Những người thức để
thành phố ngủ

Sự mong manh ở lằn ranh sinh tử của mỗi người bệnh Covid-19 khiến nhân viên y tế không cho phép mình gục ngã. Mỗi ngày trôi qua, họ vực dậy tinh thần bằng những tín hiệu tích cực của bệnh nhân, dù nhỏ từng chút, từng chút một.

"CHIẾN ĐẤU... VÀ HY VỌNG"


Bệnh nhân nằm ở tuyến cuối, hầu hết là các ca bệnh nặng, nguy kịch. Ngoài mắc Covid-19, họ còn kèm theo nhiều bệnh nền, biến chứng. Cuộc chiến giành giật sự sống cho người bệnh của các bác sĩ không hề cân sức. Họ biết vậy, nên chỉ mong vào điều kỳ diệu. Mỗi ca bệnh được rời khỏi tầng điều trị cao nhất tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 hầu hết đều mang kỳ tích.

Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 do các y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đóng quân tại Bệnh viện Quốc tế City đi vào hoạt động 3 tuần. Mục tiêu của Trung tâm thiết lập 250 giường hồi sức, nhưng sau 3 tuần, trung tâm mới hoàn thiện đươc 102 giường hồi sức. Hiện có 50 bệnh nhân thở máy và 49 bệnh nhân thở HFNC.

“Thiếu nhất là bác sĩ hồi sức tích cực. Nhiều người mất 5-7 năm để đào tạo. Trong thời gian gấp gáp này, chúng tôi phải chọn nhân lực, đào tạo trên mô hình và đưa vào làm thực tế, cầm tay chỉ việc”, BS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc trung tâm cho hay.

Nhiều ca bệnh vào đây đã không thể trở về. Nhưng có những người đã chiến thắng tử thần. Ca bệnh đầu tiên được cứu chữa thành công, bao giờ cũng mang dấu ấn đặc biệt.

Các nhân viên y tế giành giật sự sống cho bệnh nhân tại khu hồi sức tích cực.

Các nhân viên y tế giành giật sự sống cho bệnh nhân tại khu hồi sức tích cực.

Sản phụ mắc Covid-19 là một trong số những chủ nhà trọ rất sống rất nhân hậu. Thành phố giãn cách, sinh viên không thể về nhà, chị quyết định không thu phí nhà trọ, cung cấp các bữa ăn miễn phí. Chỉ tiếc, một em sinh viên biết mình mắc bệnh nhưng đã giấu xóm trọ, cho tới khi phát bệnh. Lúc này, sản phụ đã nhiễm virus nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Thai nhi 29 tuần đã vĩnh viễn không thể chào đời.

“Sản phụ bị hội chứng ARDS, phổi đã bị hư hỏng nặng, phải đặt nội khí quản. Máy móc không có tác dụng, các điều dưỡng ngày đêm ngồi bóp bóng. Chúng tôi bàn với các bác sĩ Bệnh viện phụ sản Hùng Vương các phương án tối ưu nhất để cứu ca này. Lúc đó, chỉ nghĩ cứu nhân đạo là chính, vì ai nấy cũng đều không dám nói ra sự vô vọng có thật”, BS Khôi nói.

Bệnh nhân nặng đầu tiên tại Trung tâm đã cứu sống ở một khe rất hẹp của lằn ranh sinh tử. Các bác sĩ hối hả giữa đêm, hội chẩn liên tục để níu chút hy vọng mong manh. Như một mầm sống thôi thúc từ bên trong sản phụ, các chức năng sống dần dần hồi phục. “Đó có lẽ là phúc rất lớn của một người phụ nữ sống rất có tâm đức. Chúng tôi đã nghĩ cô ấy không thể qua khỏi. Đây là kỳ tích đầu tiên chúng tôi lập được”, BS Khôi chia sẻ.

BS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc trung tâm nói, 3 tuần qua, đã có 21/101 bệnh nhân được điều trị và đưa về tuyến dưới. “Con số tuy khiêm tốn, nhưng là động lực rất lớn lúc này”.  

