Nhớ mãi lần được gặp Ðại tướng Lê Trọng Tấn
Đầu tháng mười năm 1983, khi ấy tôi là cán bộ tuyên huấn Quân đoàn 1 được giao nhiệm vụ viết bài để Báo Nhân Dân đăng nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Quân đoàn (15/10/1973-15/10/1983).
Sau một tuần, bài viết đã được Bộ Tư lệnh Quân đoàn bổ sung, chỉnh sửa và thông qua. Tôi yên tâm vì đã hoàn thành nhiệm vụ, chỉ còn việc đem bài ra tòa soạn. Không ngờ, mấy hôm sau, đồng chí Ðỗ Trường Quân khi ấy là Chủ nhiệm chính trị quân đoàn cho biết, tôi sẽ cùng đi với đồng chí ra Hà Nội để xin ý kiến Ðại tướng Lê Trọng Tấn về nội dung bài viết này. Vì lẽ ông là vị tư lệnh đầu tiên của quân đoàn.
Thời gian này, Ðại tướng không được khỏe cho nên làm việc tại nhà riêng để tiện cho các bác sĩ chăm sóc. Hôm chúng tôi tới thấy Ðại tướng đang đọc báo. Tôi giơ tay lên mũ chào theo đúng điều lệnh quân đội. Thấy vậy, Ðại tướng nói vui: Mình có đeo quân hàm, phù hiệu gì đâu mà cậu chào? Ðây là nhà riêng, miễn lễ!
Và, Ðại tướng thân mật bảo: Thôi, vào đi, quân đoàn chủ lực có khác, đúng giờ ra phết !
Ðại tướng rót nước mời chúng tôi và giới thiệu: Ðây là trà đặc biệt! Chỉ dùng để tiếp khách đặc biệt. Trà gừng!
Ðại tướng bảo: Mấy hôm nay, vì ho cho nên uống loại trà này, thấy hiệu nghiệm đáo để. Ðúng là "gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau"! Chớ có coi thường củ tỏi, củ gừng, thuốc tiên đấy!
Ðại tướng nói với đồng chí Ðỗ Trường Quân: Ðây là bài viết nói về quân đoàn chủ lực đầu tiên, tập hợp nhiều sư đoàn, lữ đoàn danh tiếng của quân đội ta cho nên phải đọc kỹ mới góp ý được. Vậy chín giờ sáng mai đến lấy bài. Sau đó Ðại tướng dặn dò đồng chí Ðỗ Trường Quân phải có kế hoạch thật tỉ mỉ cho lễ kỷ niệm. Cần tổ chức chu đáo nhưng phải hết sức tiết kiệm. Nhân dịp này, phát động một phong trào thi đua ngắn ngày lập thành tích mừng Ngày truyền thống của Quân đoàn. Ðại tướng gợi ý: Nếu có điều kiện thì tổ chức cho anh em một bữa ăn tươi và nói vui: Chỉ được phép "trung táo", không được "tiểu táo"! Ðất nước mình còn khó khăn lắm - "Lệnh" đấy!
Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc. Ảnh tư liệu qdnd.vn
Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc. Ảnh tư liệu qdnd.vn
Ðúng giờ hẹn ngày hôm sau, tôi được đồng chí thư ký hướng dẫn đến phòng làm việc của Ðại tướng. Cũng như hôm qua, Ðại tướng rót nước, rồi nói: Vẫn trà gừng, nhưng hôm nay mình tiếp cậu một món rất đặc biệt, mứt gừng. Ðại tướng bảo tôi cứ tự nhiên "nhâm nhi" rồi làm việc.
