HAI NHÀ VĂN, CỰU CHIẾN BINH MỸ ĐƯỢC TRAO HUÂN CHƯƠNG HỮU NGHỊ CỦA VIỆT NAM
Đó là Giáo sư, nhà thơ Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner, nay là Viện William Joiner (Boston, Mỹ) và Giáo sư, nhà thơ Bruce Weigl. Hai ông từng là lính tham gia chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1967-1969.
Nhà thơ Kevin Bowen sinh năm 1947, hiện sống tại bang Massachusetts, tham gia chiến tranh Việt Nam từ năm 1968 đến năm 1969. Sau khi nhận ra sự sai lầm và sự vô nhân đạo trong cuộc chiến tranh mà chính quyền Mỹ tiến hành ở Việt Nam, ông đã tham gia phong trào phản chiến ngay từ khi đang ở trong quân đội Mỹ.
Trở về từ chiến trường Việt Nam, Kevin Bowen tiếp tục phong trào phản chiến tại nước Mỹ. Trên cương vị giáo sư và nhà thơ, ông bắt đầu cất tiếng nói của mình về Việt Nam và kêu gọi những người yêu chuộng hòa bình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam.
Sau khi trở thành Giám đốc Trung tâm William Joiner, Kevin Bowen đã tập hợp được những trí thức, những nhà văn hàng đầu của nước Mỹ tham gia các hoạt động của trung tâm William Joiner trong việc lý giải sự thất bại và tội ác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, đồng thời kêu gọi chính quyền Mỹ xóa bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là tiến hành giới thiệu các tác phẩm văn học về chiến tranh cách mạng của Việt Nam tới các trường đại học và công chúng Mỹ.
Vượt qua các rào cản, các khó khăn về chính sách cấm vận của Mỹ, Kevin Bowen cùng các nhà văn của Trung tâm William Joiner đã mời gần 200 nhà văn Việt Nam tới Mỹ. Ngôi nhà của Kevin Bowen trở thành nơi tiếp đón, sinh hoạt của nhiều nhà văn Việt Nam trong suốt thời gian đó.
Một số phần tử, tổ chức phản động ở Mỹ đã rất “không hài lòng” về việc làm này, nên đã thường xuyên đe dọa đến tính mạng của vợ và các con Kevin Bowen và yêu cầu ông dừng quan hệ với Việt Nam. Nhưng Kevin Bowen đã dũng cảm tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Việt Nam, tổ chức dịch và quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam, tranh thủ nhiều diễn đàn trên khắp nước Mỹ để các nhà văn Việt Nam nói về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc mình, nói về khát vọng hòa bình, ý chí cho độc lập tự do của con người Việt Nam và mong muốn làm bạn với tất cả các dân tộc trên thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao Huân chương Hữu nghị cho nhà thơ Bruce Weigl.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao Huân chương Hữu nghị cho nhà thơ Bruce Weigl.
Nhà thơ Bruce Weigl (thứ ba từ trái sang) và các người bạn Mỹ nhận Huân chương Hữu nghị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao tặng.
Nhà thơ Bruce Weigl (thứ ba từ trái sang) và các người bạn Mỹ nhận Huân chương Hữu nghị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao tặng.
Năm 1991, Kevin Bowen dẫn đoàn nhà văn cựu binh Mỹ đến Việt Nam để tiến hành một cuộc hội thảo đầu tiên về chiến tranh Việt Nam và về quan hệ của hai nước với Hội Nhà văn Việt Nam cho dù tất cả các nhà văn cựu binh Mỹ, đặc biệt là cá nhân ông đã bị đe dọa và bị một số cuộc biểu tình chống đối trước trụ sở của Trung tâm William Joiner tại Boston.
Những việc làm của Kevin Bowen góp phần vào việc hóa giải những nỗi đau và hận thù do chiến tranh gây ra thông qua các hoạt động văn hóa và văn chương, cuối cùng đã được xã hội Mỹ thừa nhận. Năm 2015, chính quyền bang Massachussets đã chọn một ngày để tôn vinh ông hàng năm tên là "Ngày của Kevin Bowen".
Nhà thơ Kevin Bowen đã xuất bản tập thơ "Chơi bóng rổ với Việt cộng". Chưa bao giờ hình ảnh một “kẻ thù cũ” hay theo cách gọi của những người Mỹ là "Việt Cộng" lại hiện lên đẹp đẽ và nhân văn đến như vậy. Tập thơ đã thay đổi cái nhìn của rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ và công chúng Mỹ.
Ông đã cùng nhà thơ Bruce Weigl, nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tuyển chọn và dịch tập thơ "Sông núi", gồm các bài thơ hay nhất viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ của các nhà thơ Việt Nam.
Nhà thơ Kevin Bowen đã được đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo Bộ Ngoại giao tiếp nhân những chuyến ông đến Việt Nam; được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng Kỷ niệm chương và bằng khen.
