
Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết quan trọng “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Chuyên đề “Cách mạng chuyển đổi số để phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” của Báo Nhân Dân phân tích những tư tưởng mới, mang tính đột phá của Tổng Bí thư Tô Lâm về cuộc cách mạng chuyển đổi số, xây dựng phương thức sản xuất số để phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất trong kỷ nguyên mới, phân tích những khó khăn, thách thức và sự cần thiết phải có cuộc cách mạng; từ đó, đưa ra những định hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Bài 1:
Cách mạng chuyển đổi số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, phải có một cuộc cách mạng chuyển đổi số để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đồng thời, chỉ rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện trong thời gian tới để chuyển đổi số thực sự là cuộc cách mạng.
Trước lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đều cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư có tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội, tạo khí thế mới trong toàn Đảng, toàn dân - khí thế của những người làm cách mạng trong thời đại số.
“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” là thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm trong một số bài viết, bài phát biểu quan trọng trong những sự kiện đặc biệt của đất nước thời gian qua. Thông điệp của người đứng đầu Đảng như lời hiệu triệu, thúc giục tinh thần hành động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để thực hiện khát vọng xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với thế và lực đã tích lũy được sau 40 năm đổi mới, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Làm thế nào để Việt Nam “tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã lý giải một phần câu hỏi này qua bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Trong bài viết quan trọng này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện những quan điểm rất mới, có tính lý luận cao về vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số.
Cần có cuộc cách mạng số trong kỷ nguyên mới
Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: chuyển đổi số phải thực sự là một cuộc cách mạng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
“Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại” - Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trong Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, đây vừa là sự kiện để chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, vừa triển khai các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số.
"Công cuộc chuyển đổi số khó, nhưng không khó bằng những khó khăn, thử thách mà dân tộc ta đã vượt qua trong lịch sử", Thủ tướng nhận định.
"Chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
"Chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Cũng tại đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số khẳng định: Với phát biểu về chuyển đổi số của Tổng Bí thư Tô Lâm vào đúng ngày kỷ niệm thành lập nước 2/9/2024, thì chuyển đổi số Việt Nam đã thực sự trở thành sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng và toàn dân ta.
Chỉ khi chuyển đổi số trở thành sự nghiệp, thành công việc hàng ngày của toàn Đảng, toàn dân thì giá trị của chuyển đổi số mang lại cho đất nước mới thực sự là to lớn. Chỉ khi đó, chuyển đổi số mới là động lực chính cho phát triển.
Có thể coi 4 năm qua là khởi động, là thí điểm, là thành công bước đầu ở một số lĩnh vực, là hình thành lý luận và cách làm chuyển đổi số Việt Nam. Và năm thứ 5 này, nó đã thực sự trở thành sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Chuyển đổi số trở thành trọng tâm trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, vì vậy, cần có đột phá chiến lược cho chuyển đổi số. Đó là đột phá về thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số và cán bộ số.




Hành trang của Việt Nam làm cách mạng chuyển đổi số
Trong bài viết của mình, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã phân tích mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong các giai đoạn lịch sử phát triển của Việt Nam. “Quá trình này diễn ra qua nhiều giai đoạn, phản ánh sự vận động và phát triển không ngừng của Cách mạng Việt Nam”, Tổng Bí thư Tô Lâm viết.
Nhìn vào các giai đoạn này, cứ khi nào lực lượng sản xuất phù hợp quan hệ sản xuất là đất nước phát triển. Khi nào quan hệ sản xuất bị trì trệ, mâu thuẫn với lực lượng sản xuất thì đất nước không phát triển. Điều này cho thấy quy luật kinh tế cơ bản, phổ biến này đã chi phối mọi phương thức sản xuất, không loại trừ một quốc gia dân tộc nào.
Theo dẫn chứng của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta đã trải qua những giai đoạn khá đặc biệt, đó là trước Đại hội VI của Đảng năm 1986, vì muốn tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội nên đã đẩy quan hệ sản xuất đi trước lực lượng sản xuất khiến nền kinh tế chậm phát triển.
“Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị là bước đột phá về đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp khi chính thức thừa nhận hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ và trao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân, phù hợp với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất”, Tổng Bí thư Tô Lâm viết. Bằng việc tháo gỡ mâu thuẫn trong quan hệ sản xuất qua Nghị quyết “khoán 10”, đất nước đã phát triển và duy trì sự phát triển trong gần 40 năm.
Phân tích sâu về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở giai đoạn này, TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, có ba động lực tăng trưởng kinh tế cơ bản: Một là, gia tăng các yếu tố đầu vào; hai là, nâng cao chất lượng các yếu tố đầu vào; ba là, hoàn thiện cách thức tổ chức sản xuất và hệ thống động lực sản xuất.
Trong đó, các yếu tố đầu vào và chất lượng các yểu tố đầu vào chính là biểu hiện của lực lượng sản xuất. Hệ thống động lực sản xuất và cách thức tổ chức sản xuất chính là các quan hệ sản xuất.
Quan hệ sản xuất gồm ba mối quan hệ chính: Một là, quan hệ về sở hữu; hai là quan hệ về tổ chức và quản lý sản xuất; ba là quan hệ về phân phối.
Lực lượng sản xuất vận động theo các quy luật khách quan và chịu tác động của quan hệ sản xuất.
Thí dụ, trước chủ trương “khoán 10” và các chính sách giao đất cho nông dân, đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước - quan hệ sở hữu. Người nông dân làm việc trên các cánh đồng do Nhà nước quản lý và nộp lại nông sản cho Nhà nước phân phối – quan hệ phân phối. Lực lượng sản xuất ở đây là người nông dân, công cụ của người nông dân như con trâu, cái cày,…
“Mối quan hệ sản xuất kiểu cũ này đã tác động tiêu cực lên lực lượng sản xuất bằng cách triệt tiêu động lực của người nông dân. Kẻng gõ thì đi làm, người làm nhiều hay làm ít đều được chia đều như nhau. Chính điều này khiến không còn ai muốn nỗ lực để làm tốt hơn”, TS Nguyễn Tú Anh giải thích.
Sau chính sách “khoán 10”, người nông dân được sở hữu ruộng đất – quan hệ sở hữu thay đổi. Người nông dân chỉ cần nộp lại một phần sản lượng cho Nhà nước, phần còn lại sẽ thuộc về họ - quan hệ phân phối thay đổi.
Quan hệ tổ chức và quản lý sản xuất cũng bắt đầu thay đổi, hay như Lê-nin nói: “Hãy để người nông dân nghĩ trên luống cày". Điều này dẫn tới sự thay đổi của lực lượng sản xuất: Người nông dân bắt đầu suy nghĩ làm gì để được thu hoạch nhiều hơn? Cần cải tiến nông cụ thế nào để lao động hiểu quả hơn?... Theo đó, người dân có động lực để làm việc chăm chỉ và thông minh hơn.
Theo TS Nguyễn Tú Anh, có thể nói, “khoán 10” đã biến Việt Nam từ nước nhập khẩu gạo thành cường quốc xuất khẩu gạo. Đây chính là một ví dụ rất điển hình về sự thay đổi của quan hệ sản xuất tác động lên sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Xã viên HTX Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cấy lúa mùa trên ruộng nhận Khoán 10 mùa vụ 1989. Ảnh: TTXVN
Xã viên HTX Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cấy lúa mùa trên ruộng nhận Khoán 10 mùa vụ 1989. Ảnh: TTXVN
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phân tích rất rõ quá trình chuyển đổi quan hệ sản xuất ở nước ta trong suốt 40 năm đổi mới. Nhờ đó, quan hệ sản xuất đã tạo ra những thành tựu to lớn cho đất nước ta. Khoán 10 và các chính sách giao đất cho nông dân đã biến Việt Nam từ nước nhập khẩu gạo thành cường quốc xuất khẩu gạo. Chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, thừa nhận quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh của người dân đã tạo ra được lực lượng doanh nhân hùng mạnh ngày nay, cạnh tranh sòng phẳng với các cường quốc kinh tế trên thị trường thế giới.
