SEA Games 31 - ấm áp tình đoàn kết, hữu nghị, thành công về chuyên môn

SEA Games 31 đã thành công rực rỡ cả về thành tích lịch sử của đoàn Việt Nam, đặc biệt hầu hết số huy chương vàng của các vận động viên (VÐV) chủ nhà đều giành được ở các môn Olympic, ASIAD. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và điều hành tổ chức thi đấu được các đoàn tham dự đánh giá cao. Ấn tượng hơn cả với bạn bè các nước là hình ảnh một đất nước yêu thể thao, một Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển.

Vượt lên trên ý nghĩa của một kỳ đại hội thể thao, SEA Games 31 đã thật sự trở thành ngày hội của tình đoàn kết, hữu nghị. Chủ đề của Đại hội “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” đã tỏa sáng và lan tỏa mạnh mẽ, để lại  ấn tượng tốt đẹp, khó phai với thành viên các đoàn thể thao tham dự cũng như bạn bè quốc tế. Hình ảnh một Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển, một Đông Nam Á đoàn kết, thống nhất trong đa dạng và “cùng nhau tỏa sáng” đã được thể hiện rõ nét trong suốt 17 ngày diễn ra Đại hội.         

Nỗ lực của Việt Nam tổ chức thành công SEA Games 31 cho thấy uy tín và trách nhiệm của nước chủ nhà với thể thao khu vực. Như Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức SEA Games 31 đã tổng kết tại lễ bế mạc: “SEA Games 31 đã thành công trên nhiều phương diện: từ công tác chuẩn bị, công tác đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ thi đấu, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn y tế, công tác truyền thông, đặc biệt là công tác chuyên môn. Mọi hoạt động của Đại hội được thực hiện tuân thủ đúng chương trình mà Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đã quyết nghị và Đề án tổ chức SEA Games 31 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt”.         

Bạn bè các nước cũng đánh giá cao công tác tổ chức của chúng ta với những đổi mới để có được một kỳ đại hội mang đầy tinh thần thể thao cao thượng, chuyên nghiệp, an toàn, công bằng và khách quan. Có thể thấy điều đó qua những nhận xét của dư luận báo chí quốc tế và thành viên các đoàn tham dự trong những ngày đại hội và khi SEA Games 31 bế mạc. Ông Ramon Fernandez, Trưởng đoàn thể thao Philippines nhận xét: “Nước chủ nhà đã rất cởi mở, nỗ lực tạo ra một cuộc chơi công bằng, qua đó góp phần nâng tầm SEA Games. Các đoàn khác cũng cho biết họ có thể đưa nhiều vận động viên ở các môn Olympic tới SEA Games và nhận được phản hồi tốt từ các bộ môn”.        

Ghi dấu ấn sâu đậm với những người tham dự SEA Games 31 là tình yêu thể thao, sự vô tư, khách quan và lòng mến khách của Việt Nam. Điều đó không chỉ thể hiện trên sân vận động hay nhà thi đấu, từ những người làm công tác tổ chức, điều hành cho đến các tình nguyện viên, cổ động viên mà cả những người dân trên đường phố ở các địa phương có thi đấu các bộ môn. Từ Hà Nội, nơi tổ chức chính SEA Games 31 đến các nhà thi đấu, các sân vận động ở nhiều tỉnh như Nam Định, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… luôn đầy kín khán giả trên khán đài đã “tiếp lửa” cho cả các VĐV Việt Nam và VĐV nước ngoài. Hình ảnh khán giả lấp đầy các sân vận động cổ vũ cho bóng đá nam Lào, Thái Lan, Indonesia trên sân Thiên Trường hay các đội tuyển bóng đá nữ Philippines và Myanmar thi đấu trên sân Cẩm Phả là điều rất khó xảy ra ở bất cứ nước nào từng đăng cai SEA Games mà không có VĐV nước chủ nhà thi đấu. 

Madam Pang, người đàn bà đầy quyền lực của bóng đá Thái Lan  đã chia sẻ với báo chí cảm xúc của bà khi chứng kiến hàng nghìn cổ động viên Việt Nam đến sân trong trận U23 Thái Lan-U23 Indonesia: “Tôi đã theo đuổi bóng đá suốt 16 năm và thật sự ấn tượng khi được sống trong bầu không khí như thế này. Tôi cảm ơn Việt Nam bởi sự thân thiện và mến khách của người dân”. Bầu không khí đó chắc chắn đã góp phần không nhỏ động viên VĐV các nước thi đấu và lập nên những thành tích thể thao.         

