Lady Borton

Nguồn: Sách Trung đoàn Thủ đô Anh hùng - Ngày về vinh quang, NXB Hà Nội, 2014

Bà Lady Borton (giữa) trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: THANH TÂM

Bà Lady Borton (giữa) trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: THANH TÂM

Lady Borton, nhà văn Mỹ mà tên tuổi đã trở nên thân thuộc với bạn đọc Việt Nam qua nhiều bài báo và tác phẩm về Việt Nam như: Hồ Chí Minh - một chân dung, Tiếp sau nỗi buồn, Cảm nhận kẻ thù, Hồ Chí Minh - một chặng đường... Bà cũng đã biên dịch các sách: Điểm hẹn lịch sử - hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Tuổi trẻ Võ Nguyên Giáp... ra tiếng Anh.

Là người nghiên cứu sâu lịch sử chiến tranh, lịch sử quân đội của Việt Nam, bà đã có dịp tiếp xúc với nhiều cựu chiến binh Sư đoàn Quân tiên phong, Trung đoàn Thủ Đô, Tiểu đoàn Bình Ca... Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2004), Lady Borton đã viết bài này trên báo Vietnam News (tiếng Anh). Bài đã được dịch và trích đăng trên báo Hà Nội mới.

tiep-quan-thu-do-1

Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca Vũ Huy Hậu qua cầu Đuống về Hà Nội ngày 8/10/1954. Ảnh tư liệu hoangthanhthanglong.vn

Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca Vũ Huy Hậu qua cầu Đuống về Hà Nội ngày 8/10/1954. Ảnh tư liệu hoangthanhthanglong.vn

Những năm trước đây, tôi thường được xem những thước phim người dân Hà Nội tung hoa lên những đoàn quân Việt Minh ngày mồng 10 tháng 10 năm Giáp Ngọ, và ngắm tấm ảnh nổi tiếng về người lính Việt đầu tiên, nhỏ bé mà kiêu hãnh, đi giữa hai sĩ quan Pháp to lớn, bước chân vào đất Hà thành qua cây cầu sắt. Tôi đã phỏng đoán rằng cầu Long Biên là khởi điểm cuộc đón chào trên các cửa ô, và hẳn là việc chiếm Hà Nội khó có thể diễn ra mà không có chạm súng...

Hóa ra tôi đã nhầm...

Người lính Việt trên ảnh là ông Vũ Huy Hậu, nay đã ngoài bảy mươi. Ngày ấy, ông là chính trị viên một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Thủ Đô, Đại đoàn 308 Quân tiên phong. Ảnh chụp lúc ông dẫn đơn vị vượt qua cầu Đuống, thuộc huyện Gia Lâm, ngoại vi Hà Nội, ở cách nội thành 10 cây số về hướng đông - bắc, vào 6 giờ 45 phút sáng ngày mồng 8 tháng 10 năm 1954.

Cuộc tiếp quản Hà Nội hai ngày sau đó diễn ra thanh bình nhờ sự chu đáo trong khâu lập kế hoạch, vai trò chỉ huy của ông Hậu cũng như các nỗ lực phòng ngừa của toàn Trung đoàn Thủ Đô vào hai ngày mồng 8 và mồng 9.

Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca thuộc Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội. Ảnh tư liệu tại triển lãm “Hà Nội - Ngày trở về"

Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca thuộc Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội. Ảnh tư liệu tại triển lãm “Hà Nội - Ngày trở về"

Sứ mạng của đơn vị ông Hậu quả là gian nan. Ông chỉ có 214 chiến binh đến nhận bàn giao 35 trọng điểm quân sự hành chính, kinh tế và văn hóa của Thủ đô từ tay người Pháp, “Lính Pháp đầy rẫy mọi nơi", ông Hậu kể. "Chúng tôi sẽ phải giao chiến nếu cần. Nhưng chúng tôi không được làm bộc lộ các cơ sở hoạt động nội thành, và không được phép nhận bất cứ cái gì của dân thường. Tất nhiên chúng tôi rất tự hào với nhiệm vụ được giao, nhưng cũng cảm thấy gánh nặng của nó. Lực lượng không đông, và chỉ có thể trông chờ vào bản thân mình thôi”.

Trung đoàn Thủ Đô vào lúc đó đã nổi tiếng về khả năng biết dựa vào chính mình. Chính tiểu đoàn ông Hậu là đơn vị đầu tiên trở lại, khép kín vòng tròn có điểm khởi đầu là cuộc phòng thủ vô song của trung đoàn trong nội thành 9 năm về trước.

