Trải qua hơn 1000 năm hình thành và phát triển, Thủ đô Hà Nội đã lưu giữ được những di sản quý báu, trong đó có khoảng gần 30 hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Những bảo vật quốc gia này không chỉ có giá trị về thẩm mỹ, nghệ thuật, mà còn là chứng nhân của những câu chuyện về lịch sử, về văn hóa cũng như nhiều khía cạnh khác trong xã hội của rất nhiều thời đại đã đi qua.

Những bảo vật quốc gia ở Hoàng thành Thăng Long

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội là nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật quý giá với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, trong đó nổi bật nhất là các bảo vật quốc gia. Hầu hết các bảo vật quốc gia được lưu giữ và trưng bày tại Hoàng Thành Thăng Long đều liên quan đến kiến trúc cung đình hoặc đời sống hoàng gia.

Bộ thành bậc Điện Kính Thiên thời Lê sơ

Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Đây là nơi cử hành những nghi lễ long trọng trong triều đình thời bấy giờ, là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và bàn việc quốc gia đại sự. Cuối thế kỷ XIX thời Pháp thuộc, thực dân Pháp phá bỏ hành cung Kính Thiên, giữ lại bộ thành bậc.

Trong đó có 2 thành bậc chạm rồng (ở giữa) và 2 thành bậc chạm mây hóa rồng (hai bên) tạo thành 3 lối đi lên xuống. Lối đi giữa dành riêng cho nhà vua.

Rồng đá Điện Kính Thiên là một kiến trúc di sản nghệ thuật đặc sắc với tư thế uốn lượn từ trên xuống, đầu rồng ngẩng cao như đại diện cho ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt. 7 khúc trên thân thân uốn lượn mềm mại như sóng thể hiện những chuẩn mực Nho giáo cho hình tượng rồng.

Thềm rồng phía trước điện Kính Thiên.

Thềm rồng phía trước điện Kính Thiên.

Ngoài ra, hoa sen dây và những họa tiết khác cũng thể hiện tư tưởng Phật giáo. Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của thành bậc chạm mây không bắt gặp hay lặp lại ở các di tích, di vật cùng loại.

Ngày 31/12/2020, bộ thành bậc Điện Kính Thiên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 9 theo quyết định số 2283/QĐ-TTg.

Đầu rồng thời Trần

Đầu rồng thời Trần.

Đầu rồng thời Trần.

Đầu rồng thời Trần là hiện vật nguyên gốc, là khối tượng tròn, cao 60cm, điểm rộng nhất của chiều từ miệng đến bờm sau gáy là 52cm và chiều rộng của bờm là 17cm. Đầu rồng là một bộ phận quan trọng trong bộ sưu tập trang trí trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc thời Lý, Trần nói riêng. Theo thời gian, tượng đầu rồng trang trí trên mái kiến trúc có nhiều thay đổi cả về hình dáng, cấu trúc và ý nghĩa biểu tượng.

Trong đợt công nhận Bảo vật Quốc gia lần thứ 11 được Chính phủ công bố tại Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023, Hoàng thành Thăng Long có tới 4 trong số 27 hiện vật của cả nước, gồm: Đầu rồng thời Trần, bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê, thành bậc điện Kính Thiên thời Lê trung hưng và súng thần công thời Lê Trung Hưng.

Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ

Bộ bát, đĩa gốm là hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt về lịch sử về văn hóa gắn với di tích khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu thuộc Khu Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Đây là những bát, đĩa gốm ngự dụng (đồ dùng của vua), với kỹ thuật chế tác gốm men lam ở trình độ cao, nhiệt độ nung cao, nung đơn chiếc, hoa văn tỉ mỉ và tinh xảo được cho thấy trình độ và óc thẩm mỹ của thợ gốm tài hoa.

Súng thần công thời Lê trung hưng

Súng thần công trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long.

Súng thần công trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long.

Súng thần công A9-2782 có hình trụ tròn gồm 4 phần: miệng súng, thân súng, bầu súng và chuôi súng. Súng thần công được sử dụng ở Đại Việt từ cuối thời Trần, khoảng cuối thế kỷ XIV. Khẩu súng này cho thấy trình độ đúc đồng, sự phát triển của súng thần công Đại Việt trong lịch sử của súng thần công.

Thành bậc Điện Kính Thiên thời Lê trung hưng

Thành bậc Điện Kính Thiên, thời Lê Trung Hưng là hiện vật gốc, độc bản gắn với di tích Điện Kính Thiên – di tích quan trọng đặc biệt của Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Là một thành tố cấu thành của điện Kính Thiên, thành bậc Kính Thiên thời Lê Trung Hưng có “số phận” gắn liền với sự biến đổi của Điện Kính Thiên trong lịch sử. Rồng trong hệ thống bộ thành bậc thời Lê Trung Hưng được chạm trong tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc, cách điệu hoa văn tinh xảo với dáng dấp cứng cáp không lặp lại ở các di tích, di vật cùng loại khác.

Hai bát sứ ngự dụng thời Lê sơ

 2 bát sứ ngự dụng là đồ dùng của nhà vua và hoàng thất. Mặc dù có chút khác nhau về kích thước nhưng cấu trúc, đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên 2 bát giống nhau gần như hoàn toàn. Bát có xương gốm rất mỏng- “mỏng như vỏ trứng”, độ trong của xương rất cao, ánh sáng có thể xuyên qua, gọi là sứ thấu quang. Điều này cho thấy đẳng cấp và trình độ kỹ thuật sản xuất gốm sứ thời Lê sơ.

Đao cẩn tam khí

Đao cẩn tam khí hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Đao được làm từ kim loại, có niên đại thời Trần, thế kỷ XIV, được phát hiện tại hố A10 Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội thuộc khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.

Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ rèn thời Trần. Các sắc thái khác nhau của kim loại (đồng) tham gia vào các bộ phận của Đao: đai chuôi, họa tiết trang trí cho thấy trình độ điêu luyện của người thợ trong việc chiết xuất vật liệu, vừa đảm bảo chất lượng, vừa mang tính mỹ thuật cao. Kỹ thuật tượng khảm điêu luyện với những nét khảm nhỏ, mảnh và sâu không chỉ minh chứng cho trình độ thẩm mỹ mà ẩn phía sau của những đường nét tinh xảo đó là trình độ và sự khéo léo của người thợ.

Các họa tiết trang trí tinh xảo trên đao.

Các họa tiết trang trí tinh xảo trên đao.

Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long là một trong số rất hiếm binh khí thời Trần đến nay đã biết, đồng thời cũng là minh chứng cho thấy trình độ và kỹ thuật trong sản xuất binh khí của nhà Trần. Các họa tiết trang trí tinh xảo trên đao cho thấy, thời Trần, không chỉ sản xuất được những binh khí có chất lượng tốt mà còn đẹp về thẩm mỹ.

Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long là minh chứng sống động cho kỹ thuật tượng khảm ở Việt Nam dưới thời Trần, nó đồng thời làm thay đổi nhận thức về sự phát triển của kỹ nghệ luyện kim của Việt Nam thời cổ trung đại.

Mô hình kiến trúc thời Lê sơ

Đây là một hiện vật rất quan trọng, chứa đựng nhiều thông tin về kiến trúc cung đình thời Lê sơ. Hiện vật là phần còn lại của một mô hình kiến trúc hoàn thiện. Phần còn lại này bao gồm một phần của bộ mái và một phần của bộ khung kết cấu.

Mô hình kiến trúc thời này cho thấy rõ nét hệ cột, hệ xà, hệ đấu củng của kiến trúc xưa. Trong đó, hệ cột gồm cột cái, cột quân (cột hiên) với tất cả 16 cột; hệ xà có các cấu kiện: câu đầu, xà thượng, xà hạ (tương đương với xà nách trong kiến trúc kẻ bẩy); Hệ đấu củng gồm các cấu kiện: Đấu, củng, ang và xà vuông.
Bộ khung được phủ men màu vàng, sắc độ đậm, thường được gọi là men màu da lươn. Mặc dù chỉ là một mô hình thu nhỏ và đã bị mất mát phần lớn, nhưng hiện vật giúp các nhà khoa học nhận diện gần như đầy đủ các yếu tố cấu thành bộ mái kiến trúc. Kết hợp với những nguồn tư liệu khác, hiện vật này có giá trị thông tin rất lớn trong phục dựng kiến trúc cung đình thời Lê sơ.

Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa)

Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa), thời Lê Trung hưng, hiện lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Cặp rồng đá có niên đại năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732).

Đây là cặp rồng đá duy nhất trên cả nước gắn với di tích nổi tiếng, thờ Đức vua An Dương Vương - vị vua lập nên Nhà nước Âu Lạc, thế kỷ III trước Công nguyên. Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của cặp rồng đá không lặp lại ở bất kỳ di tích nào ở Việt Nam có cùng chức năng và niên đại.

Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) được chạm khắc hoa văn rất đặc biệt, mang những nét điển hình của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ XVIII. Nghệ thuật trang trí này gắn với nghệ thuật điêu khắc đá, nghệ thuật trang trí đã tạo nên một tác phẩm đầy sức sống tại chính ngôi đền thờ phụng vua An Dương Vương trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Lá đề chim phượng Hoàng Thành Thăng Long

Lá đề chim phượng tại Hoàng thành Thăng Long được công nhận là bảo vật Quốc gia năm 2021. Trong số hàng nghìn hiện vật đất nung tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), lá đề chim phượng là một hiện vật tiêu biểu, được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, điêu khắc.

Theo tài liệu hồ sơ lý lịch hiện vật, lá đề chim phượng gồm 2 phần, thân và bệ. Thân lá đề có hình dáng giống hình lá cây bồ đề, một loại cây mang tính biểu tượng của Phật giáo, ở hai mặt trang trí đôi chim phượng. Bảo vật quốc gia Lá đề chim phượng là hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công. Đây là một tác phẩm mỹ thuật hài hòa, tinh mỹ thể hiện sự trau chuốt, tài hoa của các nghệ nhân thời Lý thế kỷ XI – XII.

Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê Sơ

Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long, niên đại Tháng 4, năm Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông (1466); hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ bằng hợp kim đồng, có lỗ tròn để luồn dây đeo thẻ. Hai mặt đều khắc chữ Hán rõ nét, ghi nội dung sử dụng thẻ dành cho cung nữ. Ngoài ra còn có chữ ghi niên đại làm thẻ là tháng 4 năm Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông, tức năm 1466.
Hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia ngày 18/1/2024.

Tượng An Dương Vương

Pho tượng An Dương Vương có một lịch sử khá đặc biệt. Năm 1893, trong khi trùng tu đền Thượng, các cụ làng Cổ Loa (nay là xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) có đào được tại đền Thượng một kho đồng, nhân dân cho rằng, đó là kho đồng thiêng của nhà vua nên đã đem đúc tượng, phục vụ cho việc thờ cúng, tế lễ tại đền. Đến năm 1897 thì đúc xong.

