Những phát hiện mới ở Vịnh Hạ Long
Năm 1994, Vịnh Hạ Long được UNESCO ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ. Năm 2000, UNESCO tiếp tục ghi danh Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long lần thứ 2, với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo. Nhưng trong suốt hành trình 30 năm sau khi trở thành Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên, đã có nhiều giá trị khác của Vịnh được tìm thấy, phát hiện ra, trong đó nổi bật nhất là giá trị đa dạng sinh học và giá trị văn hóa, lịch sử.
Đa dạng sinh học
Theo thông tin của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Vịnh Hạ Long nằm trong khu vực địa lý nối liền với vịnh Bái Tử Long và quần đảo Cát Bà tạo thành một quần thể biển đảo có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để hình thành một hệ thống đa dạng các habitat (nơi sinh cư) biển và đảo. Đây chính là cơ sở để hình thành nên sự đa dạng sinh học cho Vịnh Hạ Long.Các nhà khoa học đã đánh giá Vịnh Hạ Long là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao. Giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long thể hiện ở sự đa dạng về các hệ sinh thái, đa dạng về nguồn gen quý hiếm và đa dạng về thành phần giống loài.
Còn theo hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), môi trường địa chất hình thành từ địa hình Karst là nền tảng phát sinh các giá trị khác của Vịnh, như đa dạng sinh học, văn hóa khảo cổ và các giá trị nhân văn khác.
Thống kê từ Cục Di sản văn hóa cho thấy, tổng số loài thực vật sống trên các đảo ở Vịnh Hạ Long khoảng hơn 1.000 loài. Một số quần xã các loài thực vật khác nhau đã được tìm thấy, như các loài ngập mặn, các loài thực vật ở bờ cát ven đảo, các loài mọc trên sườn núi và vách đá, trên đỉnh núi hoặc mọc ở cửa hang hay khe đá.
21 loài thực vật quý hiếm trên cạn đã được ghi nhận trong sách đỏ có ở Vịnh Hạ Long:
Quyền bá trường sinh
Ráng duôi phụng bon
Đài mác
Thôi chanh bắc
Sơn địch
Hoa tiên
Tiết căn
Thư tràng
Hoè bắc bộ
Mã tiền cà thây
Mã tiền lông
Mã tiền hoa tán
Bình vôi đầu
Lá khôi
Rau sắng
Vương tùng
Bông mộc
Sến mật
Trọng lâu nhiều lá
Mần nghệ
Bách bộ
Các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã phát hiện 7 loài thực vật đặc hữu của Vịnh Hạ Long. Những loài này chỉ thích nghi sống ở các đảo đá vôi của Vịnh Hạ Long, mà không nơi nào trên thế giới có được, đó là: thiên tuế Hạ Long, khổ cử đại tím, cọ Hạ Long, khổ cử đại nhung, móng tai Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long, hài vệ nữ hoa vàng.
17 loài thực vật đặc hữu của Vịnh Hạ Long được phát hiện đến nay:
Ngũ gia bì Hạ Long
Cọ Hạ Long
Tuế Hạ Long
Bóng nước Hạ Long
Cầy ri một cặp Hạ Long
Cầy ri Hạ Long
Cầy ri hiệp Hạ Long
Cầy ri ôn hòa Hạ Long
Song bế Hạ Long
Sung Hạ Long
Cơm nguội chân Hạ Long
Nhài Hạ Long
An Điền Hạ Long
Ngoại Mộc Tai Hạ Long
Nan Ông Hạ Long
Riềng Hạ Long
Theo thống kê, hệ sinh thái rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới ở Hạ Long, Bái Tử Long có: 477 loài mộc lan, 12 loài dương xỉ và 20 loài thực vật ngập mặn.
Một số loài thực vật đã được Ban Quản lý Vịnh nhân giống và cho kết quả tốt. Trong đó, Cọ Hạ Long từng được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long xây dựng thành đề án khoa học và đã nhân giống thành công để trồng tại một số đảo của Vịnh Hạ Long như Hang Trai, Cát Lán, Ti Tốp… Cọ Hạ Long còn được Vườn quốc gia Cát Bà nhân giống trồng tại đảo Cát Bà.
Ngoài ra, lan hài Hạ Long cũng đã bước đầu được nhân giống thành công với 100 cây ở các sườn, vách núi ở Cống Đầm, Cửa Vạn. Tới nay đã có khoảng 600 cá thể lan hài tại 2 khu vực này phát triển tốt, thích nghi với điều kiện sống mới, tạo cảnh quan đẹp.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã chủ động nghiên cứu thành công đặc tính sinh trưởng, tiến hành nhân giống bảo tồn cây bông mộc, loài đặc hữu hẹp trong sách đỏ Việt Nam. Nhờ đó, cho tới nay, giống cây có hoa, quả mọc thành chùm rất đẹp đã được trồng thành vạt lớn, khoe sắc ở các điểm trên hành trình tham quan như: 200 cây ở Đầu Gỗ, hòn Lướt; hơn 100 cây ở các đảo Sửng Sốt, Titop, Mê Cung, Bái Đông...
