Những đặc điểm cơ bản của các dân tộc ở nước ta
a. Những tác động của quy luật phát triển không đồng đều do lịch sử
Cách mạng tháng Tám thành công cùng với việc xây dựng một nhà nước mới của giai cấp công nông đã xóa bỏ sự không đồng đều về mặt chính trị. Các dân tộc ở nước ta đều có quyền bình đẳng về mặt pháp luật. Tuy vậy do nhiều nguyên nhân và điều kiện khác nhau về hoàn cảnh tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa nên quyền bình đẳng thực sự trên thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách và sự chênh lệch này đang có xu hướng mở rộng.
Tính kế thừa truyền thống lịch sử ở mỗi một dân tộc cũng khác nhau, thể hiện qua sự phát triển xã hội không đồng đều. Có dân tộc đã từng bước vào ngưỡng cửa của văn minh, đã từng có nhà nước, chữ viết; lại có dân tộc chưa bước tới ngưỡng cửa văn minh, chưa có chữ viết hoặc đang hình thành nên chữ viết. Hậu quả của các chế độ áp bức bóc lột trong lịch sử cũng góp phần làm cho sự phát triển không đồng đều. Cùng chung một mái nhà Việt Nam nhưng có dân tộc đến trước có dân tộc đến sau. Sự hòa hợp những cảnh ngộ khác nhau đó đã tạo nên những hương thơm quả ngọt, nhưng không phải là không còn những di sản cần khắc phục. Ngược lại cũng có những dân tộc vốn nguyên khối nhưng lại theo những cung cách tách biệt, càng đi càng xa mãi và hình thành nên những sắc thái mới.
Tuy cùng chung một cơ sở là nền văn minh trồng lúa nhưng có dân tộc chú trọng thâm canh, hai năm, ba mùa thu hoạch, có dân tộc lại quảng canh, du canh với phương thức làm rẫy, năm một mùa. Các dân tộc có cuộc sống định cư, tương đối ổn định cho nên điều kiện phát triển và tốc độ tiến bộ cũng nhanh hơn các dân tộc còn ở trình độ du canh. Những ảnh hưởng của kinh tế hàng hóa đối với các dân tộc này cũng giới hạn ở nhiều mức độ khác nhau.
Đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ phát triển mọi mặt còn thấp kém cũng làm cho nhiều dân tộc mất quyền bình đẳng trong việc tiếp thu những phúc lợi là thành quả của một cuộc sống văn minh. Tình trạng mù chữ làm cho con người không nhận thức rõ khả năng của mình và đánh mất khả năng tận dụng những cơ hội trong việc chuyển giao kỹ thuật. Sự hưởng thụ văn hóa tất nhiên bị nhiều hạn chế do không có những phương tiện như đài thu thanh, vô tuyến truyền hình. Những trung tâm thông tin và triển lãm không có vốn đầu tư để duy trì những hoạt động cơ bản, tối thiểu.
Quy luật này cũng có những tác động ngay trong nội bộ của mỗi dân tộc, thí dụ như người Kinh, người Khmer, người Hoa… sống ở nơi đô thị, trình độ phát triển kinh tế-văn hóa cũng có khác với những người Khmer, người Kinh, người Hoa sống ở nông thôn. Chỉ nói riêng trường hợp người Khmer sống ở vùng ven biển từ Trà Vinh, Sóc Trăng đến Kiên Giang cũng có những khoảng cách chênh lệch so với người Khmer ở vùng biên giới Châu Đốc, Hà Tiên. Đây cũng chưa hẳn là mối quan hệ giữa vùng trung tâm là Trà Vinh-Sóc Trăng với vùng ngoại vi là Châu Đốc-Hà Tiên, mà còn có nhiều mối dây liên hệ ràng buộc khác. Nhận thức rõ sự tác động của quy luật này để khi tiến hành chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta phải lưu ý đến sự sinh động của thực tiễn khác nhau ở từng dân tộc, từng vùng sinh thái nhân văn, hoặc phải kết hợp cả hai đối với các dân tộc.
b. Sự cộng cư đan xen cài răng lược
Ngay buổi bình minh của lịch sử, từ thời dựng nước, sử sách xưa đã ghi chép, người Việt cổ (người Kinh) là người Lạc và người Âu. Khảo cổ học đã đưa ra ánh sáng khoa học những di tích đồng đại, gần kề sát nhau, như nhóm di tích gò Mả Đống và di tích thuộc giai đoạn Gò Bông, ở Sơn Tây nhưng cũng không thể nào đoán định nhóm di tích nào thuộc người Lạc Việt hay Âu Việt.