Đầu năm 2023, tượng An Dương Vương đã được ký duyệt công nhận là bảo vật quốc gia. Pho tượng được đúc bằng hợp kim đồng với kỹ thuật đúc bằng sáp ong. Tượng lòng rỗng, trong tư thế ngồi trên bệ, liền khối, hình trụ, hai tay cầm hốt với phong thái ung dung, đường bệ, uy nghi. Vua đội mũ bình thiên hai cấp, trang trí “lưỡng long chầu nhật”. Khuôn mặt vua vuông chữ “điền”, mang phong cách của nghệ thuật tượng chân dung, mình mặc áo long bào cổ cao, hai tay cầm hốt để trước ngực, diềm áo chảy xuống tới tận mũi hài, thân đeo đai ngọc to bản trễ xuống, chân đi hài mũi cong.

Điều khác lạ của tượng An Dương Vương là người xưa đã đúc ngài trong tư thế ngồi trên bệ, hình trụ, không phải trên long ngai như những pho tượng thờ khác, thể hiện sự gần gũi với cộng đồng.

Đây là pho tượng duy nhất chưa từng thấy ở bất kỳ di tích An Dương Vương nào tại Việt Nam, là hiện vật gốc, độc bản, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học của dân tộc.

Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa

Bộ khuôn đúc Cổ Loa có niên đại từ thời Văn hóa Đông Sơn, thế kỷ  III - II trước Công nguyên; hiện được lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.

Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa gổm 11 khuôn hai mang và chủ yếu là ba mang, được làm bằng đá (sa thạch), phát hiện qua những đợt khai quật tại đền Thượng, trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa vào những năm từ 2004 đến 2007.

Những khuôn đúc bằng đá ở đây nằm trong một địa tầng ổn định với nhiều di tồn cùng thời đại đi kèm, được xác định niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn – sơ kỳ thời đại đồ sắt, cách ngày nay khoảng 2300 đến 2200 năm. Đó là giai đoạn được các nhà khảo cổ học định danh là giai đoạn Cổ Loa - thời kỳ vua An Dương Vương đóng đô ở ngôi thành Cổ Loa và nhà nước Âu Lạc trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Sưu tập này là hiện vật gốc, độc bản, độc đáo, tiêu biểu, đồng thời có giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước. Là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định.

Kể từ sau khi phát hiện bộ sưu tập đã trở thành hiện tượng khảo cổ học thứ ba ở Cổ Loa, sau kho mũi tên đồng Cầu Vực và trống đồng, lưỡi cày đồng Mả Tre. Cả ba hiện tượng khảo cổ nổi tiếng này đều liên quan tới nhau, phản ánh hai thành tựu nổi bật của nhà nước Âu Lạc, đó là luyện kim, đúc đồng và nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt cổ.

Ngày 31/12/2020, Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa đã được công nhận là bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2283/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 9) năm 2020.

Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Hà Nội

Bảo tàng Hà Nội cũng là một trong những nơi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia của Thành phố Hà Nội. Các hiện vật là bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Hà Nội trải dài từ văn hóa Đông Sơn cho đến thế kỷ 18, với những loại hình khác nhau, kể những câu chuyện phong phú về nhiều thời kỳ lịch sử.

Trống đồng và bộ lưỡi cày đồng Cổ Loa: Thuộc Văn hóa Đông Sơn

Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng Đông Sơn trong trống được phát hiện ở khu đồng Mả Tre, xóm Chợ, xã Cổ Loa, nằm ở phía Tây Nam Cửa Nam thành Cổ Loa, lọt giữa 2 vòng Thành Trung và Thành Nội. Ngày 14/7/1982, UBND xã Cổ Loa đã bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội lưu giữ và trưng bày phát huy tác dụng.

Trống còn nguyên vẹn, kích thước: dài 58,5 cm; rộng 74 cm và cao 89,5 cm; nặng 72kg. Giữa mặt trống có ngôi sao nổi 14 cánh, xen giữa các cánh là họa tiết lông công. Lấy ngôi sao làm trung tâm, từ trong ra ngoài có 13 vòng hoa văn. Thân trống chia làm 8 ô hình chữ nhật, trong mỗi ô trang trí 1 người hóa trang tay cầm giáo, trên thân trống trang trí hình thuyền, người cầm vũ khí và hoa văn hình học (2 ô nơi giáp khuôn không trang trí). Chân trống không trang trí hoa văn. Mặt trong của trống, cách mép chân trống 6cm có khắc 1 hàng chữ Hán. Giữa tang và thân trống có 4 đôi quai kép trang trí văn thừng bện. Trống có 9 hàng con kê ở mặt và thân trống.

Lưỡi cày đồng là một trong những di vật tiêu biểu và độc đáo của văn hóa Đông Sơn. Sự có mặt của lưỡi cày đồng với số lượng nhiều ở trong lòng trống Cổ Loa là một minh chứng chắc chắn cho việc người Hà Nội xưa đã biết cày ruộng và có thể đã biết sử dụng động vật để kéo cày.

Long đình gốm Bát tràng: Niên đại Thế kỷ XVII

Long đình là một loại gốm thờ đặc biệt, có kích thước lớn, có ý nghĩa trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Đây là sản phẩm độc đáo, duy nhất còn lại đến nay do làng thủ công gốm Bát Tràng làm.

Long đình có men trắng rạn vẽ lam, trang trí hoa văn nối cạnh là màu hồng, núm hình quả đào.

Sưu tập vũ khí Trường Giảng Võ, niên đại: Thế kỷ XV - XVIII

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội) gồm 111 hiện vật thuộc 13 nhóm có kích thước khác nhau, được phân loại theo chức năng sử dụng gồm 2 loại là: bạch khí (những vũ khí vận hành bằng cơ bắp người) và hoả khí (những vũ khí vận hành bằng thuốc súng).

Bạch khí có 3 loại theo công năng sử dụng gồm vũ khí đánh gần, vũ khí đánh xa và vũ khí phòng ngự.

