
KÝ ỨC & NGHỆ THUẬT: NHỮNG CÂU CHUYỆN TRUYỀN CẢM HỨNG
Lịch sử không chỉ được ghi lại qua sách vở, mà còn hiện diện trong những con người, những câu chuyện, những tác phẩm nghệ thuật vượt qua thử thách thời gian. Mỗi nhân vật, mỗi tác phẩm là một mảnh ghép giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về hành trình 50 năm đã qua. Có những con người từng cầm súng bảo vệ đất nước, giờ trở thành doanh nhân, nhà giáo, nhà khoa học, nghệ sĩ. Có những thế hệ trẻ lớn lên sau chiến tranh, mang trong mình hoài bão dựng xây, làm rạng danh đất nước trên trường quốc tế. Có những vận động viên đưa thể thao Việt Nam lên bản đồ thế giới, những đạo diễn, nhạc sĩ, nhà văn ghi dấu ấn bằng những tác phẩm chạm đến trái tim bao thế hệ. Bên cạnh đó là những chuyển động không ngừng của đời sống văn hóa-nghệ thuật-thể thao-du lịch-giải trí. Những bộ phim kể lại ký ức chiến tranh, những tác phẩm văn học phản ánh đổi thay của đất nước, những xu hướng du lịch mở ra cách nhìn mới về di sản, tất cả tạo nên bức tranh sinh động về một Việt Nam đang vận động không ngừng. Đó là những nghệ sĩ trẻ mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới, những nhà làm phim tạo dấu ấn trên sân khấu quốc tế, những người làm du lịch đang kiến tạo những trải nghiệm mới mẻ, những vận động viên mang về vinh quang cho nước nhà. Tất cả họ, bằng cách riêng của mình, đang tiếp nối tinh thần Việt Nam - kiên cường, sáng tạo và không ngừng vươn xa

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, văn học Việt Nam không ngừng vận động cùng những biến đổi của xã hội. Từ phản ánh hiện thực đến đối diện với những vấn đề nội tại của con người, văn học hôm nay đứng trước yêu cầu mới về tư duy và trách nhiệm. Nhà phê bình văn học Ngô Thảo nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ đã qua, chia sẻ những trăn trở về sứ mệnh người cầm bút và những kỳ vọng cho tương lai.
Thưa nhà văn Ngô Thảo, ông từng nhiều lần trăn trở về ý nghĩa của việc viết. Nếu hôm nay phải trả lời câu hỏi “Viết là gì?” và “Nhà văn có vai trò gì trong lịch sử dân tộc?”, ông sẽ nói thế nào?
Viết, xét đến cùng, luôn gắn liền với lịch sử. Văn học không chỉ là sự sáng tạo cá nhân mà còn phản ánh vận mệnh của một dân tộc, một thời đại. Từ xa xưa, văn chương có lúc chỉ là một thú chơi tao nhã, nhưng khi xã hội biến động, nó trở thành công cụ tuyên truyền, giáo dục, thậm chí là vũ khí chiến đấu.
Nhà văn có vai trò đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Họ là người ghi chép, chuyển tải và giữ gìn ký ức, giúp các thế hệ sau hiểu về quá khứ. Trong những giai đoạn chiến tranh, nhà văn không chỉ phản ánh hiện thực mà còn góp phần động viên tinh thần, hun đúc ý chí đấu tranh. Chính vì thế, ở Việt Nam, chưa bao giờ văn học, nghệ thuật lại có vị trí quan trọng như trong cách mạng và kháng chiến. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rất sớm: Văn học là vũ khí sắc bén, nhà văn cũng là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng.
Khi đất nước bước vào thời kỳ hòa bình, vai trò của nhà văn dần thay đổi. Nếu trước đây văn học là công cụ phục vụ lý tưởng cách mạng, thì ngày nay, nó phải quay về đúng bản chất của mình: Phản ánh đời sống đa dạng, làm giàu có đời sống tinh thần, giúp con người hiểu mình, hiểu người, hiểu xã hội. Văn học không còn là tiếng nói đơn sắc mà cần phản ánh nhiều góc nhìn, nhiều số phận, để không chỉ ghi lại lịch sử mà còn đối thoại với lịch sử.
Nhà văn Ngô Thảo (phải) đối thoại cùng tác giả bài viết. Ảnh: MẠNH TRƯỜNG
Nhà văn Ngô Thảo (phải) đối thoại cùng tác giả bài viết. Ảnh: MẠNH TRƯỜNG
Ông từng nói văn chương không chỉ là câu chuyện của cái đẹp, mà còn là ký ức và trách nhiệm. Vậy theo ông, sau 50 năm hòa bình, văn học Việt Nam đã làm tròn trách nhiệm này hay chưa?