Điều truyền cảm hứng tích cực cho đội ngũ ngày đêm chiến đấu trong phòng bệnh chính sự là sự hồi phục của các bệnh nhân, là những lá thư sẵn sàng xin nghỉ việc của các nhân viên y tế để cùng vào chiến tuyến điều trị.

"Có nhiều em viết thư riêng cho tôi, sẵn sàng xin vào trung tâm cho tới khi nơi đây chiến thắng trở về. Có những em ở tận địa phương xa xôi, sẵn sàng xin nghỉ không lương để lên đường. Tinh thần ấy như "doping" đối với những người tuyến đầu cho chúng tôi", BS Khôi bộc bạch.

Ở một chiến tuyến khác, nơi đang điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch nhất do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách, các bác sĩ cũng đã trải qua hơn 3 tuần chứng kiến những gì khốc liệt nhất trên mặt trận điều trị.

TS, BS Đỗ Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh cho biết, mới đi vào hoạt động, trung tâm đã nỗ lực để nhanh chóng tiếp nhận 250 bệnh Covid-19, trong đó 110 bệnh nhân thở máy xâm lấn, 100 bệnh nhân thở thiết bị hỗ trợ ô-xy lưu lượng cao.

“Các bệnh nhân chuyển từ các tuyến đến Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh đa phần là những bệnh nhân rất nặng, nguy kịch, cần hỗ trợ hô hấp ngay và luôn để cứu sống tính mạng của bệnh nhân. 80% số bệnh nhân chuyển đến cần các thiết bị hỗ trợ hô hấp như HFNC hay thở máy xâm nhập. Nhiều bệnh nhân đã thở HFNC ở các cơ sở khác, khi chuyển đến trung tâm của chúng tôi thì phải tiến hành đặt nội khí quản ngay bởi vì họ đã trải qua thời gian khá dài vật lộn với tình trạng suy hô hấp”, BS Sơn chia sẻ.

Đưa một lực lượng lớn nhất, tinh nhuệ nhất tới 500 thầy thuốc ở các chuyên ngành, 1.500 sinh viên và thầy cô trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, cùng những trang thiết bị “tối tân”, Bệnh viện Bạch Mai mang theo tinh thần hỗ trợ TP Hồ Chí Minh với tâm thế phải giữ được mặt trận điều trị.

Ngoài hỗ trợ chuyên môn, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai còn hỗ trợ tinh thần cho những đồng nghiệp, người bệnh và cả người dân TP Hồ Chí Minh “với mục tiêu tối thượng là chung tay cùng TP Hồ Chí Minh chiến thắng dịch bệnh, giảm số ca tử vong”.

Một núi công việc tại trung tâm này, từ việc liên tục đón bệnh nhân mới, xử trí các ca cấp cứu dồn dập. Mỗi ca trực, có hàng trăm ca cấp cứu. Không chỉ thế, họ còn trực đường dây nóng, hỗ trợ chuyên môn các tuyến, kết nối cơ sở y tế gần nhất để hỗ trợ cho người bệnh tại cộng đồng…

“Ở đây, chúng tôi hoàn toàn không có khái niệm về thời gian. Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, chỉ có tinh thần thì mỗi lần xuống dốc lại phải nhờ các chuyên gia tâm lý xốc lại hoặc khi nhận được những tín hiệu hồi phục từng chút một của mỗi người bệnh”, BS Sơn nói.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hội chẩn liên tục trước các ca bệnh nặng.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hội chẩn liên tục trước các ca bệnh nặng.

Hơn 300 bệnh nhân nặng đang nằm điều trị tại Trung tâm Hồi sức do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách.

Hơn 300 bệnh nhân nặng đang nằm điều trị tại Trung tâm Hồi sức do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách.

BS Ngô Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết những thông tin tích cực, trong tổng số hơn 300 bệnh nhân nặng đang được tiếp nhận điều trị tại đây, có khoảng 50 bệnh nhân đã bỏ máy thở, tự thở khí trời và đang trong giai đoạn bình phục.

