Khi đạt hàm lượng dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin và protein cao nhất, những cặp nhung hươu từ 45-50 ngày tuổi được sơ chế cẩn thận, đúng quy trình bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng trước khi đóng gói, gửi tới khách hàng. Với một quy trình khép kín và tâm huyết của những người luôn đau đáu với sản vật quê hương, nhung hươu miền sơn cước Hương Sơn ngày càng xây dựng vững chắc vị thế và thương hiệu của mình với khách hàng trong nước cũng như quốc tế.
Không chỉ là “đam mê”, mà còn là “đau đáu” phát triển vị thế nhung hươu quê hương”
Sau khi tốt nghiệp khoa Toán, Trường đại học Sư phạm Huế, anh Trần Đình Chiến trở về quê hương gắn bó với bảng đen phấn trắng, tận tâm chèo đò, đưa các thế hệ học trò miền sơn cước đến với những ước mơ, chân trời mới. Thế nhưng, là người con sinh ra tại thủ phủ nuôi hươu sao lớn nhất cả nước, gắn bó với núi rừng và nghề nuôi hươu từ nhỏ, anh Chiến vẫn luôn đau đáu làm sao để nhiều người biết đến các sản phẩm nhung hươu của quê nhà nhiều hơn và bảo đảm thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Anh Chiến chia sẻ, ở Hương Sơn, bước vào nhà nào cũng có hươu, nuôi hươu trở thành một công việc và thú vui của mỗi hộ gia đình nơi đây. Hươu nuôi ở Hương Sơn nhiều hơn tất cả các vật nuôi khác cộng lại, mỗi trang trại có hàng trăm con, còn người dân nuôi nhỏ lẻ thì cũng dăm bảy con.
Về nguồn gốc nghề nuôi hươu, theo anh Chiến, bắt nguồn từ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, người được coi là ông tổ ngành y học cổ truyền Việt Nam. Sau khi từ quan. ông đã về quê ngoại Hương Sơn, Hà Tĩnh ở ẩn và trong thời gian này, ngày ngày ông hái thuốc, viết sách, dạy người thuần hóa hươu rừng và nuôi hươu để thu hoạch một trong tứ đại linh dược, nhung hươu. Do vậy, người dân Hương Sơn không ai không biết nuôi hươu.
Hươu sao ở khu vực này được nuôi hoàn toàn bằng các loại lá, cây, cỏ có nguồn gốc từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, kết hợp với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho loài vật hiền lành, nhút nhát này sinh trưởng. Khí hậu nắng nóng khắc nghiệt của miền trung, gió tây nam vào mùa hạ, gió mùa vào mùa đông dường như đã tôi luyện cho hươu sao Hương Sơn hình thành sức chịu đựng và đề kháng mà những con hươu sao nuôi ở vùng khác không có được. Chính vì thế, dù nuôi hươu lấy nhung đã phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước, nhưng hươu sao nuôi ở Hương Sơn, Hà Tĩnh vẫn được biết đến là sản phẩm có chất lượng tốt nhất cả nước, và cũng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý do Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam theo quyết định số 787/QĐ-SHTT cấp ngày 28/2/2019.
Nhớ lại những năm 1990, anh Chiến cho biết, khi đó nghề nuôi hươu tăng trưởng nóng, giá 1 con hươu lên tới 40-50 triệu đồng (trong khi giá vàng thời điểm đó chỉ hơn 2 triệu đồng/cây). Người dân ồ ạt nuôi, nhưng thị trường tiêu thụ thì không có khiến nhiều gia đình thua lỗ lớn, chán nản. Chẳng thể trụ lại được với con hươu, không ít hộ đã bán hươu cho các lò mổ, chuyển hướng làm ăn, thậm chí hươu khi đó còn được thả vào rừng.
Sau này, thị trường ổn định hơn, nhưng bà con vẫn loay hoay, nuôi hươu lấy nhung, rồi sử dụng theo cách thức cách thức truyền thống như ngâm rượu hoặc sử dụng thô nên không khai thác được hết tiềm năng của sản phẩm này. Do đó, tuy đã có công việc dạy học ổn định, nhưng anh Chiến vẫn luôn trăn trở làm sao phát triển, khai thác hết giá trị và đưa sản phẩm đặc sản nhung hươu của quê hương tới gần hơn với người tiêu dùng.
Chính nỗi niềm và đam mê với nghề nuôi hươu lấy nhung đã thôi thúc anh Chiến thành lập Công ty cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn, xây dựng thương hiệu Nhung hươu Chiến Sơn vào năm 2018. Bao nhiêu vốn liếng anh dành hết đầu tư máy móc, thiết bị sơ chế hiện đại để làm ra các sản phẩm chế biến sâu như nhung hươu khô thái lát, nhung hươu khô tán bột, rượu nhung hươu… Vừa dạy học, anh vừa tìm tòi chế biến sâu các sản phẩm từ nhung để có thể thu mua nhiều hơn cho bà con, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và giúp nâng cao giá trị của nhung hươu.