Như tinh thần SEA Games “Chúng ta cùng chiến thắng”, những ngày đại hội đã có không ít câu chuyện đầy cảm xúc về tình bạn, tình đoàn kết, hữu nghị của cộng đồng ASEAN và một Đông Nam Á đã vượt qua đại dịch, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường. Điều đó có thể thấy qua hình ảnh hàng nghìn cổ động viên Việt Nam vẫy cờ của nước bạn Lào cổ vũ cho đội tuyển U23 của nước bạn thi đấu, hình ảnh Madam Pang của Thái Lan cùng đội bóng đi quanh sân vận động Thiên Trường sau trận đấu để cảm ơn khán giả Việt Nam hay như việc VĐV Felisberto của đoàn Timor Leste đoạt HCB đã khoác cờ Việt Nam và nước mình chạy trên sân vận động để cảm ơn các cổ động viên đã trở thành một biểu tượng đẹp của tình hữu nghị, đoàn kết. Cũng thật cảm động biết bao hình ảnh nữ VĐV của nước bạn Singapore cùng các bác sĩ đỡ VĐV Đinh Thị Bích của Việt Nam bị ngã chấn thương trên đường chạy sân Mỹ Đình... Còn nhiều và rất nhiều những hình ảnh như vậy ở kỳ đại hội này như hãng thông tấn Indonesia Antara đã nhận xét: SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam chính là bằng chứng cho thấy thể thao đã gắn kết mọi người dân Đông Nam Á.

Quyết định đưa hầu hết các nội dung thi đấu nằm trong chương trình tranh tài Olympic của đoàn chủ nhà Việt Nam đã được các nước trong khu vực đồng thuận cao. Để đưa ra được quyết định này, ngành thể thao Việt Nam từ lâu đã đầu tư trọng điểm và luôn nằm trong tốp ba đoàn dẫn đầu ở các kỳ SEA Games gần đây và thành tích vượt bậc, lập kỷ lục thành tích huy chương qua các kỳ đại hội khu vực chính là sự khẳng định vững chắc vị thế của một trong ba nền thể thao hàng đầu khu vực. Là nước chủ nhà, Việt Nam đặc biệt chú trọng công tác đào tạo vận động viên (VĐV). Ngay cả khi đại dịch Covid-19 gây tác động nặng nề trong hai năm qua, các đội tuyển thể thao của chúng ta vẫn miệt mài tập luyện theo mô hình bóng bong khép kín. Chính nhờ sự chuẩn bị chu đáo đó, thể thao Việt Nam đã gặt hái thành công rực rỡ. Đặc biệt là VĐV nhóm môn Olympic cơ bản như: điền kinh, bơi, đua thuyền rowing, canoeing, vật, judo, taekwondo, bắn súng, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, xe đạp, cử tạ, boxing… và nhất là hai HCV bóng đá nam, nữ. Đoàn Thể thao Việt Nam đã đạt thành tích rực rỡ với 205 Huy chương vàng (HCV), 125 Huy chương bạc (HCB), 126 Huy chương đồng (HCĐ), lập 17/30 kỷ lục đại hội, trong đó có 56% số HCV là ở các môn Olympic. Số HCV của đoàn Việt Nam giành được đã vượt xa kỷ lục 194 HCV mà một đoàn thể thao giành được trước đó ở SEA Games của Indonesia. 

