Nhân viên y tế nghỉ việc:

Sẽ mất đi một thế hệ kế cận

Làn sóng cán bộ viên chức y tế rời bỏ y tế công lập hoặc rời hẳn khỏi ngành y tế làm dấy lên nhiều nỗi lo lắng. Các chuyên gia lo ngại ngành y tế sẽ mất đi một thế hệ kế cận.

Làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc

Là trưởng một khoa ung bướu tại một bệnh viện của thành phố Hà Nội, chị N.T.L suy nghĩ rất nhiều lần khi quyết định rời bỏ vị trí mình đã phấn đấu nhiều năm đến một cơ sở y tế tư nhân. Thu nhập là vấn đề chính yếu nhất vì đây không phải là khoa chủ lực, có thế mạnh tại bệnh viện này. Trong khi đó, tại cơ sở tư nhân chị được mời tới, thu nhập cao gấp đôi và nhiều chế độ đãi ngộ khác. 

Cũng như chị L., vợ chồng bác sĩ H.M.H và T.T.M quyết định một người phải rời bỏ công ra tư, một người trụ lại vì họ không thể tiếp tục gồng gánh nuôi dưỡng đam mê khi áp lực công việc cao, thu nhập thấp mà giá cả tăng chóng mặt. 

Làn sóng rời bỏ y tế công diễn ra ở nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là câu chuyện buồn với y tế cơ sở, các trạm y tế xã - nơi phải gồng gánh rất nhiều nhiệm vụ từ truy vết, xét nghiệm, điều phối bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, làm các thủ tục xác nhận F0, trực tổng đài, tiêm vaccine.... trong suốt đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua. 

"Nhiều tháng đi chống dịch với áp lực công việc lớn, chúng tôi đều mệt mỏi và stress. Mặc dù cố gắng động viên nhau làm, nhưng đến giờ chúng tôi vẫn chưa được hưởng đồng trợ cấp nào. Lương tháng cơ sở chỉ chừng 4-5 triệu đồng/tháng, đến lúc tôi nghĩ mình cần phải kiếm việc gì khác", nữ điều dưỡng tại một trạm y tế xã thở dài. 

Các tỉnh, thành phố có số lượng viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc nhiều như: TP Hồ Chí Minh 1.069 người, Hà Nội 540 người, Đồng Nai 372 người, Bình Dương 202 người, Long An 162 người, An Giang 151 người…

Có 420 viên chức y tế công tác tại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Trong đó có 162 bác sĩ, 129 điều dưỡng, 16 kỹ thuật y tế và 107 viên chức y tế khác.

Nhân viên y tế tại tuyến y tế cơ sở đối mặt với áp lực công việc lớn.

Nhân viên y tế tại tuyến y tế cơ sở đối mặt với áp lực công việc lớn.

Các đơn vị sự nghiệp y tế có số lượng viên chức xin thôi hoặc nghỉ việc nhiều như: Bệnh viện Bạch Mai là 65 người, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam là 49 người, Bệnh viện Chợ Rẫy là 48 người, Bệnh viện Thống Nhất là 42 người, Bệnh viện Trung ương Huế là 41 người…

Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ đang tiếp tục thống kê số lượng viên chức y tế nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 để có cơ sở báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bước sang năm 2022, con số cán bộ nhân viên y tế rời ngành tiếp tục tăng cao. Cập nhật mới nhất từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính riêng quý I/2022 đã có gần 400 người nghỉ việc. Trong năm 2021, tổng số nhân viên y tế của bệnh viện công thành phố nghỉ việc là 701 người. Trong đó, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 399 người; bác sĩ 186 người; nhân viên khác 116 người. 

Tại Hà Nội, từ tháng 1 đến 30/4/2022, đã có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác. 

