Những điểm sáng của khảo cổ năm 2021
Năm 2021 ghi những dấu ấn tích cực của lĩnh vực khảo cổ, khi hàng loạt điểm khai quật đem lại những kết quả tích cực, như tìm được phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, hé lộ dần hình hài cung điện trong kinh thành Thăng Long xưa, tìm thấy những dấu tích cung điện thời Lý, Trần, Hồ, Lê… ở Ninh Bình, Thanh Hóa.
Vườn Chuối đã có “nhà”
Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối có diện tích khoảng 19-20 nghìn m2, nằm tại địa phận xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, có niên đại tới 3.500 năm. Di tích này được khai quật khảo cổ lần đầu vào năm 1969. Tính đến nay, Vườn Chuối đã có khoảng 10 cuộc khảo cổ với diện tích khoảng 2000 m2.
Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối có giá trị vô cùng độc đáo bởi đây chính là nơi người Việt cổ từng sinh sống trước kia, qua suốt một quãng thời gian 3.500 năm với các dấu ấn các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Đông Sơn. Hiếm có di chỉ nào hội tụ được nhiều tầng văn hóa như vậy.
Toàn bộ khu vực Vườn Chuối bao gồm sáu gò Chùa Gio, Đình Lỗ, Chiềng Vậy, nay đã trở thành một phần của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, cùng với ba gò còn lại chính là khu vực khai quật, nghiên cứu nói trên. Ba gò Mỏ Phượng (hay còn gọi là Mả Phượng), gò Dền Rắn và gò Vườn Chuối đều thuộc phạm vi dự án xây dựng khu đô thị mới của Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng, cảnh quan đã hoàn toàn bị thay đổi do san lấp mặt bằng. Thêm vào đó, một phần của di chỉ lại được đưa vào dự án xây dựng đường nối quốc lộ 32 đến đại lộ Thăng Long (đường vành đai 3,5).
Trong nhiều năm qua, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã nhiều lần bị vi phạm, xâm hại. Từ những cuộc đào trộm cổ vật, dân làng phải chia nhau ra trông nom khu vực di chỉ, cho đến những phần của di chỉ lần lượt nằm dưới gầu múc, lưỡi ủi của máy xúc, máy đào để mở rộng mặt bằng phục vụ các công trình xây dựng. Di chỉ khảo cổ này, trong một thời gian dài, không được xếp hạng, cho nên không có cơ chế bảo vệ.
Hiếm có một thủ đô nào trên thế giới còn lưu giữ được những dấu tích của những nền văn hóa cách ngày nay từ 2.500-3.000 năm như vậy.
Trong các năm 2019 đến 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định khai quật nhiều khu vực khác nhau tại di chỉ khảo cổ này, đơn vị thực hiện là Viện Khảo cổ học và các nhà khảo cổ thuộc Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Trong hai năm 2020 - 2021, các hố khai quật trên diện tích 150m2 đã cung cấp 613 hiện vật, hơn 106 nghìn mảnh gốm cổ và 19 mộ táng Ðông Sơn. Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khai quật cho biết, Vườn Chuối có đặc trưng nổi bật là khu di chỉ cư trú. Các cuộc khai quật từ trước đến nay đã phát hiện nhiều di tích liên quan đến sinh hoạt hằng ngày của con người thời Tiền Đông Sơn – Đông Sơn. Nhiều loại hình di tích sinh hoạt cư trú như các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc... thuộc nhiều giai đoạn văn hóa khác nhau từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn đã được phát hiện ở đây.