Trong đó, đặc biệt có bệnh nhân đã hồi phục một cách ngoạn mục. Điển hình như cô gái nặng 130 kg. Bệnh nhân này còn rất trẻ, mới 24 tuổi và nhưng phổi bị virus gây ra tổn thương quá nặng nề, nghiêm trọng. Các bác sĩ cho rằng bệnh nhân khó có thể vượt qua. Nhưng sự nỗ lực của bệnh nhân cộng với y, bác sĩ xuyên ngày đêm cứu chữa, 10 ngày sau, bệnh nhân dần bình phục.

Trước việc nhiều bệnh nhân vào Trung tâm Hồi sức tích cực với tình trạng xuất huyết tiêu hóa rất nặng trong khi việc cung cấp máu thời gian bị giãn cách xã hội kéo dài hạn chế, dẫn tới khan nguồn cung, ngày 27/8, các y, bác sĩ đang làm việc tại trung tâm đã trực tiếp hiến máu để cứu bệnh nhân Covid-19 nặng.

Các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai hiến máu cứu người bệnh Covid-19.

Các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai hiến máu cứu người bệnh Covid-19.

Không chỉ nỗ lực điều trị, chăm sóc người bệnh như người nhà, các thầy thuốc còn san sẻ giọt máu yêu thương trong tâm dịch là điều vô cùng trân quý. Với các chiến sĩ tại đây "sát cánh cùng bệnh nhân vừa là sứ mệnh cũng là khát vọng của mỗi người".


BS Sơn chia sẻ, hầu hết ca nằm tại trung tâm này là những bệnh nhân nặng nhất, có thể tiếp tục tiến triển nặng, phải hỗ trợ hô hấp bằng các máy xâm nhập trong thời gian tới, "chúng tôi chỉ biết “chiến đấu và hy vọng”.

CẢM ƠN VÌ ĐÃ KHÔNG BỎ CUỘC


Những lời cảm ơn được trao đi gửi lại trong các cuộc chia tay bệnh nhân ra viện. Người cứng rắn nhất, cũng không thể kìm được nước mắt. Đó là nước mắt của hạnh phúc, là động lực để các chiến sĩ áo trắng tiếp tục đối diện những ngày dài thách thức kế tiếp. Để biết, những đêm thức trắng, những ánh mắt hằn sâu vì mất ngủ, những gương mặt hằn vết khẩu trang... đã được trả lại thành quả xứng đáng.

TP Hồ Chí Minh những ngày này mưa nhiều về đêm. Các chiến sĩ áo trắng vẫn miệt mài đón bệnh nhân F0… “Nhất định và quyết tâm để không ai bị bỏ lại phía sau. Hôm nay đoàn Quảng Ninh tiếp nhận gần 200 bệnh nhân F0”, bác sĩ Nguyễn Thế Thiêm ghi vội vài dòng lên nhật ký tối 16/8.

Trước đó buổi sáng, 2 bệnh nhân đầu tiên, trong đó có một bé trai 9 tuổi đã được các thầy thuốc tỉnh Quảng Ninh tại Bệnh viện Dã chiến số 12 TP Hồ Chí Minh chữa khỏi Covid-19. Những quả ngọt đầu tiên khiến ai nấy trở nên phấn chấn.

Hai bệnh nhân đầu tiên được các thầy thuốc tỉnh Quảng Ninh tại Bệnh viện Dã chiến số 12 TP Hồ Chí Minh chữa khỏi Covid-19.

Hai bệnh nhân đầu tiên được các thầy thuốc tỉnh Quảng Ninh tại Bệnh viện Dã chiến số 12 TP Hồ Chí Minh chữa khỏi Covid-19.

Gần 2 tháng chi viện cho TP Hồ Chí Minh, đoàn cán bộ y tế Quảng Ninh đã dần quen với sự khốc liệt nơi đây. Sự bàng hoàng ban đầu đã được những cái đầu lạnh lấn chiếm cảm xúc. Họ lao vào cuộc chiến trong tình trạng các trang thiết bị đều thiếu thốn, chỉ có sức người là thế mạnh duy nhất.

