Kinh tế số đang thẩm thấu dần vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, làm thay đổi một cách cơ bản đời sống kinh tế-xã hội. Trong nhiều ngành kinh tế của Việt Nam hiện nay, việc áp dụng công nghệ số đã tạo ra bước thay đổi đột phá về năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
***
Nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, thích ứng sự phát triển của nền KINH TẾ SỐ đang ngày càng mạnh mẽ. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã và đang được triển khai rộng khắp, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Từ “ruộng không dấu chân” tới số hóa “từng cọc sợi”
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động chính ở khu vực nông thôn, diện tích hoạt động rộng lớn cũng như tần suất hoạt động cao và liên tục.
Từ năm 2019, Tập đoàn nhận thấy với nhu cầu thu mua nông sản ngày càng nhiều, số lượng thông tin cần thu thập và xử lý đã bắt đầu vượt qua khả năng của các công cụ, báo cáo truyền thống. Muốn có đủ thông tin và đúng thời điểm cần ra quyết định, doanh nghiệp phải tăng năng lực thu thập và tính toán. Đây là lý do Lộc Trời quyết định phải thực hiện số hóa các hoạt động của mình.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Duy Thuận cho biết, “VĂN PHÒNG KHÔNG GIẤY”, “ĐỒNG RUỘNG KHÔNG DẤU CHÂN” và “THANH TOÁN KHÔNG TIỀN MẶT” là 3 kết quả ban đầu từ việc Lộc Trời ứng dụng số hóa.
Trong đó, văn phòng không giấy là số hóa tất cả dữ liệu, văn bản, thông tin, giúp truy xuất được hiệu quả làm việc ở từng khâu xử lý văn bản, qua đó thúc đẩy nhân viên tự tăng hiệu suất làm việc. Hệ thống này cũng giúp tránh thất thoát tài liệu, trường hợp quên xử lý hay xử lý vượt cấp dẫn đến mất kiểm soát trong quản trị.
Đồng ruộng không dấu chân là hệ thống được xây dựng dựa trên cơ sở ứng dụng nhật ký đồng ruộng điện tử, cơ giới hóa đồng bộ, xử lý dịch bệnh cùng khả năng truy suất nguồn gốc nông sản trên cơ sở xây dựng mã vùng trồng điện tử, dòng sản xuất liên tục cũng như khả năng kiểm tra, nhắc việc tự động. Qua đó, giúp người nông dân tăng năng suất, giảm sâu bệnh, nâng cao lợi nhuận trực tiếp, đồng thời giúp giảm lượng hóa chất sử dụng khoảng 30%, góp phần cải thiện môi trường sống ở vùng nông thôn.
Thanh toán không tiền mặt là mô hình Lộc Trời đang phối hợp áp dụng cùng một số ngân hàng để ứng vốn sản xuất cho bà con nông dân. Trong đó, việc số hóa quá trình canh tác là cơ sở để các ngân hàng có thể tin vào khả năng trả nợ của người nông dân và tiến hành cho vay.
3 mô hình kể trên cùng các hoạt động khác như làm việc từ xa, ứng dụng chữa bệnh cây trồng trên điện thoại thông minh,… đã giúp năng lực xử lý thông tin của Lộc Trời tốt hơn nhiều so trước đây. Nếu vẫn điều hành theo cách cũ, ở quy mô hiện tại, Tập đoàn có thể sẽ phải tăng gấp 2-3 lần số lượng nhân viên mới có thể xử lý kịp thông tin nền trước khi trình lãnh đạo các bộ phận.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, có sự phân tán về địa bàn và khác biệt rất lớn về công nghệ giữa các công ty thành viên. Do vậy, Vinatex chọn giải pháp chuyển đổi số từng phần, mỗi năm thực hiện tại tại một vài nhà máy để có thể bố trí đủ nguồn lực cũng như giảm xáo trộn lớn trong hoạt động.
