Nhà khoa học nữ nâng tầm nông sản Việt

Sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam là một nước thiếu lương thực. Đến hôm nay, chúng ta đã lọt vào top 3 các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Đạt được những thành tựu trên, có đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học đã đưa những nghiên cứu của mình vào thực tiễn sản xuất.

PGS, TS Nguyễn Minh Tân là giảng viên Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội. Dịp mùng 8/3 vừa qua, chị đã được nhận Giải thưởng Kovalevskaia với những cống hiến trong khoa học giúp nâng tầm nông sản Việt.

TỪ BẰNG SÁNG CHẾ CHO CÔNG NGHỆ TIÊN PHONG

Vừa kết thúc những tiết dạy đầu tiên cho sinh viên năm thứ ba, PGS, TS Nguyễn Minh Tân trở về Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên (INAPRO) thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi chị đảm nhận vai trò giám đốc với liên tiếp cuộc gọi nhỡ, hình ảnh máy móc được chuyển về. Phía bên kia là những người thợ vận hành tại Công ty TNHH Nông sản Ba Bể (xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) nhận chuyển giao công nghệ JEVA chế biến quýt, mơ, vải. Họ đề xuất nhóm nghiên cứu INAPRO giải quyết vướng mắc trong vận hành máy tại màn hình mẫu số 2. Qua điện thoại thông minh của mình, PGS, TS Nguyễn Minh Tân yêu cầu nhóm sinh viên năm thứ tư chỉ kiểm tra qua màn hình là đã có thể xử lý vấn đề ngay, máy lại vận hành trơn tru mà không phải “trèo đèo, lội suối” lên tận nhà máy ở Bắc Kạn.

Nói đến PGS, TS Nguyễn Minh Tân, giới khoa học trong nước và thế giới về lĩnh vực phân tách và tinh chế tiên tiến nhắc ngay đến công nghệ cô đặc nước quả JEVA (đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam). Ưu điểm của công nghệ JEVA là có thể cô đặc nước quả thông qua phương pháp tách nước từ dịch quả thực hiện trong điều kiện nhiệt độ thấp (dưới 42°C) và áp suất thường nên giữ được các vitamine, chất khoáng và hương vị tự nhiên của nguyên liệu. “Nếu 1 kg dưa hấu không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo dạng quả tươi có giá 2.000 - 4.000 đồng nhưng 1 kg nước dưa hấu cô đặc giao dịch trên thị trường quốc tế có giá dao động từ 250.000 - 400.000 đồng, như vậy đã tạo được giá trị gia tăng và đa dạng hóa sản phẩm cho hoa quả Việt Nam!”, chị Tân so sánh.

Bên cạnh đó, công nghệ JEVA có thể chế biến nhiều loại nước quả trên một hệ thống máy móc làm tăng được hiệu quả sản xuất, không lệ thuộc vào mùa vụ… “Công nghệ JEVA đã được cấp năm bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam và một công bố sáng chế quốc tế (PCT).

Đây là minh chứng PGS, TS Nguyễn Minh Tân và công nghệ JEVA đang tiên phong trong nước và cả thế giới về lĩnh vực nghiên cứu này!”, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định. PGS, TS Nguyễn Minh Tân tự hào vì công việc nghiên cứu hằng ngày của chị đang giúp đỡ cho rất nhiều nông dân ở khắp nơi trên dải đất hình chữ S.

PGS.TS. Nguyễn Minh Tân tại Lễ trao giải thưởng Kovalepskaia năm 2025

PGS, TS Phạm Thị Dung và học trò của mình tại tâm dịch Việt Yên, Bắc Giang.

Chị chia sẻ đầy tâm huyết: “Hoa quả tại Việt Nam vốn gặp vấn đề “được mùa, mất giá”, vì vậy, cần thiết phải chế biến. Tuy nhiên, trước đây, việc chế biến nông sản đòi hỏi phải thực hiện ở các nhà máy quy mô lớn, có hạ tầng kỹ thuật phức tạp phục vụ với những cỗ máy cồng kềnh. Nhưng thực tế, tại hầu hết các vùng nguyên liệu, bà con nông dân trồng trọt theo hộ gia đình nhỏ, lẻ, không có vốn. Bài toán của tôi là với công nghệ của mình nhưng làm sao phải đưa ra những mô hình sản xuất phù hợp để chế biến mà không phụ thuộc mùa, vụ, lại còn có thể di chuyển tới các địa phương, vùng nguyên liệu không tập trung. Đặc biệt, nếu nông dân/ hợp tác xã không có vốn lớn, hoàn toàn có thể thuê máy hoặc thuê chế biến…”.

Để giải được bài toán này, giải pháp chế biến rau quả di động và thông minh SMoJEVA đồng hành cùng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đã ra đời. Theo đó, công nghệ JEVA có thể được triển khai trên quy mô vừa và nhỏ, các khối thiết bị JEVA nhỏ gọn có thể đặt vừa trong một nửa container 20 feet dễ dàng di chuyển đến nhiều nơi. Giải pháp này của PGS, TS Nguyễn Minh Tân đã được trao Giải thưởng đổi mới sáng tạo quốc tế tại Triển lãm và Diễn đàn Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ (KIWIE 2024) do Cục sáng chế Hàn Quốc (KIPO) và Hội nữ sáng chế Hàn Quốc (KWIA) tổ chức vào ngày 22/6/2024. Có thiết bị rồi, PGS, TS Nguyễn Minh Tân lại nghĩ đến việc phải chuyển đổi số quá trình chế biến nông sản.