Đặc trưng của thực vật đặc hữu Vịnh Hạ Long là hầu hết mọc cheo leo trên đỉnh hay vách đá, chúng có bộ rễ bám chặt và sâu vào khe đá để sinh tồn. Có loài hoa nở vào mùa xuân như Cọ Hạ Long; có loài nở hoa vào mùa hè như Khổ cử đại tím, Thiên tuế Hạ Long… Các loài thực vật này thích nghi với điều kiện môi trường, khí hậu các đảo ở Hạ Long mà chưa thấy có ở nơi nào khác trên thế giới.
Những loài thực vật đặc hữu khác tại Vịnh Hạ Long rất có thể còn được bổ sung nhiều hơn, do đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào thực sự đầy đủ, toàn diện về thực vật trên tất cả các đảo của Vịnh Hạ Long và vùng lân cận…
Đối với động vật, cũng đã thống kê được 4 loài lưỡng cư, 10 loài bò sát, 40 loài chim và 14 loài thú.
Kết quả nghiên cứu những năm qua cho thấy trong vùng Vịnh Hạ Long có mặt trên 300 loài cá, 545 loài động vật đáy biển, 154 loại san hô, 35 loài sinh vật phù du, 139 loài rong biển, 5 loài cỏ biển và 31 loài thực vật vùng ngập mặn …
Các nhà khoa học cũng phát hiện một số loài động vật đặc hữu chỉ có ở Hạ Long, như cá chạch Hạ Long, tên khoa học là Draconectes narinosus được phát hiện trong hang Đúc Tiền trên đảo Vạn Giò, một hòn đảo nhỏ với những đoạn dài và hẹp, phần rộng nhất chỉ khoảng 400m.
Ngoài ra, còn có Thạch sùng mí, trước mới chỉ ghi nhận ở đảo Cát Bà. Loài này được đoàn cán bộ khảo sát của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phát hiện vào năm 2016 và 2018, tại một số đảo trên Vịnh Hạ Long. Qua quá trình nghiên cứu, thực địa, các thông tin này được xác định và công bố trên Tạp chí uy tín trong giới khoa học quốc tế là: Amphibian & Reptile Conservation. Nhờ đó, loài này được IUCN cập nhật vào danh lục đỏ của tổ chức này, càng khẳng định thêm tính đa dạng sinh học của di sản.
Nói về việc bảo tồn giá trị đa dạng sinh học ở Vịnh Hạ Long, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh cho biết, hiện nay việc bảo tồn đa dạng sinh học vẫn còn là một hạn chế, vì chưa đủ các chuyên gia và nguồn lực. Về mặt kinh nghiệm, kiến thức, trình độ, Ban Quản lý cũng chưa có đầy đủ một đội ngũ và phương tiện để phục vụ việc thăm dò, khảo sát, đánh giá và thực hiện các dự án bảo tồn đa dạng sinh học.
“Đây là một điểm yếu mà sắp tới chúng tôi xác định sẽ phải có những giải pháp, các đề tài nghiên cứu thật kỹ lưỡng, sâu và xác thực để đề xuất các giải pháp để bảo tồn giá trị đa dạng sinh học ở Vịnh Hạ Long. Hiện nay giá trị đa dạng sinh học ở Hạ Long vẫn đang là một tài nguyên ẩn chứa, chưa khai thác được” – ông Vũ Kiên Cường khẳng định.
10 kiểu hệ sinh thái đặc thù ở Vịnh Hạ Long
Bên cạnh giá trị địa chất và giá trị thẩm mỹ độc đáo toàn cầu, trong khu vực Vịnh Hạ Long hiện nay còn lưu giữ được nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như: đồi núi, hang động, rừng ngập mặn, tùng áng, rạn san hô, cỏ biển … Các hệ sinh thái đó được phân bố trong một khu vực có khí hậu tương đối ôn hòa, nhiệt độ nước biển trung bình từ 19 - 25 độ C, là môi trường sống rất thuận lợi đối với các loài sinh vật. Các hệ sinh thái đó đã tạo nên giá trị đa dạng sinh học tương đối nổi bật của Vịnh Hạ Long.
Trong vùng Vịnh Hạ Long tồn tại 10 kiểu hệ sinh thái rất đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới.