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ chủ yếu chế tạo bằng phương pháp rèn đập thủ công, (mũi tên, súng lệnh được đúc) nên không trùng lặp với bất cứ sưu tập vũ khí nào ở Việt Nam hiện biết.

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ là những đại diện tiêu biểu cho các chủng loại vũ khí thế kỷ XV – XVIII, có nhiều giá trị trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa và khoa học quân sự Việt Nam.

Cho đến nay, đây là sưu tập vũ khí độc đáo, loại hình phong phú và có nguồn gốc rõ ràng nhất, tập trung nhất, có niên đại thời Lê Sơ – Mạc – Lê Trung Hưng được phát hiện ở nước ta từ trước tới nay.

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia tại quyết định số 41/QĐ-TTg (đợt 11, năm 2022).

Chuông Thanh Mai

Chuông Thanh Mai có niên đại năm 798, được người dân phát hiện ngẫu nhiên ở Bãi Rồng, xóm Phú An, thôn My Dương, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội năm 1986.

Quả chuông là 1 trong 10 kỷ lục Văn hóa Phật giáo Việt Nam được công nhận năm 2006 với danh hiệu: Quả chuông đồng cổ nhất Việt Nam do Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công bố.

Chuông Thanh Mai được chia làm 4 khoang, mỗi khoang cắt hai ô. Đỉnh chuông có trang trí hoa văn vòng tròn chấm giữa và cánh sen kép và băng nhũ đinh. Quai hai đầu rồng đấu nhau thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc và đúc đồng thời bấy giờ.

Trên chuông có khắc bài minh văn trong 8 ô với gần 1530 chữ Hán, là nguồn sử liệu chân thực, có ý nghĩa đặc biệt cho việc nghiên cứu tìm hiểu Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ thứ VIII. Ngoài ra, minh văn còn cho biết nhiều địa danh hành chính, một số chức danh quan lại và thông tin về đơn vị đo lường của người Việt thời bấy giờ.

Ngày 14/01/2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 53/QĐ-TTg công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 3) cho 12 hiện vật/nhóm hiện vật trong đó có Chuông Thanh Mai.

Chân đèn gốm thời Mạc

Chân đèn gốm thời Mạc có niên đại Niên hiệu Diên Thành 5 (1582), sử dụng loại men riêng biệt của dòng gốm Đặng Huyền Thông.

Chân đèn gồm hai phần riêng biệt. Phần trên hình trụ tròn hơi choãi đầu phía dưới, miệng loe, hoa văn in dán nổi đề tài rồng trong ô tròn, mặt rồng, cánh hoa sen và lá đề cách điệu. Men phủ màu xanh lam hơi sẫm, phủ không đều. Phần dưới chân choãi, rộng, giữa thắt nhỏ, miệng nhỏ, cao, có gờ để đặt phần trên. Thân chia làm bốn khoang trang trí rõ rệt, ngang vai chân đèn đắp viết nổi dòng chữ Hán: “Hoàng đế vạn tuế, thiên hạ thái bình”.

Bảo vật quốc gia được lưu giữ tại các di tích, bảo tàng khác

 Trải khắp địa bàn Hà Nội là những di tích, cụm di tích từ nhiều giai đoạn lịch sử, trọng đó nhiều di tích đang lưu giữ những bảo vật quốc gia vô giá. Những bảo vật quốc gia này không chỉ góp phần tăng giá trị, ý nghĩa cho di tích, cụm di tích đó mà còn cho thấy quan điểm thẩm mỹ, nhân sinh quan, thế giới quan của người xưa.

Tranh "Em Thúy"

Bức tranh “Em Thúy” là tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Trần Văn Cẩn, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được công nhận là bảo vật quốc gia theo quyết định ngày 30/12/2013.

Bức tranh được danh họa Trần Văn Cẩn vẽ năm 1943, với lối bố cục điển hình kiểu Châu Âu thời đầu thế kỷ XX, để thể hiện tâm trạng của một em bé Việt. Bức tranh là sự kết hợp nhuần nhuyễn của tâm hồn phương Đông cùng lối diễn họa học tập từ nghệ thuật phương Tây đương thời.

Tranh "Em Thúy" được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tranh "Em Thúy" được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Hồ sơ di sản của Cục Di sản văn hóa đánh giá, tác phẩm mang giá trị đánh dấu một giai đoạn lịch sử của mỹ thuật Việt Nam cận đại nửa đầu thế kỷ XX. Về giá trị thẩm mỹ, tác phẩm mang phong cách riêng biệt của họa sĩ Trần Văn Cẩn, bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam cận đại. Tác phẩm là sự kế thừa phong cách tạo hình phương Tây nhưng lại được hòa quyện trong một tinh thần phương Đông rõ nét. Với chất liệu sơn dầu, tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tả chân, cũng như tiêu biểu cho thể loại tranh chân dung Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Đào Xuyên

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Đào Xuyên có niên đại thế kỷ XVI, hiện đang được lưu giữ tại chùa Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Tượng bằng gỗ mít, cao 1,35m (không kể bệ tượng ngồi trên bệ sen hình lục giác).

Tượng có 42 tay lớn và 610 tay nhỏ, 42 tay lớn chìa ra phía trước và xung quanh với nhiều động tác, hình dáng khác nhau, tay cầm vật báu, tay bắt quyết, không tay nào giống tay nào. Còn 610 tay nhỏ thì xếp thành nhiều lớp hai bên sườn và phía sau, xếp vào nhau như những nan quạt, tạo nên một quầng tròn phía sau tượng, như một vòng hào quang toả sáng quanh người.

