
Vu Thục Huệ - một thiếu nữ thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã dành 8 năm tuổi thanh xuân tham gia hỗ trợ y tế cho Việt Nam tại Bệnh viện Nam Khê Sơn ở Quế Lâm. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, bà Vu Thục Huệ vẫn nhớ như in và xúc động chia sẻ những kỷ niệm, ấn tượng khó quên trong quá trình điều trị và chăm sóc bộ đội Việt Nam bị thương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bà Vu Thục Huệ, nguyên nhân viên y tế Bệnh viện Nam Khê Sơn, Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc.
Bà Vu Thục Huệ, nguyên nhân viên y tế Bệnh viện Nam Khê Sơn, Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc.
57 năm trước, vào đúng ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9/1968), thiếu nữ Vu Thục Huệ cùng 277 nhân viên y tế đến từ các bệnh viện khác nhau của thủ đô Bắc Kinh đã lên đường đi Quế Lâm, tham gia công tác viện trợ y tế cho Việt Nam tại Bệnh viện Nam Khê Sơn. Nhóm nam thanh nữ tú ngày ấy, người trẻ nhất mới 19 tuổi, người lớn nhất chỉ 21 tuổi, đã hào hứng khoác ba lô lên đường như một chiến sĩ bởi đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng rất vinh quang mà Đảng và Nhà nước Trung Quốc giao phó.
Tuy hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng bà Vu Thục Huệ vẫn nhớ như in quá trình 8 năm công tác hỗ trợ y tế cho Việt Nam dù ngắn ngủi nhưng đã để lại rất nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc, bởi bà đã sống và cống hiến tuổi thanh xuân của mình ở nơi này.
Quyết tâm học tiếng Việt để hoàn thành tốt nhiệm vụ
Trải qua một hành trình dài hơn 40 giờ với 5 chuyến tàu hỏa, bà Vu Thục Huệ cùng 40 cô gái khác là nhóm đầu tiên đến Quế Lâm. Đây là lần đầu tiên những thiếu nữ Bắc Kinh rời xa thủ đô yêu dấu để nhận nhiệm vụ công tác tại địa phương.
Để chuẩn bị cho công tác tiếp nhận, thăm khám và điều trị cho bộ đội Việt Nam bị thương, bà Vu Thục Huệ và các đồng nghiệp có 1 tháng để học tiếng Việt. Buổi sáng lên lớp học tiếng Việt, buổi chiều mọi người cùng với giáo viên khiêng vác giường, bàn, ghế lên các phòng bệnh. Mặc dù lần đầu làm công việc chân tay nặng nhọc, hoặc gặp phải đôi chút khó khăn khi học thêm một ngoại ngữ mới, nhưng các cô gái thủ đô Bắc Kinh vẫn rất vui vẻ, bởi họ luôn tâm niệm rằng hỗ trợ, giúp đỡ thương, bệnh binh Việt Nam sẽ đóng góp một phần công sức nhỏ bé vun đắp tình hữu nghị Trung-Việt.
Nhớ lại những kỷ niệm chăm sóc thương, bệnh binh Việt Nam, bà Vu Thục Huệ chia sẻ kỷ niệm đầu tiên nhưng cũng là bài học để bà quyết tâm phấn đấu học tập, hoàn thiện bản thân, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do mới chỉ học tiếng Việt được hơn 1 tháng, nên bà vẫn còn nhiều hạn chế trong giao tiếp. Đó là khi có một bệnh nhân phải phẫu thuật vùng tai do đó cần cạo trọc đầu, nhưng bà Vu Thục Huệ lại nói: “Mời đồng chí đi cắt đầu”. Bệnh nhân nghe xong sợ quá và nhất quyết không chịu đi. Bà Vu Thục Huệ cũng không hiểu tại sao và đành nhờ phiên dịch đến giải thích, sau đó mới biết rằng mình đã diễn đạt nhầm từ “cắt tóc” thành “cắt đầu”. Sau “sự cố” đó, bà Vu quyết tâm học thật tốt tiếng Việt.
Bà Vu Thục Huệ (áo đen giữa ảnh) và các đồng nghiệp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Bà Vu Thục Huệ (áo đen giữa ảnh) và các đồng nghiệp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Công việc hằng ngày của bà Vu là chăm sóc thương bệnh binh, như giúp đỡ họ gấp chăn, màn, thay ga giường, lấy nước rửa mặt, tiêm thuốc, lấy máu... Phòng bệnh mà bà phụ trách có 48 bệnh nhân, vậy là bà có cơ hội nói 48 lần cho một câu khẩu lệnh như “gội đầu”, “ăn cơm”, “uống thuốc”... Hay như, có một nữ bệnh nhân buổi tối thường tìm bà để 2 người dạy nhau học tiếng Việt và tiếng Trung. Ngoài thời gian điều trị, chăm sóc bệnh nhân, bà Vu Thục Huệ và các đồng nghiệp của mình còn đọc báo, nghe đài, thậm chí là luyện tập văn nghệ với các thương bệnh binh để nâng cao trình độ tiếng Việt của bản thân. Để rồi cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, Quốc khánh Trung Quốc và Việt Nam, Bệnh viện Nam Khê Sơn đều tổ chức chương trình văn nghệ, trong đó không thể thiếu các tiết mục ca múa nhạc Việt Nam có sự tham gia biểu diễn của bà Vu Thục Huệ.