Hệ sinh thái thảm thực vật trên đảo
Là nơi sinh sống và phát triển của 507 loài thực vật (thuộc 351 chi, 110 họ thực vật bậc cao có mạch). Đặc biệt là 21 loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 17 loài thực vật đặc hữu được các nhà khoa học ghi nhận chỉ phân bố trong khu vực vịnh Hạ Long mà chưa được công bố ở nơi nào khác.
Hệ sinh thái tùng áng
Là một kiểu hệ sinh thái đặc trưng, độc đáo của vùng biển có các đảo đá vôi như Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long - Cát Bà, gồm hồ, vũng nước nằm biệt lập bên trên hoặc bên trong các đảo. Hệ sinh thái tùng áng nằm biệt lập với môi trường bên ngoài, xung quanh được bao quanh bởi các đảo đá vôi, trên bờ là các thảm thực vật bao phủ, dưới nước là thế giới sống động của các loài sinh vật biển. Thành phần loài động, thực vật sống trong các tùng, áng đã phát hiện được có 21 loài Rong, 37 loài thân mềm, 8 loài Giáp xác, 6 loài Da gai và một số loài San hô. Những sinh vật này có thời gian dài thích nghi với môi trường sống biệt lập trong các tùng áng nên phát triển khá ổn định và có nhiều loài mang đặc điểm khác biệt, đặc hữu so với các loài sinh vật khác bên ngoài.
Hệ sinh thái Hang động
Hệ sinh thái hang động cũng là một hệ sinh thái đặc thù của vùng biển đá vôi. Môi trường sống trong hang động thường thiếu ánh sáng, độ ẩm không khí cao, nguồn thức ăn tự nhiên nghèo, nhiệt độ ổn định quanh năm nên cấu trúc quần xã sinh vật nghèo hơn hẳn so với các hệ sinh thái khác, phần lớn đều là những loài đặc hữu cho khu vực. Tuy nhiên, đây lại là những nhóm sinh vật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu quá trình tiến hóa của sinh vật. Một số loài tiêu biểu đã được phát hiện như: thạch sùng mí, cua hang Hạ Long, cá niếc hang, tôm gõ mõ...
Hệ sinh thái vùng triều đáy cứng
Hệ sinh thái vùng triều đáy cứng (hay còn gọi là Hệ sinh thái bãi triều rạn đá quanh các đảo) chủ yếu là các bãi triều có rạn đá phân bố quanh các chân đảo trong khu vực Vịnh Hạ Long. Nền đáy chủ yếu là các vách đá, các ngấn biển, đôi chỗ là những nơi đá cuội, đá tảng trượt từ trên núi xuống trải rộng từ 5 - 10m. Do có nền đáy ít bị biến đổi nên môi trường trong hệ sinh thái này tương đối ổn định, có nhiều hang, hốc làm nơi trú ngụ và lẩn trốn kẻ thù nên thành phần loài của hệ sinh thái này rất phong phú và đa dạng với khoảng 423 loài sinh vật như rong biển, san hô, ốc, hai mảnh vỏ, bò sát, giáp xác... sinh sống và phát triển. Mặc dù thành phần loài phong phú nhưng diện tích nhỏ nên giá trị nguồn lợi (năng suất) của sinh vật biển trong khu vực này không cao. Đáng chú ý có loài Rong mơ (Sarrgassum spp), các loài ốc, hàu nhưng cũng chỉ có giá trị phục vụ bữa ăn hằng ngày tại các chợ địa phương.
Hệ sinh thái vùng triều đáy mềm
Hệ sinh thái vùng triều đáy mềm là các bãi triều thấp quanh các đảo ven bờ Vịnh Hạ Long. Dựa vào đặc điểm của nền đáy, có 2 kiểu: kiểu bãi triều là cát bột, bùn sét tiếp giáp với rừng ngập mặn; kiểu cồn cát, doi cát nổi lên ở phía ngoài cửa sông.
Hệ sinh thái vùng thấp triều có môi trường sinh thái phức tạp, biến đổi theo mùa và theo thời gian trong ngày, theo con nước triều khá lớn. Do điều kiện môi trường của hệ sinh thái đáy mềm cửa sông phức tạp nên thành phần loài của quần xã sinh vật nghèo hơn so với vùng triều các đảo xa bờ. Quần xã sinh vật ở đây được chia thành 2 nhóm khác nhau: Nhóm sống định cư trên bãi triều bao gồm các loài động vật đáy; rong biển, cỏ biển, cá biển, và nhóm sống trong tầng nước di cư theo thuỷ triều bao gồm: Thực vật phù du, Động vật phù du, Cá biển. Ngoài ra một số loài động vật có xương sống cũng sinh sống, kiếm ăn trên vùng bãi triều cửa sông khi triều rút như rắn nước, chim nước ...
