Nhận diện và điều trị
những vết thương vô hình

Trên thế giới, việc phục hồi hậu thảm họa thường tập trung vào hai việc: Điều trị y tế và điều trị vết thương tâm lý vô hình. Đại dịch Covid-19 không nằm ngoài kịch bản đó, bên cạnh các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh, ngăn ngừa vi-rút lây lan, sẽ cần đến các liệu pháp điều trị tinh thần cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trên cơ sở các khảo sát, đánh giá một cách khoa học.

Những khảo sát bước đầu

Đại dịch Covd-19 đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần, gây những sang chấn tâm lý âm thầm, vô hình, nếu không được quan tâm kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam bước đầu đã có những nghiên cứu về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới sức khỏe tâm thần của người bệnh và nhân viên y tế. Thí dụ, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Hồ Chí Minh) công bố nghiên cứu về sức khỏe tinh thần bệnh nhân Covid-19 đã điều trị tại bệnh viện này, với tỷ lệ bệnh nhân bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%. Những bệnh nhân từng thở HFNC có tỷ lệ trầm cảm là 66,7%. Những bệnh nhân từng thở ôxy qua mặt nạ hoặc thở máy cũng có tỷ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.

nghien cuu
Infogram

Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội), các nhà chuyên môn cũng đang trong quá trình xử lý số liệu để có những đánh giá về tâm lý, sức khỏe tâm thần của bệnh nhân, cán bộ y tế trong quá trình chống dịch.

Theo các nhà xã hội học, dịch Covid-19 không phải là vấn đề của riêng ngành y tế mà là vấn đề phức hợp, đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, như điều kiện sinh tồn, tương tác xã hội, việc làm, thu nhập, tâm lý của người dân. Bởi vậy, cần có những kết quả khảo sát, nghiên cứu của nhiều lĩnh vực để thấy mức độ tác động sâu rộng, lâu dài của đại dịch.

Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (SocialLife) đã khảo sát áp lực tâm lý của người dân tại TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh đại dịch bùng phát. Kết quả cho thấy, phần lớn người dân tiếp nhận quá nhiều thông tin khác nhau tràn ngập trên mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok... hơn các kênh chính thức. Nhiều người dân không nắm được thông tin về dịch bệnh và đời sống xã hội, đặc biệt các gia đình có người thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm hoặc nguy cơ tử vong cao khi nhiễm bệnh như người lớn tuổi, có bệnh nền, lao động phổ thông càng lo lắng nhiều hơn. Nhiều người dân có thể bị stress sau thời gian kéo dài giãn cách và những khó khăn bủa vây. Những căng thẳng trong giai đoạn giãn cách tương ứng với thời gian phơi nhiễm stress, trầm cảm, lo âu.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho biết, giãn cách xã hội đã dẫn tới tình trạng căng thẳng, bạo hành gia đình gia tăng. Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội đã tổ chức khảo sát 303 phụ nữ tuổi từ 18-60 tại Hà Nội đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Kết quả cho thấy, 99% các gia đình xảy ra xung đột trong thời gian đại dịch. 81% phụ nữ là nạn nhân của ít nhất một hành vi bạo lực gia đình; 88% bị bạo hành tinh thần, 59% bị bạo hành thể xác. “Vấn đề bạo lực gia đình ở Việt Nam tương đối cao. Điều tra Quốc gia năm 2019 cho thấy, 63% phụ nữ đã từng là nạn nhân của ít nhất một dạng bạo lực trong đời.

Trong thời kỳ Covid-19, các yếu tố như mất, giảm thu nhập, ở nhà thường xuyên, chồng lạm dụng rượu bia làm gia tăng bạo lực gia đình. Do đó, cần lồng ghép vấn đề bạo lực gia đình vào các chương trình phòng, chống dịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bạo lực gia đình đối với phụ nữ trong đại dịch; phát triển và tăng cường các dịch vụ đa dạng hỗ trợ nạn nhân.

Ở một mục tiêu khác, nhóm các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội cho biết, đang chuẩn bị tiến hành khảo sát nhóm di dân từ vùng dịch về quê để “đo lường” mức độ sang chấn tâm lý, kế hoạch sinh tồn, các chuyển biến hành vi, nhận thức sau đại dịch... để cung cấp cho nhà quản lý bức tranh về nhu cầu liên quan đến an sinh xã hội (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở...) của nhóm này.