Nhờ chính sách đổi mới, chúng ta đã có các tập đoàn kinh tế như Vingroup, Hòa Phát, FPT, Vinamilk, TH TrueMilk,… các tập đoàn xây dựng làm chủ công nghệ hiện đại như Đèo Cả, Sơn Hải,… các doanh nghiệp nhà nước như Viettel, PVN, VNPT,…
“Rõ ràng sau 40 năm đổi mới lực lượng sản xuất Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc qua đó tạo ra vóc dáng ngày nay của đất nước, thế và lực mới cho đất nước trên trường quốc tế”, TS Nguyễn Tú Anh nhận định.
Cách mạng chuyển đổi số để điều chỉnh sự bất cập của quan hệ sản xuất
Tuy nhiên, hiện tại, cách mạnh công nghiệp lần thứ tư đã đẩy trình độ khoa học công nghệ lên cao, tạo ra sự phát triển rất mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, thì quan hệ sản xuất của chúng ta lại chưa theo kịp. Trong phần 2 của bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phân tích về hiện trạng này như sau: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển công cụ sản xuất trong nền kinh tế số tạo ra biến đổi sâu sắc của lực lượng sản xuất, dẫn đến những mâu thuẫn mới với quan hệ sản xuất hiện hữu; vừa tạo tiền đề, động lực hình thành phương thức sản xuất mới trong tương lai, vừa đòi hỏi thay đổi căn bản cách thức tổ chức sản xuất và quản lý xã hội.
Lực lượng sản xuất mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ; song chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong khi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao, vẫn là thách thức lớn. Quan hệ sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất”.
Phân tích về sự bất cập này, PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, hiện nay trong nền kinh tế ở nước ta, lực lượng sản xuất mới – lực lượng sản xuất số đang hình thành và phát triển mạnh mẽ, nhưng quan hệ sản xuất chưa thay đổi kịp để đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất số, vì vậy đòi hỏi cả ba mặt của quan hệ sản xuất là quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức quản lý và quan hệ phân phối phải vận động, biến đổi mạnh hơn theo hướng phát triển quan hệ sản xuất số để tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất số phát triển phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.
Cụ thể hơn, TS Nguyễn Tú Anh cho biết, tới thời điểm hiện tại, chỉ 28% lực lượng lao động Việt Nam có qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp; ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh; 72% xuất khẩu của Việt Nam là do các doanh nghiệp FDI thực hiện, 28% do doanh nghiệp trong nước nhưng chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp và ngành lao động giản đơn; năng suất lao động bình quân của người lao động Việt Nam chỉ bằng 7,6% năng suất lao động của Singapore, 19,5% của Malaysia, 37,9% của Thái Lan, 45,6% của Indonesia.
Có rất nhiều câu hỏi phải đặt ra như: Tại sao người lao động Việt Nam không hào hứng với việc đi học nghề, học kỹ năng để nâng cao tay nghề? Tại sao cho đến nay Việt Nam chưa có những doanh nghiệp dẫn dắt chuỗi giá trị toàn cầu? Tại sao sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia là rất hạn chế? …
“Thực tế này cho thấy quan hệ sản xuất ở nước ta vẫn chưa khuyến khích sự phát triển lực lượng sản xuất, chưa theo kịp sự phát triển lực lượng sản xuất trên thế giới. Hay nói như Tổng Bí thư Tô Lâm, “quan hệ sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất””, TS Nguyễn Tú Anh nói.
Đồng tình với PGS, TS Vũ Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng, quan hệ về sở hữu, quan hệ về tổ chức và quản lý sản xuất, quan hệ về phân phối đều đang có những bất cập.
Về mặt sở hữu: Những vướng mắc trong việc xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước để tiến hành cổ phần hóa chủ yếu nằm ở việc xác định ai là chủ sở hữu các loại tài sản mà doanh nghiệp đang sử dụng. Tương tự việc giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án công cũng bị kéo dài triền miên cũng xuất phát từ quan hệ sở hữu. Chúng ta cũng chưa rõ ràng về quyền sở hữu các tài sản ảo, quyền chiếm hữu các tài sản này (như tiền kỹ thuật số, tài sản ảo trong games, v.v…).