Đây là câu hỏi bất cứ người cầm bút nào cũng phải tự vấn. Tôi từng đặt vấn đề này với nhà văn Văn Lê trong một cuộc phỏng vấn trên báo Nhân Dân và nghĩ rằng rất nên nhắc lại.
Tôi hỏi ông: “Hôm nay, khi chúng ta kêu gọi khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, văn học về chiến tranh có nên tiếp tục? Nếu có, cần đổi mới thế nào?”.
Ông Văn Lê đáp: “Có người bảo tôi: Chiến tranh qua rồi, vết thương đã lành, khơi lại làm gì? Tôi cũng từng muốn gác lại đề tài này. Nhưng càng lẩn tránh, tôi càng thấy trống rỗng. Đối với tôi, chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Nó vẫn lởn vởn đâu đó - trong những câu chuyện, những di ảnh, những giấc mơ chập chờn. Tôi viết để nhớ về những người đã khuất, để họ không bị lãng quên. Và để chính mình không hoang mang giữa hiện tại”.
Câu trả lời ấy lý giải vì sao, dù chiến tranh đã lùi xa, nhà văn vẫn tiếp tục viết về nó. Không phải để khơi gợi nỗi đau, nuôi dưỡng hận thù hay tôn vinh công trạng, mà để củng cố đạo đức, gìn giữ lẽ phải. Tôi từng chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh: Làng mạc hoang tàn, sông ngòi chết yểu, rừng núi bị đầu độc. Nhưng điều đáng sợ hơn cả không phải sự đổ nát vật chất - cái có thể phục hồi - mà là sự hoang vu trong tâm hồn, sự giá băng trong quan hệ con người. Văn học phải lên tiếng để hàn gắn những tổn thương ấy.
Trong bối cảnh hôm nay, khi đạo đức xã hội có dấu hiệu suy thoái, khi một bộ phận cán bộ, đảng viên lơ là trách nhiệm, thì văn học về chiến tranh càng có ý nghĩa nhắc nhở: Hòa bình hôm nay đã phải đổi bằng một cái giá quá đắt.
Viết về chiến tranh sau chiến tranh là một thách thức. Nếu trong chiến tranh, văn chương mang sứ mệnh động viên, cổ vũ tinh thần, thì khi hòa bình lập lại, cách tiếp cận phải thay đổi.
Viết về chiến tranh sau chiến tranh là một thách thức. Nếu trong chiến tranh, văn chương mang sứ mệnh động viên, cổ vũ tinh thần, thì khi hòa bình lập lại, cách tiếp cận phải thay đổi.
Chúng ta không còn đứng trong chiến hào ở tư thế đối địch mà phải nhìn từ khoảng cách xa hơn, với cái nhìn sâu hơn, đa chiều hơn. Nếu trước đây, văn học viết về chiến tranh chủ yếu ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, thì nay, nhà văn phải đủ bản lĩnh đối diện với những góc khuất, những nỗi đau còn dai dẳng.
Trong 50 năm qua, thế hệ nhà văn từng tham gia chiến tranh đã viết rất tích cực và đã để lại một số tác phẩm thật sự có sức sống lâu dài. Tuy nhiên, văn học viết về chiến tranh mới chủ yếu khai thác thân phận con người, tình yêu, mất mát, hơn là phản ánh toàn cảnh cuộc chiến. Chẳng hạn, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một góc nhìn chân thực, nhưng vẫn chỉ là cảm nhận của một người lính bình thường, chưa khái quát hết bản chất cuộc chiến cách mạng vì độc lập, thống nhất đất nước. Nhưng hy vọng chỉ một vài tác phẩm mà mang chở hết những gì oanh liệt, hào hùng cùng những đau thương, tàn khốc của một cuộc kháng chiến vĩ đại và trường kỳ mà chúng ta vừa trải qua cũng là điều không tưởng.
Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng (nay là TTXVN) điện tin từ mặt trận về căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng (nay là TTXVN) điện tin từ mặt trận về căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Một vấn đề khác là sự thay đổi của nghề viết. Trong chiến tranh, viết văn không phải là một nghề để kiếm sống, mà là một sứ mệnh gắn với lý tưởng. Nhưng sau 50 năm hòa bình, dù viết văn đã trở thành một nghề, rất ít người có thể sống bằng nhuận bút. Điều này khiến nhiều nhà văn không còn viết với tinh thần dấn thân như trước, mà chỉ viết khi có cảm hứng hoặc theo đơn đặt hàng.
