Khi Nhà nước và doanh nghiệp cùng tiến về phía trước

Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Giới kinh doanh không muốn bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để cùng đất nước bước vào giai đoạn phát triển thịnh vượng. Nấc thang mới của khu vực kinh tế tư nhân dần được hiển hiện.

CAM KẾT TỪ DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC

Không còn một chỗ trống nào trong Hội trường của Tổng công ty 319, các thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong thi công công trình xây dựng, giao thông đều có mặt từ sớm tại cuộc làm việc mới đây của Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam. Họ hội tụ lại để cùng nhau trả lời câu hỏi mà các cơ quan quản lý nhà nước đang đặt ra: Trước cơ hội hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia được thông qua, các nhà thầu trong nước có thể làm gì, làm đến đâu?

Thị trường xây dựng trị giá hàng chục tỷ USD đang được mở ra...

“Chúng tôi cam kết làm được và sẽ phải làm bằng được đúng thiết kế, yêu cầu mà Chính phủ đặt ra. Nếu cần thay Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) hay Tổng giám đốc, để bảo đảm làm mới năng lực, đủ sức tham gia vào các dự án trọng điểm, chúng tôi cũng quyết tâm làm!”. Lời giãi bày tâm huyết này được ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giao thông Phương Thành chia sẻ và tự tin là “mang tính đại diện” cho các nhà thầu Việt trong bối cảnh hiện nay.

Mong muốn có mặt trong dự án mang dấu ấn thời đại của đất nước không phải chỉ của một vài doanh nghiệp và cũng không phải đến thời điểm này mới có. Song, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, người khởi xướng các cuộc làm việc liên tục của nhà thầu về việc này thừa nhận, mọi việc không hề dễ dàng!

Các nhà thầu Việt Nam chưa từng tham gia dự án tương tự, thí dụ như xây dựng hạ tầng đường sắt tốc độ cao, cũng chưa có trải nghiệm, kinh nghiệm về tiêu chuẩn liên quan. Do đó, nếu thực hiện đấu thầu quốc tế, khả năng doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện theo các quy định hiện hành để tham gia đã là khó. Do đó, chúng tôi mong mỏi tinh thần của lời khẳng định mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ - “phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các công trình, dự án quan trọng của đất nước” sẽ được cụ thể hóa thông qua cơ chế chính sách phù hợp. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đưa ra các đề xuất, để các cơ quan quản lý cân nhắc...
Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC

Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Internet

Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Internet

Nhìn lại hơn 20 năm về trước, ngành xây dựng phát triển dựa vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước - những anh cả đỏ trong nền kinh tế. Nhưng công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cùng cơ chế “người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm” của Luật Doanh nghiệp đã tạo nên một lớp doanh nghiệp xây dựng đa màu sắc. Một số là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, như Giao thông Phương Thành; một số khác là do “người nhà nước” ra ngoài thành lập, như ông Nguyễn Quốc Hiệp và GP Invest; hay là thế hệ kế nghiệp gia đình như Chủ tịch Hồ Minh Hoàng và Tập đoàn Đèo Cả...

“Mục tiêu phải làm để có việc, có lương cho anh em và cũng để tồn tại được vào những năm khởi nghiệp buộc chúng tôi không từ chối bất cứ cơ hội nào. Việc lớn thì gọi nhau cùng làm, việc khó thì liên kết, chấp nhận làm thầu phụ cho nhà thầu nước ngoài...”, ông Nguyễn Quốc Hiệp kể lại.

Cho đến giờ, top 10 thương hiệu nhà thầu xây dựng Việt Nam năm 2024 chỉ có một doanh nghiệp nhà nước. Sự chi phối tương tự được ghi nhận ở cả top 10 nhà thầu xây dựng hạ tầng công nghiệp hay nhà thầu cơ điện của Việt Nam.

Ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Báo Nhân Dân

Ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Báo Nhân Dân

Các doanh nghiệp tư nhân đã góp mặt đầy tự hào ở các công trình lớn, nhiều công trình chưa từng có ở Việt Nam, như các công trình hầm đường bộ, sân bay Long Thành... Thậm chí, dù đang đối mặt với những rào cản rất lớn, như các quy định về định mức đơn giá không phù hợp, bàn giao mặt bằng chậm hay khó khăn trong nguồn cung vật liệu xây dựng, song các nhà thầu Việt đều nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa, làm ba ca, bốn kíp” để đáp ứng tiến độ nhiều dự án trọng điểm quốc gia, theo đúng yêu cầu của Chính phủ đề ra.

