sở, lại tri túc thì tôi nghĩ cũng là tạm đủ! Bởi tất nhiên so với nhiều ngành nghề khác thì không thể so được, quá chênh lệch về mặt thu nhập, nhưng ít nhất đối với một nhà nghiên cứu như tôi, với bối cảnh xuất bản hiện nay thì nó tạm đủ không gian để có thể xoay sở mà làm việc độc lập và theo đuổi các dự án của riêng mình.

Mỗi một cuốn sách trước khi thuyết phục người đọc thì phải thuyết phục mình trước

Phóng viên: Anh thực hiện những cuốn sách của mình như thế nào, nếu như “Những đỉnh núi du ca…” mất đến 5 năm thực địa?


 Nguyễn Mạnh Tiến:

Nhân học sức mạnh bản chất là tập hợp tri thức và dữ liệu từ thực địa.

Khi làm cuốn sách này, thu thập dữ liệu từ thực địa thì cùng một lúc có khi mình cũng đã thực địa cho cuốn sách khác rồi. Tôi vẫn đang có cùng lúc nhiều bản thảo như về nhà H’mông, về tang lễ H’mông… nhưng  điều đó không có nghĩa là bây giờ tôi mới bắt đầu thực địa và bắt đầu viết.

Du ca khởi nguồn từ những năm 2011-2012, và cứ theo dòng thời gian trôi, nguồn dữ liệu cả thực địa cả lưu trữ được tập hợp. Chính dữ liệu định khung cho nội dung sách. Trong quá trình thực địa làm Du ca, tôi tình cờ gặp đám tang, một lễ shaman, những nếp nhà H’mông cổ xưa… tôi đều ghi lại, chú giải tư liệu tỉ mỉ để sẽ dùng đến ngày sau nếu cần…

Nguyễn Mạnh Tiến với người Dao Bắc Kạn (năm 2013).

Nguyễn Mạnh Tiến với người Dao Bắc Kạn (năm 2013).

Nhưng khi nào một cuốn sách dân tộc học ra đời? Đó là, trong hỗn độn hàng loạt các dữ liệu cả lưu trữ và chủ yếu là thực địa thì khi nhà dân tộc học cảm thấy một chủ đề nào đó, bộ dữ liệu tộc người đã đủ độ chín, đạt đến một cảm quan bản địa, lại đồng thời tìm được một mạch kể tương thích thì khi đó tôi sẽ “chung kết”. Sách ra đời.

Phóng viên: Vậy, sau những bước đi dài, đã chín về dữ liệu thì điều quan trọng là lắng xuống để tìm một cách kể?


Nguyễn Mạnh Tiến:

Vâng! Vấn đề là sắp xếp dữ liệu thế nào và phải kể câu chuyện ra sao. Làm thế nào để tự sự của mình giúp cho người đọc có thể hiểu gần nhất với điều mình muốn trình bày và tồn tại sinh động tộc người, và quan trọng, khi đọc, phải cảm thấy hay.

Nếu chỉ khảo cứu theo lối trường quy viết một luận văn, luận án thì chỉ việc đưa dữ liệu vào theo chương, mục là thành. Nhưng như lối viết dân tộc học của tôi thì tất cả không chỉ có thế mà còn liên quan đến cảm hứng. Đến một lúc nào đó, khối dữ liệu phong phú ấy còn cần đến một mạch bay bổng hay ly kỳ để chắp cánh. Điển hình như cuốn “Ngôi nhà Mông”, dù tôi đã có rất nhiều tư liệu trải từ Thanh-Nghệ ra bắc, nếu chỉ để nói nguồn gốc, ý nghĩa dân tộc học của cách dựng ngôi nhà, vật liệu, cấu trúc… thì chỉ cần chưa đầy một tháng là có thể làm xong quyển sách.

Nhưng đến giờ, tôi vẫn chưa thể nào dứt điểm được vì chưa tìm thấy một mạch chuyện để kể. Nên kết quả là, tôi vẫn cứ để nó như vậy thôi, một đống dữ liệu bề bộn được xếp theo chương mục cho tiện theo dõi, kiểm soát. Có thể là rất lâu nữa quyển sách này mới ra đời, chỉ khi nào mạch cảm xúc trong tôi đủ chín, thì chỉ khi đó, tôi mới có thể kể câu chuyện của mình, theo cái cách mình cảm thấy thích.

Bởi lẽ, mỗi một cuốn sách trước khi thuyết phục người đọc thì phải thuyết phục mình trước.