Trước đây, văn nghệ sĩ được tổ chức như một đội quân chiến đấu, được đào tạo bài bản, trực tiếp vào chiến trường để phản ánh tinh thần thời đại. Nhưng trong hòa bình, công tác bồi dưỡng, tổ chức lực lượng sáng tác không còn được chú trọng. Hơn nữa, cuộc sống thời bình không có những sự kiện và nhân vật anh hùng mang tính biểu tượng như thời chiến, khiến nhà văn dễ mất phương hướng nếu không chủ động tìm kiếm đề tài.
Chính vì thế, có thể nói văn học hôm nay đang đối diện với một khoảng trống. Nếu chỉ xem viết văn là một nghề kiếm sống, nhiều người sẽ e ngại những vấn đề gai góc, tránh đi sâu vào những câu chuyện lớn của xã hội. Điều đó đặt ra một thách thức không nhỏ về trách nhiệm của văn chương trong thời đại mới.
Với tư cách là người quan sát và đồng hành cùng các nhà văn qua nhiều thế hệ, ông nhận thấy văn học viết về chiến tranh của Việt Nam có đặc điểm gì, khác gì so với thế giới? Và theo ông, điều gì giúp các tác phẩm về đề tài này có sức sống lâu dài?
Tôi không có điều kiện để so sánh sâu với các tác phẩm văn học trên thế giới viết về chiến tranh, nhưng có thể khẳng định rằng trong các cuộc kháng chiến cứu nước, văn học Việt Nam đã có bước trưởng thành vượt bậc. Trước năm 1945, dù phong trào Thơ Mới và văn chương tiền chiến phát triển mạnh, nền văn học nước ta vẫn còn non trẻ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, văn học cách mạng mới đang trên đường định hình, ngay cả những tên tuổi lớn như Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu... lúc ấy cũng chưa có nhiều tác phẩm đáng kể về chiến tranh. Tuy nhiên, sau kháng chiến, đồng thời một thế hệ nhà văn trưởng thành từ thực tiễn chiến đấu đã tạo nên diện mạo riêng cho văn học cách mạng. Chính sự gắn bó sâu sắc với cuộc chiến giúp họ phản ánh chân thực đời sống và tâm thế thời đại, tạo ra những tác phẩm có giá trị lâu dài.
Một đặc điểm nổi bật của văn học viết về chiến tranh của Việt Nam là sự hòa quyện giữa tác giả và tác phẩm. Trong kháng chiến, nhiều nhà văn đã khẳng định tên tuổi nhờ những sáng tác gắn liền với thời cuộc, đóng góp thật sự vào đời sống tinh thần của nhân dân. Không chỉ văn học, mà cả âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu... cũng phát triển mạnh, để lại di sản có sức sống bền bỉ đến hôm nay.
Một đặc điểm nổi bật của văn học viết về chiến tranh của Việt Nam là sự hòa quyện giữa tác giả và tác phẩm. Trong kháng chiến, nhiều nhà văn đã khẳng định tên tuổi nhờ những sáng tác gắn liền với thời cuộc, đóng góp thật sự vào đời sống tinh thần của nhân dân. Không chỉ văn học, mà cả âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu... cũng phát triển mạnh, để lại di sản có sức sống bền bỉ đến hôm nay.
Về thể loại, văn học viết về chiến tranh rất phong phú, từ thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn đến bút ký, hồi ký, ký sự. Các tác phẩm không chỉ khắc họa diện mạo những năm tháng kháng chiến, mà còn lưu giữ ký ức lịch sử. Quan trọng hơn, chính hiện thực hào hùng và bi tráng ấy đã trở thành nguồn cảm hứng lớn, giúp tác phẩm tồn tại lâu dài.
Điều giúp một tác phẩm viết về chiến tranh có sức sống bền bỉ trước hết là sự phản ánh trung thực về một hiện thực lớn lao. Nhưng không chỉ tái hiện chiến tranh, tác phẩm phải toát lên được khí thế, tâm thế và hào khí của cả một giai đoạn lịch sử. Chiến tranh đầy rẫy gian khổ, mất mát, nhưng chính văn học đã soi sáng những năm tháng cam go ấy, giúp con người giữ vững niềm tin. Những bài thơ từ miền nam gửi ra trong kháng chiến chống Mỹ, như thơ của Giang Nam, Thanh Hải, Thu Bồn, dù chất chứa bi tráng nhưng vẫn thắp lên hy vọng và ý chí chiến đấu. Và chính niềm tin ấy là giá trị quan trọng nhất mà văn học thời chiến để lại.