Hệ sinh thái bãi triều cát
Hệ sinh thái bãi triều cát là bãi triều cát ven các hõm đảo nhỏ, một số vùng bãi cát được che chắn và có rạn san hô phát triển phía dưới. Mặc dù số lượng bãi triều cát khá nhiều nhưng do địa hình đảo đá vôi thường có vách đá dựng đứng nên các bãi đều nhỏ, độ dốc lớn, cấu tạo bởi cát vỏ sinh vật như san hô, thân mềm (ốc, ngao, trai…). Bãi thường bị phơi khi thủy triều xuống. Thành phần loài sinh vật trên các bãi triều cát khá nghèo nàn so với các kiểu hệ sinh thái khác và giá trị nguồn lợi không cao. Đặc điểm cơ bản của các bãi triều cát là hầu như không có sự phân bố của sinh vật theo đới do nền đáy không ổn định. Một số loài động vật bắt gặp trong hệ sinh thái này như: cua ma, dã tràng, giun nhiều tơ, hai mảnh vỏ, ốc, giáp xác và da gai, tổng cộng đã phát hiện được 116 loài sinh vật trên các bãi triều cát trong vùng.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn
Rừng ngập mặn là một hệ sinh thái quan trọng, là nơi sinh cư của nhiều loài hải sản có giá trị trong khu vực Vịnh Hạ Long. Khu vực Vịnh Hạ Long và vùng phụ cận có 30 loài, chiếm khoảng 32% thành phần loài của thực vật ngập mặn Việt Nam. Trong số 500 loài sinh vật sinh sống trong rừng ngập mặn tại Vịnh Hạ Long có 3 loài ốc, 3 loài bò sát, 3 loài chim và 1 loài thú nằm trong Danh lục đỏ Việt Nam, một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao như ngán, sá sùng, bạch tuộc (ruốc), sò, cua... tạo nên những món ăn hải sản đặc trưng riêng tại địa phương.
Hệ sinh thái thảm cỏ biển
Là một hệ sinh thái biển quan trọng. Các thảm cỏ biển là nơi ương nuôi ấu trùng và định cư của nhiều loài tôm, cua, cá; đồng thời, hệ sinh thái cỏ biển còn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nền đáy và xử lý nước thải. Theo một số nghiên cứu trước đây, khu vực Vịnh Hạ Long - Cát Bà đã phát hiện được 5 loài cỏ biển. Tuy nhiên, hiện nay diện tích các thảm cỏ biển tại vịnh Hạ Long đã bị thu hẹp nhiều do các công trình lấn biển, các vùng ven bờ hầu như không còn các bãi cỏ biển, do đó, không phát huy được giá trị của hệ sinh thái này.
Hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ
Hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ là phần mặt nước có độ sâu 0 – 20 m. Đây là một khối nước tương đối đồng nhất, nên khu hệ sinh vật bao gồm nhiều nhóm loài khác nhau như thực vật phù du, động vật phù du, động vật đáy, cá biển, bò sát, giáp xác, thân mềm... Trong đó rất nhiều loài có giá trị kinh tế như cua biển, tôm he, cá vược, …
Hệ sinh thái rạn san hô
Rạn san hô tại Vịnh Hạ Long được cấu tạo chủ yếu bởi các loài san hô cứng. Khu vực tập trung nhiều san hô nhất là Cống Đỏ, Trà Sản, Hang Trai, Đầu Bê (có độ phủ từ 30% - 45%). Một số loài sinh vật biển có giá trị kinh tế quan trọng sinh sống của hệ sinh thái rạn san hô như tu hài, sò lông, cá song, cá mú, trai ngọc, tôm hùm... Ngoài các loài có giá trị kinh tế, trên rạn san hô còn phân bố nhiều loài bị đe doạ tuyệt chủng, quý hiếm nằm trong Danh lục đỏ Việt Nam như rong chân vịt nhăn, cá ngựa gai, cá ngựa nhật, cá ngựa đen, san hô sừng cành dẹp, san hô lỗ đỉnh, sam ba gai đuôi, ốc đụn đực, ốc đụn cái, ốc xoắn vách, trai ngọc môi đen, mực thước, mực nang vân hổ….