Những di vật, di tích được phát hiện ở đây cho thấy các cư dân cổ nơi này đã nắm vững và phát huy đến trình độ rất cao các nghề thủ công như chế tác đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải... Những dấu tích vỏ trấu in trên một số mảnh gốm, mảnh đất nung cho thấy thông tin về nghề trồng lúa nước. Những mảnh xương trâu bò, lợn... cho biết về nghề chăn nuôi trên nền tảng nông nghiệp lúa nước của cư dân Vườn Chuối. Nghề chài lưới, bắt cá được phản ánh qua những viên chì lưới bằng đất nung và những lưỡi câu đồng... Việc khai thác lâm thổ sản được thể hiện qua những mảnh tre, gỗ... được chế tác thành công cụ, còn giữ lại được cho nên nay nhờ lớp đất bùn đáy ao.
Tại Vườn Chuối, đặc biệt còn phát hiện một số mộ táng Đông Sơn vẫn còn di cốt, cung cấp nhiều thông tin về cuộc sống cũng như những phong tục của cư dân thời kỳ này.
Sự đa dạng phong phú của những hiện vật được tìm thấy (gốm, đá, đồng, di cốt) cũng cho phép các nhà khoa học mở rộng và nghiên cứu sâu hơn nhiều khía cạnh về cuộc sống sinh hoạt, phong tục và phương pháp mai táng, kỹ thuật chế tác công cụ, đồ trang sức và cả hình thể của những chủ nhân đã ở đây cách ngày nay hàng nghìn năm.
Từ những kết quả nghiên cứu này, Cục Di sản văn hóa đã có phương án bảo tồn khu di chỉ Vườn Chuối vào tháng 8/2021. Theo đó, Cục Di sản Văn hóa thống nhất nghiên cứu bảo tồn khu vực phía đông di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, đồng thời, khai quật di dời di tích, di vật ở khu vực phía tây di chỉ khảo cổ này. Cụ thể, Cục thống nhất phương án mà Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đưa ra, là bảo tồn khu vực phía đông di chỉ (diện tích khoảng 6.000m2), xây dựng các bước tiếp theo để bảo tồn, xếp hạng, phát huy giá trị di tích. Khu vực phía tây (khoảng 6.000m2) sẽ khai quật, di dời di tích, di vật rồi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình.
Sau rất nhiều thăng trầm, cuối cùng những người yêu mến và dày công bảo vệ di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã có thể yên tâm phần nào.
Tái hiện “lầu son gác tía” thời Lý
Năm 2021, lần đầu tiên hệ thống 64 công trình kiến trúc cung điện thời Lý đã được các nhà khoa học phục dựng 3D sau hơn 1.000 năm, không chỉ cho thấy vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa mà còn giúp chúng ta biết được tầm vóc quy mô, trình độ phát triển văn hóa rực rỡ cũng như kỹ thuật xây dựng, trình độ quy hoạch ở mức đỉnh cao của cha ông ta.
Dựa trên những chứng tích dấu vết, hiện vật khảo cổ học được tìm thấy qua đợt khai quật năm 2002 – 2004 và những thông tin từ cuộc khai quật tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội năm 2008 – 2009, 64 công trình kiến trúc thời Lý trong Hoàng cung Thăng Long - gồm 38 công trình kiến trúc cung điện và hành lang, 26 kiến trúc lục giác cùng hệ thống tường bao, đường đi và cổng ra vào công trình đã được phục dựng. Đây là một quần thể kiến trúc cung điện, lầu gác cực kỳ đặc sắc, được quy hoạch xây dựng rất bài bản, khoa học vào thời kỳ vàng son của vương triều Lý. Ở đây có nhiều công trình kiến trúc gỗ to lớn, hoành tráng, không thua kém so với các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở châu Á.
Tại lớp văn hóa thời Lý khai quật đã tìm thấy những móng trụ sỏi và chân tảng đá kê chân cột là bằng chứng khẳng định các công trình cung điện trong Hoàng cung Thăng Long đều là kiến trúc gỗ. Những móng trụ sỏi này cũng cho biết kỹ thuật móng công trình của các kiến trúc thời Lý rất độc đáo: kết hợp “cột dương” là cột bên trong lòng nhà và “cột âm” là cột hiên xung quanh nhà.