Năm 2020, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài quyết định đầu tư nhà máy sợi hai tầng đầu tiên trong hệ thống các đơn vị ngành sợi của Vinatex với quy mô 30.000 cọc sợi, công nghệ mới nhất của Thụy Sĩ, tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Đây là dây chuyền tự động, được số hóa và quản trị tập trung đến từng cọc sợi tại Trung tâm điều khiển, có thể cung cấp sản lượng và chất lượng theo thời gian thực cho khách hàng trong chuỗi cung ứng.
Nhà máy chỉ sử dụng 130 công nhân (trung bình 35 công nhân/10.000 cọc sợi), diện tích xây dựng 9.000m2. So quy mô của một nhà máy sợi tương tự, dự án này giảm 84% lao động và chỉ sử dụng một nửa diện tích đất xây dựng, tiết kiệm chi phí lao động bằng 120% chi phí khấu hao tăng thêm và còn lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái để bắt kịp xu hướng xanh hóa ngành dệt may.
Thành công từ Sợi Phú Bài sẽ tiếp tục được nhân rộng trên các nhà máy khác của Vinatex. Tập đoàn này dự kiến sau 15 năm có thể có 50% doanh nghiệp đạt mức độ chuyển đổi số cấp 5.
Gạo Cơm Việt Nam Rice xuất khẩu vào châu Âu.
Gạo Cơm Việt Nam Rice xuất khẩu vào châu Âu.
Vinatex đang phát triển mạnh chuỗi sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may.
Vinatex đang phát triển mạnh chuỗi sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may.
Tầm nhìn xa trong từng bước đi nhỏ
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt đánh giá kinh tế số là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay và đang tạo ra những cơ hội để có thể tận dụng trong bứt tốc phát triển kinh tế đất nước. Riêng khu vực sản xuất sẽ chuyển đổi số chậm và khó khăn hơn, nhưng dư địa cũng còn rất lớn.
Theo ông Đạt, dù hai lĩnh vực kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng đang có bước tiến vượt trội, nhưng kinh tế ngành hay nói cách khác là chuyển đổi số trong các ngành, doanh nghiệp sản xuất mới là động lực chính để đẩy mạnh tái cơ cầu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình cũng như bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới mang tính đột phá. Vấn đề là làm thế nào để chuyển đổi số không trở thành phong trào mà phải xuất phát từ nhu cầu thực của từng doanh nghiệp.
Theo Báo cáo thường niên chuyển đối số doanh nghiệp năm 2022 do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện, chuyển đối số doanh nghiệp là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.
Kết quả khảo sát cho thấy, đa phần doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có nhận thức và ý thức về sự cần thiết phải chuyển đổi số, nhưng chuyển đổi số lại chưa đạt mục tiêu kỳ vọng. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do khó khăn về tài chính khi có đến 43,3% doanh nghiệp dù đã lên dự toán ngân sách cho chuyển đổi số, nhưng cuối cùng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, có tới gần 50% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng nay đã dừng lại. Các chuyên gia nhận định, rõ ràng nhiều doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số một cách vội vàng, chưa xác định được mục tiêu và chiến lược đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ cả về chất và lượng. Điều này thể hiện rõ khi chỉ có 6,2% doanh nghiệp xác nhận đã hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số; 7,6% doanh nghiệp đã từng bước xây dựng kế hoạch trong ngắn và dài hạn.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp đi vào thực chất, có hiệu quả còn nhiều vướng mắc cần giải quyết vì vậy vai trò “bà đỡ” của nhà nước rất quan trọng. Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phụ trách Văn phòng Chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng các doanh nghiệp dù đã có đủ nhận thức, nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình chuyển đổi số mang tính toàn diện.
Do đó, việc tiếp tục hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp về lộ trình chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng các giải pháp phù hợp là rất cần thiết trong giai đoạn tới. Thực hiện Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2015, Cục Phát triển doanh nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số; phấn đấu tối thiểu 100 nghìn doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tư vấn, kết nối giải pháp chuyển đổi số; tối thiểu sẽ có 100 doanh nghiệp được hỗ trợ thành công chuyển đổi số điển hình;…
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phụ trách Văn phòng Chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp:
CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2023 SẼ THIẾT THỰC HƠN
Thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), Cục Phát triển doanh nghiệp ghi nhận trong hai năm đầu, doanh nghiệp đã chuyển đổi từ tâm lý thăm dò, tìm hiểu kiến thức nền tảng sang thực hiện những bước đi đầu tiên về chuyển đổi số. Từ năm 2023, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động về ứng dụng giải pháp chuyển đổi số tại doanh nghiệp, được ví như bước chuyển mạnh mẽ từ lý thuyết sang thực hành. Vì vậy, chuyển đổi số trong doanh nghiệp dự kiến sẽ có nhiều kết quả thiết thực hơn trong thời gian tới.