Khâm phục tinh thần và phẩm chất các thương bệnh binh Việt Nam
Bệnh viện Nam Khê Sơn có 48 phòng bệnh chăm sóc, điều trị cho thương, bệnh binh Việt Nam. Mỗi phòng bệnh có một tổ trưởng người Việt Nam. Tổ trưởng chịu trách nhiệm quản lý về tư tưởng, nội quy, học tập, thi cử. Bà Vu Thục Huệ cho biết: “Trong điều kiện chiến tranh vô cùng gian khổ như vậy, các thương, bệnh binh Việt Nam vẫn thành lập được các tổ đội để thống nhất quản lý công việc và con người một cách bài bản, quy củ. Điều này vô cùng có giá trị đối với công việc của tôi, thậm chí là những thành công trong sự nghiệp của tôi sau này”.
Bà Vu Thục Huệ vô cùng ấn tượng trước thói quen giữ vệ sinh an toàn thực phẩm của các thương, bệnh binh Việt Nam ngay từ thời kỳ kháng chiến. Khi đó, mỗi bàn ăn dành cho 4 người, thức ăn để trên mặt bàn. Mọi người dùng một đầu đũa để gắp thức ăn vào bát, sau đó đổi đầu đũa để gắp thức ăn và đưa cơm vào miệng. Lúc đầu bà Vu Thục Huệ cũng không hiểu tại sao lại như vậy, nhưng sau này khi làm về công tác giáo dục chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, mới biết rằng đây được gọi là “đũa công vụ”, nghĩa là một đầu đũa chỉ để gắp thức ăn vào bát và đầu còn lại để dùng đưa thức ăn vào miệng. Ngay từ thời kháng chiến, các chiến sĩ bộ đội Việt Nam đã có ý thức bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật, thậm chí có những thương bệnh binh chỉ mới 17 tuổi nhưng cũng đã hình thành thói quen này. Bà Vu Thục Huệ cho biết, người Trung Quốc rất khâm phục và cũng nên học hỏi ý thức này của người Việt Nam.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Mặc dù sống và chiến đấu trong điều kiện vô cùng gian khổ, vất vả, nhưng các thương, bệnh binh Việt Nam luôn lạc quan, vượt khó. Ngay khi có thể ngồi dậy hoặc đi lại được, các thương bệnh binh Việt Nam sẽ tự mình làm những việc cá nhân như lấy nước, uống thuốc... Những hành động nhỏ bé cũng có ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức về nhân sinh quan, cuộc sống, công việc của những người trẻ tuổi thời đó. Và đối với cá nhân bà Vu Thục Huệ, đó là những bài học vô cùng quý giá mà bà học được từ những thương, bệnh binh Việt Nam. Đó chính là nền tảng để bà phấn đấu, trưởng thành và thành công sau này. Bà Vu Thục Huệ đã có hơn 7.000 buổi thuyết trình về kiến thức chăm sóc sức khỏe phụ nữ ở 165 thành phố thuộc 29 tỉnh của Trung Quốc và trở thành người phụ nữ nổi tiếng đầu tiên ở Trung Quốc về lĩnh vực này.
Tình hữu nghị Trung-Việt đã thấm sâu vào lòng người dân
Bà Vu Thục Huệ nhớ lại, chiến tranh rất khảm khốc, có rất nhiều chiến sĩ bộ đội Việt Nam bị thương nặng được đưa sang Quế Lâm để chữa trị. Trong quá trình thăm khám, điều trị, có nhiều thương, bệnh binh, đặc biệt là những bệnh nhân nặng phải phẫu thuật cần được truyền máu. Do điều kiện thời đó còn hạn chế, bệnh viện không có sẵn ngân hàng máu. Vì vậy, các cán bộ, y bác sĩ, lái xe, đầu bếp Trung Quốc... đều sẵn sàng trở thành tình nguyện viên hiến máu cứu giúp cho các thương, bệnh binh Việt Nam.