Độc đáo văn hóa biển
TS Hà Hữu Nga, chuyên gia nghiên cứu khảo cổ, văn hóa cho biết, ở thời kỳ tiền sử và sơ sử, xã hội vùng Hạ Long-Cát Bà được tổ chức trên cơ sở những cộng đồng dân cư sống dọc ven biển và các hải đảo từ Hải Phòng ngược lên phía đông bắc, chí ít là tới vùng cửa sông Ka Long. Có thể nói đây là một hệ thống sinh thái nhân văn biển vào loại lâu đời nhất trên đất Việt Nam.
Cư dân Hạ Long định cư chủ yếu xung quanh các hệ thống cửa sông Bạch Đằng – sông Chanh, hệ thống cửa sông Cửa Lục, cửa sông Tiên Yên, Hà Cối và Ka Long, với phương thức sinh sống liên quan đến cả rừng, sông, vịnh, biển... Vì vậy người Hạ Long – Cát Bà tôn thờ mọi sức mạnh của tự nhiên, đặc biệt là biển cả, các lực lượng siêu nhiên, những người đã khuất…và coi đó là những quyền năng chi phối đời sống tâm linh của họ, khiến họ phải hàm ơn, sợ hãi, tôn kính và phụng thờ, để rồi từ đó trở thành những hệ thống niềm tin, tín ngưỡng và tôn giáo mang bản sắc riêng.
Theo GS Nguyễn Văn Kim, với biển, cộng đồng cư dân thủy sinh vừa chịu ơn thần biển vì các vị thần linh đem lại nguồn sống cho chính họ. Mặt khác, sống ven biển, trên biển nên họ cũng phải thường xuyên đối chọi với những biến đổi bất thường của tự nhiên. Do vậy, cư dân biển có cả một hệ thống thần linh bao gồm cả Nhân thần, Nhiên thần, Thiên thần. Hiện nay, khu vực Vịnh Hạ Long còn có nhiều di tích lịch sử và di chỉ văn hoá như: Đình Quan Lạn, chùa Lấm, đền Bà Men...
Trong truyền thống và nếp sống văn hoá của các cộng đồng cư dân biển vẫn còn lưu giữ nhiều truyền thuyết về biển. Hằng năm, họ vẫn tổ chức lễ hội đua thuyền, lễ chọi trâu, tục thờ Cá Ông, Càn Hải Đại Vương, Tứ vị Thánh Nương và nhiều vị thần biển khác ... Các lễ hội, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng đó không chỉ là sự sùng vọng của con người trước sức mạnh của tự nhiên, mà còn là phương cách chịu ơn Thần biển đã đem lại nguồn sinh kế và che chở cuộc sống cho họ.
GS Nguyễn Văn Kim cho rằng, cư dân vùng Hạ Long - biển đảo Đông Bắc có hệ tri thức về biển chuyên sâu, phong phú. Họ am hiểu chế độ gió mùa; quy luật thủy triều và các luồng lạch trên biển; về thuyền và kỹ thuật đóng thuyền; về các vùng, luồng cá và thời gian đánh bắt cá, làm muối; về các phương thức chế biến thủy hải sản và văn hóa ẩm thực biển; về đời sống tâm lý, tâm linh của cư dân biển và hệ thống di tích đền miếu thờ các vị thần biển; về dòng văn hóa biển (thi ca, hò vè, hát đối trên biển…); về các mối quan hệ xã hội và ứng đối của con người với biển khơi…
Đặc biệt người dân vùng biển Hạ Long vẫn lưu giữ được những nét văn hoá truyền thống độc đáo, phong phú từ bao đời, thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ, lễ hội, kinh nghiệm, phản ánh tâm tư, tình cảm được truyền từ đời này qua đời khác.
Đó là các giá trị văn hoá phi vật thể mang đặc trưng của vùng biển như: Hò, vè, hát đám cưới, hát giao duyên, hò biển và nhiều lễ tục truyền thống như: lễ giở mũi thuyền, tục trồng cây Nêu….
Đây chính là các di sản văn hóa biển tiêu biểu của Hạ Long - vịnh Bắc Bộ được hình thành sớm trong lịch sử và không ngừng được bổ sung, sáng tạo qua các thế hệ.
Một trong những yếu tố đặc biệt của Vịnh Hạ Long là các làng chài nổi, nơi cư dân sống hoàn toàn trên mặt nước, không có đất liền. Đây là một mô hình sinh sống độc đáo của người dân Hạ Long, được coi là một nét văn hóa riêng biệt, gắn liền với biển cả và đời sống thủy sản.
Các làng chài này, như làng chài Cửa Vạn, không chỉ là nơi sinh sống mà còn là không gian văn hóa đặc trưng, nơi các thế hệ người dân đã phát triển những giá trị cộng đồng đặc biệt như quan hệ mật thiết giữa các gia đình, tinh thần tương trợ, và những hình thức sinh hoạt hằng ngày vô cùng đặc sắc.