Hàng trăm bệnh nhân đến và đi liên tục, niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Các thầy thuốc hối hả từng giây phân loại bệnh nhân để kịp thời chuyển tuyến. Nhiệm vụ của họ lúc này, là bằng được phải bảo vệ cho tuyến điều trị thứ 2 không nặng lên, đưa bệnh nhân về thể nhẹ hơn.

Ngày 16/8, bệnh nhân Nguyễn Hồng T. (sinh năm 1957, thường 14, quận 5 TP Hồ Chí Minh) nhập viện với nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu... Ngay sau 1 ngày vào bệnh viện cách ly theo dõi bệnh nhân đã có những diễn biến nặng như khó thở, thở nhanh, SpO2 giảm phải chuyển xuống khu cấp cứu.

BS Nguyễn Ngọc Thành, đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh kể lại, bệnh nhân T. rất nặng, nguy cơ cao diễn biến phức tạp, tổn thương viêm phổi lan tỏa nặng, nên đã phải áp dụng ngay phác đồ điều trị tích cực thở máy HFNC, dùng thuốc, theo dõi sát. 2 ngày đầu bệnh nhân có đáp ứng điều trị không được như mong đợi, tất cả bác sĩ đã phải ngồi hội chẩn rồi tính cả phương án liên hệ chuyển viện cho bệnh nhân lên tuyến cao hơn.

Nhưng rất may sau đó bệnh nhân có những dấu hiệu đáp ứng điều trị tốt như đỡ khó thở, nhịp thở giảm xuống, ô-xy máu tốt lên, đỡ mệt hơn hiện bệnh nhân đã ở trong giai đoạn cai máy HFNC và tiên lượng có thể về phòng bệnh thường trong vài ngày tới!

Đây chỉ là một trong số hàng trăm bệnh nhân được ra viện tại “số 12” – cách mà các bác sĩ gọi tắt định danh cơ sở mình chi viện. “Được chứng kiến niềm vui, những giọt nước mắt lăn trên khóe mắt cùng nụ cười hạnh phúc khi thấy ai đó được xuất viện ra về... là giây phút hạnh phút nhất. Tuy nhiên cũng có nhiều ca bệnh vượt quá khả năng điều trị của cơ sở thì khi đó, tất nhiên việc mình có thể làm tốt nhất cho bệnh nhân là tìm kiếm cho họ những địa chỉ điều trị tốt hơn, phù hợp với mức độ bệnh của bệnh nhân”, BS Thành nói.

Không ai muốn bệnh nhân của mình nặng hơn nhưng đó là điều không thể tránh khỏi với mỗi bệnh nhân chuyển viện, nhân viên y tế không những cần lo chuyên môn mà còn cần tư vấn động viên tâm lý cho bệnh nhân cũng như người nhà họ! Tạo cho họ động lực để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng bệnh tật!

BS Nguyễn Thế Thiêm, mới chi viện 3 tuần qua tại đây cho biết, ở tầng điều trị này, các y, bác sĩ đều cố gắng giữ cho bệnh nhân không nặng lên, điều trị tích cực để bệnh nhân dần hồi phục sức khỏe.

Đôi bàn tay nhăn nheo sau nhiều giờ đồng hồ đeo găng tay bảo hộ.

Đôi bàn tay nhăn nheo sau nhiều giờ đồng hồ đeo găng tay bảo hộ.

Những cơn mưa vẫn ghé thăm thành phố sôi động về đêm. Khi cả thành phố đang “Ai ở đâu, ở yên đấy” thì các chiến sĩ áo blue trắng, áo vàng, áo xanh của y tế, công an, quân đội vẫn đang âm thầm chiến đấu dưới trời mưa Sài Gòn…

“Ở đây, không kể ngày đêm, nhiều bệnh nhân diễn biến bệnh rất nhanh… Có những ca ổn định trở lại nhưng cũng có những ca nặng hơn phải chuyển tuyến ngay trong đêm. Áp lực là làm sao chuyển tuyến đúng lúc vì nếu trễ thì cơ hội sống của bệnh nhân sẽ thấp, còn chuyển sớm thì các ICU sẽ quá tải… Mong rằng cơn mưa này sẽ cuốn đi mọi thứ u buồn của thành phố khi nó đi qua… để bà con đỡ khổ”, BS Thiêm tâm sự.