Đến năm 2019, bất chấp những khuyên ngăn của bạn bè, người thân, anh quyết định dừng hẳn sự nghiệp giảng dạy để dành hết thời gian và tâm huyết phát triển công việc kinh doanh, đơn giản vì anh nghĩ việc dạy học mình không làm, thì sẽ có nhiều người khác làm thay được, nhưng nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, thì đang cần những người như anh để đồng hành cùng bà con nâng cao vị thế của đặc sản quê hương.
Những ngày đầu đi tìm kiếm khách hàng, quảng bá sản phẩm là những ngày rất khổ. Từ nam ra bắc, Hội chợ nào anh Chiến cũng tham gia. “Có thời điểm đi hội chợ ở công viên Thống Nhất, rồi lại di chuyển tiếp đến Hồ Hoàn Kiếm, thời tiết ngoài bắc mùa đông rét giá, càng về đêm càng buốt, sản phẩm nhung hươu giá trị cao, không thể bỏ hàng tại quầy để đi tìm nhà nghỉ, anh đành dùng manh chiếu trải trên nền gạch ngủ giữa trời đông Hà Nội. Lúc đó, cực quá, anh thoáng nghĩ không hiểu sao lại bỏ nghề ổn định để giờ vất vả thế này”, anh Chiến nhớ lại những đầu gây dựng thương hiệu.
Mùa đông là thế, còn mùa hè thì nóng kinh khủng, anh và các bạn trong công ty vẫn kiên trì bám trụ, giới thiệu sản phẩm nhung hươu tới người dân tại các hội chợ. Cứ thế, rồi dần dần sản phẩm cũng có chỗ đứng nhất định, người dân dùng thấy tốt, giới thiệu cho nhau tìm đến Nhung hươu Chiến Sơn. May mắn tiếp tục đến khi anh Chiến được giới thiệu sản phẩm và chụp ảnh với các lãnh đạo cấp cao, khi đó huyện tỉnh mới biết đến doanh nghiệp anh và đến hướng dẫn, hỗ trợ tham gia Chương trình OCOP. Công ty có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó nhung hươu tán bột đạt 4 sao, các sản phẩm nhung hươu thái lát, nhung hươu tươi và rượu nhung hươu đạt chứng nhận 3 sao.
Giống như anh Chiến, chị Nguyễn Thị Hiền, cũng là một thí dụ điển hình thành công với mô hình kinh doanh nhung hươu chế biến sâu, đem lại giá trị cao cho sản phẩm quê hương. Những ngày đầu khởi nghiệp khó khăn, thiếu vốn, đi xúc tiến vất vả, máy móc công nghệ thô sơ, nhưng chưa khi nào chị có ý định từ bỏ đam mê với nghề nuôi hươu. Nhìn chị Hiền nhẹ nhàng cầm chậu ngô, bước vào chuồng cho hươu ăn, rồi xoa đầu, vuốt ve, chuyện trò hỏi han từng chú hươu, tôi đã hiểu được sự gắn bó, tình yêu của chị với mỗi chú hươu sao Hương Sơn lớn thế nào. Tâm huyết của chị được trả công xứng đáng khi cơ sở Nhung hươu Hiền Ngọc được khách hàng gần xa đón nhận ngày càng nhiều. Năm 2019, Nhung hươu Hiền Ngọc tham gia OCOP và có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao: nhung hươu tươi, nhung khô thái lát, nhung hươu khô tán bột và rượu nhung hươu.
Chương trình OCOP làm khởi sắc kinh tế nông thôn
Rất nhiều hộ kinh doanh nhung hươu ở Hương Sơn có bước đầu khó khăn về mọi mặt, nhưng sau đó dần phát triển ổn định nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ về các loại máy móc, nhà xưởng, tư vấn. Thời gian đầu, chỉ có 4 đơn vị nhung hươu tham gia OCOP, quảng bá sản phẩm nhung hươu Hương Sơn ở các địa phương khác để khách hàng biết đến nhiều hơn.
Chia sẻ về sự đổi thay của doanh nghiệp khi tham gia Chương trình OCOP, chị Hiền cho biết, trước đây, cơ sở chị kinh doanh nhỏ lẻ, khó khăn về mọi mặt, máy móc thiết bị sấy thủ công, các kênh quảng bá chưa đa dạng, thiếu bảo chứng thương hiệu, nên nhiều khách hàng còn khá e dè khi quyết định mua nếu chưa hiểu kỹ về sản phẩm. Bán hàng chủ yếu bằng phương thức truyền thống, truyền miệng từ những khách hàng đã mua và sử dụng, thấy chất lượng sản phẩm tốt nên chia sẻ và kể cho những người họ quen biết.
