NHÀ VĂN HỮU MAI
VIẾT VỀ
ĐIỆN BIÊN PHỦ

Nhà văn Hữu Mai đã ra đi về cõi vĩnh hằng nhưng cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, người ta lại nhắc nhớ đến những tác phẩm của ông với một lòng cảm phục, một niềm tiếc thương vô hạn đối với một nhà văn đã có nhiều tác phẩm giá trị nổi tiếng về chiến dịch lịch sử vĩ đại này.
Năm 1961, “Cao điểm cuối cùng” của Hữu Mai ra đời. Đây là tác phẩm đầu tay về chiến tranh của ông. Tôi nhớ trước đó nhà văn chỉ viết hầu hết về các chiến sĩ, nhiều lắm là đề cập tới cấp trung đoàn. Trong Cao điểm cuối cùng tác giả đã miêu tả từ người chiến sĩ đến đồng chí Tổng Tư lệnh như hình tượng của một tác phẩm văn học. Những phẩm chất anh hùng của các chiến sĩ Điện Biên Phủ được miêu tả đến mức cao nhất. Nhưng một hiện tượng mới xuất hiện trong văn học của ta: tác giả viết đến một cán bộ tiểu đoàn rời bỏ vị trí chỉ huy giữa trận đánh, đến một số chiến sĩ bỏ ăn cáo ốm trước giờ xuất phát chiến đấu...
Không chỉ về phía ta, kẻ địch cũng hiện lên đậm nét. Ta thấy hình ảnh một tướng Đờ Cát bằng xương bằng thịt chứ không phải chỉ như những bức tranh biếm họa thường thấy trong khá nhiều cuốn sách.
Là một chiến sĩ Điện Biên Phủ, tôi thấy Cao điểm cuối cùng đã miêu tả chiến dịch này đúng như nó đã diễn ra. Nhưng tôi vẫn còn đôi chút phân vân. Có nên viết thật đến như thế không? Chỉ đến khi Cao điểm cuối cùng được tái bản, qua lời đề tựa của Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi mới yên tâm. Đồng chí Hoàng Văn Thái viết:
Tính chân thực của bối cảnh lịch sử, sự việc diễn biến và các nhân vật được xây dựng trong cuốn tiểu thuyết đã làm cho nó trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, đồng thời tạo ra cho Cao điểm cuối cùng trong một chừng mực nào đó, giá trị như một sử liệu.

Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước. Nhà sử học Béc-na Phôn đã dẫn nhiều chi tiết trong Cao điểm cuối cùng (mặc dù nó được đề bên ngoài là tiểu thuyết) để chứng minh cho công trình nghiên cứu của mình về Điện Biên Phủ. Béc-na Phôn viết: “Một chiến binh Việt Minh đã viết một cuốn ký sự sinh động về cuộc phản kích của Héc-ru-ê trên Ê-li-an 2 (tức đồi A1). Người quan sát của pháo binh từ xa, đã cất tiếng nói lớn theo mật khẩu mà ai cũng hiểu, những lời sau đây: "Khách hàng đi ngang đường vải đỏ, yêu cầu quản lý thanh toán tài chính"; "Khách hàng có hai con bò vàng húc đổ quán cà-phê, yêu cầu chủ hàng gửi gấp bí ngô, bầu, dưa hấu, củ ấu". Sau những tiếng lóng đó, các cỡ pháo đổ đạn ầm ầm như thác xuống những đám bộ binh, những chiếc xe tăng đang gầm gừ định leo đồi. Tan khói, những đám đen đối phương quang hẳn đi. Thêm một đợt tiến công của quân Pháp bị cản lại". Nhà trần thuật Việt Minh không phải là người huênh hoang. Trong trung đội chiến xa do Nây dẫn đầu, những chiến xa Ét-lin-ghen và Si-mô-lon đã bị trúng đạn pháo 57 của Việt Minh, cái đầu bị trúng đạn sáu lần, cái thứ hai bị trúng đạn hai lần...”1.
Trong cuốn sách của Ba-đa-ren viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả đã trích cả một chương của Cao điểm cuối cùng thậm chí đã trích một câu trong cuốn sách để chú thích cho chân dung của Đại tướng. Thực hiếm khi những điều viết trong tiểu thuyết được sử dụng như cách này.
Nhà văn Hữu Mai nói với tôi: "Trước khi viết Cao điểm cuối cùng, tôi đã dành một thời gian đọc nhiều sách nước ngoài viết về chiến tranh để xem có rút kinh nghiệm được gì trong cách viết, nhưng cuối cùng tôi thấy không thể "bắt chước" ai mà chỉ có cách duy nhất là miêu tả, tái tạo lại những gì mình đã chứng kiến, đã biết về Điện Biên Phủ, về những chiến sĩ Điện Biên Phủ mang đậm tính cách của nền văn hóa Việt Nam, của con người Việt Nam".
Nhưng đây là một tác phẩm văn học, ông không thể làm công việc tái tạo, sắp xếp, phân thân vào nhân vật, miêu tả nhân vật theo cách thẩm định của riêng mình.