Mỗi người đều có rất nhiều câu chuyện để kể, nhưng người ta sẽ kể chuyện gì mình tâm đắc nhất cho ai đó, vào thời điểm nào đó. Những câu chuyện khác ta sẽ kể với người khác hoặc vào lúc khác.

Phóng viên: Tập hợp tư liệu là một công việc đặc biệt quan trọng với nhà nghiên cứu, nếu không muốn nói là có tính quyết định với tác phẩm. Anh hẳn cũng có cách làm tư liệu riêng?


Nguyễn Mạnh Tiến:

Cách làm việc của  tôi thực ra khá đa dạng, không quá cố định.

1. Cách thường sử dụng hơn cả với tư liệu văn bản dưới cách hình thức là chia ra các ô tư liệu, nhiều khi hơi cơ giới (cười), giống khi xưa có cụ chia tư liệu trong những cái tráp, hộp vậy.

Thí dụ tất cả những dữ liệu về “Khai nguyên Rồng Tiên”, về “Ngôi nhà Mông”, về “Chợ”, về “miền núi với nhà Lê trung hưng”… thì khi đọc được những tư liệu loại nào, mình sẽ để vào ô đấy. Theo thời gian dữ liệu sẽ càng lúc càng đầy.

2. Với tư liệu thực địa, hình ảnh, chép tay, ghi âm… cứ mỗi lần đi thực địa về thì mình phải xử lý, như gỡ băng, kiểm kê lại sổ ghi chép, soạn lại tư liệu và lại sắp vào các ô liên quan.

Tôi luôn song song ghi âm, ghi tay. Nhiều khi ghi âm không tiện thì mình phải tốc ký. Đêm về, hoặc lúc tiện nhất phải nhặt ra, lưu lại những điểm mấu chốt. Những cuốn sổ thuộc khu vực tư liệu nào thì về phân loại, xếp vào khu vực ấy. Phải luôn có nhiều sổ ghi chép truyền thống, vì nhiều vùng thực địa chỉ thích hợp ghi tay.

Phóng viên: Sống với tư liệu là một dạng lao động vừa đầy hứng khởi nhưng đòi hỏi tính kỷ luật?


Nguyễn Mạnh Tiến:

Điều ấy hiển nhiên.

Thí dụ, hiện tôi đang xử lý hàng nghìn bài báo đầu thế kỷ XX liên quan đến một vài chủ đề về miền núi tôi đang theo đuổi. Việc xử lý hàng nghìn bài báo như vậy rất tản mát, hơi cơ giới, nhiều khi khá mệt mỏi. Nhưng làm khảo cứu giống như việc đi đường dài, có khi mất hàng năm, nhiều năm trời.

Nó vừa bay bổng nhưng cũng hơi vật lý. Ví như mỗi ngày, mình phải tự ấn định một khung giờ cho việc xử lý tư liệu, sau đó, xong việc mới chuyển qua việc khác. Định khung ấy, cố gắng thực hiện được tốt nhất có thể, vì thực sự, không thể nào theo sát được “kế hoạch” nhưng “lịch xử lý tư liệu có đó” nó nhắc nhở ta phải hoàn thành. Ngoài khoảng thời gian ấy, lại dành cho các chủ đề nghiên cứu khác.

Nguyễn Mạnh Tiến tại làng người Việt, Sơn Tây năm 2016.

Nguyễn Mạnh Tiến tại làng người Việt, Sơn Tây năm 2016.

Thực địa cũng vậy, phải đi lại nhiều lần. Thí dụ, khi tôi thực địa cho “Khai nguyên Rồng Tiên”, mường nào lớn phải quét tư liệu đến 1-2 năm. Sau đến một mường khác ít quan trọng hơn thì có thể mất 5-7 tháng, ít quan trọng nữa có khi chỉ một đôi tuần. Khi nào tập hợp bộ tư liệu đủ lớn, lại có mạch kể thì mình khởi dựng tác phẩm.

Một hai chuyến đầu tiên đến một đất lạ chỉ là làm quen, vài chuyến sau nữa mới bắt đầu tìm hiểu sâu, hàng chục chuyến sau đó mới dần hình thành sự trải nghiệm. Dần dần, trước một đất lạ đã trở nên quen mình sẽ không bị choáng ngợp trước các thông tin, và thông tin đáng tin cậy là thông tin đã thực sự được kiểm chứng, nghiền ngẫm… trong thực tế, quá trình đó gọi là tạo thành kinh nghiệm sống trải.