Vợ chồng Đại tướng Lê Trọng Tấn với con trai Lê Đông Hải. Ảnh tư liệu cand.vn
Vợ chồng Đại tướng Lê Trọng Tấn với con trai Lê Đông Hải. Ảnh tư liệu cand.vn
Ðại tướng hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, chuyện học hành của con cái. Ðại tướng bảo, bất luận khó khăn đến mấy cũng phải quan tâm đến việc học tập của các cháu. Làm cha mẹ để con cái thất học là có lỗi lớn. Ðại tướng động viên, khi đã cố hết sức nhưng con cái không có khả năng học lên cao thì phải có điểm dừng. Hướng cho các cháu học lấy một nghề. Nghề gì cũng được, nhưng phải là thứ nghề mà các cháu tâm đắc, yêu thích nhất. Tuyệt đối không được ép buộc, ép là "lệch pha", là hỏng, không phát huy được tay nghề. Lòng ham mê được tạo nên bằng sở trường. Ðó là hướng đi sáng suốt, thông minh nhất và không cứ gì phải vào đại học trong khi khả năng mình có hạn.
Trong câu chuyện, tôi để ý Ðại tướng Lê Trọng Tấn đặc biệt quan tâm tới công tác động viên, giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội, về ý thức tổ chức kỷ luật, tình hình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Ðại tướng bảo: Trong hoàn cảnh kinh tế nước nhà gặp nhiều khó khăn, cần phải có kế hoạch tăng gia "tự cung, tự cấp" tranh thủ thời gian mọi lúc, mọi nơi làm ra sản phẩm, cải thiện mức sinh hoạt...
Nói đến đây, đôi mắt ông nhìn xa xăm, thoáng chút đăm chiêu: Lẽ ra sau ngày nước nhà thống nhất, chúng ta đã an tâm xây dựng, kiến thiết lại đất nước.
Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (ngồi hàng trước, thứ ba từ phải sang) vui mừng chiến thắng với cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 (tháng 5/1975). Ảnh: Tư liệu quankhu2.vn
Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (ngồi hàng trước, thứ ba từ phải sang) vui mừng chiến thắng với cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 (tháng 5/1975). Ảnh: Tư liệu quankhu2.vn
Nghe Ðại tướng nói chuyện, tôi như bị cuốn hút vào những vấn đề Ðại tướng đặt ra, nhưng không khỏi băn khoăn: Tại sao một vị Ðại tướng bộn bề với biết bao công việc lại dành thời gian hiếm hoi để trò chuyện với tôi, một cán bộ bình thường một cách thân tình, cởi mở và gần gũi đến như vậy? Sau này tôi mới hiểu rằng đó là phẩm chất, tác phong sâu sát, tỉ mỉ của một "nhân tướng" cách mạng. Ðã từng đồng cam cộng khổ, cùng đồng đội sống chết có nhau nơi trận mạc, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của binh sĩ nên ông muốn sẻ chia.
Bộ Tem về Đại tướng Lê Trọng Tấn được phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Ảnh: baotanglichsu.vn
Bộ Tem về Đại tướng Lê Trọng Tấn được phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Ảnh: baotanglichsu.vn
Thấy thời gian đã lâu, tôi ngó nhìn đồng hồ ý muốn để Ðại tướng nghỉ ngơi. Ðại tướng đoán ra được liền bảo:
- Cậu an tâm, "thầy trò" ta cứ nói chuyện thoải mái. Sáng nay mình không còn chương trình làm việc nào nữa.
Phải học cách nói và cách viết của Bác Hồ. Phải biết yêu quý và gần gũi tiếng mẹ đẻ. Muốn nói một phải chuẩn bị mười. Bài vở viết ra phải đọc đi, đọc lại nhiều lần, phải "vắt óc" suy nghĩ để tìm ra cách viết và cách nói đạt chất lượng cao nhất.
Ðoạn, Ðại tướng lấy bài viết đưa cho tôi. Ðây, "tác phẩm" của cậu! Nói chung là bổ sung một số ý. Cậu nhớ viết lại sạch sẽ, rà soát cẩn thận rồi hãy đem sang tòa soạn. Chắc chắn các anh bên ấy còn biên tập thêm. Vì đó là nghề của họ - thầy trò ta chỉ giỏi đánh giặc; nghề viết là của các anh ấy. Mỗi người một nghề, "khoản" này làm sao mình giỏi hơn người ta được.