Ngoài ra các nhà khảo cổ học còn xác định được các móng tường bao lớn và vững chãi là ranh giới giữa các khu kiến trúc.
Cũng từ các kết quả khai quật, các nhà khoa học đã xác định hệ thống “đấu - củng” - một loại kết cấu đỡ mái gồm "đấu" đóng vai trò là bệ đỡ, còn “củng” giống hình khuỷu tay, đóng vai trò là tay đỡ được dùng để đỡ một kết cấu khác bên trên. Hệ thống đấu-củng này mở ra những hướng nghiên cứu mới để từ đó phục dựng lại phần khung-thân (gỗ), là phần quan trọng nhất của công trình kiến trúc.
Đặc biệt, trong quá trình khai quật ở khu C đã phát hiện một di tích kiến trúc bát giác có quy mô lớn, được xây dựng rất kiên cố cùng hệ thống hai cấp nền sân gạch. Dựa trên các dấu tích nền móng và suy đoán về kết cấu kiến trúc gỗ được dựng bằng hệ thống “đấu - củng”, các nhà khoa học đã phục dựng hình ảnh công trình lầu (tháp) bát giác rất đặc biệt. Ngoài ra, tại các hố khai quật trong khu Hoàng thành, các nhà khoa học đã tìm thấy số lượng lớn các hiện vật đầu rồng, mỏ phượng, chim uyên ương… bằng đất nung, là những chi tiết trang trí phần mái của các công trình. Điều này cũng cung cấp thêm thông tin về quy mô, độ hoành tráng và công phu của các công trình kiến trúc thời Lý.
Hé lộ hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ tại Hoàng thành Thăng Long
Những khám phá khảo cổ học tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) từ năm 2002 đến nay đã cho thấy nhiều dấu tích còn lại của những công trình kiên cố, thể hiện qua dấu vết nền móng và nhiều loại ngói lợp mái. Đó là những dấu tích của cung điện, lầu gác trong Hoàng thành và Cấm thành ở Thăng Long, kinh đô lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt từ thời Lý (1010-1225), Trần (1225-1400) đến thời Lê (1428-1789).
Từ năm 2014 đến nay, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội khai quật nhiều lần tại khu vực chung quanh điện Kính Thiên. Các cuộc khai quật ở khu vực trung tâm và khu vực điện Kính Thiên trong nhiều năm qua đã cung cấp nhiều phát hiện mới, nhiều tư liệu khoa học quan trọng cho những hiểu biết về diện mạo, quy mô của các công trình kiến trúc và quy hoạch không gian kiến trúc trong Hoàng cung, đặc biệt là về kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Trong đó, phát hiện quan trọng nhất thời Lê sơ là dấu tích nền móng của kiến trúc hành lang, các loại cấu kiện gỗ sơn son thếp vàng và số lượng lớn các loại ngói lợp mái cung điện có men vàng và men xanh lục.
Những phát hiện khảo cổ này cho thấy, ngói tại các công trình ở Hoàng thành Thăng Long rất đa dạng, với men màu vàng, men xanh và ngói đất nung màu đỏ hay đen xám. Đặc sắc và khác biệt nhất là ngói rồng men vàng và xanh lục được tạo khối theo từng phần đầu, thân và đuôi của con rồng, khi ghép lại theo chiều dọc của mái sẽ tạo thành hình con rồng hoàn chỉnh. Đây cũng là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, đem lại sắc thái riêng biệt cho kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ. Ngói rồng có cả hai màu men vàng và men xanh cũng đặt ra nhiều vấn đề thú vị trong nghiên cứu giải mã về quy hoạch không gian và tổ hợp các công trình được xây dựng trong cùng một không gian, trong đó chắc chắn sẽ có nhiều công trình với quy mô to nhỏ khác nhau và có chức năng khác nhau.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm hiểu được hình thái bộ khung giá đỡ mái các công trình thời Lê sơ ở Hoàng thành Thăng Long và phát hiện nhiều điều thú vị. Trước hết, hình vẽ trên đồ gốm thời Lê sơ cung cấp khá nhiều thông tin về kiến trúc đấu củng với nhiều tầng mái.
