
Ngày 18/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển". Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu bài tham luận "Nhọc nhằn sức sống một đề tài" của Nhà văn Chu Lai.
Đó là đề tài về người lính và chiến tranh cách mạng.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc, dân tộc Việt Nam dẫu ngàn lần không muốn cũng vẫn là “dân tộc trận mạc". Đây chính là điều mà thế giới hiểu ta và trọng ta. Vì thế phải chăng, đề tài chiến tranh bỗng trở thành “siêu đề tài” và nhân vật người lính cũng trở thành “siêu nhân vật”. Đề tài này không chỉ bó hẹp trong phạm vi người lính và chiến tranh, nó mở rộng ra cả núi sông, toàn dân tộc, nó động chạm và tác động sâu sắc đến tất cả các mảng đề tài khác.
Chiến tranh là một giọt dung dịch cực mạnh nhỏ thẳng xuống chiến hào khiến cho các số phận người, tính cách, nỗi niềm con người, cái thật - cái giả, cái cao thượng - cái thấp hèn, điều vị tha - điều tỵ hiềm, độc ác, cái quả cảm - cái nhát hèn, sự khôn ngoan - lòng trung thực... đều lên hết màu, hết nét, không thể che giấu, không thể làm hàng nhái. Và đó chính là hạt nhân sáng tạo.
Biết là vậy nhưng dòng chảy của mảng đề tài này từ sau năm 1975 đến nay sao cứ lắm thăng trầm trồi sụt, lúc âm thầm, lúc trào sôi, lúc bị quên lãng, lúc lại được khơi dậy, lúc tưởng như biến mất, lúc lại hiện về rỡ ràng, chang chói nhưng nó vẫn không ngừng chảy, như sức bền của một cảm hứng thiêng liêng, day dứt và mãnh liệt.
Hội chứng “Quả lắc đồng hồ"
Quả lắc đánh sang bên trái là thời kỳ hậu chiến ngổn ngang, vết thương chiến tranh còn chưa kịp lên da non, tiếng gào của những chiếc dạ dày trống rỗng lại gióng lên như một giai âm chủ đạo giữa những đám mây bao cấp ảm đạm nên người ta không muốn viết, không muốn đọc về mảng chiến tranh mất mát, nặng nề. Nhất là mảng đề tài ấy lại hầu như chỉ tồn tại duy nhất một âm hưởng anh hùng ca dàn hàng ngang xốc tới mà thiếu vắng đi cái cá thể, cái nỗi niềm không thể thiếu được trong bút pháp phản ánh thế giới nội tâm phức tạp của con người. Sự kiện đè lên sử thi. Chiến công nhoà vào chiến lệ. Đề tài bỗng trở thành khô cứng, nhạt nhoà và có phần bị quên lãng.
Khi lắc sang bên trái hết đà thì buộc phải lắc sang phải. Đó là sự bừng tỉnh của nhận thức, của cảm xúc và cách tiếp cận, triển khai đề tài. Nhưng nó lại rơi vào tính cực đoan không chấp nhận được trong miêu tả khi cái chất anh hùng ca, chất tráng ca, cái ta lại chìm đi cho cái bi thương, cái cá nhân, cái rên rỉ, cái tôi nhỏ bé ngoi lên đầu. Nhiều mất mát, nhiều đau thương, nhiều u hoài, nhiều trăn trở, dằn vặt quá, đến nỗi không còn nhận ra đó là người lính, là đội quân vừa chiến thắng một kẻ thù mạnh nhất hành tinh nữa.
Không! Chiến tranh nó yêu cầu phản ánh đúng nó. Tô hồng - nó lắc đầu, bôi đen ư - nó càng lắc.
Nhiều phương tiện chiến tranh của địch ở Chi khu kiên cố Đức Lập rơi vào tay quân giải phóng.
Nhiều phương tiện chiến tranh của địch ở Chi khu kiên cố Đức Lập rơi vào tay quân giải phóng.
Và rồi cùng với thời gian, cùng với nền kinh tế dần đi lên trong hơi thở của sự nghiệp đổi mới đang lan toả khắp đất nước, cùng với đòi hỏi ngày một khắt khe của người đọc, tư duy sáng tạo của người viết cũng buộc phải thay đổi. Quả lắc chuyển động vào giữa để làm động tác trung dung giữa chất anh hùng ca tập thể và nỗi niềm cá thể. Văn học về đề tài chiến tranh bắt đầu khởi sắc từ những tác phẩm của Lê Lựu - “Thời xa vắng", Bảo Ninh - “Nỗi buồn chiến tranh", Dương Hướng - "Bến không chồng", đã là một dấu mốc, một hành vi tiên phong, một sự bứt phá đáng mừng. Để rồi từ đó, thi pháp, bút pháp đã được mở ra hết đường biên cho mọi âm thanh, màu sắc của cuộc chiến tranh vệ quốc đau thương và hào sảng bay vào.

“Chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình", chiến tranh là mười người ra đi chỉ có lác đác vài ba người trở về.
Nhà văn Chu Lai
Đề tài không có tội
Đề tài không bao giờ có tội. Cái tội là cách thức cảm nhận và khai triển đề tài. Đề tài nào cũng phải đẩy đến tận cùng buồn vui, hỷ nộ ái ố của số phận người, phải làm sao đó để chạm được đến hạt nhân văn học.
Viết về bất cứ cái gì mà giả là không chịu được. Viết về chiến tranh mà giả lại là một sự xúc phạm không thể tha thứ. Giữa chiến hào, anh binh nhì không thể rao giảng như một vị chính ủy và vị chính ủy lại càng không thể nói năng như một anh binh nhì. Trước mũi súng người lính không thể lúc nào cũng thao thao rao giảng lòng yêu nước, chí phục thù, lý tưởng cách mạng, lương tri nhân loại... Có, tất cả những cái đó đều có nhưng nó đã lặn sâu vào bên trong để cho bản năng sinh tồn vượt lên.
Bộ những cuốn sách đề tài người lính của nhà văn Chu Lai.
Bộ những cuốn sách đề tài người lính của nhà văn Chu Lai.
Động cơ bỏ tất cả ra đi vào trận thường là động cơ mềm như có ngọn gió hàng ngàn năm lịch sử kiêu hùng thổi nhè nhẹ phía sau lưng, đôi khi chỉ vì một ánh mắt thôn nữ, một tiếng khóc trẻ thơ, một nụ cười kiêu hãnh và ắp đầy nữ tính mang tên Võ Thị Thắng với số tù cháy ngang khuôn ngực thanh xuân, một vạt nắng triền đê, một câu ca dao, một trang lịch sử, một triết lý làm trai cho đáng nên trai... thế thôi. Mềm như nước, nước bao giờ cũng bền bỉ chứa sức mạnh khôn lường.
Cũng như vào mùa chiến dịch, đêm nay phải nhổ được cái đồn này, phải san bằng được cái cứ điểm kia đôi khi không chỉ vì những nguyên cớ cao siêu mà thường là vì những lý do bình dị: Thắng để sau đó về rừng được cô du kích có nước da xanh xao lãng mạn nấu cho một bát cháo gà rừng nóng bỏng môi, vậy thôi.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ …
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tình yêu và tính dục
Nghiệm ra, đề tài nào, nhất là đề tài chiến tranh khốc liệt, cái nền tình yêu càng nhiều thì đề tài càng có sức thu hút. Tình yêu dâng đủ đầy thì thành tình dục. Văn chương không thể thiếu tính dục. Có một thời, hễ chạm đến chiến tranh là người viết thường tránh né hoặc miêu tả sơ sài cho gọi là có. Một đôi nam nữ nằm sát nhau trong hầm cả đêm mà sáng ra vẫn không xảy ra chuyện gì. Nhưng rồi sau đó, sợ không thật, không hấp dẫn, không có người đọc nên chưa chi họ đã cho ăn nằm với nhau, ăn nằm lấy được, ăn nằm vô tội vạ. Thế là từ cái giả này nhảy sang cái giả khác, còn giả hơn.
Song cuộc đời không phải cứ có cách viết mới, cảm nhận mới là có sự đồng thuận mới. Tôi suy nghĩ rằng, đường đến cổng Dinh Độc Lập năm 75, người lính có thể đi bằng nhiều cách. Có cách đi hào sảng, vạm vỡ nhưng cũng có cách đi trăn trở nỗi niềm. Mà cách đi này gặp tính nhân loại. Nhưng cách đi nào rồi cũng tới đích. Và nghe tinh, nhìn tinh thì giữa những con chữ đầy tâm trạng tưởng là yếu đuối kia đâu đó vẫn vang lên những giai điệu tươi sáng của chất anh hùng ca.