Các làng chài nổi trên vịnh, như Cửa Vạn và Ba Hang, đã tồn tại hàng thế kỷ, với những phong tục, tập quán và truyền thống đặc trưng.
Nguyễn Thị Minh, một hướng dẫn viên ở Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, cũng chính là một trong những người con của làng chài Cửa Vạn, ngày ngày đem những nét văn hóa đặc sắc nhất của làng chài trên biển cũng như vùng vịnh giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế.
Phong tục tập quán của người dân làng chài nổi trên biển là điều mà Minh thấy hứng thú nhất khi kể với du khách, từ đám cưới, đám hỏi, tục lệ đón chào một đứa trẻ ra đời, hay đưa tiễn người đã khuất với những đặc trưng rất riêng…, cho đến những câu hát, hò vè trong đám cưới, lễ tết, hay là những câu hát giao duyên mà bạn chài “bắt chuyện” với nhau khi đi đánh cá trên biển.
Nam: Trên mây xa dưới hòn Gà Chọi
Anh hát câu này anh gọi mình ra
Những lời mình hát hôm qua
Hôm nay hát lại mau ra hát cùng…
Nữ: Thuyền nào mà véo mà von
Trời còn chưa sáng, đầu non trăng mờ
Có lòng thì đợi thì chờ
Có lòng thương bến thương bờ thì neo
(Hát đối của ngư dân trên Vịnh)
Trong khu vực Vịnh có rất nhiều đền thờ đại diện cho tín ngưỡng, tâm linh của người dân chài Hạ Long, như đền Bà Men, đền Cậu Vàng, đền Đầu Mối. Mỗi lần trước khi ngư dân đi đánh bắt hay có việc gì quan trọng, kể cả đám cưới, đám ma, đều làm lễ cúng thủy thần, cầu xin mọi việc tốt lành, thuận lợi, gặp nhiều may mắn. Hằng năm, ngư dân tổ chức những lễ hội như lễ hội đền Cậu Vàng vào dịp 16/4 âm lịch, lễ hội đền Bà Men vào dịp 19, 20 tháng Giêng hằng năm…
Đặc biệt, theo Nguyễn Thị Minh, ở làng chài Cửa Vạn xưa, các tập tục trong các nghi lễ của đời sống cũng có nhiều điểm khác biệt với trên bờ. Chẳng hạn như đám cưới, nhà trai muốn rước dâu thì phải hát đối đáp giao duyên. Nhà gái sẽ chăng 3 dải lụa tượng trưng cho “3 ngõ”: lụa vàng, lụa xanh và lụa đỏ tượng trưng cho “ngõ khách”, “ngõ treo”, “ngõ hoa”. Nhà trai vì thế phải “mượn” những người hát giỏi ở làng để giúp hát đối đáp, tháo dần những “ngõ” treo ở thuyền nhà gái.
Ngoài ra, người làng chài còn rất thông thạo cách trông trời, trông đất để biết được thời tiết như thế nào, luồng cá theo hướng nào để đánh bắt cho thuận lợi.
Một trong những tri thức dân gian quý được truyền lại qua nhiều đời ngư dân là những bài thuốc dân gian được lấy từ các loại cây trên núi cao trong vịnh. “Ngày xưa không có thuyền máy hay những phương tiện đi lại thuận tiện, nhanh như bây giờ, cho nên ngư dân mỗi khi đau ốm, bệnh tật thường sử dụng ngay nguồn cây cỏ tại chỗ để làm các bài thuốc cho mình. Những bài thuốc dân gian này được lưu truyền qua nhiều thế hệ và còn cho đến ngày nay” – Nguyễn Thị Minh kể.
Đền Bà Men nằm ở phía nam Vịnh Hạ Long, cách Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu khoảng 30km. Theo lời kể của các ngư dân Hạ Long, xưa kia có người phụ nữ tên tục là Men, trong quá trình đi đánh bắt gặp giông tố, thuyền bị lật, xác bà trôi vào vụng phía Tây Bắc đảo Đầu Bê, Vịnh Hạ Long. Ngư dân thương cảm mới vớt đem mai táng và lập ngôi đền nhỏ để thờ. Từ đó, hễ ai có việc cần kêu cầu lên đền thảy đều linh ứng, mọi việc thuận lợi. Ngôi đền lúc đầu chỉ là một ngôi miếu lợp cỏ. Đến năm 1985, ông Nguyễn Văn Miên (Cát Bà, Hải Phòng) đã cho xây dựng thành ngôi đền khang trang hơn. Đền đã trải qua các lần trùng tu vào năm 2006, sửa chữa lớn năm 2019.
