Những ngày bảo vệ thành Huế trong ký ức các cựu chiến binh

26 ngày đêm bảo vệ thành phố Huế năm 1968 đã để lại những ký ức không bao giờ quên đối với các cựu chiến binh Trung đoàn 6. Trong ký ức của họ, đó không chỉ là những trận đánh giữ thành phố, giữ từng tấc đất, con phố, mà đó còn là những ngày tháng tình nghĩa quân dân thắm thiết, cùng sát cánh bên nhau đánh giặc.
Dựa vào dân mà đánh
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, trực tiếp chỉ huy cánh bắc giải phóng Huế năm 1975, đồng thời cũng là người chỉ huy cánh bắc trong chiến dịch Mùa xuân 1968, chiếm giữ Huế trong 26 ngày đêm. Năm nay đã 97 tuổi, nhưng khi hỏi về những trận đánh năm xưa, ông vẫn còn nhớ như in.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu hồi tưởng về những năm tháng trận mạc.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu hồi tưởng về những năm tháng trận mạc.
Ngay từ những lời đầu tiên trong câu chuyện về ký ức, ông đã khẳng định: “Sức mạnh lớn nhất là dựa vào dân. Năm đó chúng tôi chiến đấu, việc hỗ trợ vận chuyển thương binh, tử sĩ, lương thực, vận tải… đều phải dựa vào dân hết”.
Tháng 12-1967, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về xác định Huế là trọng điểm thứ hai (sau Sài Gòn) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên-Huế nghiên cứu, đề ra kế hoạch đánh chiếm Thành phố Huế, tiêu diệt địch, chiếm giữ thành phố trong một thời gian nhằm gây thanh thế cách mạng.
Thực hiện nhiệm vụ ấy, ngày 30/1/1968 (đúng dịp kỷ niệm 179 năm Ngày Quang Trung xuất quân tiến vào giải phóng Thăng Long), các lực lượng tham gia đánh Thành phố Huế đã chiếm lĩnh trận địa, sẵn sàng nổ súng.
Trong bầu không khí vui Xuân, đón Tết cổ truyền, khi địch phải tập trung lực lượng đối phó ở Khe Sanh thì quân, dân Huế và miền nam nổ súng, mở cuộc tổng tiến công đồng loạt, bất ngờ vào hầu khắp các căn cứ quân sự, cơ quan chỉ huy của Mỹ-ngụy ở các tỉnh và thành phố lớn miền nam...".
Trước sức tấn công vũ bão của quân và dân thành phố Huế đêm 31/1/1968, lính Mỹ khiêng xác đồng bọn rút chạy qua cầu Tràng Tiền. (Ảnh: Tư liệu TTXGP - TTXVN)
Trước sức tấn công vũ bão của quân và dân thành phố Huế đêm 31/1/1968, lính Mỹ khiêng xác đồng bọn rút chạy qua cầu Tràng Tiền. (Ảnh: Tư liệu TTXGP - TTXVN)
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu kể lại, năm đó, ông chỉ huy Trung đoàn 6 anh hùng, chủ yếu trấn giữ cánh bắc của thành phố. “Khi đó quân chủ lực là Quân khu Trị Thiên, sau đó ngoài bắc chi viện thêm 1 trung đoàn nữa vào” – ông nói.
Những năm tháng đó vô cùng gian khổ, quân ta nằm trong lòng địch mà đánh. “Năm đó chúng tôi chiến đấu, thành công lớn nhất là dựa được vào dân. Tất cả mọi việc từ hỗ trợ vận chuyển thương binh, tử sĩ, lương thực, vận tải… đều phải dựa vào dân hết. Từ lương thực tới thuốc men đều được dân giúp đỡ tại chỗ. Lương thực mà bộ đội mang theo chỉ được khoảng 5 ngày, không có dân thì lấy đâu ra lương thực. Các cơ sở y tế, các gia đình, thậm chí nhiều thương gia lớn trong thành phố đã giúp bộ đội rất nhiều trong việc cứu chữa, vận tải thương binh”. – Thiếu tướng kể lại.
