Nhận diện những bất cập trong công tác lập pháp, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật
Trong suốt chiều dài hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam luôn coi trọng vai trò lập pháp, với mục tiêu xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong việc thực thi.
Kỳ họp thứ nhất
Quốc hội khóa I
Trước tình hình đó, Quốc hội đã nhận diện rõ các vấn đề này, tập trung vào nhiệm vụ đổi mới tư duy lập pháp, cải thiện chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Những nỗ lực này nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển, khắc phục những "điểm nghẽn" về thể chế, tạo dựng một nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Ngay tại nhiệm kỳ khóa I (1946-1960), Quốc hội đã thông qua 2 bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trong đó có bản Hiến pháp năm 1946 (ra đời ngày 19/11/1946) - bản Hiến pháp đầu tiên mở ra tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, và Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1960 (Quốc hội thông qua ngày 31/12/1959, Chủ tịch nước ký lệnh ban hành ngày 1/1/1960).
Cùng với đó, Quốc hội khóa I cũng thông qua 16 luật, trong đó có rất nhiều luật thể hiện sự tiến bộ như: Dự án luật Lao động (thông qua ngày 8/11/1946); Luật Đảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân (ban hành ngày 20/5/1957); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (thông qua ngày 14/9/1957)…
Quốc hội khóa I (1946-1960) là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, là mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới. Kế thừa những thành quả này, kể từ khóa I đến khóa XV hiện nay, Quốc hội Việt Nam qua các nhiệm kỳ luôn đặc biệt coi trọng hoạt động lập pháp, gắn quá trình xây dựng luật với quá trình hoàn thiện pháp luật để đáp ứng tình hình luôn không ngừng biến động, thay đổi, nhiều khi vượt ra ngoài dự báo của thực tiễn.
Kể từ đó, Quốc hội Việt Nam qua các nhiệm kỳ, trong đó có Quốc hội khóa XV hiện nay vẫn đang viết tiếp những “trang sử vàng” đầy vinh quang này. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới, bên cạnh nhiều thành tựu to lớn đạt được, công tác lập pháp cũng còn đó những khó khăn, thử thách mà Quốc hội Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực vượt qua.
Trong những năm gần đây, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. Căng thẳng, xung đột nổ ra ở nhiều khu vực đã tác động đến nhiều lĩnh vực trên toàn cầu, nhất là các vấn đề như tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, hoạt động cứu trợ nhân đạo… Bối cảnh ấy đã có những tác động không nhỏ đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020, thế giới phải đối diện với đại dịch Covid-19, một đại dịch lớn nhất trong lịch sử nhân loại, tác động nghiêm trọng đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó có nước ta.
Ở thời điểm đó, trước yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch, nhiều quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội cần phải điều chỉnh, bổ sung để kịp thời thích ứng với điều kiện thực tế.
Vì vậy, ngay tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp, trong đó có nội dung đáng chú ý về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 với cơ chế đặc biệt cho Chính phủ trong công tác này để tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã thực hiện trong thời gian trước đó.
Tại các kỳ họp tiếp sau, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian thảo luận, xem xét thông qua nhiều luật, nghị quyết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống đại dịch, góp phần quan trọng đưa đất nước ta trở thành một trong những nước đi đầu trên thế giới về việc sớm khống chế và đẩy lùi được đại dịch Covid-19.
Tính riêng từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 45 nghị quyết và 3 pháp lệnh. Trong đó, có rất nhiều dự án luật lớn, khó như Luật Đất đai (sửa đổi)… Đây là một khối lượng công việc lập pháp rất lớn.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân…
Luật Đất đai 2024 có rất nhiều ưu điểm, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất trong thực tiễn mà Luật Đất đai trước khi được sửa đổi chưa thể giải quyết hết được.
Theo đó, luật quy định, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định trước ngày 1/7/2014 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận không có tranh chấp thì được cấp sổ đỏ…
Cũng ngay trong Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khóa XV dự kiến tiếp tục thông qua 15 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến vào 13 dự thảo luật. Đây là một khối lượng lập pháp lớn, khẳng định sự nỗ lực rất cao của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả tích cực nêu trên, có lúc, có nơi, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật còn tồn tại một số hạn chế.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV rằng: “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân...”.
Những hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, ngoài những nguyên nhân khách quan như tình hình thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội ở Việt Nam như đã nêu ở trên…, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận nghiêm túc những nguyên nhân chủ quan để công tác này ngày càng đạt hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn những chuyển biến nhanh, khó lường từ thực tiễn.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội…
Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân nhận thấy, hiện nay, tỷ lệ đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm vẫn còn cao hơn so với quy định. Đại biểu kiêm nhiệm cùng lúc phải đảm nhiệm nhiều chức vụ, chức danh ở nhiều bộ, ngành, địa phương khiến cho họ không còn quá nhiều thời gian để có thể chuyên tâm hoàn toàn vào nhiệm vụ đóng góp cho quá trình xây dựng, hoàn thiện luật.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có vai trò rất quan trọng, là “nòng cốt” trong hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Bởi vậy, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đều được Quốc hội quyết tâm đặt ra và tích cực thực hiện trong các nhiệm kỳ gần đây.