Lễ hội đền Bà Men gồm 2 phần lễ và hội. Lễ là nghi thức cúng tế ngư dân trên biển; hội gồm kéo co, bơi chải... Trước ngày lễ hội đền, ngư dân khắp nơi kéo về neo thuyền chật kín vùng biển trước cửa đền. Gia đình nào cũng làm một mâm lễ vật mang vào đền thắp hương với mong muốn một năm trời yên, biển lặng, làm ăn thuận lợi. Sau khi làm lễ, ngư dân ở lại tham gia cổ vũ cho các đội kéo co, bơi chải.
Những giá trị văn hoá đặc sắc của vùng biển Vịnh Hạ Long đang được nhiều thế hệ cư dân gì giữ, lan tỏa, và góp phần làm đẹp thêm những vẻ lấp lánh muôn màu của “viên ngọc quý” Hạ Long. Những giá trị này cũng còn nhiều điều thú vị cần khám phá đối với các nhà nghiên cứu, những người yêu quý, tôn vinh truyền thống văn hoá dân tộc.
Những điểm du lịch mới khảo sát trên Vịnh Hạ Long
Cùng với những giá trị mới, nhiều điểm du lịch, thắng cảnh gồm hang động, điểm đảo, bãi biển mới đã được Ban Quản lý Vịnh khảo sát, thăm dò, đánh giá để nghiên cứu đưa vào khai thác trong tương lai. Như Trưởng Ban Quản lý Vịnh Vũ Kiên Cường nói, hiện tại chúng ta mới khai thác được khoảng 20% giá trị của Vịnh Hạ Long. Chính vì thế những điểm đảo mới khảo sát này có ý nghĩa rất lớn trong việc làm phong phú thêm những vẻ đẹp và sức hấp dẫn của Vịnh.
Một số hang động, bãi biển mới khảo sát:
Động Thiên Long nằm trên dãy đảo Đầu Gỗ, là di tích khảo cổ thuộc nền văn hóa Soi Nhụ (cách ngày nay 18000 - 7000 năm), phù hợp phát triển dịch vụ tham quan di tích khảo cổ kết hợp trải nghiệm giá trị cảnh quan và địa chất - địa mạo của hang.
Động Hoa Cương nằm trên hòn Vếu, có thạch nhũ, cột đá, rèm đá, nhũ viền và ngọc động..., phù hợp phát triển dịch vụ tham quan hang động, khám phá giá trị cảnh quan và giá trị địa chất - địa mạo của hang.
Khu vực Hang Hanh (hang Hanh và áng hang Hanh) nằm trên hòn Bom Mê. Hang có hệ thống thạch nhũ. Áng hang Hanh đẹp, rộng khoảng 14ha, là một hồ nước mặn lớn, có hang ngầm thông với bên ngoài ra khu vực vụng Ba Cửa, phù hợp phát triển dịch vụ tham quan hang động, khám phá hệ sinh thái tùng áng. Có thể phát triển tiệc đêm trong hang nếu sau này có các cụm neo đậu ven bờ,
Áng Vụng Ong nằm trên hòn Vụng Ong, hệ động thực vật phong phú, phù hợp phát triển dịch vụ tham quan hệ sinh thái Tùng áng.
Khu vực hang Đại Thành (hang Đại Thành và áng Đại Thành 1, 2) nằm trên hòn Vụng Chậu, là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như: Hệ sinh thái thảm thực vật trên đảo, hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven chân đảo, hệ sinh thái Hang động, hệ sinh thái rừng ngập mặn... Phù hợp phát triển dịch vụ tham quan hang động, khám phá hệ sinh thái tùng áng.
Đảo Lờm Bò là một trong những đảo đất hiếm có trên vịnh Hạ Long. Hiện trên đảo đã có vườn cây ăn quả, cây cảnh, cây lấy gỗ trù phú, ở phía sườn đồi, phía ven chân đảo có bãi cát tự nhiên, đã xây kè làm đường, có cây cảnh, có hệ thống nước ngọt tự nhiên ... Trên đảo có 1 hang động quy mô lớn, có giá trị thẩm mỹ, có bãi tắm, phù hợp với phát triển du lịch tham quan sinh thái đảo, tham quan hang động, dịch vụ bãi tắm và tổ chức ăn nhẹ trên bãi cát kết nối với điểm lưu trú đã đầu tư tại khu vực Hòn Lờm Bò (cách khoảng 500m).
Hang Đình Thu nằm trên đảo Bồ Hòn, có quy mô khá lớn, với hệ thống thạch nhũ trong hang đa dạng về kích thước và hình thái, có giá trị thẩm mỹ cao, phù hợp phát triển dịch vụ tham quan hang động theo hình thức tự nhiên (dùng đèn pin tự khám phá).