Có dân tham gia mọi việc đều thành công. Chiến tranh hay hòa bình đều phải dựa vào dân, phải có sức mạnh của dân
Những ngày đó, gần như tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều hỗ trợ bộ đội, từ thanh niên, phụ nữ đều vận chuyển lương thực, vũ khí, đưa thương binh về tuyến sau hoặc vận chuyển tử sĩ, có những đợt chuyển khỏi trận địa tới 15-20 cáng. “Có dân tham gia mọi việc đều thành công, vượt qua được mọi khó khăn để kháng chiến thành công. Chiến tranh hay hòa bình đều phải dựa vào dân, phải có sức mạnh của dân. Trong những cuộc chiến đấu ở thành nội, không một tử sĩ nào rơi vào tay địch, đều được dân đưa ra ngoài kịp thời” - Thiếu tướng Thu nhớ lại.
Đối với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Thức Bảo, đội trưởng, Tiểu đoàn trinh sát vũ trang, những ngày sống trong lòng dân để chiến đấu là những ngày không bao giờ quên. “Sau khi quân ta vào chiếm được thành phố Huế, được 8 ngày, đối phương bắt đầu phản công dữ dội bằng tất cả mọi hỏa lực, mọi lực lượng mà họ có, từ thủy quân lục chiến đến đánh bom, nhưng bất lực. Chúng tôi ở đường Phan Đăng Lưu, ngày xưa gọi là Phan Bội Châu, gần chợ Đông Ba, chốt ở đó không cho địch đánh vào cửa Đông Ba để vào liên lạc với đồn Mang Cá, mỗi ngày đánh nhau ngày 3, 4 trận” – Anh hùng Hoàng Thức Bảo kể lại.
Ban đầu, người dân ở khu vực này khá sợ, đóng cửa suốt. Ông Hoàng Thúc Bảo kể, họ được tuyên truyền là Việt Cộng rất hung ác này nọ nên đóng cửa không dám tiếp xúc với quân ta. Sau vài ngày, đã có những người dân mở cửa ra bắt đầu tiếp xúc với quân ta, hiểu và hợp tác, giúp đỡ các lực lượng của ta.
Chiến đấu trong lòng địch khi đó nguy hiểm, nhưng lực lượng của ta cũng được dân hỗ trợ nhiều. Ông Hoàng Thúc Bảo nhớ lại: “Dân hay lắm, các nhà trong phố đục tường từ nhà này sang nhà khác, từ cửa Đông Ba tới đường Trần Hưng Đạo để đi lại, lấy lương thực, nước uống. Ngoài đường thì đánh nhau, bắn đạn pháo liên miên. Quân ta hành quân và chiến đấu dọc theo các đường phố để giữ từng tấc đất. Khi đó các đài phương Tây gọi khu vực này là mặt trận phía đông của thành phố, nơi ác liệt nhất của chiến dịch, tất cả các lực lượng sừng sỏ nhất của địch đều tấn công vào đó nhưng đều thất bại”.
Thành phố thời chiến, mọi thứ khó khăn, thiếu lương thực không phải là ngoại lệ. Và các chiến sĩ đã được “tiếp tế” những thứ bất ngờ nhất để “no bụng, đánh giặc”. Anh hùng Hoàng Thúc Bảo cho biết, trong một trận đánh để vượt qua đường Chi Lăng đi ra Phú Vang, quân ta không còn lương thực, thế là phải đánh ngược trở lại để tìm các kho của địch. Khi đó, trong tình thế ngặt nghèo, các tiệm mè xửng ở đường Huỳnh Thúc Kháng đã mang mè xửng ra cung cấp cho bộ đội. "Đó là thứ 'lương thực' bất ngờ và ấm áp tình quân dân nhất mà chúng tôi từng được nhận khi ấy” – ông nói.
Anh hùng LLVTND Hoàng Thức Bảo nói về những năm tháng "dựa vào dân mà đánh giặc".