Người Pháp quay lại xâm lược vào cuối năm 1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn giữ cho được Hà Nội khả dĩ trong hai tuần để động viên tinh thần kháng chiến của cả nước. Các chiến binh của Trung đoàn Thủ Đô đã giữ vững khu phố cổ của thành phố trong hai tháng, cho tới khi cạn kiệt lương thực và đạn dược. Quân Pháp “khóa” chặt các cửa 6 và cầu, cống...

Đêm 17 tháng 2 năm Đinh Hợi những chiến sĩ Việt Minh ở lại sau cùng đã đánh một trận quyết liệt trên đường để đánh lạc hướng quân địch. Trong khi đó, những người dân xóm chài Long Biên chở cả nghìn người, trong đó có cả đàn bà và trẻ em trên những thuyền thúng, luồn lách dưới các trụ cầu, dưới ánh đèn pha và dưới gót giầy những đội tuần tra của Pháp, lặng lẽ thoát ra ngoài.

Cho tới tháng mười năm Giáp Ngọ, nhiều trong số những người đã rút lui an toàn ngày ấy đã nằm lại mãi trên những nẻo đường kháng chiến. Một số được thuyên chuyển sang các đơn vị khác. Nhiều người mới và phần đông từ các miền quê đã đứng vào hàng ngũ Trung đoàn Thủ Đô.

Vậy là trong số lính Việt Minh hành tiến qua cầu Đuống sáng hôm ấy, có nhiều người đã sải những bước chân đầu tiên trên đường vào chốn đô thành.

Trong số 214 con người đã nỗ lực cho một cuộc tiếp quản không đổ máu (tới hôm nay số còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay). Đó là một tập thể đầy tự hào mà khiêm nhường, mở miệng bằng việc thông báo rằng họ chỉ nhân danh cho từng phân đội đã đóng góp vào thành quả của cái ngày mồng mười đáng ghi nhớ ấy. Nét buồn vương vấn trên gương mặt những người lính già khi kể về các đồng ngũ đã không trở về góp mặt sau khi kết thúc hai cuộc chiến khốc liệt, dài ngày nhất thời đương đại.

Và hai trong số họ đã vui lòng đưa tôi đi lại lộ trình mà từng người đã dấn bước trong các đội hình khác nhau của trung đoàn vào những ngày đó. Ông Doãn Thạch Khôi sinh ra tại Hà Nội nhưng lớn lên ở Nam Định. Đã ngoại thất tuần, người lính già đầu bạc này vẫn tráng kiện với những tràng cười như pháo ran.

Quân đội Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô trong cơn mưa mùa thu lất phất. Ảnh tư liệu tại triển lãm “Hà Nội - Ngày trở về"

Quân đội Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô trong cơn mưa mùa thu lất phất. Ảnh tư liệu tại triển lãm “Hà Nội - Ngày trở về"

Chúng tôi bắt đầu cuộc đi từ chân cầu Đuống, từ phía Bắc Ninh. Ông Khôi chỉ ra phía xa, qua khỏi dòng xe cộ xối xả và những ngôi nhà, cửa hiệu “Chúng tôi đi từ 4 giờ sáng”, ông kể, “Vùng này lúc đó toàn là đồng lúa. Không một bóng người, chỉ có chúng tôi. Rồi trời bỗng đổ mưa, tôi ra lệnh cho phân đội khoác áo mưa vào. Nhưng trông anh em có vẻ lôi thôi. Áo mưa cái màu sáng, cái màu tối, cái lành, cái đã rách. Chúng tôi tới chân cầu lúc 6 giờ 30 phút, khi trời đã bảnh mắt. Không chịu được cảnh nhếch nhác, tôi hạ lệnh: “Cởi áo mưa ra”.

Ông Khôi cười giòn khanh khách.

“Tôi đồ rằng bộ đội sẽ phải chịu mưa để giữ quân phong tề chỉnh. Nhưng anh em vừa bỏ áo mưa ra thì trời rạng dần, mưa tạnh. Vậy là điềm trời giúp”.