Nhưng có một điều rất hay với dân thực địa thực thụ là nếu mình làm tư liệu trên diện rộng, chuyên nghiệp, theo thời gian thì nó sẽ tạo cho mình một bộ tư liệu càng lúc càng đồ sộ. Đi càng gắt, càng nhiều, càng rộng mà biết cách kết nối tộc người, thu thập thông tin thì bộ dữ liệu càng lúc càng “khủng”. Sau này, mình muốn làm gì cũng dễ vì sẵn tư liệu, nhiều trải nghiệm. Nó giống người đi buôn sẵn vốn. Muốn chơi lớn phải mạnh vốn.

Thực tế, khi dấu chân của mình đã in khắp các vùng thực địa, thì câu chuyện sẽ rất khác.

Nghĩa là nếu ai đó nói với tôi điều gì đó thì không phải là nói với một ký ức trắng tinh, muốn bôi xóa gì thì bôi mà là đang đối diện với một ký ức đã được chằng chịt cày xới. Nguồn thông tin về tộc người được tiếp nhận vì thế sẽ được lọc cẩn trọng hơn.

Vì vậy, có chuyện người ta có thể ngạc nhiên là bằng cách nào một nhà dân tộc học có thể làm được nhiều như vậy. Là vì rằng dữ liệu đã tập hợp đủ xài. Hơn nữa, với kiểu người nghiên cứu như tôi thì cuộc đời cũng không có gì nhiều hơn ngoài làm nghiên cứu.

Không quan quyền, chẳng hội đoàn, nên chẳng mất thời gian họp hành, chẳng đến nhà ai cũng chẳng ai cầu đến mình, cơ bản, chỉ tập trung vào mỗi mối bận tâm học thuật. Ngoài ra, rảnh thì rong chơi với đôi chỗ anh em tâm giao hoặc theo đuổi vài thú vui cá nhân.

Phóng viên: Và dành hết cho thực địa, cho những cuộc lặn lội với tư liệu cả trên bình diện tư tưởng và thể chất như vậy, nhà dân tộc học phải hy sinh nhiều thứ khác?


Nguyễn Mạnh Tiến:

Làm nghiên cứu tôi không rõ người khác thế nào. Với tôi thì tôi chọn thu mình lại thì thời gian làm việc sẽ nhiều lên. Con người ai cũng giống ai thôi, nhất là mình chỉ là người bình thường, nếu chỗ nào cũng có mặt thì lấy đâu thời gian làm việc. Nếu anh co rút thời gian cho chính anh thì mới có thêm nhiều thời gian cho nghiên cứu.      

Bên cạnh sự tập trung như vậy, nghe qua có vẻ khổ hạnh thì thực tế mình vẫn chơi, vẫn tiêu dao sông hồ, núi rừng nhưng là chơi theo kiểu của mình. Thí dụ như, thời gian làm cuốn “Sống đời của chợ”, cứ thứ bảy, chủ nhật, trong vòng mấy năm, mỗi tuần tôi lại đến một làng, một phiên chợ, khi gần khi xa, đều đều như vậy. Đi như vậy cũng là đi chơi, chỉ có điều không chỉ chơi thuần tuý mà là chơi có định hướng thôi.

Hoặc khi tôi lang thang miền núi, thực địa đó chứ nhưng rất là thích, rất là tự do. Mình được đi, được gặp gỡ, được trò chuyện. Bạn bè tôi chẳng liên quan gì đến dân tộc học, thi thoảng có dịp ai cũng vẫn thích đi với tôi. Có thấy ông nào kêu mệt đâu (cười).

       Một nhà khảo cứu thực sự không bao giờ buồn chán, mà chỉ hạnh phúc nhất khi đắm chìm trong khoảnh khắc sống trải với chủ đề mình nghiên cứu. Có chăng cái mệt mỏi, buồn bã cũng chỉ là thoảng qua.

Phóng viên: Tôi vẫn băn khoăn, anh cảm thấy thế nào khi dặm dài thực địa hoặc khi chìm đắm trong khối tư liệu đồ sộ? Hẳn phải có lúc mệt mỏi, buồn chán?


Nguyễn Mạnh Tiến:

Chúi mặt vào đống tư liệu tự nó có xúc cảm riêng mà sáo ngữ thì người ta hay nói là “Cuộc phiêu lưu của trí tuệ!”. Phiêu lưu là chơi rồi, mà chơi thì có bao giờ biết chán.

Tìm hiểu sâu thực sự là một khoái cảm rất lớn. Trong một nghĩa nào đấy, với một nhà dân tộc học thì nó là sự ích kỷ tự thân. Đó là lúc tìm vui cho chính mình.