Theo bà Vu Thục Huệ, Bệnh viện Nam Khê Sơn đã tiến hành phẫu thuật 2.576 ca; các cán bộ, y bác sĩ, nhân viên của bệnh viện cũng đã hiến 700.000-800.000ml máu cho các thương, bệnh binh Việt Nam. Và bản thân bà Vu Thục Huệ cũng đã nhiều lần hiến máu, thậm chí có lần bà hiến máu 2 lần liên tiếp nhau, mỗi lần 200ml. Thời đó việc hiến máu là hoàn toàn tự nguyện, không có bất kỳ đãi ngộ hay hỗ trợ nào. Có lần sau khi hiến máu, bà Vu Thục Huệ được 6 quả trứng vịt, nhưng không nỡ ăn mà đem tặng cho bệnh nhân để họ bồi bổ sức khỏe.
Hay như có lần bà tranh thủ trực ca đêm ngay sau khi hiến máu, để được thêm một ngày phép về thăm nhà. Khi về nhà, bà giấu việc hiến máu vì sợ mẹ tức giận, nhưng khi biết chuyện con gái hiến máu để cứu chữa các thương, bệnh binh Việt Nam, mẹ bà đã khen: “Con gái mẹ quá giỏi. Máu của con đã hòa vào lòng người dân Việt Nam”. Bà Vu Thục Huệ nói: “Mẹ tôi chỉ là một nông dân, không được học hành nhiều, nhưng có thể nói được câu đó, điều đó cho thấy tình cảm thân thiết vừa là đồng chí vừa là anh em Trung-Việt đã thấm sâu vào lòng người dân”.
Bà Vu Thục Huệ chia sẻ một khoảnh khắc vô cùng xúc động, khi bà sang Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5/2024 theo lời mời của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tại một buổi tiệc chiêu đãi đoàn khi nghe thấy có một tướng lĩnh nói muốn tìm gặp cô gái đã từng hiến máu cứu chữa cho các chiến sĩ Việt Nam, bà Vu Thục Huệ đã xúc động bật khóc, bởi sau 57 năm vẫn có tướng lĩnh quân đội Việt Nam nhớ đến hoạt động hiến máu.
Một góc khuôn viên bệnh viện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Một góc khuôn viên bệnh viện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Trong thời gian 8 năm, gần 600 cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Nam Khê Sơn, trong đó có 278 nhân viên y tế đến từ Bắc Kinh, người lớn tuổi nhất 41 tuổi, người ít tuổi nhất 19 tuổi, đã coi những thương, bệnh binh Việt Nam là những người anh chị em thất thiết của mình. Các thương, bệnh binh không chỉ là tấm gương về đức tính chịu khó, cần cù và tiết kiệm cho mọi người học tập, mà còn kể cho những câu chuyện kháng chiến để mọi người hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, cũng hiểu thêm về tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam. Mỗi lần tiếp nhận hoặc tiễn nhóm thương, bệnh binh Việt Nam, bệnh viện đều tổ chức lễ đón, tiễn. Lễ đón thì đơn giản, ngắn gọn, chủ yếu là các đơn vị tiếp nhận bệnh nhân để điều trị, còn lễ tiễn chia tay thì bịn rịn, lưu luyến. Các cán bộ, y bác sĩ tiễn các thương bệnh binh ra ga tàu hỏa, thậm chí có người còn lên tận toa tàu để tiễn biệt và không kịp xuống khi tàu đã lăn bánh.
“Tình cảm này sẽ không thể nào quên và đó là lý do tại sao tình hữu nghị Trung-Việt lại khăng khít, bền lâu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: 'Mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em'. Và chúng ta, những thế hệ sau này, cần tiếp tục vun đắp tình hữu nghị đó bằng những hành động cụ thể, thiết thực”, bà Vu Thục Huệ nói.
Được thành lập vào năm 1968, tại Quế Lâm, Bệnh viện Nam Khê Sơn Quế Lâm là bệnh viện quốc tế hậu phương chi viện Việt Nam ở cấp quốc gia. Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chu Ân Lai, bệnh viện này có sứ mệnh đặc biệt thăm khám, điều trị cho các cán bộ, chiến sĩ quân đội Việt Nam bị thương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đến tháng 4/1976, bệnh viện kết thúc nhiệm vụ chi viện cho Việt Nam và được đổi tên thành Bệnh viện Nam Khê Sơn Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây) - tên gọi vẫn được giữ đến ngày nay. Trong suốt 8 năm (1968-1976), Bệnh viện Nam Khê Sơn với khoảng 600 y bác sĩ, cán bộ và nhân viên đã thăm khám, cứu chữa và điều trị cho 5.432 thương, bệnh binh Việt Nam, thực hiện 2.576 ca phẫu thuật.
Ngày xuất bản: 21/4/2025
Tổ chức thực hiện: Trường Sơn
Nội dung: Hữu Hưng - Hồ Quân (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc)
Trình bày: Nhã Nam