Đầu tượng đội mũ pháp sư, được trang trí những hạt tròn, sơn son thếp vàng óng ánh góp phần làm tăng thêm uy linh và đức độ của Phật Bà Quan Âm. Tượng trong tư thế ngồi thiền định, thế “tham thiền nhập định” nhưng vẫn toát lên vẻ động. Tượng được tạc ngồi trên một toà sen do con rồng đội, nổi lên trên mặt biển sóng nhấp nhô. Toà sen cao 0,50m gồm 13 cánh sen chính, 13 cánh sen phụ và 20 cánh cách điệu, bố trí xen kẽ thành 2 lớp trên, dưới. Rồng được thể hiện với bộ mặt dữ tợn, những cánh tay gân guốc với những chiếc móng sắc nhọn, mắt lồi nhìn thao láo ra phía trước, mồm rộng, mũi to căng phồng.

Chuông Nhật Tảo

Chuông Nhật Tảo hiện đang lưu giữ tại đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Chuông được làm bằng đồng, có niên đại thế kỷ X, cao 32cm, đường kính miệng 19cm, cao quai chuông 7cm. Chuông được đúc theo lối thượng thu hạ thách (trên thon, dưới nở). Quai chuông đúc nổi đôi thú (giống như Ly Thủ) đấu lưng vào nhau, uốn cong tạo thành núm treo chuông. Thú có đầu to, mắt lồi, hai sừng thẳng, bờm ôm sát đầu, thân có vảy, hai chân và miệng ngậm tỳ xuống đỉnh chuông tạo thế vững chắc cho quai chuông. Phần trên của mặt ngoài chuông khắc chìm chữ Hán, theo lối chữ chân, còn khá rõ, phủ kín cả 4 ô hình thang và khoảng trống giữa những đường đúc dọc.

Chuông Nhật Tảo là cổ vật độc bản, được xem là quả chuông duy nhất ở thế kỷ X được phát hiện cho đến nay ở Việt Nam. Bài minh trên chuông có thể coi là một trong những sử liệu chữ viết sớm nhất của thời kỳ tự chủ trong lịch sử dân tộc được biết cho đến nay.

Chuông có hình dáng độc đáo, khác biệt so với các chuông chùa đã biết. Họa tiết trang trí trên chuông thể hiện đỉnh cao của của nghệ thuật điêu khắc và kỹ thuật đúc đồng thời bấy giờ. Minh văn trên chuông là nguồn sử liệu cho việc tìm hiểu xã hội người Việt thời tự chủ, giúp nghiên cứu lịch sử làng xã, tôn giáo của người Việt thế kỷ X. Đây là hiện vật đầu tiên và duy nhất được biết cho đến nay thể hiện mối quan hệ song hành giữa Đạo giáo và Phật giáo, làm cơ sở cho việc hình thành tư tưởng Đạo - Phật - Nho cùng đồng hành trong đời sống tâm linh của người Việt thời Lý - Trần.

Bộ tượng Di Đà Tam Tôn chùa Thầy

Bộ tượng có niên đại đầu thế kỷ XVII, hiện được lưu giữ tại chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, là bộ tượng gỗ Di Đà Tam Tôn có niên đại cổ nhất ở Việt Nam cho đến nay.

Tượng A Di Đà ngự chính giữa, vị trí cao nhất phía trong cùng của gian giữa tòa điện Thánh, theo tư thế kiết già.

Theo các chuyên gia về mỹ thuật thì cách tạo hình tượng đeo dây anh lạc chỉ có ở tượng niên đại thế kỷ XVI, XVII. Tay phải của tượng để trước lòng đùi kê lên bàn chân, tay trái lồng lên tay phải. Ngón cái của hai tay đan xen nhau, đều đeo nhẫn có mặt hoa cúc mãn khai. Tượng khoác áo cà sa chùng lỏng, gấp nhiều nếp phủ quanh cổ và lượn tròn trước bụng. Lớp áo ngoài trùm qua bờ vai, phủ lên hai gối xuống mở bệ sen. Bên trong có lớp xiêm rộng thắt lưng nhiều nếp và bó mối xoắn.

Tượng Quan âm Bồ tát ngồi trong tư thế thiền định, chân xếp bằng trên mặt đài sen. Tượng có chiều cao 1,48m, đầu tượng đội mũ thiên quan, đính nhiều bông hoa tròn, đóa ở giữa có quầng sáng hình lá đề cân xứng. Mặt nhìn thẳng phía trước, đôi tay chắp trước ngực, bàn tay lồng úp vào nhau. Ngoài cùng khoác cà sa chùng rộng, cổ áo lượn tròn, phủ cân xứng hai bên tay, xuống đùi rồi trùm mặt bệ. Đường diềm áo có điểm hoa văn hình hạt ngọc và những bông hoa trông tựa như tràng hạt.

Tượng Bồ tát Đại Thế Chí ngự trên bệ vuông, chân trái buông thõng, chân phải xếp bằng, đầu đội mũ thiên quan, lượn vành núi cao, trang trí hoa sen. Tay phải cầm phất trần đặt lên đầu gối phải, tay trái để ngửa trước lòng. Tượng khoác cà sa chùng rộng, giống tượng đức Phật A Di Đà và Bồ Tát Quan Thế Âm. Quanh thân có vòng tràng hạt điểm hoa tròn, tua ngũ sắc rủ qua hai vai, quấn quanh tay, lượn xuống đùi.

Cả ba pho Di Đà Tam Tôn đều được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. Không chỉ là những bức tượng Phật giáo mang ý nghĩa tâm linh lớn, bộ tượng Di Đà Tam Tôn còn thể hiện rõ sự phát triển của nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật điêu khắc gỗ ở Việt Nam từ thế kỷ XVII, XVIII.