Hang Trống nằm trên hòn Cây Chay, có không gian khoáng đạt, cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, rêu phong, cổ kính. Hang Trống còn là di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Soi Nhụ (18000-7000 năm). Nền hang được đầu tư hệ thống sàn gỗ, bằng phẳng.
Khu vực hang Trinh Nữ (hang Trinh Nữ và bãi cát hang Trinh Nữ) nằm phía Đông Bắc dãy đảo Bồ Hòn, có cảnh đẹp và bãi tắm hoang sơ. Hang là di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Hạ Long, cách ngày nay khoảng 4.500 năm.
Hang Hồ Động Tiên và áng Hồ Động Tiên nằm trên dãy đảo Bồ Hòn, có hệ thống thạch nhũ đa dạng. Đi xuyên qua hang sẽ đến chỗ có một hồ nước được gọi là Áng Tiên, thực chất là một phễu karst bị ngập nước biển phần đáy. Áng được bao bọc kín đáo giữa các núi đá vôi.
Khu vực Hồ Động Tiên - Hang Trinh Nữ được công bố là vùng vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long, là 1 trong 5 cụm điểm neo đậu tàu lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long.
Áng Bù Xám nằm trên hòn Bù Xám, là 1 trong 7 khu bảo tồn của rừng đặc dụng vịnh Hạ Long, phù hợp phát triển dịch vụ tham quan nghiên cứu, học tập.
Khu vực Áng Dù (áng Dù và bãi cát áng Dù) nằm trên đảo Hang Trai, có nền cát, cát bùn, nhiều rong biển, tôm, cá, kín và không thấy có sự lưu thông với môi trường xung quanh. Tại đây phát hiện 4 loài chỉ thấy phân bố tại khu vực áng Dù. Phía trước áng Dù là một bãi cát tự nhiên, quanh năm có sóng, cảnh quan thoáng đạt, hoang sơ, chưa có sự tác động của con người.
Bãi cát Cọc Chèo (thuộc khu vực đảo Hang Trai) nằm trên đảo Hang Trai, có cảnh quan hoang sơ, tĩnh lặng, được bao bọc, che chắn bởi các vách đá dựng đứng với muôn hình vạn trạng đan vào nhau như một mê cung huyền ảo. Khu vực bãi cát hòn Cọc Chèo (thuộc khu vực đảo Hang Trai) là nơi được đạo diễn lừng danh Jordan Vogt-Roberts chọn để bấm máy một số cảnh quay trong bộ phim “bom tấn” của Hollywood “Kong: Skull Island” (Đảo Đầu Lâu).
Khu vực Hồ Ba Hầm nằm trên đảo Đầu Bê, là một hệ thống gồm 3 áng biển, có các vách dựng đứng, thông với nhau từng đôi một qua 3 hang luồn hẹp, uốn khúc quanh co giống như những đường hầm. Khi thủy triều lên, các hang bị ngập nước tạo nên các bức tường thành ngăn cách các hồ nước bên trong với thế giới bên ngoài. Khu vực này còn có hệ sinh thái rừng thường xanh trên núi đá vôi với đặc trưng là các loài thực vật có khả năng chịu hạn tốt, rễ bám sâu vào những khe nứt trên các vách đá dựng đứng để phát triển.
Bãi cát khu vực đảo Đầu Bê, nằm trên đảo Đầu Bê, gồm nhiều bãi cát, là 1 trong 3 khu vực hoạt động của du thuyền khám phá.
Động Tam Cung nằm trên hòn 365, có hệ thống thạch nhũ phong phú, phù hợp phát triển dịch vụ tham quan hang động theo hình thức tự khám phá.
Hang Vụng Gianh nằm ở mặt Đông của hòn Vụng Gianh, với nền hang là nền karst cổ có tích tụ của trầm tích màu nâu đỏ; phù hợp phát triển dịch vụ tham quan hang động.
Hang Cặp Lờm nằm trên hòn Cặp Lờm. Các dấu tích về chữ viết trên vách hang cho thấy đây có lẽ là một trong những điểm xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển trong những năm chiến tranh chống Mỹ khốc liệt.
Bãi cát hòn Lưỡi Liềm nằm trên hòn Lưỡi Liềm, thuộc Dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo hệ sinh thái san hô kết hợp phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng tại khu vực Vụng Hà - Bọ Hung - Lưỡi Liềm…
Ngày xuất bản: 2/12/2024
Thực hiện theo Hợp đồng hợp tác truyền thông số 04/2024/HĐHTTT/STTTT-BND