Khi ta đi qua một địa danh, như Na Hang, như Mai Châu, Cẩm Thủy hay Cổ Lũng…. nếu không hiểu sâu ta sẽ chỉ ghi nhận ở đó một cảm thức thông thường, một trải nghiệm địa lý, hành chính hay cảnh điểm. Nhưng biết thêm, ta bắt đầu ngạc nhiên, ồ hoá ra đây là một trung tâm xưa của mường này, mường kia; hoá ra đây là vùng đất của thủ lĩnh này, thủ lĩnh kia; trật tự vùng đất thuộc Tày hay Thái hoặc Mường… thăng trầm lịch sử của họ, của các lớp người chồng lấn lên vùng đất; nền văn hóa, bài ca, điệu vũ, nét thổ cẩm, nếp nhà sàn… Một trật tự khác Việt hiện lên.

Tìm hiểu sâu tộc người, vùng đất giúp ta nội tâm hóa các tồn tại bên ngoài, biến các di sản bên ngoài vốn xa lạ thành một phần không gian mơ tưởng của chính mình. Nó giống như một người con trai thấy một cô gái xinh xinh đi ngang qua, đó là lúc một khách du lịch lướt qua một cảnh đẹp, một bản mường… thích thích rồi thôi, nhanh chóng theo thời gian, mọi thứ cũng dần quên đi. Gương mặt kiều diễm rồi nhòa vào quên lãng, không cố định được đường nét.

Nhưng nếu người con gái, hay cảnh điểm kia, bản làng nọ bước vào cuộc đời của ta, trở thành người mình yêu thương, gắn bó với mình với vô vàn kỷ niệm, trải nghiệm và sự thông hiểu, khi ấy đã thành một phần di sản của thân phận mình thì trải nghiệm của ta sẽ rất khác. Đó không phải là cái thoáng qua, mà là phần sâu đậm của nội tâm ta đã ở lại. Phải yêu thì mới có thể hiểu là như thế.

Một nhà khảo cứu thực sự, theo tôi, không bao giờ buồn chán. Trái lại chỉ hạnh phúc nhất khi được đắm chìm trong khoảnh khắc sống trải với chủ đề họ tìm hiểu. Tất nhiên, với nhà dân tộc học một mình một ngựa độc lập tác chiến, nói như thế không phải là lý tưởng hoá. Cái mệt mỏi, buồn bã có thể xuất hiện nhưng thường chỉ là thoảng qua. Sau một cơn say bê bết, sau một trận ốm, một vài pha xe lệch bánh nhưng chưa đến nỗi mạng mất, tật mang… mở mắt ra, khao khát lên đường lại trỗi dậy. Tiếng gọi từ các tộc người lại cuốn mình trôi về phía ấy.

Phóng viên: Hẳn là những tiếng gọi đầy sức cuốn hút vì những trang viết của anh nhiều khi rất thơ mộng, đầy chất văn?


Nguyễn Mạnh Tiến:

Rất nhiều nhà dân tộc học, theo tôi biết, đều viết rất có văn. Nên mới có một khái niệm là “văn chương dân tộc học”. Nhiều lúc mình không muốn viết văn cũng không được. Để diễn đạt được phần thơ mộng của các tộc người vì các tộc người cơ bản sống rất thơ mộng. Tại sao các tộc người cơ bản sống rất thơ mộng, bởi vì, ở họ là tâm thức nguyên thủy, tư duy tiền lô-gic.

Tâm thức của người hiện đại xem cái cốc là cái cốc, cái nhà là cái nhà. Nhưng càng gần với tư duy tiền lô-gic thì trong cái cốc sẽ có một vị thần trú ngụ, thậm chí rất nhiều vị thần. Bởi vậy, các tộc người còn có giao tiếp linh thiêng bên cạnh giao tiếp vật chất, xã hội. Thậm chí nền giao tiếp thiêng còn có xu hướng trùm phủ lên mọi mặt đời sống tộc người. Nên, khi chặt một cái cây họ sẽ có thêm lời khấn hoặc sẽ đặt vào đó một hòn đá để cho linh hồn cái cây trú ngụ.

Thực sự, nếu ta hiểu, ta sẽ thấy đời sống ứng xử hằng ngày của họ rất thơ ca vì có cả một vùng mơ tưởng, các trật tự biểu tượng phía sau các hành vi thường nhật.