“Cái lợi của chuyển đổi số là doanh nghiệp đã được thụ hưởng công nghệ, tận dụng hạ tầng của địa phương mà lại không cần lo giữ chân nhân công kỹ thuật cao để điều hành và giám sát điều hành sản xuất. Còn dưới góc độ đào tạo, sinh viên Đại học Bách khoa có cơ hội thực hành thực tế thông qua việc vận hành nhà máy “thật”…”, chị Tân nói. Theo PGS, TS Nguyễn Minh Tân, hiện công nghệ JEVA đã thực hiện điều khiển, vận hành trực tuyến đến hơn 80% kết hợp trực tiếp nhỏ hơn 20%.

Không chỉ dừng lại ở chuyển đổi số, công nghệ JEVA còn đáp ứng yêu cầu theo hướng chuyển đổi xanh. Các thiết bị ứng dụng công nghệ JEVA được tích hợp bơm nhiệt, dùng năng lượng điện nên có mức tiêu thụ năng lượng giảm hơn 83% so với các thiết bị cô đặc nhiệt thông thường. Mặt khác, khi chế biến sâu, tận dụng gần hết nguyên liệu nên hạn chế tối đa chất thải ra môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm được “dấu chân carbon” của các sản phẩm. Chính vì thế, sản phẩm lại có thêm lợi thế xuất khẩu.

... ĐẾN TẤM “BẢN ĐỒ TRÁI CÂY VIỆT”

Đến nay, công nghệ JEVA và giải pháp SMoJEVA đã và đang được triển khai theo các phạm vi và mức độ khác nhau tại 14 doanh nghiệp tại Việt Nam, tạo nên cầu nối hữu hiệu giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn. Những tin vui phản hồi từ phía các doanh nghiệp được PGS, TS Nguyễn Minh Tân đón nhận “vui như nhận bằng sáng chế lần nữa!”. Bà Đào Mai Anh, đại diện Công ty TNHH Nông sản Ba Bể cho biết, doanh nghiệp đã triển khai thành công nhiều đợt sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mới như nước ép cô đặc, nước trái cây đóng chai, mật ong vỏ quýt, mật ong mơ, bánh quy chuối…

Còn ông Phạm Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (VIETNIPA) lại rất “kết” công nghệ JEVA vì tiết kiệm năng lượng đáng kể và phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Đặng Văn Hóa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất và chế biến chanh Nam Kim (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nhận định, công nghệ JEVA rất phù hợp để chế biến nước ép chanh Nam Đàn với công suất 4 tấn quả/ngày, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. PGS, TS Nguyễn Minh Tân luôn kiên trì với định hướng nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.

Chị chia sẻ: “Không nghiên cứu những gì mình có, mà nghiên cứu những gì xã hội cần. Việt Nam chưa có thị trường về ứng dụng khoa học nên tôi muốn bước ra khỏi cổng trường đại học để đưa các nghiên cứu đến với cuộc sống hằng ngày. Mình làm ra công nghệ rồi nhưng phải đưa ra cách để người ta ứng dụng được công nghệ đó!”. Đồng hành cùng với những người nông dân, PGS, TS Nguyễn Minh Tân và nhóm nghiên cứu đã “vào cuộc” từ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, sản xuất thử nghiệm đến khảo sát thị trường. “Khi sản phẩm được thị trường đón nhận, người nông dân thấy rõ hiệu quả, chúng tôi mới tròn trách nhiệm! Mô hình này giúp doanh nghiệp nhỏ giảm thiểu rủi ro, không phải đầu tư ngay từ đầu mà vẫn được hỗ trợ toàn diện để phát triển sản phẩm mới và xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp”, chị Tân nói.

Bài học làm người trước khi làm nghề

“Không nghiên cứu những gì mình có, mà nghiên cứu những gì xã hội cần. Việt Nam chưa có thị trường về ứng dụng khoa học nên tôi muốn bước ra khỏi cổng trường đại học để đưa các nghiên cứu đến với cuộc sống hằng ngày. Mình làm ra công nghệ rồi nhưng phải đưa ra cách để người ta ứng dụng được công nghệ đó!”, chị Tân chia sẻ.

Điều đặc biệt, toàn bộ quy trình này được triển khai miễn phí cho bà con nông dân. PGS, TS Nguyễn Minh Tân khoe với tôi tấm “bản đồ trái cây Việt” mà chị đã dày công nghiên cứu trong suốt nhiều năm. Chị có nguyện vọng, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhiều loại nông sản ở các vùng miền hơn nữa. “Tôi muốn có một siêu thị công nghệ và giải pháp chế biến nông sản. Ai muốn đến ứng dụng mô hình về chuối, tôi có sẵn. Vừa chuối vừa cam tôi cũng có. Mía ư, tôi cũng sẵn sàng trên kệ. Nước mía cô đặc trộn mật ong rất thơm ngon có thể chuyển sang Mỹ, Australia, châu Âu... đều được”, giọng chị hồ hởi. Say sưa với công việc nghiên cứu của mình như vậy nên chị kể: “Có hôm đi chợ, gặp mấy đồng nghiệp nữ thường ngày bận việc ít gặp nhau, thế là, chị túi thịt, em túi cá cứ đứng giữa chợ bàn chuyện công việc, dự án...”. Bởi ngoài vai trò của một nhà khoa học, chị vẫn là một người vợ, người mẹ bình thường, giản dị.

Nội dung: THẾ PHONG
Trình bày: THÀNH HƯNG