Pho tượng Trấn Vũ đền Trấn Vũ

 Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ có niên đại năm 1802, hiện lưu giữ tại Di tích đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội, nặng 4 tấn, cao 3,96 mét. Không chỉ là một trong những bức tượng nguyên khối lớn nhất Việt Nam cùng thời, bức tượng còn là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng nước ta thời xưa. Huyền Thiên Trấn Vũ được tạc trong dung mạo một đạo sĩ, với hai chân buông xuống dưới, đầu để trần, tay trái bắt ấn, co ngang rồi khép trước ngực, tay phải tỳ đốc kiếm chống lên lưng một con rùa. Quấn quanh kiếm là một con rắn trong tư thế đang lao xuống.

Cả pho tượng luôn tỏa ra dáng dấp uy nghiêm. Đức Thánh mình mặc áo giáp, trên áo điểm xuyết một số dạng hoa văn, như hổ phù - được cách điệu dưới dạng hoa lá ở đầu gối, hoa văn tổ ong nổi ở cánh bắp tay, hoa lá thiêng ở diềm áo, rồi long mã ở trước ngực...

Bia “Trấn Vũ Điện bi lý” dựng năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) ghi: “Khi Lê Thánh Tông (1460 - 1496) đem quân đánh Chiêm Thành, ông đã dừng chân, nghỉ tại xã Cự Linh, được thần Trấn Vũ ứng mộng. Vua liền sai lập đền thờ, cho tạc tượng gỗ cùng bài vị ghi “Hiển linh Trấn Vũ quán”. Vua lại gia ân, ban cho dân làng sở tại một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa cho đền. Đến năm Đinh Mão, niên hiệu Cảnh Hưng (1747), dân làng đã đúc tượng đồng thay thế tượng gỗ. Tuy nhiên, nhiều người đến đây chiêm bái, cảm thấy tượng chưa xứng với quy mô đền. Do đó, đến năm Mậu Thân (1788), nhân dân sở tại hưng công đúc lại tượng Trấn Vũ, năm Nhâm Tuất (1802) thì hoàn thành. Và pho tượng này vẫn tồn tại đến ngày nay”.

Tượng được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12/2015.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đền Quán Thánh (Ba Đình)

Tượng cao khoảng 3,96m, chu vi đế 8m, mặt tượng vuông vức, mắt nhìn thẳng, râu dài, đầu không đội mũ, tóc xõa ra đằng sau, mình mặc áo đạo sĩ mầu đen, đi chân lên lưng rùa, thân gươm có rắn quấn. Rắn và rùa tượng trưng cho sức mạnh và sự trường sinh của thần. Bức tượng được các nghệ nhân làng Đúc đồng Ngũ Xã đúc năm Đinh Tỵ 1677, thời Lê Hy Tông.

Sử liệu cho biết năm này, chúa Trịnh Tạc đã cho xuất của, giao cho người con lo việc trùng tu quán Trấn Vũ. Luân quận công Vũ Công Chấn (1618-1698) là người trực tiếp chỉ huy đúc thay cho bức tượng gỗ trước đó.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ tại đền Quán Thánh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia tại quyết định số 2496 QĐ-TTG ngày 22/12/2016.

Phù điêu đức Lạc Long Quân và nhân vật thời Hùng Vương

Bức giá tượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và nhân vật về thời Hùng Vương có niên đại cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, hiện được lưu giữ tại Di tích Đình Nội (còn gọi là Đền Lạc Long Quân), thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

Bức phù điêu có 5 tầng với chiều dài 2,8 mét và rộng 2,2 mét. Khoảng cách 4 tầng dưới bằng nhau, riêng tần trên cùng rộng gấp đôi các tầng dưới. Theo các tài liệu thì bức phù điêu được chạm khác nội dung miêu tả cảnh Lạc Long Quân cùng các quan văn võ xem hội đua thuyền.

Vị trí trung tâm chạm nổi hình tượng đức Quốc tổ Lạc Long Quân cỡ rất lớn (điểm nhấn) trong tư thế ngồi trên ngai. Đầu đội vương miện, mình mặc áo long bào có cân đai. Tay cầm hốt, chân đi hia, ngồi đặt chân trên bệ. Hai bên tả hữu và dưới bức đại tượng này chạm nổi chi tiết 5 hàng người, vật có kích thước nhỏ. Dưới bệ chân đức Quốc tổ, hai bên đầu của người đội khay tráp là hình hai con Long mã châu đầu vào khay tráp. Bên cạnh là đồ tế khí.

Bố cục bức phù điêu rất hài hòa, hình ảnh được miêu tả qua nét chạm khắc vô cùng tinh xảo trên nền gỗ sơn son thếp vàng, tái hiện sống động cảnh Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền, tái hiện sống động cảnh sinh hoạt thời đại Hùng Vương.

Phù điêu chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và nhân vật về thời kỳ Hùng Vương (niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) được công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 4) tại Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường

Bộ tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Thiền sư Vũ Khắc Trường có niên đại: giữa thế kỷ XVII, hiện được thờ tại di tích chùa Đậu, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội.

Nhục thân Bồ tát của hai vị thiền sư tu hành đắc đạo Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh là hai trường hợp cực kỳ hiếm gặp trong chặng đường tu tập Phật giáo của các bậc thiền sư trong nước và trên thế giới.