Về mặt tổ chức và quản lý sản xuất: Đảng nhất quán xác định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, chưa có sự phân định rõ ràng giữa về nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước dẫn đến sự kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước nhưng không rõ trách nhiệm. Các luật trong hoạt động kinh tế như luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, luật Đầu tư công, luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, luật Kinh doanh bất động sản, luật Đất đai,…đã có nhiều bất cập nhưng chậm sửa đổi, và sửa đổi rồi lại tiếp tục sửa đổi. Đó đều là những ví dụ cụ thể về sự bất cập trong tổ chức và quản lý sản xuất, TS Nguyễn Tú Anh cho hay.
Sau khi phân tích những bất cập của quan hệ sản xuất, chưa theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.
Bốn nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng chuyển đổi số
Để thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, trong phần 3 của bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: “người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, sau đây:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, kiên định mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới, như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo... bảo đảm khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh hiện đại hóa. Có cơ chế, chính sách phù hợp huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế; nguồn lực từ đất đai, tài sản trong xã hội mà người dân đang tích luỹ, biến những tiềm năng này thành động lực, tư liệu sản xuất, để sản xuất ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn trong và ngoài nước cho phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy tối đa nguồn lực con người -nhân tố quyết định của sự nghiệp đổi mới. Có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Trong quá trình cải cách, bám sát nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Việc tinh gọn bộ máy phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhằm thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, theo PGS, TS Vũ Văn Phúc cần phải có một số thay đổi sau:
Một là, thay đổi về nhận thức, có tư duy mới về cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Hai là, có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Ba là, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị vào thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Bốn là, tập trung xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt trong thực tiễn thể chế, cơ chế, chính sách chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội.
Năm là, khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực con người - nhân tố quyết định của sự nghiệp đổi mới, của cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Sáu là, hiện thực hóa cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Bảy là, bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số...
Chúng ta đã nhắc đến khái niệm chuyển đổi số (digital transformation) trong suốt thời gian dài. Chúng ta dã thành lập Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu nhằm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.
Nhưng phải đến bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số mới được đề cập toàn diện và sâu sắc đến như vậy. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng, Nhà nước tuyên bố chuyển đổi số là một cuộc cách mạng. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về cách mạng chuyển đổi số được đúc rút từ thực tiễn với tầm nhìn lý luận cao, phát triển dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đã tạo nên một khí thế mới trong toàn Đảng, toàn dân - khí thế của những người làm cách mạng.
Chuyên gia Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII):
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về nền tảng tư duy
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về nền tảng tư duy hướng tới một hình thái tổ chức (mô hình kinh doanh) mới, trong đó công nghệ là động lực, xã hội số (văn hóa doanh nghiệp) là nền tảng dẫn động, và được dẫn đạo bởi sự chuyển đổi của nền tảng từ vốn tài chính (capital) sang vốn dữ liệu (data-capital).
Định nghĩa này phản ánh sự chuyển dịch từ các nguồn lực truyền thống sang việc tận dụng dữ liệu như một tài nguyên quan trọng, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững và toàn diện.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy những sự thay đổi sâu sắc trong cả hai yếu tố lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT:
Cần một cuộc cách mạng chuyển đổi số cấp bách, đúng thời điểm
Có thể nói là cộng đồng công nghệ thông tin vô cùng mừng vui với bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm vào Ngày Quốc khánh 2/9 vừa qua. Bài viết có ba điểm:
Thứ nhất là rất quan trọng.
Thứ hai là sâu sắc.
Thứ ba là có tác động mạnh mẽ.
Người ta nói cách mạng là khi nào?
Nếu sự thay đổi mà kéo dài trong một thời gian dài thì nó là gọi là biến hóa, tiến hóa. Còn thay đổi trong một thời gian rất ngắn thì nó là cách mạng. Thực sự đất nước ta đang cần một cuộc cách mạng như vậy để chuyển từ một dân tộc có thu nhập trung bình, tiến vào dân tộc có thu nhập cao, dân tộc tiên tiến. Và thời gian không còn nhiều, nếu chúng ta không làm ngay bây giờ không có lúc nào làm được nữa.
Cho nên tính cấp bách, tính trọng yếu, tính thời điểm rất quan trọng, nhất là khi vận hội đất nước đang lên.