Năm 1991, Kevin Bowen dẫn đoàn nhà văn cựu binh Mỹ đến Việt Nam để tiến hành một cuộc hội thảo đầu tiên về chiến tranh Việt Nam và về quan hệ của hai nước với Hội Nhà văn Việt Nam cho dù tất cả các nhà văn cựu binh Mỹ, đặc biệt là cá nhân ông đã bị đe dọa và bị một số cuộc biểu tình chống đối trước trụ sở của Trung tâm William Joiner tại Boston.
Người thứ hai được trao tặng Huân chương Hữu nghị là nhà thơ Bruce Weigl, sinh năm 1949, hiện sống tại bang Ohio, tham gia chiến tranh Việt Nam từ năm 1967 đến năm 1968, sau khi trở về Mỹ đã tham gia phong trào phản chiến. Ông đã xuất bản tập thơ rất nổi tiếng tên là "Bài ca bom Napan", tố cáo sự tàn ác của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tập thơ đã được dịch ra nhiều tiếng trên thế giới, được trao giải Chung kết của giải Pulizer (một giải thưởng danh giá nhất dành cho văn chương và báo chí của nước Mỹ). Riêng bài thơ "Bài ca bom Napan" đã được đưa vào giảng dạy trong hầu hết các trường phổ thông trung học, cao đẳng và đại học Mỹ.
Một tập thơ nổi tiếng khác của Bruce Weigl có tên "Người đàn ông đi xe đạp”, viết về những con người Việt Nam bình dị trong chiến tranh, về giấc mơ lớn nhất của ông trong thời gian tham chiến ở Việt Nam là chiến tranh kết thúc. Trong một ngày đẹp trời ông muốn trở thành một người Việt Nam để được đạp xe như những người Việt Nam bình dị, được sống những ngày hòa bình với gia đình, được gieo trồng trên cánh đồng của mình.
Năm 1995 được phép của nhà nước Việt Nam, ông đã vào Việt Nam để nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi trong trại mồ côi ở tỉnh Hà Nam. Ông đã viết trên một tờ báo ở Ohio rằng: "Chúng ta có nuôi một triệu đứa trẻ Việt Nam với một điều kiện đời sống tốt nhất thì chúng ta cũng không bù đắp nổi tội ác mà chúng ta đã gây ra đối với hàng triệu đứa trẻ Việt Nam vô tội và trong sáng…”. Sau đó ông xuất bản tập truyện ký có tên "Vòng tròn của Hạnh". Hạnh chính là tên cô bé Việt Nam được ông nhận làm con nuôi. Cuốn sách đó thực chất là một bản tố cáo về tội ác của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam đồng thời là một hồ sơ về những vẻ đẹp văn hóa truyền thống của đất nước Việt Nam.
Với Trung tâm William Joiner, Bruce Weigl là một thành viên quan trọng xây dựng mối quan hệ giữa các nhà văn Việt Nam và Mỹ trong việc tuyển chọn, dịch thuật, quảng bá văn học Việt Nam. Ông đã trực tiếp dịch và giới thiệu tác phẩm của hàng chục nhà thơ Việt Nam tới bạn đọc Mỹ. Người Mỹ gọi ông là "Nhà Việt Nam học" bởi sự hiểu biết về văn hóa, về văn học Việt Nam. Ông đã thực hiện gần 100 buổi đọc thơ và thuyết trình về đất nước con người Việt Nam. Ông thổ lộ khát vọng được sống những năm tháng cuối đời ở Việt Nam và được yên nghỉ mãi mãi trên mảnh đất Việt Nam.
Tập thơ gần nhất ông xuất bản có tên "Sau mưa thôi nã đạn" (đã được dịch sang tiếng Việt). Cả tập thơ là tiếng nói về những vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam, là khát vọng hòa bình và ý chí đấu tranh giải phóng đất nước của những người lính Cụ Hồ.
Với những cống hiến không mệt mỏi của hai giáo sư, nhà thơ cựu binh Mỹ trong gần 40 năm qua, ngày 20/9/2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm đã ký quyết định số 943/QĐ-CTN tặng Kevin Bowen và Bruce Weigl Huân chương Hữu nghị vì “đã có những đóng góp tích cực trong việc tham gia dịch và quảng bá hiệu quả các tác phẩm văn học Việt Nam; tổ chức giao lưu, kết nối các nhà văn hai nước, góp phần xây dựng nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 22/9/2024 (giờ Mỹ ), tức 2 giờ 30 phút ngày 23/9/2024 (giờ Việt Nam) tại New York, trong khuôn khổ sự kiện “Gặp gỡ những người bạn Hoa Kỳ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho nhà thơ Bruce Weigl. Giáo sư, nhà thơ Kevin Bowen vì lý do cá nhân không kịp đến dự, Ban tổ chức sẽ gửi đến tận tay ông sau.
Tổ chức sản xuất: Xuân Bách
Nội dung: Hữu Việt
Trình bày: Phùng Trang