Chiến tranh là trần trụi và lãng mạn. Trần trụi không thôi, con người sẽ trở thành trầm cảm. Lãng mạn không, con người sẽ không có chân đế. Có quá không nếu nói, chính sự lãng mạn hào sảng do ngàn năm chưng cất đó đã tạo nên sức chịu đựng, sự bay bổng đặng làm nên những kỳ tích quả cảm phi thường.
Chiến tranh không bao giờ là một ngày hội. Chiến tranh là núi xương, sông máu. Là phải trả giá vô cùng đắt để có những ngày thái hoà hôm nay.
“Chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình", chiến tranh là mười người ra đi chỉ có lác đác vài ba người trở về. Họ hiểu và dám kiêu hãnh nhìn thẳng vào sự thật để ngẩng cao đầu đứng vững trên chiến hào.

Đọc báo cho thương binh ở Điện Biên Phủ.
Đọc báo cho thương binh ở Điện Biên Phủ.
“Người lính nằm trên võng mong trời đừng bao giờ sáng để ngày mai đừng bao giờ vào trận. Nhưng nếu phải vào trận người lính sẽ ngẩng cao đầu như một chiến binh kiêu hãnh”.
"Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị" (trong ảnh là chiến sĩ Lê Xuân Chinh).
"Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị" (trong ảnh là chiến sĩ Lê Xuân Chinh).
Luận anh hùng
Chiến tranh với bên nào, bên tự vệ hay bên xâm lược xét đến cùng đều là bi kịch. Dẫu có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì chúng ta vẫn phải giành lại được tự do, độc lập như lời Bác nói. Phải nhìn thẳng vào bản chất của nó để vượt qua và chiến thắng. Đơn vị đặc công ấy về nằm vùng cách Sài Gòn chỉ 15 cây số nhưng phải hành quân mười năm trời ròng rã mới đến nơi. Như vậy, mỗi một năm chỉ đi được một cây số rưỡi, chỉ có điều mỗi cây số rưỡi đó là mất đi hàng trăm đồng đội. Thực chất đây là cuộc hành binh trên những nấm mồ đẫm máu và nước mắt để ca khúc khải hoàn giữa Thành đô.
“Người lính nằm trên võng mong chóng sáng để ngày mai vào trận”. Câu văn không sai, thậm chí vào thời điểm ấy nó đã kêu vang như một hồi kèn xung trận nhưng nó chỉ mang tác dụng nhất thời mà không chứa ý nghĩa thiên niên. “Người lính nằm trên võng mong trời đừng bao giờ sáng để ngày mai đừng bao giờ vào trận. Nhưng nếu phải vào trận người lính sẽ ngẩng cao đầu như một chiến binh kiêu hãnh”. Có lẽ phải chuyển như thế nó mới vĩnh cửu và nhân văn hơn chăng?
Bởi chiến tranh không chỉ là võ đài và người lính cách mạng không bao giờ là cỗ máy chiến đấu, là một thứ rô bốt chiến binh vô cảm. Đó chính là sự chiến thắng của văn hoá và bề dày lịch sử.
Người lính nào cũng nhọc nhằn trải qua những hy vọng và tuyệt vọng, những niềm vui và nỗi buồn, những phút thăng hoa và cả những yếu đuối, nao lòng. Anh hùng cũng là người sợ chết, thậm chí rất sợ chết nhưng biết vượt qua cái sợ chết ấy sẽ là người anh hùng.
Người đội trưởng trinh sát ấy được nhìn nhận như một người anh hùng, trong một trận phi pháo tổng lực rót vào căn cứ, người đội viên ở cửa hầm bên kia thay vì phải hạ thấp người xuống lại cứ đờ đẫn giơ hai tay lên. Quát, nghẹn giọng trả lời: “Kệ em. Đêm qua em nằm mơ thấy mẹ em bảo em về để mẹ còn đi ngủ. Mẹ em yếu lắm rồi. Em muốn pháo nó tiện đứt hai tay để còn có dịp được ra Bắc gặp mẹ...”. Đành vung một cát tát cho người lính tỉnh lại. Tỉnh, nhưng liền đó là một câu đáp trả: “Anh đánh cái éo gì tôi. Thế trận càn tháng trước thằng con mẹ nào giơ chân lên? Anh tưởng thằng giơ chân oai hơn thằng giơ tay à?”. Những phút yếu đuối ấy đã giúp họ xích gần nhau, thấu hiểu, nương tựa, sưởi ấm và cùng nhau đi hết được cuộc càn, đi hết được cả cuộc chiến.