Item 1 of 1

Tranh tài ở hầu hết các nội dung trong tổng số 47 bộ huy chương, điền kinh- môn thể thao cơ bản nhất của các kỳ đại hội Olympic đã mang về cho Việt Nam số huy chương kỷ lục: 22 HCV,  14 HCB và 9 HCĐ cho thể thao nước nhà. Thành tích này vượt trội so với điền kinh Thái Lan  (12 HCV, 10 HCB, 9 HCĐ) và Philippines (5 HCV, 7 HCB, 14 HCĐ), để lần thứ ba liên tiếp giành ngôi nhất bộ môn ở đại hội. Lợi thế sân nhà dựa trên sự chuẩn bị kỹ lưỡng giúp các VĐV Việt Nam đạt thành tích vượt trội so với hai kỳ SEA Games 2017 và 2019. Trong đó, có những nội dung Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành được HCV như ở cự ly marathon của nam VĐV Hoàng Nguyên Thanh. Nhiều gương mặt nổi bật đã góp công lớn cho điền kinh như: Nguyễn Thị Oanh (3 HCV ở các nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật nữ), Nguyễn Văn Lai (5.000m, 10.000m nam), Nguyễn Thị Huyền (400m, 4x400m nữ) hay Quách Thị Lan (400m rào, 4x400m nữ). Thậm chí những VĐV dù chưa nằm trong “tầm ngắm” HCV như Nguyễn Linh Na đã bất ngờ giành HCV ở nội dung 7 môn phối hợp khốc liệt nhất của nữ sau 17 năm hay kỷ lục SEA Games mới ở nội dung ném lao nữ, phá kỷ lục cũ đã tồn tại 15 năm của VĐV Lò Thị Hoàng, HCV nhảy xa của Vũ Thị Ngọc Hà, HCV 100m rào nữ của Bùi Thị Nguyên…    

Ở môn bơi, còn nhớ ở quãng thời gian trước năm 2009 Việt Nam khó khăn như thế nào để chật vật có được HCV đại hội trước khi Hoàng Quý Phước, Ánh Viên xuất hiện. Tại SEA Games 31, dù Ánh Viên (người thường xuyên giành 6-8 HCV cho bơi lội Việt Nam) không tham dự, nhưng với sự trưởng thành đầy ấn tượng, đội tuyển bơi Việt Nam đã giành được 11 HCV, 11 HCB và 13 HCĐ chỉ xếp thứ hai toàn đoàn sau cường quốc bơi lội số 1 khu vực Singapore có 21 HCV. Nổi bật trong thành tích của tuyển bơi chủ nhà là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng khi anh giành năm HCV, trong đó có 4 HCV cá nhân, lập hai kỷ lục SEA Games cá nhân và một đồng đội. Cũng cần nhắc lại những HCV mà Việt Nam lần đầu giành được như bơi 4x100 m và 4x200m tự do nam để góp vào thành tích chung. 

Phạm Thị Thảo, Đinh Thị Hảo, Hồ Thị Lý, Phạm Thị Huệ mang HCV về cho Rowing Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Phạm Thị Thảo, Đinh Thị Hảo, Hồ Thị Lý, Phạm Thị Huệ mang HCV về cho Rowing Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Môn vật là một trong những nội dung lâu đời của các kỳ thế vận hội đã giành 17/18 HCV là môn đóng góp thành tích thứ nhì cho thể thao Việt Nam. Rowing cũng thành công nổi bật khi giành được tám HCV, đồng thời vượt qua đối thủ rất mạnh là Indonesia để xếp hạng nhất toàn đoàn, trong đó cả tám HCV giành được đều đến từ các tay chèo nữ. Với rowing, Việt Nam từng giành HCV tại ASIAD 2018, giành vé chính thức dự Olympic cho nên luôn là môn thể thao mũi nhọn của Việt Nam hướng tới đấu trường châu lục. Bên cạnh đó, việc đưa trở lại môn lặn vào thi đấu và giành 10 HCV cho thấy tiềm năng rất lớn của Việt Nam khi VĐV của chúng ta đã phá kỷ lục SEA Games ở hầu hết các nội dung tham dự. 

Vận động viên Khổng Mỹ Phượng phá kỷ lục SEA Games với mức cử 80kg ở nội dung cử giật 45kg A nữ (Ảnh: TTXVN)

Vận động viên Khổng Mỹ Phượng phá kỷ lục SEA Games với mức cử 80kg ở nội dung cử giật 45kg A nữ (Ảnh: TTXVN)

Sự thành công tại SEA Games 31 còn có đóng góp của môn đấu kiếm, bắn súng khi cùng giành năm HCV, xếp hạng nhất toàn đoàn. Riêng môn cử tạ, vượt chỉ tiêu khi giành ba HCV khi Thái Lan được quay trở lại thi đấu. Võ thuật tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Bên cạnh hai môn judo, taekwondo gây bất ngờ khi cùng mang về chín HCV. Các võ sĩ pencak silat, wushu, boxing, kurash, karatedo, muay, vovinam… cũng cho thấy thành công vượt trội. Nổi bật là Wushu với 10 HCV, kurash, karate (cùng được bẩy HCV), pencak silat (sáu HCV), kick boxing (năm HCV) và bốn tấm HCV đều là lần đầu tiên trong lịch sử tham dự SEA Games của các võ sĩ muay… Cũng tại kỳ đại hội trên sân nhà lần này, các môn đặc thù của SEA Games như cờ vua, cờ tướng, khiêu vũ thể thao, aerobic, thể hình, thể thao điện tử, bóng ném, cũng thi đấu rất thành công và vượt chỉ tiêu HCV đề ra. Các môn khác như bóng bàn, quần vợt, bi sắt, billiard, Jujitsu, hai môn phối hợp…cũng có một kỳ đại hội thành công để lại ấn tượng với người hâm mộ. 

