Nhà ở cho công nhân

Cần thêm
giải pháp đột phá

Từ khi đất nước mở cửa, việc hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút một lượng lớn người lao động từ các địa phương dồn về. Sự tập trung đông nhân lực về một địa điểm phát sinh các đòi hỏi thiết yếu về hạ tầng, phục vụ cho đời sống của người lao động: nhà ở và đi kèm với đó là điện nước, chợ búa; trường học, trường mầm non; bệnh viện...

Nhiều năm qua, dù Đảng và Chính phủ đã có nhiều quyết sách thiết thực hỗ trợ người lao động nhưng trên thực tế, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn gặp muôn vàn khó khăn, vất vả khi đối mặt với nhu cầu về nhà ở và các nhu cầu tối thiểu để ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất. Cần có thêm những giải pháp đột phá, những chính sách phù hợp tình hình thực tế... kèm theo sự chủ động của doanh nghiệp, sự tự giác, tiến bộ của bản thân người lao động để thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, để công nhân “an cư lạc nghiệp” là chủ đề Tiêu điểm Nhân Dân hằng tháng tháng 7/2022.

Cuộc sống bấp bênh vì... ở trọ

Nhà máy ở đâu, khu tập thể công nhân ở đó là chính sách đã được thực hiện từ thời bao cấp. Hà Nội và nhiều đô thị phía bắc từng nổi tiếng với các khu tập thể đính kèm tên các nhà máy, xí nghiệp lớn như tập thể Nhà máy dệt 8/3, Thuốc lá Thăng Long... đông đúc một thời. Theo chia sẻ của Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng, bước qua thời bao cấp, việc “xóa nhà ở công nhân thành dạng nhà ở xã hội được hình thành do thị trường” và bùng phát các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng không chủ động hình thành khu nhà ở công nhân đã gián tiếp khiến người lao động chưa thể an cư, dẫn đến những khó khăn, bức xúc khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều...

Mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu

Chừng bốn năm trở về trước, xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) từng là điểm nóng an ninh trật tự cùng với ô nhiễm vệ sinh môi trường do lượng rác thải ùn ứ bởi một phần do lượng công nhân dồn về đông đúc. Cao điểm có lúc lên tới 30 nghìn người (công nhân nhà máy, lao động tự do) thuê trọ, ngày lại ngày tạm bợ trong những dãy nhà chật chội, ẩm thấp, sử dụng khu vệ sinh chung...

Chị Nguyễn Thị Dung (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) mang bầu đến gần tháng đẻ và chồng vẫn chấp nhận xoay trở trong căn phòng chừng 6m2, không có cửa sổ... với giá 600 nghìn đồng/tháng để tiết kiệm tiền. Không có công trình phụ riêng, mỗi giờ cao điểm, chị Dung còn may mắn được các bạn cùng khu nhường cho sử dụng nhà vệ sinh trước, ít phải chịu cảnh cả hàng dài người chờ tới lượt. Cùng cảnh ngộ, ở đầu kia của đất nước, một số công nhân Công ty TNHH Hung Way (khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh) dời quê lên chốn phố phường sầm uất bậc nhất có ngót chục năm vất vưởng trong các khu trọ dân sinh. Nhiều người than phiền, giá thuê cao, chủ nhà lại tăng hàng năm trong khi phòng ở chật chội, bí bách.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng: “Cả nước hiện có 350 khu công nghiệp, khu chế xuất, đó là chưa kể 730/968 cụm công nghiệp đang hoạt động”. Thạc sĩ Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, riêng cho đối tượng công nhân khu công nghiệp dự tính có 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82 nghìn tỷ đồng. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 phấn đấu có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, giúp 70% công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất có được ngôi nhà của riêng mình. Đến nay, dù các cấp ngành, địa phương và toàn xã hội đã không ngừng nỗ lực, tuy nhiên hiện có 122 dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân, lao động, song mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Bởi vậy, rất nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... ở các tỉnh, thành phố đã, đang và sẽ còn phải đối diện với thực tế, ly hương tới miền đất mới và chấp nhận sống trong những xóm trọ thiếu các điều kiện sinh hoạt cơ bản và tiêu chuẩn an toàn.

Trường mầm non Vinh Hỷ do Công ty TNHH Shyang Hung Cheng đầu tư xây dựng giúp công nhân lao động yên tâm làm việc.

Trường mầm non Vinh Hỷ do Công ty TNHH Shyang Hung Cheng đầu tư xây dựng giúp công nhân lao động yên tâm làm việc.