Tượng nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Trường. (Ảnh: TTXVN)

Tượng nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Trường. (Ảnh: TTXVN)

Di hài hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã được các nhà khoa học kiểm tra bằng X-quang và thấy rằng toàn thân hai vị sư không có vết đục đẽo, thi hài hoàn toàn nguyên vẹn, không bị hút nội tạng; các xương nằm đúng vị trí giải phẫu học, không phát hiện bất kỳ một vật liệu nào như chất kết dính, dây, giá đỡ… để cố định và đỡ xương. Cho đến hiện tại, các nhà khoa học Việt Nam và thế giới vẫn chưa tìm ra câu trả lời vì sao nhục thân của hai vị thiền sư bất hoại khi không sử dụng bất cứ một loại chất ướp xác nào.

Điều không thể lý giải là các yếu tố tự nhiên hầu như không tác động đến nhục thân của hai vị thiền sư dù đã trải qua hơn 400 năm tồn tại. Hiện tại, hai pho tượng nhục thân được đặt trong khám thờ bằng kính hàn kín, được bơm khí nitơ đậm đặc để bảo quản tại Chùa Đậu.

Hai pho tượng nhục thân của hai vị thiền sư được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2016; Chùa Đậu cũng được xác lập kỷ lục là ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam.

Tượng đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm

Tượng đôi sư tử đá có niên đại từ thế kỷ XII; hiện được lưu giữ tại đền - chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.

Tượng đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm hiện được đặt tại tòa Tam bảo của chùa. Tượng sư tử bên phải cao 104cm, rộng 130cm; Tượng sư tử bên trái cao 104cm, rộng 136cm.

Sư tử đá chùa Bà Tấm. (Ảnh: Trang web Đảng Cộng sản).

Sư tử đá chùa Bà Tấm. (Ảnh: Trang web Đảng Cộng sản).

Đây là hai bệ đặt tượng Phật tạo hình hai con sư tử, được nghệ nhân chú tâm diễn tả bộ mặt với thần thái uy nghi và sống động, mà không quan tâm tới hình thể, tạo nên một sự khác biệt, với sự pha trộn giữa tượng tròn và phù điêu. Cả hai tượng sư tử được tạo tác trong tư thế nằm thủ phục, đường nét mềm mại, các hình khối trên mặt sư tử được nhấn mạnh qua những nét đục, chạm vừa uyển chuyển, vừa khỏe khoắn: Trán sư tử ngắn, tựa như trán lạc đà, giữa trán chạm chữ “Vương” biểu hiện quyền năng tối thượng của linh vật. Dưới chữ “Vương” là một u tròn lớn được viền quanh nhiều u tròn nhỏ, dưới đó là chiếc mũi to bè, chạm nhiều đường cong song hành, đều đặn. Mắt giọt lệ kép, viền phía trên là hàng hoa văn dấu hỏi tròn (cánh hoa cúc) để cùng với khối mắt to, lồi, tạo nên một ấn tượng mạnh trước những đệ tử chiêm bái.

Tượng đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm là hiện vật gốc gắn liền với di tích này ngay từ khi khởi dựng, là một biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá thời Lý, không dập khuôn theo một hình mẫu nhất định. Sự độc đáo của sư tử đá chùa này là việc thể hiện hình tượng sư tử - một linh vật Phật giáo làm bệ đỡ cho tượng Phật. Tượng sư tử được thể hiện bằng các đường nét mạnh mẽ, nhưng tinh tế mang nhiều ý nghĩa triết lý đạo Phật thời bấy giờ. Đôi tượng sư tử ở đền - chùa Bà Tấm cùng với các di sản khác là sản phẩm của thời đại phục hưng của nền văn hóa dân tộc sau một nghìn năm Bắc thuộc để tạo nên một phong cách riêng, mở đầu cho một nền nghệ thuật dân tộc của lịch sử Đại Việt.

Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng

Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng có niên đại từ thế kỷ XVI, hiện được lưu giữ ở đền - chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Khám thờ mang dáng dấp của một tòa kiến trúc, cấu tạo gồm 3 phần: bộ mái, thân và chân đế, liên kết với nhau bằng hệ thống mộng và chồng đấu. Bộ mái được tạo tác theo kiểu thức chồng diêm, hai tầng tám mái, lợp ngói âm dương. Tầng mái trên thu nhỏ, gồm 2 mái chính và hai mái phụ (chái), nối với nhau bởi các bờ nóc, bờ giải có trang trí hoa chanh, hoa thị. Hai đầu bờ nóc có hai con kìm chạm hình rồng nhô cao. Tầng mái dưới xòe rộng, bốn mặt mái hình thang cân.

Dưới mỗi tầng mái là bộ con sơn chạc ba. Thân khám gồm 2 lớp: Lớp trong hình khối hộp chữ nhật, mặt trước trổ cửa bức bàn, có lan can vây quanh và ngưỡng cửa, với y môn (áo cửa) chạm rồng chầu hoa cúc.

Ba mặt bên là ván bưng, chạm lộng hình rồng trong ô tròn và ô-van, hoa cúc, dây xoắn trong ô chữ nhật đứng và nằm ngang. Bốn góc là 4 cột trụ, có mộng liên kết và đỡ 2 tầng mái. Lớp ngoài là 4 trụ ở 4 góc, liên kết với nhau bằng đố ngang và lan can, chạm nổi hình rồng trên thân trụ, chạm lộng lưỡng long chầu nguyệt ở 4 mặt diềm cửa võng. Chân đế khám được tạo theo kiểu bốn chân quỳ dạ cá, chạm nổi đao mác và văn xoắn.

Khám thờ ở đền - chùa Bà Tấm là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho loại hình đồ thờ trong đền chùa, đại diện cho kỹ nghệ chạm gỗ, sơn son thếp vàng của Việt Nam nói chung và thời Mạc nói riêng.