Dấu ấn lịch sử tại kỳ SEA Games này là thành tích lịch sử của  bóng đá nữ Việt Nam lần thứ bảy đoạt ngôi vô địch và là lần thứ hai có HCV thứ ba liên tiếp, vượt qua đối thủ rất mạnh là Thái Lan. Đặc biệt là việc bảo vệ thành công HCV của đội tuyển bóng đá nam U23 là nguồn động viên, vỗ vũ và được sự đón nhận cuồng nhiệt của đông đảo khán giả cả nước.

Item 1 of 4

Tuy Việt Nam có được thành tích ấn tượng tại SEA Games 31, nhưng cũng có các môn thể thao sa sút thành tích như bắn cung không thể giành HCV dù có những VĐV từng giành huy chương châu lục. Sự nuối tiếc cũng đến từ một số nội dung như bóng chuyền nam, nữ chưa thể dù một lần giành ngôi đầu. Trong khi đó, dù chỉ giành HCB nhưng bóng rổ Việt Nam đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc. Hy vọng Giải bóng rổ nhà nghề quốc gia tiếp tục phát triển mạnh mẽ như thời gian gần đây, từ đó tạo ra sân chơi bổ ích và phát hiện, đào tạo những tài năng cho bóng rổ Việt Nam với hy vọng vươn tầm khu vực.

Nhìn ra đấu trường châu lục và thế giới, thể thao Việt Nam còn nhiều hạn chế về thành tích so với Thái Lan, Indonesia, Phipippines, Malaysia. Mặc dù tại SEA Games 31, đoàn Thái Lan chỉ xếp thứ hai với 92 HCV, 102 HCB, 136 HCĐ và chỉ xác lập bốn kỷ lục SEA Games, song họ vẫn chứng tỏ ưu thế ở nhiều môn thể thao Olympic, trong khi Indonesia đứng thứ ba với 69 HCV, 91 HCB, 81 HCĐ; xác lập ba kỷ lục đại hội và vẫn rất mạnh ở nhiều nội dung như cầu lông, cử tạ, bắn súng, pencak silat, boxing, đua thuyền, karatedo… Tuy xếp thứ năm toàn đoàn và có sa sút so với Việt Nam ở các nội dung nam của môn bơi, nhưng Singapor vẫn là thế lực thống trị trên đường đua xanh khi có được 21 HCV và đấu kiếm với sáu HCV.

Nhìn vào những thành tích và kỷ lục tại SEA Games 31 có thể thấy thể thao Đông Nam Á đang từng bước tiếp cận thể thao châu lục và thế giới. Khẳng định vị thế vững chắc ở tốp đầu khu vực là cơ sở để chúng ta tin vào sự phát triển của thể thao nước nhà trong tương lai. Tuy nhiên, như Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn cho biết, khả năng vươn tầm của thể thao Việt Nam vẫn khá hạn chế, chúng ta chỉ có khả năng giành khoảng ba HCV tại Đại hội thể thao châu Á sắp tới và hiện cũng chỉ có khoảng 30 VĐV được tập trung đầu tư nhắm tới huy chương châu lục, song vẫn rất khó để vươn tầm Olympic. SEA Games mỗi hai năm diễn ra một lần và nếu vẫn hướng tới mục tiêu duy trì thành tích trong tốp ba đoàn dẫn đầu đòi hỏi tập trung cả nghìn VĐV mỗi năm, trong khi nguồn kinh phí có hạn. Hy vọng ngành thể thao sớm có giải pháp hiệu quả nhằm hướng tới những đấu trường lớn hơn như ASIAD và Olympic.

Item 1 of 3

Nội dung: TIẾN CƯỜNG, MINH GIANG
Trình bày: PHI NGUYEN
Ảnh: TRẦN HẢI, THÀNH ĐẠT, ĐỨC ANH