Nỗi niềm con em công nhân

Sinh con đầu lòng ngay tại xóm trọ ở Tân Uyên (Bình Dương), vợ chồng chị Phan Thị Mơ (thành phố Dĩ An - Bình Dương) đau đầu khi em bé qua 6 tháng tuổi, mẹ hết thời kỳ nghỉ thai sản. Không tìm được chỗ gửi con, cũng không đủ điều kiện thuê giúp việc, vợ chồng chị Mơ đành chấp nhận phương án, vợ tạm nghỉ không lương để trông con. Là địa phương dày đặc các khu công nghiệp, khu chế xuất, Bình Dương hiện có 1,2 triệu lao động, trong đó 87% tụ về từ mọi miền đất nước. Có tới 57% số lao động ở Bình Dương là nữ và mỗi năm mảnh đất lành này lại thu hút thêm chừng 50 nghìn người. Lực lượng lao động hầu hết còn trẻ, đang trong độ tuổi kết hôn, sinh đẻ là yếu tố gia tăng các áp lực về hạ tầng. Phổ biến ở Bình Dương và nhiều địa phương khác, công nhân lao động lập gia đình, sinh con rồi tiếp tục vòng luẩn quẩn, khó tìm được trường lớp cho con khi tới độ tuổi mầm non, mẫu giáo. Dù cố gắng tới đâu, số lượng các trường này cũng chưa thể tiếp cận nhu cầu gia tăng trẻ em muốn được đi học. Đường từ nhà tới trường quá xa, học phí trường tư thường cao hơn trường công trong khi một suất vào lớp mẫu giáo trường công là mơ ước xa vời của người lao động.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, địa phương mới có 11 doanh nghiệp xây nhà trẻ cho con em công nhân, bảo đảm chỗ học cho gần 2.000 cháu. Tất cả đều có trụ sở ngoài khu công nghiệp và được xây dựng trên quỹ đất của doanh nghiệp. Đây là con số quá khiêm tốn so với số lượng doanh nghiệp khổng lồ đang hoạt động tại vùng đất có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Hơn 80% người lao động mong muốn được gửi con ngay từ 6 tháng tuổi, dẫu lựa chọn cuối cùng chỉ là nhờ ông bà, người thân ở quê hoặc bấm bụng bỏ việc trông con mặc cho áp lực tiền bạc, lương thưởng đè nặng cuộc sống thường ngày. Có nhiều năm lăn lộn, nắm bắt thực tế, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) Hoàng Đức Khang chia sẻ: con em công nhân đến kỳ chuyển cấp, hay chưa tìm được chỗ gửi, các gia đình đành chấp nhận đem ngược về quê nương náu. Nhiều con số ghi nhận thực tế tại các địa phương cho thấy cơ hội gửi con ở các trường mầm non để đi làm sau sinh của nhiều nữ công nhân còn rất hiếm. Tại Thừa Thiên Huế, chỉ duy nhất doanh nghiệp Scavi (khu công nghiệp Phong Điền) xây trường học cho con em người lao động. Tại Quảng Ninh - địa phương có tốc độ phát triển kinh tế hàng đầu cả nước, bốn khu công nghiệp Cái Lân, Đông Mai, Hải Yên, cảng biển Hải Hà với hơn 30 nghìn lao động, trong đó hơn một nửa là nữ công nhân đến từ nhiều tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình..., mới có một điểm trường được xây do nguồn hỗ trợ từ Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động và vốn kết dư của Liên đoàn Lao động tỉnh được Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam cho phép... Tình hình tương tự cũng diễn ra ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn khác tại nhiều tỉnh, thành phố.

Dự án nhà ở xã hội Becamex tại phường Định Hòa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Hải

Dự án nhà ở xã hội Becamex tại phường Định Hòa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Hải

Trên hành trình dịch chuyển từ quê nhà ra các khu công nghiệp, khu chế xuất, hàng triệu công nhân lao động đồng hành cùng doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực vào các con số tăng trưởng kinh tế hằng năm của đất nước. Dẫu vậy, cuộc sống thường ngày của họ vẫn còn ẩn chứa những bấp bênh, những thiếu trước hụt sau, mất đi sự căn cơ ổn định do chưa thể vượt qua được cửa ải cao vời vợi: có một ngôi nhà để yên tâm an cư trên vùng đất mới. Thiếu nơi ăn chốn ở ổn định, thiếu nơi lưu trú an toàn là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế buồn, dòng người ùn ùn lũ lượt rời bỏ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... trở về quê nhà trên xe gắn máy cà tàng vào những ngày đầu tháng 10 năm 2021, sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội trong làn sóng dịch Covid-19 thứ tư không thể nào quên.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Hương Sen-Thanh Hà-Thái Sơn-Bình Hiền- Trịnh Quý
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, HS, nguồn internet