Bộ khung mái của các công trình thời Lê sơ phần lón sử dụng cấu trúc “đấu củng”, là một yếu tố cấu trúc độc đáo được cấu tạo từ một bộ các khối gỗ (đấu) và các tay xà ngắn (củng) được cắt gọt sao cho khi chồng lên chúng sẽ đan cài vào nhau để tạo thành một khối thống nhất. Ngoài ra, thời Lê sơ cũng xuất hiện “bình áng”, một hệ cấu kiện nằm trong đấu củng. Hệ thống này có sự tương đồng với kiến trúc thời Nguyên-Minh (Trung Quốc) nhưng lại có nét khác biệt, là sự tạo tác đâu rồng nhô ra trên tầng đấu củng.
Từ những kết quả nghiên cứu giải mã hệ khung đỡ mái và ngói lợp, các nhà khoa học đã tiến tới vẽ giải tích về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Theo bản vẽ của PGS.TS Tống Trung Tín dựa trên manh mối những cuộc khai quật phía sau điện Kính Thiên, điện có quy mô rất lớn, có mặt bằng hình chữ Công, điện trước và điện sau đều bàng nhau và đều có 7 gian 2 hái, lòng điện có 10 hàng cột gỗ, mõi hàng 6 cột. Kết cấu mặt bằng này giống với mặt bằng kiến trúc chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa).
Công cuộc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần, Lê sơ đối với các nhà khoa học là vô cùng khó khăn và có rất nhiều thách thức bởi thiếu cơ sở tư liệu. Do đó, phải có sự đầu tư nghiên cứu rất công phu, bài bản, phải dựa vào rất nhiều nguồn tư liệu tin cậy để giải đoán… Chúng tôi hy vọng rằng, từ những gợi mở trong phương pháp tiếp cận gnhiên cứ, chúng ta sẽ từng bước nghiên cứ giải mã thành công về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam nói chung, và điện Kính Thiên nói riêng trong tương lai.
Từ những kết quả nghiên cứu trên, năm 2020-2021, Viện nghiên cứu Kinh thành đã phục dựng định dạng 3D hình thái kiến trúc điện Kính Thiên, dựa trên tư liệu khảo cổ học và kết quả nghiên cứu, so sánh với cá kiến trúc cung điện cổ ở châu Á.
Nền cũ lâu đài… cố đô Hoa Lư
Năm 2021, đợt khai quật khảo cổ học do Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình chủ trì, phối hợp Viện Khảo cổ học thực hiện tại di tích Cố đô Hoa Lư, cùng các huyện Hoa Lư, Nho Quan và Gia Viễn với mục tiêu nghiên cứu Ninh Bình giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên, đã cho thấy bước đầu những dấu vết kiến trúc khẳng định quy mô kinh đô.
Tại khu vực khai quật di tích Cố đô Hoa Lư, các nhà khoa học đã phát hiện các lớp kiến trúc thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau, nền kiến trúc và lớp nền, móng kiến trúc thời Đại La, được nhận định là nền kiến trúc thuộc thời Đại La, có niên đại trước thế kỷ 10 cho đến giai đoạn tu sửa, tôn tạo kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê.
Tại khu vực hố khai quật ở cánh đồng Nội Trong, phía nam Đền Vua Đinh, xuất hiện nền móng kiến trúc dùng cát sỏi laterite màu nâu sẫm trộn cùng đất và vỏ nhuyễn thể, trên bề mặt rải đầm thêm các mảnh gạch ngói vỡ vụn đắp trải rộng thành nền kiến trúc cung điện rất vững. Ngoài ra, còn có ba cụm cọc và gia cố cọc gỗ nằm gần thẳng hàng, được cho là cột nhà và cột móng kè của kiến trúc nhà cửa, cung điện.