Sau chiến tranh, văn học Việt Nam dần chuyển từ khuynh hướng sử thi sang dòng văn học phản tư, khai thác những góc khuất và bi kịch con người. Theo ông, sự chuyển động này có phải tất yếu? Và liệu còn những góc khuất nào văn học chưa được chạm tới?
Văn học trong chiến tranh tất yếu mang tinh thần hào hùng, bởi nhà văn lúc đó cũng là chiến sĩ, cùng trực tiếp đứng trong hàng ngũ chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Nhưng khi chiến tranh qua đi, họ có điều kiện nhìn lại, phản ánh những góc độ khác của cuộc chiến, bởi bất kỳ cuộc chiến nào cũng có cả vinh quang lẫn bi kịch. Mấy cuốn ghi chép của tác giả Phan Thúy Hà do những người trong cuộc còn sống, thuộc về nhiều thời kỳ, ở hai phía chiến tuyến kể lại, được một số người đọc quan tâm là có lý do đó.
Sau chiến tranh, văn học tất yếu phải phản tư, nhìn lại những mất mát, đau thương. Tuy nhiên, có một số tác phẩm đi quá xa, cực đoan nhấn mạnh mặt tối của chiến tranh. Gần đây, trên mạng xã hội, nhà văn Trần Thị Thắng - người từng đi qua chiến tranh - phản ứng trước việc một số nhà văn khắc họa hình ảnh phụ nữ thời chiến ở một vài hoàn cảnh, vài thời kỳ có những biểu hiện như là lên cơn tâm thần, theo chị, đó chỉ là hiện tượng cá biệt, một bệnh lý về sức khỏe, chứ không thể xem là ham muốn bản năng. Ngày nay, đó đây, hiện tượng đó vẫn xảy ra. Hiểu cho đúng con người trong chiến tranh quả là điều không dễ.
Điều này cho thấy, khi phản tư quá khứ, cần giữ sự công bằng và tỉnh táo. Văn học phản tư vẫn cần thiết, nhưng phải đặt trong cái nhìn khách quan, để thấy rằng cuộc chiến của chúng ta là chính nghĩa, chiến thắng là xứng đáng, và những hy sinh không vô nghĩa.
Vì sao đời sống phê bình văn học ngày nay có dấu hiệu mờ nhạt so với sáng tác, thiếu những cuộc tranh luận sôi nổi như trước đây, thưa ông?
Phê bình văn học ngày nay không còn giữ được vai trò đối trọng cần thiết, chủ yếu do ba nguyên nhân.
Thứ nhất, đây không phải là một nghề có thể nuôi sống người viết, và Hội Nhà văn cũng chưa đặt phê bình vào đúng vị trí của nó. Các giải thưởng văn chương thường để nhà văn chấm văn, nhà thơ chấm thơ, thay vì có một hội đồng phê bình độc lập, mang tính thẩm định rõ ràng. Để cho yên, Hội thường chọn tặng cho các tập nghiêng về nghiên cứu, mà việc này thì đã có giải thưởng của bên nghiên cứu khoa học rồi.
Thứ hai, phê bình thiếu cả người đủ trình độ lẫn dũng khí để viết thẳng thắn. Ngày trước, thế hệ hậu sinh chúng tôi vẫn có thể viết khen chê thẳng thừng tác phẩm các bậc đàn anh đi trước chúng tôi một, hai thế hệ như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu. Nhưng nay, phê bình sắc sảo gần như biến mất, phần lớn chỉ còn lời khen. Điều này khiến văn học mất đi một động lực phát triển quan trọng.
Các nhà văn trao đổi tại Hội thảo văn học viết về kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: THANH DUY
Các nhà văn trao đổi tại Hội thảo văn học viết về kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: THANH DUY
Thứ ba, bối cảnh văn học đã thay đổi. Trước đây, khi phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là hệ quy chiếu chung, tranh luận có thể đi đến cùng. Nhưng hiện nay, với quá nhiều xu hướng, trường phái khác nhau, mỗi người một quan điểm, không có thước đo thống nhất, dẫn đến sự phân tán.
Ngoài ra, không nhiều cơ quan ngôn luận sẵn sàng đăng tải các bài viết phản biện lẫn nhau, khiến tranh luận chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội, nơi dễ bị cảm tính chi phối. Cuối cùng, văn học chỉ sôi động khi có những tác phẩm xứng tầm. Nếu không có sáng tác đủ sức tạo nên luồng dư luận, cũng không có gì để tranh luận.