Thời gian đầu tiếp cận thông tin chuyển đổi số, doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ hoang mang trước ma trận công nghệ và chi phí, chỉ nghe con số khái toán đã nản vì khả năng tài chính không đáp ứng được.
Tham gia vào Chương trình, doanh nghiệp được tư vấn bước đi chuyển đổi số phù hợp với hoạt động của mình và chia nhỏ từng lộ trình để tối ưu hoá nguồn lực. Bước đi ban đầu thường là phân loại data khách hàng để từng bước chuẩn hoá quy trình sản xuất kinh doanh dựa trên dữ liệu sử dụng hằng ngày. Đến khi sử dụng thành thạo mới phải đầu tư giai đoạn tiếp theo, thường là một năm sau.
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, kinh tế số là kinh phí và nguồn nhân lực. Thông thường, doanh nghiệp chỉ có 3 lao động chuyên trách, một nhân viên IT làm hết các khâu từ lắp máy đến vận hành đến đưa sản phẩm lên “chợ điện tử”... Chương trình đang mở rộng đào tạo nhân sự cho các khâu này.
Không kỳ vọng có thể đo ngay được chỉ số về doanh thu để tính toán giá trị mang lại từ kinh tế số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Phương pháp tiếp cận của Chương trình là đặt ra các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và đánh giá kết quả thực hiện của từng giai đoạn đó để thấy đóng góp vào hiệu quả chung của doanh nghiệp. Thí dụ mục tiêu quản lý bao nhiêu điểm bán, mở rộng kinh doanh trên thương mại điện tử...
Có những doanh nghiệp vừa kết thúc khâu tư vấn chuyển đổi số đã tìm ngay được mô hình kinh doanh mới. Vì trước đây, họ chỉ bán sản phẩm thì nay nhận thấy cho thuê sản phẩm đó mang lại giá trị rất cao. Nhiều doanh nghiệp chỉ mới qua một chặng đường đầu tiên đã có đủ năng lực ra làm riêng vì đây là bài toán liên quan đến mô hình kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp, không chỉ là mua phần mềm để áp dụng.
Nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc giữa chừng vì không đủ nguồn lực tài chính, nhân sự hoặc không còn bị thúc ép chuyển đổi số như giai đoạn Covid-19. Trong bảng khảo sát đánh giá quá trình chuyển đổi số gồm 34 câu hỏi trực tuyến, 48,8% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết đã từng ứng dụng các công nghệ, phần mềm mới nhưng hiện tại không còn sử dụng. Chỉ 2,2% doanh nghiệp cho biết đã sử dụng thành thạo phần mềm và kỹ năng số hóa để sản xuất kinh doanh.
Theo các chuyên gia, hiện thể chế phát triển kinh tế số ở Việt Nam đang được xây dựng và phát triển tương đối đồng bộ, bao gồm nhiều cơ quan, tổ chức với hàng loạt chính sách hỗ trợ về thuế hay tài chính nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và phát triển kinh tế số.
Tuy nhiên, kinh tế số là lĩnh vực mới, cần thời gian thẩm thấu dần trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, do vậy, chính sách, khung pháp lý và thể chế là rất quan trọng, cần liên tục được cải tiến, hoàn thiện sao cho phù hợp với môi trường kinh doanh số, với các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu cũng như tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Ngày xuất bản: 13/4/2023
Chỉ đạo thực hiện: Thu Hà
Nội dung: Tô Hà, Việt Hải
Video: Đỗ Bảo, Minh Châu, Trần Sơn
Ảnh: Trần Hải
Trình bày: Ngọc Bích