Tại khu vực này cũng thu được rất nhiều di vật là các loại gạch, ngói, gốm sứ, sành… gồm nhiều niên đại kéo dài từ thời Hán đến thời Đinh - Tiền Lê. Trong đó, gạch, ngói giai đoạn thế kỷ 7-9 có số lượng nhiều nhất.
Diện tích công trình khai quật nhỏ và khiêm tốn, nhưng cũng cung cấp cho chúng ta một cái nhìn mới hơn về kinh đô Hoa Lư.
- TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia-
Tại hai huyện Nho Quan và Gia Viễn, trong tổng diện tích 100m2 khai quật các địa điểm mộ gạch Đền Hạ (xã Gia Lâm), Đồi Cò (xã Gia Tường) và Đồi Chùa (xã Liên Sơn) đã làm xuất lộ 5 kiến trúc mộ gạch có niên đại thế kỷ I-III sau Công nguyên.
Tại Di tích Cố đô Hoa Lư, với tổng diện tích 300m2 khai quật, đã làm xuất lộ các lớp kiến trúc thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê phân bố từ cống ngòi Chẹm vào cánh đồng Nội Trong. Hiện vật thu được chủ yếu là gạch ngói thời Đại La và gạch ngói thế kỷ X, trên nhiều viên gạch có in chữ Giang Tây Quân và Đại Việt quốc quân thành chuyên.
Kết quả nghiên cứu bước đầu ghi nhận khu vực nội đô của Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X có quy mô và không gian phân bố các công trình kiến trúc rộng hơn nhiều so với những hình dung của chúng ta từ trước đến nay; và trước thế kỷ X, khả năng đây chính là vị trí đặt trị sở của đất Trường Châu của nhà Đường.
Tại di tích Cố đô Hoa Lư, các mộ gạch Đền Hạ, Đồi Cò (Nho Quan), Đồi Chùa (Gia Viễn), và nhiều di tích mộ gạch phân bố quanh ngã ba sông Bôi - sông Hoàng Long từ đầu Công nguyên, các dấu tích di tích, di vật thời Đại La ở Cố đô Hoa Lư cho thấy vùng đất Ninh Bình xưa đã được các triều đại phong kiến phương Bắc quan tâm xây dựng từ rất sớm.
Mộ táng là nét mới ở khu vực này, đây cũng là một thành công để tìm hiểu Hoa Lư trước thế kỷ thứ 10. Đây là dấu ấn của một nơi nhưng cũng là dấu ấn của cả dân tộc.
-PGS.TS Tống Trung Tín-
Kết quả khai quật các mộ gạch bước đầu cho thấy đây là mộ thời Đông Hán. Mộ gạch là minh chứng cho trình độ phát triển không chỉ về văn hóa, kinh tế mà còn cả về mặt chính trị, lý giải cho sự hình thành và phát triển vượt bậc của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh cũng như việc thành lập và phát triển kinh đô Hoa Lư sau này.
Đợt khai quật cũng làm phát lộ nhiều di tích kiến trúc và nhiều di vật là vật liệu xây dựng và đồ gia dụng phản ánh sinh động công cuộc dựng nước và giữ nước, cũng như đời sống văn hóa cung đình, hé mở phần nào diện mạo của một trị sở hành chính của chính quyền Bắc thuộc và sau đó là kinh thành Hoa Lư ở thế kỷ 10.
Dấu tích chính điện cổ nhất Việt Nam
Từ tháng 3/2021, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ trong hai năm (2020-2021) đã tiến hành khai quật 6 hố với tổng diện tích 25.000 m2 tại khu vực Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa). Cuộc khai quật đã phát hiện được 04 cụm dấu tích có niên đại thời Trần-Hồ, 2 cụm kiến trúc thời Lê sơ, 1 cụm kiến trúc thời Lê Trung Hưng với hơn 20 đơn nguyên kiến trúc có giá trị to lớn khẳng định các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ đã được UNESCO vinh danh năm 2011.