Thí dụ viên một viên đá lở sẽ không đơn giản là một hiện tượng tự nhiên, địa lý mà còn được hiểu như một điềm báo nào đó, hay nói cách hình ảnh, người H’mông có thể gọi đó là đá mồ côi vì nó đã bị rời khỏi núi mẹ, đá chết, đá không còn sống nữa…

Nếu anh kể về một tộc người có một đời sống tâm thức luôn có động hướng vượt khung khỏi đời sống thế tục, vật chất, luôn luôn mơ tưởng thì làm thế nào để biểu đạt đúng sự kiện tộc người ấy nếu không dùng đến một ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhiều mộng mơ. 

Dùng bộ lọc núi non để nhìn miền núi

Phóng viên: “Một Việt Nam nhìn từ núi” là một nhận định hay nói cách khác là một góc nhìn đặc biệt ấn tượng với tôi qua hai công trình của anh. Cụ thể hơn, đây là một theo đuổi, phát hiện mang dấu ấn cá nhân?


Nguyễn Mạnh Tiến:

“Một Việt Nam nhìn từ núi” -  là một mô hình làm việc lớn, một dấu ấn nghiên cứu của tôi. Khi nghiên cứu về miền núi, tôi phát hiện ra rằng, việc quan sát Việt Nam từ xưa đến nay luôn lấy đồng bằng làm trung tâm và người ta đem bộ lọc đồng bằng để nghiên cứu, quan sát miền núi. Mọi sự kiện đều được lọc qua bộ lọc đồng bằng, theo não trạng của người Kinh/Việt.

Vì vậy, dùng bộ lọc núi non để nhìn miền núi, đấy chính là nhìn từ núi. Khi đó tôi bắt đầu có “Những đỉnh núi du ca: Một lối tìm về cá tính H’mông”, “Khai nguyên Rồng Tiên”… Bởi nếu chỉ nhìn từ đồng bằng, ta sẽ chỉ thấy sự vay mượn Trung Hoa của câu chuyện “Lạc Long Quân và Âu Cơ”. Nhưng qua bộ lọc núi non ta sẽ tự hỏi nếu là một người Mường, Thái thì mình sẽ đọc câu chuyện này thế nào? Là Mường hẳn mình có thể thốt ra: Ồ, cái tích Rồng Tiên này cũng có trong Đẻ đất đẻ nước…”

Nếu chỉ dùng diễn ngôn của Đại Việt sử ký toàn thư để nhìn nhận, để áp chế sự kiện con Rồng cháu Tiên thì ta sẽ không thấu hiểu được Việt Nam như một quốc gia đa tộc người. Trong đó, núi non chiếm tới ¾ diện tích là nơi ở chủ yếu của các tộc người thiểu số.

Tôi mong muốn, qua những nghiên cứu của mình có thể nhìn lại, đúng hơn là nhìn đa dạng hơn nhiều vấn đề trong quan sát Việt Nam, điều chỉnh những định kiến trước đây về một Việt Nam đơn sắc Kinh/Việt mà hướng tới một Việt Nam đa sắc thái đa tộc người.

Những nhận định, nghiên cứu của tôi không hẳn vấn đề đúng-sai kiểu chia chẻ nhị nguyên cơ giới, hơn thế, tôi hi vọng các nghiên cứu của mình có thể hướng đến việc đưa mọi người, mọi tộc người trong Việt Nam thông hiểu nhau hơn, nhích gần lại với nhau hơn. Nếu muốn làm bạn với nhau thì phải hiểu nhau, lắng nghe nhau.

Giống như thưởng hoa, anh thấy hải đường, lan, cúc là đẹp, nhưng nếu thấy thêm hoa ban cũng đẹp, hoa bông trăng cũng tình thì cuộc sống của anh sẽ rất phong phú. Thật khiếm khuyết cho một con người nếu chỉ thấy cái đẹp của mỗi một loài hoa. Việc gì con người ta phải làm nghèo nàn chính bản thân mình?

Như là tấm thổ cẩm, một Việt Nam nếu được quan sát đa tộc người thì sẽ rất phong phú, đa dạng. Một người Việt Nam có thể sống nhiều cuộc đời nếu anh thấu hiểu vẻ đẹp của sự đa dạng văn hoá.

Sự rung động Việt Nam đến từ sắc áo nâu sồng đồng đất đến sắc lam, sắc chàm vùng trung du hòa với vẻ rực rỡ của sắc thổ cẩm bước ra trong trời chiều miền sơn cước. Nhược bằng chỉ mãi quan sát từ đồng bằng thì Việt Nam tự thân, sẽ giam hãm mình trong một nhà tù tự tạo bởi sự đơn điệu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn anh!


Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: CAO GIANG
Trình bày: MINH THU