Binh sĩ hai bên tập trung tại chân cầu Long Biên trong thời điểm chuyển giao quyền lực. Ảnh tư liệu tại triển lãm “Hà Nội - Ngày trở về"

Binh sĩ hai bên tập trung tại chân cầu Long Biên trong thời điểm chuyển giao quyền lực. Ảnh tư liệu tại triển lãm “Hà Nội - Ngày trở về"

“Chúng tôi tiến lên cầu và thấy quân Pháp đang đứng chờ, cùng với cơ man nào là nhà báo Anh, Pháp, rồi Ba Lan... với máy ảnh, máy quay phim”. Ông lại cười vang. “Một thời khắc lịch sử nhưng Việt Minh chúng tôi lại không có một phóng viên nào”.

Chúng tôi vượt qua cầu đi về phía Hà Nội. Ông Khôi dừng lại bên một tấm biển chỉ đường lên cầu Long Biên nay dành riêng cho những người đi xe đạp. “Đây là chỗ chúng tôi lên xe của Pháp để đi về nội thành. Đoàn xe gồm một tăng và nhiều xe bọc thép. Bộ đội Việt Minh người nhỏ nhưng thoăn thoắt leo lên thùng xe. Về tới Long Biên đã 7 giờ 30 phút, chúng tôi bắt đầu hát, nhớ ngày nào chúng tôi luồn dưới cây cầu này để thoát vây”.

Quân đội Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô trong cơn mưa mùa thu lất phất. Ảnh tư liệu tại triển lãm “Hà Nội - Ngày trở về"

Quân đội Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô trong cơn mưa mùa thu lất phất. Ảnh tư liệu tại triển lãm “Hà Nội - Ngày trở về"

Người Việt Nam không chấp nhận tiếp quản một thủ đô không điện nước, không tàu hỏa xe điện, không bưu điện, bệnh viện, đài phát thanh. Chúng tôi diễn tập một loạt tình huống và thảo luận cách làm dịu sự cay cú của quân Pháp. Chúng tôi thậm chí đã cắm hoa vào đầu nòng súng.
Ông Doãn Thạch Khôi

Sang đến nội thành, đoàn công-voa rẽ trái đi theo vệ đê về Đồn Thủy, nay là Bệnh viện trung ương Quân đội 108.

Ông Khôi cho biết ngay sau Hiệp nghị Geneva, một Ban Liên hiệp Quân sự gồm 150 sĩ quan Việt và Pháp đã được thành lập để giám sát việc chuyển giao Hà Nội cho phía Việt Nam. Liền đó tướng Giáp giao cho Trung đoàn Thủ Đô làm nhiệm vụ quân quản, và họ đã dành cả tháng cho công tác chuẩn bị. 

“Chúng tôi đã giả định hàng loạt tình huống”. Ông Khôi tiếp. “Chúng tôi chỉ được mang súng bộ binh nhẹ và vài quả lựu đạn. Nếu quân Pháp kháng cự, chúng tôi đã sẵn sàng quyết đánh. Nhưng chúng tôi được lệnh tránh xung đột và bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, không để địch phá. Người Việt Nam không chấp nhận tiếp quản một thủ đô không điện nước, không tàu hỏa xe điện, không bưu điện, bệnh viện, đài phát thanh. Chúng tôi diễn tập một loạt tình huống và thảo luận cách làm dịu sự cay cú của quân Pháp. Chúng tôi thậm chí đã cắm hoa vào đầu nòng súng”.

Bộ đội ta hùng dũng tiến qua cầu Long Biên vào tiếp quản Hà Nội, cùng lúc quân Pháp rút khỏi Hà Nội qua cây cầu này phía chiều bên kia, chiều 9/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bộ đội ta hùng dũng tiến qua cầu Long Biên vào tiếp quản Hà Nội, cùng lúc quân Pháp rút khỏi Hà Nội qua cây cầu này phía chiều bên kia, chiều 9/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đoàn công-voa Pháp chở quân của Trung đoàn Thủ Đô tới Đồn Thủy vào khoảng 8 giờ. “Không khí thật căng thẳng”. Ông Khôi ngắm khuôn viên là mặt tiền của Bệnh viện Quân đội, lúc đó được dùng làm nơi gặp gỡ của hai bên, trầm ngâm: “Những xúc cảm tự nhiên trào dâng. Mới đây còn bắn, giết lẫn nhau. Bao nhiêu người bị bắn chết, bị thương, bao nhiêu nhà tan cửa nát, hàng triệu người chết đói...”.

“Tôi hiểu rằng cần làm không khí chùng xuống. Tôi chào viên sĩ quan Pháp trước. Anh ta cũng đưa tay lên vành mũ chào lại. Tôi tiến lại, chìa tay ra bắt.