Cụ thể, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đề ra mục tiêu “Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội”. Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, tỷ lệ này được nâng lên là ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội.
Thực tế, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng qua các nhiệm kỳ: Quốc hội khóa XI có 121 đại biểu chuyên trách (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XII có 145 đại biểu chuyên trách (chiếm 29,41%), Quốc hội khóa XIII có 154 đại biểu chuyên trách (chiếm 30,8%), Quốc hội khóa XIV có 167 đại biểu chuyên trách (chiếm 33,80%).
Đặc biệt, Quốc hội khóa XV hiện nay có 126 đại biểu chuyên trách ở Trung ương và số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương trúng cử là 67 người (đạt tỷ lệ 39%). Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt chỉ tiêu “ít nhất 40%” được đề ra tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, nếu như chúng ta chỉ quá tập trung vào cơ cấu, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách mà không chú trọng tới chất lượng của đại biểu chuyên trách thì vẫn sẽ không bảo đảm được yêu cầu đặt ra.
Theo đại biểu Việt Nga, tỷ lệ đại biểu chuyên trách cao phải song song cùng với chất lượng đại biểu chuyên trách cao. Có như vậy, hoạt động của Quốc hội nói chung và của đại biểu Quốc hội chuyên trách nói riêng mới thực sự chuyên nghiệp và hiệu quả. Chất lượng đại biểu chuyên trách cần được quan tâm ở những giai đoạn khác nhau.
“Ở giai đoạn giới thiệu người ứng cử, bầu cử, chúng ta phải lựa chọn bảo đảm những tiêu chí về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ, đạo đức - những yếu tố cơ bản cần có tạo nên một người đại biểu có tâm, có tầm. Ở giai đoạn đại biểu Quốc hội chuyên trách đã đi vào thực hiện nhiệm vụ, cần tiếp tục đề cao việc trau dồi kỹ năng, kiến thức, đồng thời có những quan tâm, chính sách, đãi ngộ xứng đáng đối với đại biểu” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất.
Một nguyên nhân rất quan trọng khác là, trong thời gian gần đây, nhiều tờ trình dự thảo luật được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo quá muộn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng thường xuyên đề nghị bổ sung thêm nhiều dự án luật vào chương trình xây dựng pháp luật dẫn đến phải liên tục thay đổi chương trình dù chương trình này đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội cho từng kỳ họp trong cả nhiệm kỳ 5 năm.
Việc này khiến cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có rất ít thời gian nghiên cứu một khối lượng tài liệu khổng lồ trong thời gian quá ngắn, dễ khiến họ khó có thể thể bao quát được vẹn tròn.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đại biểu Quốc hội chuyên trách Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị: Để có thời gian cho đại biểu nghiên cứu, tham gia thảo luận thì chương trình xây dựng luật, pháp luật phải phù hợp; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng gần tới kỳ họp mới đưa vào chương trình. Theo đại biểu, đây cũng chính là một tư duy đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật.
Để có thời gian cho đại biểu nghiên cứu, tham gia thảo luận thì chương trình xây dựng luật, pháp luật phải phù hợp; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng gần tới kỳ họp mới đưa vào chương trình. Đây cũng là một tư duy đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật
---
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nhân Dân, Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đã quyết định như sau: Về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024: Bổ sung vào chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024) theo quy trình tại 1 kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn 1 dự án, dự thảo luật và 1 dự án, dự thảo nghị quyết; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) thêm 8 luật; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án pháp lệnh.
Bên cạnh đó, nhiều dự án luật do các bộ, ngành dự thảo chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa đánh giá hết tác động, chưa dự báo đúng tình hình, chưa bao quát được hết các vấn đề của thực tiễn.
Ngay tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, ngay sau khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khi thẩm tra đã khẳng định: “Báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng thể hiện sự cấp bách và vướng mắc trên thực tiễn, đặc biệt trong một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá được cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp”.
Trong bài viết mới đây về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu: “Tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần ‘vừa chạy vừa xếp hàng’ để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua”.
Hiệu lệnh của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã được phát đi. Ngay tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh, trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật…
Đảng đã chỉ đạo, Quốc hội đã lĩnh hội và quyết tâm thực hiện, chắc chắn rằng, công cuộc đổi mới tư duy lập pháp ngay trong hiện tại và thời gian sắp tới sẽ cần tập trung triển khai nhiều giải pháp phù hợp, đồng bộ và khả thi hơn…
Ngày xuất bản: 13/11/2024
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: VĂN TOẢN - VŨ CẢNH - TRUNG HƯNG - SƠN BÁCH
Trình bày: SƠN BÁCH
Ảnh: Báo Nhân Dân, Cổng thông tin điện tử Quốc hội