“Chúng tôi làm không vì được khen, không chỉ làm vì có việc làm, có thương hiệu mà vì muốn có mặt trong các công trình sẽ làm nên dấu ấn của một đất nước phát triển. Nên chúng tôi sẽ học để làm, sẽ thuê chuyên gia nếu chưa đủ trình độ...”, ông Phạm Văn Khôi chia sẻ.

Điều các doanh nghiệp đang chờ đợi là cơ chế, chính sách giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp được ban hành một cách rõ ràng, minh bạch và càng nhanh, càng tốt.

CÙNG KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KINH DOANH HẤP DẪN HƠN

Không chỉ các nhà thầu xây dựng đang nóng lên với nhiều đề xuất, kiến giải, nhiều hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước cũng đang vào cuộc tổng rà soát các hoạt động của doanh nghiệp để hiến kế cho Chính phủ. Giới kinh doanh không muốn bỏ lỡ cơ hội tham gia xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hay nói đúng hơn là cơ hội đưa môi trường kinh doanh Việt Nam sánh vai với các nền kinh tế trong khu vực và xa hơn.

Là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đại diện cho cộng đồng hơn 19.000 doanh nhân trẻ, ông Đặng Hồng Anh gần như ngay lập tức tổng hợp được những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp đang gặp phải. Có thể kể đến những khó khăn trong tiếp cận vốn, mong muốn rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục cấp phép đầu tư, giấy phép kinh doanh, thuế, hải quan...

Nhưng, dường như mối quan tâm của các doanh nhân trẻ còn chi tiết và đặc thù hơn.

Chúng tôi cùng mong có được mô hình trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại các đô thị lớn với vai trò “one-stop-shop”, cung cấp đầy đủ dịch vụ tư vấn, đào tạo, đầu tư ban đầu và kết nối thị trường quốc tế. Các chương trình hỗ trợ vốn cho start-up theo mô hình đồng đầu tư (matching fund), kết hợp giữa nguồn vốn Nhà nước và tư nhân, nên được nhân rộng như mô hình thành công của Israel và Hàn Quốc
Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

Hình minh họa đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Internet

Hình minh họa đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Internet

Bên cạnh những cơ chế, chính sách, trao cơ hội và điều kiện để có thêm những cánh đại bàng Việt, có thêm doanh nhân tỷ phú USD, giới kinh doanh đang mong có được môi trường thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Từ đó, kiến tạo lớp doanh nghiệp, doanh nhân kế cận.

Điều đáng nói, trong môi trường hiện nay, các doanh nghiệp lớn đang cáng đáng vai trò là người tiên phong. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, như Đèo Cả, Vinaconex... đã tham gia đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), kết hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị cho giai đoạn bước lên nấc thang phát triển mới.

Có nhiều lý do để các doanh nghiệp nhiệt tình tham gia xây dựng chính sách, nhưng hiện tại, điểm mấu chốt được nhắc đến là khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm về vai trò của kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước và kinh tế tư nhân sẽ phải chiếm tỷ trọng 70% trong GDP của đất nước.

Với số lượng và tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp tư nhân hiện tại, để đạt được tỷ lệ hơn 900.000 doanh nghiệp và tỷ trọng trong GDP khoảng 51%, không hề đơn giản. Tuy nhiên, đặt mục tiêu cao cũng mở ra dư địa vô cùng rộng lớn để “thay máu, nâng chất” khu vực kinh tế tư nhân. Cũng có nghĩa, không gian chính sách hoàn toàn mới đang dần được hình thành.

Trước yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc phải đưa thứ hạng của môi trường kinh doanh của Việt Nam vào top ba nước đứng đầu ASEAN trong vòng ba năm tới, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Bình Dương bày tỏ quan điểm: “Một khi các nhà lãnh đạo đất nước khẳng định quyết tâm cao như vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thêm tự tin để cạnh tranh sòng phẳng, trước hết với khối doanh nghiệp ASEAN”.

Đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vươn đến thứ hạng cao hơn trong khu vực sẽ là nền tảng cho sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp theo hướng đồng hành, cùng tiến về phía trước...

Nội dung: TUYẾT ÁNH
Trình bày: NGỌC THÚY
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN, INTERNET