“Vive la paix”! (Hòa bình muôn năm) - Tôi hô.

Quân Pháp sững ra rồi phá lên cười. Chúng tôi cũng phá lên cười. Rồi hai bên bắt tay nhau. Quân ta chia làm 35 tổ, mỗi tổ từ hai đến ba mươi lăm người. Mỗi tổ có hai sĩ quan liên lạc người Pháp hộ tống. Tổ của tôi có mười ba người, chịu trách nhiệm tiếp quản nhà máy nước”.

Chúng tôi cùng tới nhà máy nước. Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên và huân chương của ông Khôi đã giúp chúng tôi qua cổng khá dễ dàng.

“Tưởng như chúng tôi đã tập dượt và dự kiến mọi tình huống. Nhưng đến nơi, chúng tôi nhận thấy mình đã không tính hết”. Ông Khôi chỉ sang khu Nhà máy Điện Yên Phụ liền kề.

Toàn cảnh (phía sau) Nhà máy điện Yên Phụ năm 1954. Ảnh tư liệu EVN

Toàn cảnh (phía sau) Nhà máy điện Yên Phụ năm 1954. Ảnh tư liệu EVN

“Quân Pháp đang ở đây làm nhiệm vụ canh gác cho Nhà máy Điện và Nhà máy Nước. Mỗi nhà máy có nhiều vọng gác, mỗi phiên gác kéo dài 8 giờ. Lính Pháp ở đây khoảng hơn bảy chục. Còn chúng tôi: chằn chặn mười ba tay súng trường, dăm quả lựu đạn”.

“Chúng tôi đến từ sáng mồng tám, nhưng quân Pháp còn ở lại đến tận sáng hôm sau. Tôi đã lo lắng”. Ông Khôi chỉ ngôi nhà tầng cổ với những cửa sổ có cánh chớp điển hình cho kiến trúc thời thuộc Pháp. “Phân đội đóng trên tầng hai, cả mười ba người ở một phòng. Chúng tôi không có đồ ăn”.

“Tôi quyết định bày tỏ sự thân thiện với quân Pháp”. Ông Khôi cười và bắt đầu một điệu vũ, úp một bàn tay vào bàn tay tôi, vừa đi vừa múa xung quanh tôi với những bước nhảy “phong lưu mã thượng”.

“Chúng tôi hát, múa. Quân Pháp cũng vậy. Đêm ấy cả phân đội không ngủ, phần vì kích động, lo lắng, và chính là vì đói. Rồi chúng tôi ngồi quây quần nghỉ. Từng người ôn lại những ngày đầu theo cách mạng. Rồi chúng tôi lại hát vang để xua cơn đói”.

Sáng mồng chín, quân Pháp bắt đầu rút qua cầu Long Biên. Ông Khôi đi lại trước cổng Nhà máy Nước để giám sát. Ông ra lệnh cho bộ đội chỉnh đốn quân dụng. Rồi ông rút từ ba lô ra một lá cờ. Vài phút sau nó đã tung bay trên Nhà máy Nước Hà Nội.

Tới sáng mồng mười, một xe phân phát lương thực mới tới nơi, mang cơm, xúc xích, cá và các món rau đến cho bộ đội, chấm dứt cơn đói hai ngày đêm. “Kể từ đó tôi được biết đến nhiều cỗ bàn, tiệc tùng”, ông Khôi kết luận: “Nhưng không gì sánh được bữa cơm ấy. Món salad thật là ngon. Tôi chưa từng ăn salad theo kiểu ấy trước đó. Lá xà lách trộn với dầu ăn và dấm, chua chua lại bùi bùi”.

Sáng 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội. Trong ảnh: Quân Pháp rút đến đâu, Trung đoàn Thủ đô từ ô Cầu Giấy tiến vào tiếp quản đến đó. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sáng 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội. Trong ảnh: Quân Pháp rút đến đâu, Trung đoàn Thủ đô từ ô Cầu Giấy tiến vào tiếp quản đến đó. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ông Trần Đông cũng dẫn một cánh quân tiến vào nội thành ngày đó, nhưng từ hướng ô Cầu Giấy. Ông dự kiến đưa tôi vào sân Câu lạc bộ Quân nhân, để mô tả quang cảnh buổi lễ chào cờ Việt Nam đầu tiên tại khu Cột Cờ, nhưng ở đó người ta đang sắp khánh thành Trung tâm báo chí cho ASEM 5, và chúng tôi đành lỡ dịp.