Anh hùng LLVTND Hoàng Thức Bảo nói về những năm tháng "dựa vào dân mà đánh giặc".
Nguyên chính trị viên Biệt động Thành cánh Bắc Huế Nguyễn Huy Ngọc
Nguyên chính trị viên Biệt động Thành cánh Bắc Huế Nguyễn Huy Ngọc
Ông Nguyễn Huy Ngọc, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế vốn là cựu chính trị viên Biệt động thành Huế, cho đến nay vẫn không thể quên được những tấm gương hy sinh mà ông từng gặp trong thời gian hoạt động trong lòng địch ở Huế.
Một kỷ niệm mà ông Nguyễn Huy Ngọc nhớ nhất trong suốt những năm tháng chiến đấu của mình là câu chuyện một bà mẹ ngoài 80 tuổi, nuôi giấu cán bộ dưới hầm, bên dưới bàn thờ của gia đình. Khi bị lộ, mẹ bị địch đến bắt, giải đi, lúc đó mẹ thản nhiên nhai trầu và nói: “Bị bắt thì tôi đi tù thôi”, và bình thản bước đi.
Lấy yếu đánh mạnh
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, trong chiến tranh, chúng ta giành chiến thắng bởi biết lượng sức, lấy yếu đánh mạnh, tìm chỗ sơ hở, điểm yếu của địch mà đánh.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu trong ngôi nhà nhỏ của mình ở Huế.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu trong ngôi nhà nhỏ của mình ở Huế.
“Trong cuộc chiến giữ thành Huế năm 1968, ban đầu lực lượng giữa hai bên không hề cân sức. Tại đây chỉ có mỗi Quân khu Trị Thiên, sau này chúng tôi được tăng cường thêm một trung đoàn từ ngoài bắc vào. Nhưng ở thế không cân sức đó, chúng tôi đã giữ được thành phố trong 26 ngày đêm” – Ông Nguyễn Văn Thu hồi tưởng.
Chúng ta giành chiến thắng bởi biết lượng sức, lấy yếu đánh mạnh, tìm chỗ sơ hở, điểm yếu của địch mà đánh.
Vị tướng già kể lại: “Hồi đó tôi chỉ huy cánh bắc, quân ta giữ cửa Đông Ba chỉ vỏn vẹn có 3 chiến sĩ, nhưng địch đánh riết mà không thể làm gì được. Trong cuộc chiến, quân ta luôn ở thế chủ động. Chúng ta dựa vào từng góc đường, góc phố, chặn đường độc đạo thoát ra ngoài, địch huy động xe tăng, thiết giáp cũng không đi được. Khi đó, rõ ràng địch có sức mạnh nhưng không thể phát huy được”.
Quân Giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn, phía trước thành nội Huế. (Ảnh: Ngọc Đản/TTXVN)
Quân Giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn, phía trước thành nội Huế. (Ảnh: Ngọc Đản/TTXVN)
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu cho rằng, yếu tố quan trọng của người cầm quân là biết mạnh, biết yếu, lúc nào cần tiến, cần lui, tránh mạnh đánh yếu, tìm yếu mà đánh thì mới thắng được. Người chỉ huy phải hết sức linh hoạt, thấy được lợi thế của mình để phát huy và khắc phục điểm yếu.
Đối với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Thức Bảo, đội trưởng trinh sát vũ trang, những trận chiến trong nội thành Huế năm 1968 chính là điển hình của “lấy yếu đánh mạnh”.
Ông kể lại, khi quân ta bất ngờ đánh chiếm nội thành Huế, có một điều mà tất cả đều ngạc nhiên là lực lượng của địch bị động đến mức hoàn toàn không kịp trở tay.
Khi đó tiểu đoàn trinh sát vũ trang của ông Hoàng Thúc Bảo và một tiểu đoàn bộ binh chia 5 hướng đánh vào thành phố. Lực lượng của ta khi đó còn ít, địch có hơn 20 nghìn quân nhưng không hề phát hiện ra được.