Tại các hố khai quật ở khu vực Trung tâm (Nền Vua), khu vực Đông Nam và Tây Nam, các nhà khoa học phát hiện được nhiều di tích kiến trúc thời Trần Hồ, cụ thể gồm 10 kiến trúc, tính từ phía nam lên phía bắc dài 200m, rộng 80m (tổng diện tích khoảng 1.600m2). Các kiến trúc này đều xuất lộ các hàng móng cột, kiến trúc hành lang, lối đi có mái nền, một số mặt bằng với số lượng khá nhiều gian kèm theo chái.
Các nhà khoa học nhận định bước đầu, với dấu tích nhiều cổng, hành lang bao quanh, nhiều kiến trúc lớn ở phía bắc kết nối với nhau cho thấy đây có thể là không gian trung tâm, không gian chính điện của Thành Nhà Hồ. Tuy nhiên, các kiến trúc chính có kết cấu với nhau theo kiểu hình chữ “Vương”, chữ “Nhị”, chữ “Công” và kết hợp hành lang bao quanh vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.
Các hố khai quật phía đông và phía tây Nền Vua đã làm xuất lộ ba cụm dấu tích kiến trúc nhiều gian, nhiều vì ở phía bắc và phía nam.
Tại khu vực phía đông nam, phát hiện cụm tổ hợp các kiến trúc tạm xác định gồm Chính điện, Tiền điện, Hậu điện, Tả vu, Hữu vu, Hành lang Đông Tây, có thể còn có kiến trúc cổng ở phía trước được bố trí khá cân xứng, hài hòa.
Đối với các dấu tích kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung Hưng, các nhà khoa học phát hiện 4 dấu tích kiến trúc thời Lê sơ và 2 dấu tích kiến trúc thời Lê Trung Hưng đều xây bằng gạch vồ, ngói âm dương.
Bước đầu, từ kết quả cuộc khai quật, đã xác định dấu tích kiến trúc độc đáo, có quy mô lớn vào loại nhất cho đến nay trong lịch sử nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt Nam ở khu vực Trung tâm Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là Nền Vua). Theo sự tính toán ban đầu cộng với địa danh Nền Vua, các nhà khảo cổ học dự đoán đó có thể là dấu tích Chính điện của thành Tây Đô. Nếu đúng vậy, đây là dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam được phát hiện cho tới ngày hôm nay.
Các nhà khoa học cũng xác định tổ hợp kiến trúc phía Đông Nam khá hoàn chỉnh, tương truyền là Đông Thái Miếu thờ tổ tiên của nhà Hồ. Nếu điều này là chính xác thì đây cũng là một dấu tích Tổ miếu thuộc loại cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam.
Cuộc khai quật cũng bộc lộ lòng đất thành Nhà Hồ đang còn tiềm ẩn rất nhiều các di tích tích kiến trúc khác. Tất cả đều được quy hoạch, bố trí hết sức quy củ, bài bản, tòa ngang, dãy dọc, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều loại hình kiến trúc, vật liệu xây dựng… Điều đó góp phần và làm sâu sắc thêm các giá trị nổi bật toàn cầu đã được Thế giới khẳng định và tôn vinh năm 2011.
Năm 2021, có 375 thông báo phát hiện mới về khảo cổ học ở các khu vực Tiền sử và Sơ sử, Lịch sử, Champa Óc Eo và Khảo cổ học dưới nước
- Báo cáo của Hội Khảo cổ học Việt Nam -
Ngày xuất bản: 1/1/2022
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh, Việt Anh
Nội dung: Tuyết Loan, Ngô Vương Anh
Trình bày: Tuyết Loan
Ảnh: Ngô Vương Anh, Thu Hằng, Viện Nghiên cứu Kinh thành