Thay vào đó, chúng tôi đỗ xe dưới bóng một cây lim trên con đường mang tên Hoàng Diệu, viên quan đã quyết tử giữ thành Hà Nội chống cuộc đánh chiếm lần thứ nhất của quân Pháp năm 1882. Cùng ngắm tòa tháp ba tầng xây bằng gạch, có những cửa sổ ngũ giác, trên cùng là tháp Cột cờ, cao tới sáu mươi mét.

Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ 'Quyết chiến, quyết thắng' của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ 'Quyết chiến, quyết thắng' của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

“Chúng tôi chỉ có hai ngày để chuẩn bị cho lễ chào quốc kỳ vào sáng 10 tháng 10 năm ấy”. Ông Đông kể. “Lá quốc kỳ rộng tới 30m2. Và chúng tôi kịp nhận ra rằng cây cọc hiện hành sẽ không thể giữ nổi lá cờ đại. Làm sao đây?”.

“Ban đầu chúng tôi định dùng một đoạn ray để làm cột cờ, và phải chờ đến nửa đêm mồng tám cho quân Pháp rút hết khỏi ga Hà Nội để nhờ các công nhân hỏa xa hỗ trợ. Anh em công nhân cho rằng việc hàn một tấm ray lên đỉnh Cột cờ không phải là một giải pháp hay. Cuối cùng, họ tặng chúng tôi một đoạn ống thép cao 12m, có kèm puli. Nhờ đó, sáng sớm ngày mồng mười, lá quốc kỳ Việt Nam đã được tung bay. Tôi được đứng gần tháp Cột cờ khi lễ Chào Quốc kỳ bắt đầu, tự hào hát Quốc ca Việt Nam và nghe đọc Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân ngày Giải phóng Thủ đô. Nhưng niềm tự hào lớn nhất là cảm xúc được ngắm lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên đỉnh Cột cờ, trên nền trời Hà Nội, chấm dứt gần một thế kỷ đô hộ của thực dân”.

Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Chúng tôi theo đường Điện Biên rẽ sang phố Hàng Bông, khởi đầu khu phố cổ. Những con phố hẹp rợp bóng cờ các quốc gia khối ASEM, cùng các biểu ngữ chào mừng kỷ niệm lần thứ 50 ngày tiếp quản Thủ đô, các là cờ hình vuông, viền tua răng rồng ngũ sắc của nước Việt thời cổ đại. Các gia đình cưỡi mô-tô đi bao quanh xe chúng tôi. Ông Đông mỉm cười, hồi tưởng.

“Chúng tôi đã đi đều không được chỉnh cho lắm trên đoạn phố này. Dễ hiểu thôi. Chúng tôi ở chốn rừng núi về, chỉ quen vừa chạy vừa ẩn nấp, tiến quân kiểu “lại vô ảnh khứ vô hình”. Còn hôm ấy, chúng tôi cố vừa hát, vừa đi đều, vừa đón bắt những bông hoa”.

Học sinh Thủ đô đón chờ đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 trên phố Hàng Đào. Ảnh tư liệu cand.com.vn

Học sinh Thủ đô đón chờ đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 trên phố Hàng Đào. Ảnh tư liệu cand.com.vn

Tới phố Hàng Đào, ông Đông trỏ một cửa hiệu trang hoàng những chiếc đèn lồng phết giấy hồng điều. “Đây là ngôi nhà mà tôi từng sống thời thơ ấu”.

“Ngày ấy - Tôi hỏi, chỉ tấm biển thông báo Khu phố cổ được công nhận là di tích lịch sử của quốc gia - ông có nghĩ rằng sẽ lại đi ngang những phố phường của thuở thiếu thời sau hàng nửa thế kỷ, trong một lễ kỷ niệm trọng thể và tráng lệ nhường này?”.

“Dĩ nhiên là không”. Ông Trần Đông đáp, ánh mắt lấp lánh men say ngày hội. “Và lại không ngờ được đi cùng với một người bạn Mỹ”.

Các đơn vị bộ binh của quân ta tiến qua phố Hàng Gai vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Các đơn vị bộ binh của quân ta tiến qua phố Hàng Gai vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Biên dịch: Lê Đỗ Huy

Trích trong sách: Đại đoàn 308 Quân tiên phong với thủ đô Hà Nội, sđd, tr.373-382

Trình bày: Bảo Minh