Và, nếu người lính cách mạng không bao giờ là cỗ máy chiến đấu thì người lính phía bên kia cũng không bao giờ chỉ là rô bốt chiến binh. Họ cũng có nỗi niềm, có tính cách và nhân cách, có hoài bão và trăn trở đến tột cùng, duy số phận đã không vạch cho họ một nẻo đi sai hướng. Đã đến lúc họ cũng phải được miêu tả như một thực thể người chứ không phải là những chú lính chì ngô ngọng, nhát hèn, vô hồn vô cảm, chưa đánh đã thắng, vậy thì sự chiến thắng sẽ trở thành vô nghĩa.
Cảm hứng hoà hợp
Là một cảm hứng hoà hợp trong các tác phẩm về đề tài chiến tranh gần đây. Cảm hứng này đã nảy sinh ngay trong trận đánh một cách rất tự nhiên chứ không phải để mãi đến hậu chiến sau này. Anh lính đặc công nằm ngay dưới chân anh lính giữ đồn, đêm khuya, rét, đói bụng, sắp đến giờ G, thèm được đứng lên vỗ vai: “Uýnh nhau mệt quá rồi, giờ vất cha nó ráo trọi đi, tao với mày ra quán làm tô hủ tíu cho ấm bụng”. Rồi sông Thạch Hãn, nấm thuỷ mồ khổng lồ 1972 không chỉ có “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...” mà còn có rất nhiều xác lính bên kia nữa. Và khi bà mẹ vào thắp hương trên mộ con, đã lặng lẽ đi đến xin phép người mẹ bên kia thắp cả hương cho nấm mồ kẻ đã hạ sát con trai duy nhất của mình...
Hàn Quốc có một bộ phim được yêu thích mang tên “Hạ cánh nơi anh” mà ở trong đó, chuyện tình của nữ doanh nhân Nam Hàn và chàng đại uý Bắc Hàn đã mang sức nặng khát vọng thống nhất hơn bất cứ một lời hiệu triệu, một bản thương thảo vĩ mô nào.
Câu hỏi một thời và muôn thời
Nhìn qua nhìn lại, đội ngũ các nhà văn thời chống Pháp hầu như đã không còn một ai. Đội ngũ các nhà văn thế hệ chống Mỹ cũng lác đác còn lại không nhiều. Vậy mà vẫn phải chịu gánh nặng của một câu hỏi nhức nhối thường được đặt ra trong các cuộc hội thảo, được đặt ra trên bàn viết cô đơn của người cầm bút: “Chiến tranh và người lính là một đề tài lớn nhưng hầu như chưa một cuốn sách nào chạm đến được đỉnh cao của nó. Phải chăng vì nó không có tư tưởng?”. Vâng, cũng có thể như thế. Nhưng thế nào là tư tưởng? Câu hỏi của một thời và muôn thời. Một câu hỏi không dễ trả lời và không thể không trả lời. Sau trận Borodino dìm uy danh của hoàng đế Bonaparte nửa thế kỷ, cụ Lev Tolstoy mới trả lời được bằng cuốn sách vĩ đại “Chiến tranh và hoà bình”. Còn ở ta thì sao? Câu trả lời vẫn đang nằm ở phía trước. Nhưng trên hết, nó đang nằm ẩn sâu trong trái tim người sáng tạo.
Nhà văn Chu Lai tại buổi giới thiệu sách Mưa đỏ.
Nhà văn Chu Lai tại buổi giới thiệu sách Mưa đỏ.
Bởi, vượt qua mọi thăng trầm, vật vã, nhọc nhằn, mạch ngầm của mảng đề tài này vẫn không ngừng chảy. Sẽ đến một lúc nào đó, nhất định nó sẽ tung bọt trắng thăng hoa. Trong đó không thể không kể đến những cuốn sách, những tác phẩm mang giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật sâu sắc của đội ngũ văn nghệ sĩ có một thời được tạm gọi là phía bên kia.
Thế hệ này chưa làm được thì các thế hệ sau sẽ làm. Như sức sống mãnh liệt của một dân tộc hàng ngàn năm luôn biết kiêu hãnh ngẩng nhìn trời xanh mà nói, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Ngày xuất bản: Tháng 4/2025
Tổ chức sản xuất: Hồng Minh
Nội dung: Nhà văn Chu Lai
Ảnh: Nhân Dân, Tư liệu và gia đình nhà văn cung cấp
Trình bày: Phi Nguyên