Ông Hoàng Thúc Bảo trầm ngâm nhắc lại những kỷ niệm xưa trên chiến trường.
Ông Hoàng Thúc Bảo trầm ngâm nhắc lại những kỷ niệm xưa trên chiến trường.
Ông kể lại: “Trung đoàn 6 có nhiệm vụ đánh chiếm đồn Mang Cá, Sở chỉ huy Sư đoàn 1 và các đơn vị chung quanh đó của địch. Chúng tôi có nhiệm vụ vào chiếm Đại Nội qua cửa Chánh Tây và sau đó là chiếm bờ bắc sông Hương, không cho quân địch ở phía nam sang. Ban đầu, chúng tôi vào cửa Chánh Tây, sau đó sang cả cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba, qua cầu Tràng Tiền mà địch hoàn toàn không biết. Cho đến khi ta đánh thốc vào nội thành, quân địch mới phát hiện, bỏ chạy và sau đó mới liên lạc với phía nam. Khi đó ta đã nhanh chóng đánh chiếm các công sở và vị trí của địch”.
Theo Anh hùng Hoàng Thức Bảo, đó là sự tài tình của ta khi giữ bí mật đến cùng và cao nhất, địch không tung được lực lượng mạnh nhất ra đối phó. Thời gian đó, chúng ta chiếm giữ nội thành suốt 26 ngày đêm, từ ngày 31/1 đến 25/12, địch phản kích điên cuồng nhưng không sao đẩy được lực lượng của ta ra khỏi thành phố. Đến khi ta có chủ trương rút ra khỏi thành phố thì địch mới trở lại Huế được.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên -Huế vốn là chính trị viên Biệt động Thành cánh Bắc Huế, thuộc Thành Đội Huế. Khi mới vào hoạt động, ông mới ngoài 20 tuổi, các đồng chí, đồng đội của ông cũng đều ở lứa tuổi trẻ trung phơi phới như thế.
Tháng 3/1975, ông Nguyễn Huy Ngọc chạy xe máy chở bộ đội tiến vào thành phố Huế. Trong ảnh, ông Huy Ngọc ngồi trên xe cắm cờ. (Ảnh tư liệu gia đình)
Tháng 3/1975, ông Nguyễn Huy Ngọc chạy xe máy chở bộ đội tiến vào thành phố Huế. Trong ảnh, ông Huy Ngọc ngồi trên xe cắm cờ. (Ảnh tư liệu gia đình)
Còn trong trận đánh trước khi quân chủ lực vào giải phóng Huế, đêm 24/3, đơn vị trinh sát vũ trang của ông cùng với đơn vị của K10 đã nhân lệnh tấn công trước đối với chi khu Hương Trà, đánh sập trận địa pháo. Đánh xong, trên đường rút ra thì gặp địch phục kích, hy sinh tại chỗ 6 người. Họ được đồng đội chôn lại tại cánh đồng quê hương lúc 3 giờ sáng, với những chiếc mũ tai bèo được đặt trên mộ.
“Ấn tượng đi theo cả cuộc đời tôi, là sự hy sinh trên đường tiến công, ngay trước thềm chiến thắng huy hoàng. Cả đời tôi nhớ mãi không bao giờ quên” – ông Nguyễn Huy Ngọc bùi ngùi.
Người cựu chính trị viên biệt động thành chia sẻ, sức mạnh của quân ta là lực lượng tại chỗ, là lòng dân. Và lòng yêu nước là “chất nổ’ cực mạnh để đánh giặc. Những sự hy sinh lớn lao, quên mình của cả quân và dân trong thời chiến, ở Huế và ở mọi nơi, cho thấy lý do tại sao chúng ta giành chiến thắng.
Ngày xuất bản: 31/3/2025
Nội dung: TUYẾT LOAN, CÔNG HẬU, THANH TRÀ, TRUNG HIẾU
Ảnh: Tư liệu, TUYẾT LOAN
Trình bày: NGỌC LINH