Tuy nhiên, kể từ khi tham gia OCOP, doanh nghiệp có nhiều cơ hội xúc tiến thương mại hiệu quả, đồng thời được tư vấn bài bản, từ quy trình sản xuất cho tới thiết kế mẫu mã, bao bì, định hướng kinh doanh. Tỉnh cũng hỗ trợ các cơ sở vốn đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến. Những cặp nhung giờ đây có thể chế biến thành các sản phẩm chứa trong lọ nhỏ từ 10g với giá chỉ khoảng 500.000 đồng, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn.
Anh Trần Đình Chiến cho biết, OCOP là 1 chương trình rất thiết thực, mang lại cho những doanh nghiệp nông dân, làng nghề, chủ sản xuất nhỏ được tiếp cận với cách làm hiện đại, cách làm doanh nghiệp, khác với cách làm thủ công cha truyền con nối truyền thống đặc trưng của các làng nghề nông thôn.
Từ khi có OCOP, các chủ cơ sở xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình một cách bài bản hơn, sản xuất đúng quy trình nghiêm ngặt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cho người tiêu dùng.
Những cặp nhung từ 45-50 ngày tuổi, thời điểm đạt được hàm lượng dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin và protein cao nhất, được thu hoạch và đưa về cơ sở sản xuất sơ chế, phân loại sản phẩm chế biến tươi, chế biến khô, chế biến rượu, cấp đông sấy khô, ngâm với mật ong… Từng quy trình đều được thực hiện nghiêm ngặt, bảo đảm giữ nguyên vẹn nhất dinh dưỡng của nhung hươu.
Nhìn lại quá trình 5 năm xây dựng và phát triển thương hiệu, anh Chiến vui mừng khi thấy sản lượng tiêu thụ, cả nhung hươu tươi lẫn các sản phẩm chế biến sâu đã tăng lên rất nhiều. Chương trình OCOP thực sự đã làm khởi sắc kinh tế nông thôn tại Hương Sơn, thu nhập bà con khấm khá hẳn khi các đơn hàng của các cơ sở ngày một tăng lên.
Trước kia các cơ sở không nhà nào có ô-tô, thì giờ đây rất nhiều cơ sở đã có, thậm chí có hơn 1 chiếc
“Nhiều khi có những đơn hàng lớn, nhung hươu của bà con trong khu không kịp cung cấp. Trước kia các cơ sở không nhà nào có ô-tô, thì giờ đây rất nhiều cơ sở đã có, thậm chí có hơn 1 chiếc”, chị Hiền phấn khởi.
Hiện tại, kênh tiêu thụ của các cơ sở nhung hươu Hương Sơn đã đa dạng hơn trước rất nhiều, từ các đại lý, cộng tác viên, các sàn thương mại điện tử như tiki, sen đỏ, vỏ sò, cho tới mạng xã hội facebook, zalo, khách hàng giới thiệu cho nhau, kênh hội chợ…
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ sở sản xuất cùng sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền địa phương, cụ thể là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, nhung hươu Hương Sơn đã củng cố và nâng tầm thương hiệu trên cả nước, nói đến nhung hươu, không thể không nhắc tới miền sơn cước này.
Về định hướng tương lai, anh Chiến ấp ủ mong muốn có cơ hội hợp tác với các nhà khoa học, tiếp cận xúc tiến với các tập đoàn lớn, hợp tác, nghiên cứu phát triển sản phẩm sâu hơn, giá thành tốt hơn để tiếp cận với đông đảo khách hàng. Các doanh nghiệp địa phương cũng luôn nỗ lực cố gắng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nhiều hơn để quảng bá sản phẩm quê nhà đi xa hơn nữa, tới các thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm kết hợp với việc bán sản phẩm nhung hươu đang được nghiên cứu, thử nghiệm để triển khai, bởi rất nhiều gia đình cũng đưa các cháu nhỏ tới các trang trại nuôi hươu khi thu mua sản phẩm từ cơ sở. Rất mong rằng tiếng cười, sự thích thú của các bạn nhỏ khi được tiếp xúc với đàn hươu nuôi sẽ nhanh chóng lan tỏa, trở thành một động lực mới để Hương Sơn xây dựng một sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy kinh tế và nâng cao đời sống cho các hộ dân ở Hương Sơn.
Ngày xuất bản: 22/9/2024
Tổ chức thực hiện: XUÂN BÁCH
Nội dung và trình bày: NGỌC BÍCH-PHƯƠNG NAM
Ảnh: HÀ NAM