Bỗng nhiên Ðại tướng hỏi tôi: Này, cậu có biết nghĩa của hai từ "khiêm tốn" là gì không, nói mình nghe? Tôi rất ngạc nhiên và thầm nghĩ không hiểu sao Ðại tướng lại hỏi một câu như thế? Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn nghiêm túc trả lời: Dạ, khiêm tốn là cụm từ nói về đạo đức, hạnh kiểm, tác phong...
Ðại tướng nheo đôi mắt, hóm hỉnh cười rồi nói: Ðúng! Ðúng một trăm phần trăm. Cậu hiểu đúng, nhưng trong văn bản lại viết: "... thành tích chung còn hạn chế"; "thành tích chung chưa nhiều..." có phải dễ hiểu hơn không?
Một thoáng ngỡ ngàng trong tôi. Ðại tướng thật là sâu sắc! Uốn nắn cho cấp dưới từ lời ăn tiếng nói đến cách dùng chữ, chọn từ, tỉ mỉ, cẩn thận đến thế là cùng.
Ðại tướng giải thích - tiếng ta có thì ta dùng, tiếng Việt rất phong phú, cứ hãy dùng cho hết đã. Cùng lắm, bắt buộc lắm mới phải vay mượn tiếng Tây, tiếng Tàu. Một khi đã vay mượn phải hiểu cho thấu rồi mới dùng. Phải học cách nói và cách viết của Bác Hồ. Phải biết yêu quý và gần gũi tiếng mẹ đẻ. Muốn nói một phải chuẩn bị mười. Bài vở viết ra phải đọc đi, đọc lại nhiều lần, phải "vắt óc" suy nghĩ để tìm ra cách viết và cách nói đạt chất lượng cao nhất.
Bằng tình cảm chân thành, yêu thương, Ðại tướng nói như tâm sự: Tuyên huấn cũng là một nghề. Cái nghề rất nhọc nhằn và vất vả. Nhưng rất vinh quang, hạnh phúc. Là những chiến sĩ trung thành của Ðảng và quân đội trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Rất quan trọng. Công việc của các cậu gắn liền với cây bút và lời nói. Viết và nói thế nào lại ở cái "tâm" của mỗi người. Ðó là cái tâm biết phân tích, sàng lọc và tổng hợp. Nhưng quan trọng trên hết là cái tâm của lòng trung thành với Tổ quốc với chế độ. Các cậu còn trẻ, phải cố gắng học tập lý luận để nâng cao hiểu biết!...
Đại tướng Lê Trọng Tấn (ngoài cùng bên phải) tại Sở chỉ huy chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Ảnh: baotanglichsu.vn
Đại tướng Lê Trọng Tấn (ngoài cùng bên phải) tại Sở chỉ huy chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Ảnh: baotanglichsu.vn
Nói rồi, Ðại tướng lấy ra một cuốn sách: Ðây là quà! Tặng cậu cuốn "Học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh". Mình đã đọc rất nhiều lần, vô cùng bổ ích. Với công việc như các cậu, chắc chắn sẽ còn bổ ích hơn nhiều. Những gì mình vừa trò chuyện cũng từ cuốn sách này...
Lần đầu tiên được gặp Ðại tướng, tôi cũng không ngờ đó lại là lần cuối cùng. Hơn hai mươi năm Ðại tướng đi xa nhưng hình ảnh vị danh tướng thao lược, đức độ, gần gũi thân tình còn đọng mãi trong tình cảm của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân.
Cuốn sách Ðại tướng tặng, tôi vẫn gìn giữ cẩn thận, như một kỷ niệm quý của cuộc đời.