Các cuốn sách của nhà văn Ngô Thảo. Ảnh: MẠNH TRƯỜNG
Các cuốn sách của nhà văn Ngô Thảo. Ảnh: MẠNH TRƯỜNG
Điều khiến tôi day dứt nhất là chưa có nhiều tác phẩm mới thật sự nổi bật về chiến tranh.
Theo ông, điều khó khăn nhất trong nghề viết là gì? Viết về chiến tranh, về ký ức, hay viết để tự vượt qua chính mình?
Tôi không phải nhà văn, nên không thể trả lời từ góc độ sáng tác, nhưng với tư cách người làm phê bình, tôi thấy mỗi thế hệ đều có những thách thức riêng. Thời chúng tôi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tranh luận sôi nổi, nhà văn sẵn sàng tiếp nhận phản biện vì chính họ cũng muốn biết những hạn chế của mỗi tác phẩm vừa hoàn thành. Nhưng khi không còn sung sức hoặc mất niềm tin vào sáng tác, họ có thể né tránh phê bình.
Viết về ký ức không chỉ là ghi lại quá khứ, mà phải làm sao để ký ức ấy có ý nghĩa với cuộc sống hôm nay. Mỗi thế hệ có cách nhìn khác nhau về chiến tranh và chúng ta cần chờ đợi những nhà văn trẻ tiếp cận đề tài này theo cách của họ.
Nhìn lại gần một thế kỷ đầy biến động của đất nước, tôi vẫn thấy rằng văn chương chiến tranh chưa bao giờ là đủ. Nhưng trong bối cảnh công nghệ, AI, văn hóa nghe-nhìn phát triển mạnh mẽ, văn học không thể đi theo lối mòn cũ mà cần cách tiếp cận mới.
Vì vậy, điều khiến tôi day dứt nhất là chưa có nhiều tác phẩm mới thật sự nổi bật về chiến tranh. Trong khi chờ đợi điều đó, việc tập hợp, in lại những tác phẩm xuất sắc nhất là rất cần thiết, để lưu giữ tư liệu quý giá và tránh bị mai một theo thời gian. Đó cũng là lý do tôi vừa in hai tập sách 30 năm văn học kháng chiến 1945-1975, và Tác giả và tác phẩm Văn học 1945- 1975, có một phần hệ thống lại những tiểu luận đã viết từ lâu nhưng vẫn còn giá trị.
Ông cảm nhận gì về thế hệ cầm bút hôm nay? Họ đang thừa hưởng di sản của thế hệ trước hay tìm hướng đi riêng, và ông có nhắn nhủ gì với họ?
Ngày nay, rất ít người trẻ chọn văn chương làm nghề, nhưng số người viết để thể hiện bản thân lại rất nhiều. Họ có lợi thế về tri thức, ngoại ngữ, công nghệ và sáng tạo đa dạng, không chỉ viết văn, làm thơ mà còn sáng tác nhạc, vẽ tranh, nghiên cứu xã hội. Tuy nhiên, để trở thành nhà văn chuyên nghiệp, gắn bó lâu dài với nghề là chuyện khác, vì nghề viết khó bảo đảm cho cuộc sống.
Với thế hệ trẻ, văn học quá khứ là kho tư liệu tham khảo hơn là thứ họ buộc phải kế thừa. Nhưng với những ai muốn đi xa trên con đường văn chương, bài học từ thế hệ trước vẫn rất giá trị.
Hiện nay, số người viết nhiều, nhưng số nhà văn thực thụ, có uy tín trong xã hội thì ít. Người tài luôn có, nhưng để trở thành những nhà văn có tầm vóc, dấn thân và trách nhiệm như thế hệ thời chiến, thì đến nay vẫn còn rất hiếm.
Dù vậy, tôi vẫn mong thế hệ trẻ hôm nay - dù sống trong một thế giới mở, tiếp cận nhiều tư duy mới - vẫn giữ được bản sắc riêng biệt của văn hóa Việt Nam. Chúng tôi từng làm được vì tựa vào văn hóa dân tộc, vào lòng tự hào và tình yêu đất nước. Nếu giữ được cái “hồn” ấy, các bạn trẻ có thể đi xa, vươn ra thế giới mà không đánh mất chính mình.
Trân trọng cảm ơn nhà văn Ngô Thảo!
Tôi vẫn mong thế hệ trẻ hôm nay - dù sống trong một thế giới mở, tếp cận nhiều tư duy mới - vẫn giữ được bản sắc riêng biệt của văn hóa Việt Nam. Chúng tôi từng làm được vì tựa vào văn hóa dân tộc, vào lòng tự hào và tình yêu đất nước. Nếu giữ được cái “hồn” ấy, các bạn trẻ có thể đi xa, vươn ra thế giới mà không đánh mất chính mình.