Trống đồng Đông Sơn cũng vậy, biểu tượng đầy tự hào của nền văn minh Đông Sơn, là thành quả sáng tạo của nhiều tộc người. Trải qua các thời kỳ lịch sử, những hiện tượng di dân, tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm đã làm cho các dân tộc càng xích lại gần nhau. Tình trạng này vẫn còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay. Trong một số địa bàn nhất định có hiện tượng các dân tộc sống tập trung thành từng thôn, từng xóm ấp. Trong giới hạn quản lý hành chính, ở cấp huyện và tỉnh trong cả nước đều có sự cư trú của các dân tộc đan xen nhau. Ngay cả thủ đô Hà Nội cũng có sự cư trú tập trung của nhiều người dân tộc.
Thực trạng nêu trên thật ra cũng là một quy luật của bản sắc văn hóa Việt Nam. Khi vận dụng nguyên tắc này cần phải thấy những hậu quả tác động của hai mặt dương tính và âm tính. Tính cộng cư đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của văn hóa, xã hội dân tộc. Việc sống gần nhau qua những cuộc hôn nhân xóa được những ngăn cách của chế độ ngoại hôn, việc trao đổi tình cảm lẫn nhau khiến con người trở nên khăng khít, tạo tiền đề thuận lợi cho những giao hoán văn hóa, tiếp kiến văn hóa. Tuy vậy, những mầm mống của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, dân tộc lớn không phải đã chịu rút lui vào quá khứ; vì trong quá trình phát triển vẫn còn xảy ra những hiện tượng làm mai một truyền thống văn hóa dân tộc, lai căng, biến hoá dẫn đến mai một văn hóa.
Sự giao lưu văn hóa không thể đơn giản như một người ốm nặng đến nhận thuốc ở một bác sĩ nổi tiếng, sau khi đã được khám kỹ càng. Đói ăn rau, đau uống thuốc, nhưng thật ra ngay cả trong trường hợp éo le này việc nhận thuốc cũng chưa hẳn là việc giản đơn. Cùng chung sống với nhau, giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất làm phong phú thêm chất lượng cuộc sống của mỗi tộc người, đem lại lợi ích chung là sự phát triển toàn diện. Tuy vậy những va chạm về kinh tế là điều không thể tránh khỏi.
Trước đây với phương thức sở hữu tập thể, trong hợp tác xã áp dụng cung cách thiểu số phục tùng đa số cũng đã gây nên một số mặc cảm ở các dân tộc ít người, vì là thiểu số nên có mặc cảm bị chèn ép. Tình trạng lấn chiếm đất đai do những hoạt động của công cuộc phát triển kinh tế cũng đã gây những ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất của tinh thần đoàn kết dân tộc.
Về ngôn ngữ giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh, phổ biến hiện tượng sử dụng song ngữ, nhiều nơi có hiện tượng đa ngữ. Thực tế đó có ưu điểm là tạo nên một cộng đồng liên minh đa dân tộc, bảo đảm cho trách nhiệm và hành động thống nhất. Tuy vậy, cho đến nay vẫn còn tồn tại tình trạng cùng chung sống với nhau nhưng không chịu tìm hiểu, tôn trọng phong tục tập quán của nhau, dẫn đến những sai lầm đáng tiếc.
Thí dụ trong phạm vi cả nước thì người Tày so với người Việt (Kinh) là dân tộc thiểu số, nhưng trong khu vực cư trú tập trung của người Tày ở một số vùng Đông Bắc thì người Việt lại thuộc dân tộc thiểu số… Người Ê đê cư trú tập trung ở tỉnh Đắc Lắc, nhưng đó là những vùng dân tộc lịch sử, chứ không phải là vùng kinh tế-văn hóa. Chủ nghĩa dân tộc ở các địa phương không có cơ sở lý luận và thực tiễn để tồn tại nhưng do những sơ hở trong việc chỉ đạo về mặt lý luận cũng như công tác quán triệt chính sách dân tộc đã có nơi có những biểu hiện vô ý thức, lúc này hay lúc khác do chủ quan đã dẫn đến sự hiểu lầm gây nên những kích động dân tộc không đáng có.
Trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chumg quy luật này cũng có tác động đến cơ cấu dân số ở các vùng dân tộc. Chính ưu điểm của quy luật này đã dẫn đến tỷ lệ của người Kinh (Việt) ở các vùng dân tộc đang tăng nhanh. Vùng Tây Bắc, Việt Bắc tỷ lệ người Kinh đã tăng từ 40%-50%, ở Tây Nguyên từ 60%-80%. Trước xu thế không thể đảo ngược này trong sự phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc, chúng ta cần có sự lý giải đúng về mặt lý luận.