Tại Đồng Nai, chỉ trong khoảng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 230 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến xã nghỉ việc. Số này cao hơn nhiều so với các năm trước.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra lý giải cho làn sóng nghỉ việc này. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân lớn khiến số lượng nhân viên y tế công nghỉ việc là do khi dịch Covid-19 diễn ra, khối lượng công việc lớn nhưng mức lương không tương xứng công sức nhân viên y tế bỏ ra, thậm chí là giảm lương khiến nhiều người không cầm cự nổi. 

Tình trạng này cũng tương tự Hà Nội sau trải qua đợt dịch căng thẳng đầu năm, nhiều nhân viên y tế phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ, không kể ngày, đêm. Chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành.

Cuối năm ngoái, trong một nghiên cứu do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát trên 2.700 nhân viên trên cả nước cho thấy hơn 60% nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm. Bên cạnh đó, hơn 62% cán bộ y tế được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Hơn 80% không thể chi trả hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình.

Đại dịch Covid-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế.

Sẽ mất đi một thế hệ kế cận

PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, có nhiều lý do để một người rời bệnh viện công, có thể vì thu nhập, có thể bị giao nhiệm vụ không phù hợp. Đây là thực tế diễn ra như một làn sóng ở nhiều tỉnh, thành phố, và nếu không ngăn chặn, ngành y tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Các cơ sở y tế công lập sẽ phải mất nhiều năm nữa để đào tạo, huấn luyện được một lứa cán bộ có tay nghề, có chuyên môn. Trong khi đó, chính cá nhân nhân viên y tế đó cũng thiệt thòi vì mất đi phúc lợi lâu dài, mất đi cơ hội học tập, phát triển ở bệnh viện công và phải thích ứng với chỗ làm việc.

Khi có sự thiếu hụt cán bộ y tế, chất lượng chăm sóc y tế sẽ không tốt. Trong tình huống này, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. 

Theo ông Dũng, thu nhập là một yếu tố quan trọng khiến nhiều người rời bỏ nơi mình đã cống hiến và gắn bó nhiều năm. Sau đại dịch, thu nhập chung của xã hội đều giảm, trong khi đó thu nhập cán bộ y tế không tăng và thậm chí hơi giảm chút. Trong khi đó lạm phát, giá cả gia tăng nên áp lực để tìm thu nhập tốt hơn là có.

Đặc biệt, đại dịch khiến cho phần lớn nhân viên y tế cảm thấy trách nhiệm phải gánh vác nặng nề, chịu đựng stress thời gian dài liên tiếp và luôn thường trực nỗi sợ nguy cơ nhiễm bệnh. Đồng thời, những ngày qua, ngành y tế gặp nhiều biến động khiến tâm lý nhân viên y tế bị xao động. 

Nhiều chuyên gia đầu ngành tiếc nuối khi nhìn lực lượng kế cận đã không còn tiếp tục nuôi dưỡng đam mê tiếp nối sự nghiệp mình ở những bệnh viện đã có thương hiệu. 

Sau đợt dịch thứ tư, nhiều cán bộ y tế cơ sở đã xin thôi việc vì không chịu được áp lực.

Sau đợt dịch thứ tư, nhiều cán bộ y tế cơ sở đã xin thôi việc vì không chịu được áp lực.

Giám đốc một bệnh viện Trung ương hạng 1 chia sẻ, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức là “máy cái” đào tạo nhân lực ngành y. Nhưng các thầy giỏi lại chuyển sang bệnh viện tư vì thiếu máy móc thiết bị hiện đại, thiếu thuốc men và cơ chế đãi ngộ. Khi đó, các em sinh viên, các bác sĩ nội trú sẽ không còn ai để theo học.

Tình trạng này dẫn tới các bệnh viện lớn mất thầy, trò sẽ không được đào tạo chuẩn. Như vậy, chúng ta sẽ mất đi một vài thế hệ kế cận. Đây là một việc hết sức đau xót.

Một chuyên gia xót xa nói: Hệ lụy của làn sóng nhân viên y tế rời bỏ cơ sở y tế công sẽ đến sau 10-15 năm nữa. 

Làm thế nào để giữ chân cán bộ y tế?

Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay lương, chế độ phục cấp với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập còn thấp, chỉ bảo đảm một phần nhu cầu cuộc sống vì vậy khó giữ chân cán bộ y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập. Trong khi đó, thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi gấp 5-6 lần.

Thực tế nữa, hiện nay hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, thân thiện có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, nhất là nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu, có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nên sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế.

Tại một số tỉnh miền núi, hải đảo, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa tạo động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để cán bộ y tế trẻ có trình độ đăng ký tuyển dụng, tham gia tại địa phương.

So với những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội và cơ hội học hành tốt hơn, một số cán bộ y tế công tác tại các tỉnh vùng cao khi học xong đã xin thôi, bỏ việc hoặc chuyển công tác.

Cũng theo Thứ trưởng Y tế, điều chính nhất là áp lực công việc lớn tại hệ thống y tế công. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, cán bộ y tế và lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch cường độ làm việc rất lớn, khi số ca mắc mới tăng, số người phải cách ly, xét nghiệm, điều trị tăng cao, nhân viên y tế gần như không có ngày nghỉ, làm với cường độ cao với thời gian kéo dài; đặc biệt với nhân viên y tế ở các địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh và 1 số tỉnh phía nam.

Mặc khác, môi trường làm việc đặc thù của ngành y, cán bộ y tế ngoài việc phải chịu áp lực làm việc mà mỗi gnười đều có về công việc, gia đình, mưu sinh, quan hệ xã hội còn phải thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn của người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân tử vong, áp lực từ người nhà bệnh nhân gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin.

Theo thống kê năm 2021, có 1.504 bác sĩ, 1.482 điều dưỡng xin thôi việc hoặc bỏ việc.

Theo thống kê năm 2021, có 1.504 bác sĩ, 1.482 điều dưỡng xin thôi việc hoặc bỏ việc.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ y tế vẫn phải lo cho người thân, gia đình. Nhiều cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh trong khi người thân ở các khu cách ly cần được chăm sóc, người thân mất không thể về được…

Bộ Y tế đang làm gì để giải quyết tình trạng này, theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân tuyên, để bảo đảm duy trì nhân lực y tế cần thiết làm việc tại các cơ sở y tế công lập nhằm thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và bảo đảm công tác chăm sóc, bảo vệ nhân dân, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện số nhiệm vụ trọng tâm như:

Động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của viên chức y tế, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể. Bộ cũng đang tìm các phương án nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viện cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành tế.

Tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là viên chức có trình độ chuyên môn cao. Xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, Bộ tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc thân thiện, bố trí sử dụng cán bộ y tế hợp lý, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực khó khăn và cho y tế cơ sở.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực y tế trước mắt, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ sẽ huy động nhân lực từ các địa phương, đơn vị để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế nơi có dịch bệnh xảy ra.

Nhiều cán bộ y tế tham gia chống dịch Covid-19 chưa được nhận phụ cấp.

Nhiều cán bộ y tế tham gia chống dịch Covid-19 chưa được nhận phụ cấp.

Về vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ Y tế đang trình Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đã được quy định tại Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng, và y tế cơ sở từ 40-70% lên mức 100%.

Giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, tăng số lượng người làm việc trong các cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trong đó quy định nâng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã. Đồng thời, điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số để bảo đảm đủ nguồn nhân lực y tế phục vụ nhiệm vụ chuyên môn cũng như thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Với nhiệm vụ quan trọng nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, theo ông Tuyên, Bộ đang tích cực triển khai thực hiện Dự án 585 “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn” với mục tiêu tăng cường đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo) nhằm cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở, góp phần bảo đảm sự công bằng, hiệu quả trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngày xuất bản: 1/7/2022
Nội dung: THIÊN LAM
Trình bày - Đồ họa: ĐỨC DUY - THIÊN LAM
Ảnh: BỘ Y TẾ, BỆNH VIỆN CHỢ RẪY, BỆNH VIỆN ĐIỀU TRỊ NGƯỜI BỆNH COVID-19 HÀ NỘI