Bệnh nhân vui vẻ, lạc quan, với sự hỗ trợ của y, bác sĩ sẽ nhanh chóng khỏi bệnh.

Bệnh nhân vui vẻ, lạc quan, với sự hỗ trợ của y, bác sĩ sẽ nhanh chóng khỏi bệnh.

Điều may mắn mà BS Thành, BS Thiêm cùng đồng nghiệp nhận được là gần như tất cả các bệnh nhân vào viện đều rất lạc quan tin tưởng vào quá trình điều trị.

Có những F0 cũng vừa là bệnh nhân, vừa là nhân viên y tế nhưng ngay khi khỏi bệnh và hết thời gian cách ly, họ đều quay trở lại nhiệt tình với công việc và càng thấu hiểu bệnh nhân hơn. Khi ra trận thì mỗi y, bác sĩ cũng như 1 chiến sĩ sẽ chiến đấu và chiến thắng bệnh tật tới cùng!.

Nhiều y, bác sĩ hết thời gian chi viện được rút về nhưng vẫn làm đơn tình nguyện xin ở lại tuyến đầu. Các y, bác sĩ không bỏ cuộc và họ cũng cầu mong, những bệnh nhân Covid-19 cũng không một ai bỏ cuộc chiến đầy thách thức này. "Trận chiến tiêu diệt con virus SARS-CoV-2 ngày một căng thẳng… Sài Gòn đã mệt lắm rồi, nên nhất định chúng ta sẽ chiến thắng và phải chiến thắng cho bằng được", BS Thiêm chia sẻ suy nghĩ của những chiến sĩ tuyến đầu nơi anh chi viện.

Ngoài điều trị, các bác sĩ còn chăm sóc về dinh dưỡng cho người bệnh để có sức đề kháng tốt nhất.

Ngoài điều trị, các bác sĩ còn chăm sóc về dinh dưỡng cho người bệnh để có sức đề kháng tốt nhất.

Vì sức khỏe người bệnh, các chiến sĩ áo trắng làm việc xuyên ngày đêm.

Vì sức khỏe người bệnh, các chiến sĩ áo trắng làm việc xuyên ngày đêm.

Bệnh nhân được hướng dẫn tập thở.

Bệnh nhân được hướng dẫn tập thở.

Bệnh nhân được xuất viện là hạnh phúc lớn với các y, bác sĩ, tiếp thêm sức mạnh cho họ tiếp tục vững vàng chiến đấu ở tuyến đầu.

Bệnh nhân được xuất viện là hạnh phúc lớn với các y, bác sĩ, tiếp thêm sức mạnh cho họ tiếp tục vững vàng chiến đấu ở tuyến đầu.

Item 1 of 4

Ngoài điều trị, các bác sĩ còn chăm sóc về dinh dưỡng cho người bệnh để có sức đề kháng tốt nhất.

Ngoài điều trị, các bác sĩ còn chăm sóc về dinh dưỡng cho người bệnh để có sức đề kháng tốt nhất.

Vì sức khỏe người bệnh, các chiến sĩ áo trắng làm việc xuyên ngày đêm.

Vì sức khỏe người bệnh, các chiến sĩ áo trắng làm việc xuyên ngày đêm.

Bệnh nhân được hướng dẫn tập thở.

Bệnh nhân được hướng dẫn tập thở.

Bệnh nhân được xuất viện là hạnh phúc lớn với các y, bác sĩ, tiếp thêm sức mạnh cho họ tiếp tục vững vàng chiến đấu ở tuyến đầu.

Bệnh nhân được xuất viện là hạnh phúc lớn với các y, bác sĩ, tiếp thêm sức mạnh cho họ tiếp tục vững vàng chiến đấu ở tuyến đầu.

Tổ chức sản xuất: NGỌC THANH
Thực hiện: THẢO LÊ - THIÊN LAM - PHAN ANH
Ảnh: Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bác sĩ cung cấp