Tham vấn tâm lý giúp người bệnh vượt qua ảnh hưởng tâm thần do đại dịch

Tham vấn tâm lý giúp người bệnh vượt qua ảnh hưởng tâm thần do đại dịch

Hỗ trợ tinh thần cho cộng đồng thích ứng

Hỗ trợ tinh thần chính là giải pháp tương hỗ cho mục tiêu phát triển kinh tế sau đại dịch, nhưng cũng rất dễ bị coi nhẹ trong quá trình các địa phương khôi phục kinh tế. TS Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, nếu “chung sống với dịch” được coi là một chiến lược thì cũng đồng thời cần phải xây dựng một kế hoạch có tính thích ứng với nó. Có những hành vi, tập quán, lối sống nào cần phải được điều chỉnh để chuẩn bị cho một cộng đồng thích ứng với dịch bệnh; vấn đề giải trí trong bối cảnh “ai ở đâu ở đó”, “gia đình cách ly gia đình”... phải được tính đến để hạn chế những hệ lụy; trẻ em học trực tuyến như thế nào để vẫn có thể tiếp thu kiến thức trong khi hạn chế những mặt trái của sự thiếu tương tác xã hội và kiểm soát của nhà trường... Đó chính là sứ mệnh quan trọng đang đặt ra cho khoa học xã hội và nhân văn trong việc ứng phó với những biến đổi, thách thức của xã hội trong và sau đại dịch.

Không chỉ người bệnh F0, nhân viên y tế mà còn nhiều đối tượng khác trong xã hội đều có thể có những rối loạn tâm lý do dịch Covid-19. Vì thế, các đối tượng như ở trẻ em, thanh thiếu niên, người già,... đều cần được khảo sát, đánh giá về những ảnh hưởng tâm thần trước mắt và lâu dài, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ. “Người dân bình thường sẽ có những ảnh hưởng khác với người bệnh F0. Có thể những yếu tố như thời gian ở nhà nhiều, hạn chế tiếp xúc, thu nhập giảm... đã ảnh hưởng đến tâm lý của họ, với biểu hiện như hoảng loạn, trầm cảm, buồn chán tương lai, lo âu kéo dài.

Đơn cử như trường hợp một người bố ở Hà Nội đánh con trong thời gian học online dẫn đến cái chết của con là hiện tượng cần quan tâm về tâm thần cộng đồng trong thời kỳ giãn cách xã hội. Tình trạng trẻ em học online bị ảnh hưởng đến thị giác thế nào, việc trẻ em không được giao tiếp sẽ có thể dẫn đến những biểu hiện không bình thường như thế nào cần được đánh giá. Đã đến lúc, nhà khoa học cần tham gia định hướng công tác phòng, chống dịch, thông qua các nghiên cứu về các vấn đề sức khỏe tâm thần cộng đồng sau đại dịch để ứng phó với đại dịch hoặc những thảm họa có thể xảy ra trong tương lai” - PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nói.

Theo PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, tâm lý - tâm thần là lĩnh vực chuyên biệt, cần được triển khai một cách bài bản bởi các đơn vị chuyên môn, và cần thiết thực cho từng hoàn cảnh gia đình. Các tỉnh, thành phố cần kêu gọi các trường đại học có chuyên ngành đào tạo, các cơ sở tôn giáo có những chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản góp phần cùng chính quyền trong việc công bố hotline tư vấn, hỗ trợ người dân hoặc trị liệu nếu cần. Bên cạnh các nhu cầu về vật chất, tinh thần, người dân còn có nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo. Những gia đình có người mất trong đại dịch chắc chắn bị sang chấn tâm lý, thương tổn tinh thần, do đó, hoạt động thực hành nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng sẽ mở ra một nơi trú ngụ bình an trong tâm hồn cho người dân.

PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội

PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Khánh Lam - Hà Văn Đạo - Thanh Huyền - Hà Linh - Thái Hoàng
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Hà Văn Đạo, Đăng Khoa, Trần Hải, internet