Lâu nay, chúng ta cũng nói về công nghệ rất nhiều nhưng mà thuần công nghệ thì chỉ có những người làm công nghệ hiểu. Nếu chỉ những người làm trong ngành công nghệ góp công thì rất là chậm.
Bây giờ, chúng ta đưa các thuật ngữ: cách mạng, tư liệu sản xuất, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất khi nói về chuyển đổi số thì chạm đến cả xã hội và tất cả mọi người đều phải hành động. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm rất sâu sắc và sẽ tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội theo cách không lường được từ trước đến nay.
Chúng ta đã từng nghe cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bây giờ chúng ta biết đến cách mạng chuyển đổi số. Tại sao Tổng Bí thư lại chọn thuật ngữ “cách mạng chuyển đổi số”? Hai cuộc cách mạng, hai thuật ngữ này có rất nhiều điểm chung; Nhiều điểm không rõ thuộc cuộc cách mạng nào trong số hai cuộc cách mạng trên.
Ví dụ, ô-tô điện, ô-tô tự lái, tự vận hành, nếu hỏi trong đây là thành quả của cuộc cách mạng nào là rất khó phân định. Tuy nhiên, chúng ta cần phải làm rất rõ là: cách mạng công nghiệp lần thứ tư có hàm ý chủ yếu nói về máy móc; trong khi cách mạng chuyển đổi số chủ yếu nói về con người và phương thức làm việc.
Tổng Bí thư Tô Lâm có sự chọn lọc thuật ngữ rất phù hợp với Việt Nam. Vì nếu chạy đua theo cách mạng máy móc, chúng ta không không giỏi bằng người Đức, người Nhật. Song, người Việt Nam không thua người Nhật, người Đức về sáng tạo, về tinh thần học hỏi. Khi chúng ta khai thác được sức mạnh ấy của Việt Nam thì đây sẽ là bước đi chiến lược.
TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương
Cách mạng chuyển đổi số tạo cơ hội để giải bài toán bất cập của quan hệ sản xuất
Cuộc cách mạng chuyển đổi số đang tạo ra cơ hội để giải bài toán bất cập giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, chứ bản thân nó không phải là yếu tố quyết định.
Nếu quan hệ sản xuất không thay đổi để tạo điều kiện nắm bắt và tận dụng những ưu thế của cuộc cách mạng chuyển đổi số thì bài toán này vẫn tiếp tục bế tắc. Tuy nhiên. nếu ta tập trung chuyển đổi các quan hệ sản xuất theo hướng tận dụng tối đa những ưu thế của kỹ thuật số mang lại thì chắc chắn sẽ tạo ra được một phương thức sản xuất mới, hiệu quả hơn và hiện đại hơn đó là “phương thức sản xuất số”.
Đây phương thức sản xuất chủ yếu ứng dụng công nghệ số và mạng internet trong quá trình tạo ra giá trị. Phương thức này bao gồm các hoạt động như sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc ra quyết định, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư dựa trên nền tảng số, sản xuất tự động, tối ưu hóa quy trình sản xuất, và cung cấp hàng hóa qua các nền tảng trực tuyến. Phương thức sản xuất số cho phép cải thiện hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tạo ra những mô hình kinh doanh mới.
PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương:
Quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm là đúng đắn và có tầm nhìn vượt trước
Cả trong lý luận và thực tiễn đều chứng minh những quan điểm trong bài viết của Tổng Bí thư là hoàn toàn đúng đắn, có tầm nhìn vượt trước, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là thách thức, vừa là cơ hội, thời cơ cho đất nước ta phát triển. Việt Nam phải chớp lấy thời cơ, vận hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để phát triển bứt phá, tăng tốc để đuổi kịp, tiến cùng, thậm chí vượt trước trên một số lĩnh vực so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, cuộc cách mạng chuyển đổi số trở thành lời giải cho bài toán phát triển đất nước hiện nay.
Ngày xuất bản: 28/10/2024
Tổ chức sản xuất: Ngô Việt Anh
Thực hiện: Hồng Vân - Uyển Hương - Thiên Lam - Ninh Cơ