Đây là một trong ba khám thờ có niên đại sớm nhất được biết đến hiện nay mang phong cách trang trí nghệ thuật, sản phẩm tiêu biểu của nghệ thuật sơn thếp truyền thống thế kỷ XVI, trải qua hơn 400 năm vẫn gần như còn nguyên vẹn.

Khám thờ ở đền - chùa Bà Tấm là hiện vật có hình thức độc đáo, được làm theo kiểu long đình, như là hình thức của một công trình kiến trúc thu nhỏ, nhưng lại khá chi tiết. Khám thờ này, ngoài giá trị nghệ thuật, còn cho chúng ta biết một hình mẫu kiến trúc thời Mạc, đưa nghệ thuật dân tộc trở về với bản thể truyền thống

Tượng Phật giáo thời Tây Sơn chùa Tây Phương

Bộ tượng Phật chùa Tây Phương có niên đại từ cuối thế kỷ 18, hiện đang được lưu giữ tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội.

Chùa Tây Phương nổi tiếng với hơn 70 pho tượng cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, như các bộ tượng Tam Thế Phật, bộ tượng Di Đà Tam Tôn, tượng Tuyết Sơn, tượng Bồ tát Di Lặc, tượng Bồ tát Văn Thù, tượng Bồ tát Phổ Hiền, ... Nhiều pho được tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao chừng 3 m, trang nghiêm phúc hậu. Phần lớn các tượng này đều được coi là có niên đại cuối thế kỷ 18. Một số tượng khác được tạc vào giữa thế kỷ 19.

Đặc biệt là tượng 18 vị La Hán được thờ ở chùa Thượng. Đó là 18 vị Sư tổ của Phật giáo. 18 bức tượng là 18 cá thể, mỗi người một dạng vẻ, một tư thế, đều có nét riêng biệt, chân thực.

Chùa Tây Phương với bộ tượng La Hán điển hình nhất của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ 18 đã là một công trình tôn giáo đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê.

Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

82 bia Tiến sĩ được đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, từ lâu đã được xem là một trong những di sản văn hóa vô giá – những trang sử bằng đá của cha ông ta để lại. 82 bia đá tương ứng với 82 khoa thi là những bản tài liệu gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Đây là những tấm bia đầu tiên của Việt Nam ghi tên các vị đỗ đại khoa. Mỗi tấm bia là một tác phẩm độc đáo, kết tinh trí tuệ và bàn tay tài khéo của các nhà văn hóa, thư pháp, nghệ nhân hàng đầu trong suốt thời gian gần 300 năm. Các bài văn bia Tiến sĩ là nguồn sử liệu quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung, nền khoa cử Việt Nam nói riêng dưới nhiều triều đại phong kiến Việt Nam.

Đây là những tấm bia đá lưu danh những người đỗ đạt trong các khoa thi tuyển chọn tiến sĩ kéo dài hơn 300 năm dưới thời Lê – Mạc (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17). Đồng thời, đây cũng là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo phản ánh nghệ thuật điêu khắc của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học và những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài của dân tộc.

Với những giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt quan trọng, vào tháng 3/2010, 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đến ngày 27/7/2011, 82 bia Tiến sĩ lại được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu; tới ngày 10/5/2012, toàn bộ Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Và ngày 14/1/2015, 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám lại một lần nữa được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Bảo tồn và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia

Hà Nội được mệnh danh là “Thủ đô di sản”, với hàng nghìn di tích, di sản văn hóa và văn hóa phi vật thể. Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng Bảo vật Quốc gia với gần 30 nhóm hiện vật, hàm chứa những giá trị vô giá về văn hóa, lịch sử của Thăng Long-Hà Nội, góp phần xác lập vị thế đất văn hiến nghìn năm.

Mới đây nhất, trong đợt Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023) ngày 18-1 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký, Hà Nội có số bảo vật quốc gia nhiều nhất với 8 bảo vật.

Luật Di sản văn hóa quy định rõ, bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Chính vì thế, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị bảo vật quốc gia có vai trò, ý nghĩa quan trọng. Là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử đất nước, bảo vật quốc gia cần có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị xứng tầm với vai trò, vị trí của di sản trong đời sống đương đại.

Phòng quản lý Di sản-Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thông tin: thời gian qua, số lượng Bảo vật Quốc gia tại Hà Nội liên tục tăng lên qua những đợt công nhận. Bên cạnh công tác bảo vệ, bảo quản, việc phát huy giá trị các bảo vật rất quan trọng. Bởi vậy, Sở thường xuyên đề nghị các địa phương tích cực triển khai công tác quảng bá giá trị các bảo vật quốc gia để di sản được "sống" trong đời sống đương đại.

Trong nhiều năm qua, các bảo vật quốc gia được trưng bày hoặc lưu giữ tại các bảo tàng, khu di tích, di tích, đền chùa… đã giúp cho người dân thêm hiểu về một phần lịch sử, văn hóa dân tộc qua nhiều thời kỳ.

Các bảo vật quốc gia được trưng bày và quảng bá đã làm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản, tiêu biểu là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa, các Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… Không chỉ nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, mà còn rất nhiều trường học các cấp trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức cho học sinh tham quan và tìm hiểu những bảo vật nơi đây, từ đó học hỏi, hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Đây cũng là điều góp phần để những Bảo vật quốc gia không ngủ yên trong kho lưu giữ mà có sức sống trong dòng chảy đương đại.

Ngày xuất bản: 29/10/2024
Tổ chức sản xuất: MINH VÂN
Nội dung: TUYẾT LOAN
Trình bày: NGỌC LINH
Ảnh: TUYẾT LOAN, VƯƠNG ANH, NGỌC TRÂM
Ảnh và tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, TTXVN