Hữu Mai có đôi chút phân vân về trường hợp viết nhân vật Quế Vinh trong Cao điểm cuối cùng. Khi xây dựng nhân vật này, tác giả đã dựa vào nguyên mẫu Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi, một cán bộ dũng cảm của Đại đoàn 316 trong trận đánh đồi A1. Khá nhiều chi tiết nói về Quế Vinh trong Cao điểm cuối cùng, ông lấy từ Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi. Nhưng khi viết, ông còn muốn qua Quế Vinh để miêu tả về một tầng lớp học sinh, sinh viên Hà Nội rời ghế nhà trường tham gia chiến đấu. Ông đã thêm cho Quế Vinh những nét mà văn học gọi là hư cấu.
Sau khi cuốn sách ra mắt, ông tránh gặp Dũng Chi, sợ anh giận. Cho tới gần đây, ông vẫn băn khoăn. Biết chuyện, tôi đã gặp Thiếu tướng Dũng Chi, một cán bộ đã có thời gian cùng ở binh chủng pháo binh, được ông cho biết:
Trong Cao điểm cuối cùng Hữu Mai đã viết đến tôi khá nhiều, từ những hình ảnh dũng cảm chiến đấu đến những đặc tính tiểu tư sản của tôi.
Tôi nghĩ mỗi người đều có cái nét riêng thể hiện nhân cách của mình dù dưới bất cứ hình thức nào nhưng cuối cùng, ta vẫn là con người tốt, anh dũng chiến thắng bất cứ kẻ thù nào. Hữu Mai có hư cấu đôi chút. Không sao!
Tôi kể lại với Hữu Mai những chuyện Dũng Chi đã nói với tôi. Được biết điều này rồi đọc một hồi ký của Dũng Chi có ý viết tương tự, ông mới hết băn khoăn.

Hữu Mai là như vậy. Nhân vật trong tác phẩm của ông đều là những người bạn trong cuộc đời. Ông muốn chú ý tới những vấn đề mà độc giả đã góp ý với những cuốn sách đã xuất bản của ông. Nếu ta chú ý đến những tác phẩm của ông đã qua tái bản thì thấy lần nào ông cũng có sửa chữa, không chỉ làm cho nó hay hơn mà chủ yếu là làm cho nó đúng với sự thật.
Hữu Mai còn viết nhiều về Điện Biên Phủ: các truyện ngắn Lá cờ chuẩn, Người thợ chữa đồng hồ ở Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, điều cần nói hơn cả là việc ông đã thể hiện tập hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử. Tập sách ngay sau khi xuất bản đã được bạn đọc cả trong và ngoài nước hồ hởi đón nhận, được tái bản nhiều lần. Mọi độc giả coi đây là bản tổng kết mới nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là công trình đầy đủ nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ. Người ta biết Hữu Mai đã dốc sức mấy chục năm cho công việc này.
Từ tập Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1964 đến Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử năm 2001, ta thấy rõ tác phẩm sau là sự phát triển của tác phẩm 37 năm trước, đưa nó lên một tầm cao mới.
Hiếm có một nhà văn nào dành nhiều tâm huyết cho một công việc như vậy.
Hỏi ông, ông trả lời: "Tôi có mơ ước viết một tác phẩm về 30 năm chiến tranh của ta. Trong khi chưa làm được việc này, tôi dành nhiều thời gian giúp anh Văn thể hiện những hồi ký về kháng chiến chống Pháp, đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ coi như đã thực hiện được một phần ước nguyện của mình".
Đầu năm 2004 đến gặp ông tại gia đình, trong phòng làm việc của ông, thấy cơ man nào là sách, là bản thảo, có tập dày đến chục phân. Chỉ trên một chiếc bàn nhỏ, tôi đã nhìn thấy sáu tập bản thảo bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, ba tập của Nhà xuất bản Thế giới, ba tập của Nhà Xuất bản A-na-kô (Pháp). Ông cho biết đang đọc thẩm định để sách kịp xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004).


Nhà văn Hữu Mai đã vĩnh viễn ra đi nhưng mỗi năm cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, người ta lại nhắc nhớ đến ông với một lòng cảm phục, một niềm tiếc thương vô hạn đối với một nhà văn đã có nhiều tác phẩm giá trị nổi tiếng về chiến dịch lịch sử vĩ đại này.
Trích từ Điện Biên Phủ - Ký ức 60 năm, Đỗ Sâm, NXB Quân đội nhân dân, tr. 143
Trình bày: Ngọc Toàn
