Những thách thức
phải vượt qua

Không phải quốc gia có nền kinh tế phát triển nào cũng triệt để áp dụng EMR. Tính tới năm 2021 ngay ở Mỹ, với trên 320 triệu dân, EMR mới phổ cập ở mức 75%. Con số này ở Đức, Pháp, Australia… xấp xỉ 90%. Ở Việt Nam, theo lộ trình được đề ra tại Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, đến hết năm 2028, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, và trong những trường hợp cá biệt, mốc thời gian cuối cùng cũng chỉ đến năm 2030…
Bài toán kinh phí: Chưa có lời giải?
Bắt đầu triển khai EMR từ tháng 4/2023; tới tháng 9/2024 được Bộ Y tế và các sở, ban, ngành liên quan thẩm định, công bố vào tháng 10 năm 2024, Bệnh viện Nhi Nam Định là đơn vị đầu tiên của tỉnh, cũng như 104 cả nước áp dụng bệnh án điện tử. Thuận lợi vì là “đơn vị thí điểm triển khai bệnh án điện tử đầu tiên của toàn tỉnh nên được sự hỗ trợ, ủng hộ mọi mặt của Sở Y tế và sự hỗ trợ kinh phí của UBND tỉnh”, bệnh viện đã mạnh dạn “đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, trang thiết bị: máy tính; mạng nội bộ; hệ thống mạng Wifi truy cập internet tốc độ cao; máy chủ chuyên dụng; phần mềm hệ thống; thiết bị tường lửa; thiết bị đọc, in mã vạch; máy chủ NAS; hệ thống lấy số xếp hàng tự động; màn hình hiển thị; Hệ thống lưu trữ dự phòng; phần mềm giám sát mạng bệnh viện; chữ ký số... Áp dụng đồng bộ các phần mềm gồm: hệ thống quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống quản lý phòng xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS, PACS), phần mềm bệnh án điện tử (EMR), phần mềm CKS”, Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Đinh Công Minh cho biết.
Đặc thù của bệnh viện, bệnh nhân toàn là trẻ em, phần lớn là các bệnh nhi nhỏ tuổi, nên hầu hết chưa có căn cước công dân nên mỗi bệnh nhi được cấp một “mã số quản lý, lưu trữ bệnh án điện tử”, bác sĩ Đinh Công Minh chia sẻ. Tuy nhiên nhiều vướng mắc vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ, ví như: Việc lưu trữ hồ sơ theo quy định của Thông tư 46/2018/TT-BYT “bao gồm cả lưu trữ tại cơ sở và thuê lưu trữ dự phòng bên ngoài” tạo thêm áp lực chi phí cho viện trong khi: “chưa cơ cấu chi phí công nghệ thông tin vào chi phí khám chữa bệnh”, bác sĩ Đinh Công Minh bày tỏ.
Khác với hình dung của số đông, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử tại các cơ sở y tế quy mô lớn, có thể gặp khó khăn, thách thức nhiều so với các bệnh viện quy mô nhỏ hơn. Theo TS Phạm Xuân Viết - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), Phú Thọ nằm trong số các địa phương áp dụng EMR tốt hàng đầu cả nước: “18/18 bệnh viện công của tỉnh đã xây dựng được EMR thay thế bệnh án giấy, kể cả bệnh viện tuyến huyện. Một trong ba bệnh viện tư nhân của Phú Thọ cũng xây dựng xong EMR”. Dù nằm ở một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Bệnh viện đa khoa Hòa Bình khi triển khai EMR đã chú trọng “xây dựng hệ thống kiểm soát BAĐT: kiểm soát chữ ký, kiểm soát số tờ, kiểm soát trùng thời gian và các cảnh báo chống xuất toán bảo hiểm y tế”… và tích hợp dữ liệu dân cư theo Đề án 06 để thống nhất dữ liệu xuyên suốt.
Quảng Ninh - địa phương vùng đông bắc cũng đã ứng dụng EMR ở nhiều bệnh viện của tỉnh. Năm 2023, các cơ sở KCB hạng I của Quảng Ninh đã hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Sang năm 2024 và dự kiến hết 2025, tất cả các cơ sở còn lại phải triển khai EMR, ngành y tế Quảng Ninh đặt mục tiêu.
Bệnh viện Nhi Nam Định đã áp dụng Hồ sơ bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy từ 1/11/2024.
Bệnh viện Nhi Nam Định đã áp dụng Hồ sơ bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy từ 1/11/2024.
Nỗi lo an toàn hệ thống?
Ứng dụng CNTT nói chung đã đem lại rất nhiều lợi ích dễ dàng nhìn thấy. Theo Hội Tin học y tế Việt Nam, nếu các cơ sở y tế tuân thủ yêu cầu về Đơn thuốc điện tử, sẽ mang lại hiệu quả lớn cho cả hệ thống vì: “Khi một đơn thuốc được tạo ra, phần mềm cơ sở khám chữa bệnh song song gửi đơn thuốc tới người bệnh và gửi về hệ thống đơn thuốc quốc gia để lưu giữ. Khi người bệnh tới cơ sở bán lẻ thuốc, thông qua mã đơn thuốc 14 ký tự (quy định tại TT04/2022), phần mềm cợ sở bán lẻ thuốc nhập vào có thể gọi đơn thuốc ra từ Hệ thống đơn thuốc quốc gia để thực hiện việc bán thuốc theo đơn. Sau quá trình cấp bán thuốc, phần mềm cơ sở bán lẻ thuốc gửi báo cáo về số lượng đã bán trên mỗi đơn thuốc về lưu giữ trên hệ thống đơn thuốc quốc gia. Người bệnh tới cơ sở bán thuốc tiếp theo, thông qua mã đơn thuốc phần mềm cơ sở bán thuốc gọi được báo cáo về mỗi đơn thuốc trên cơ sở lần bán cuối cùng và từ đó tránh bán thuốc quá đơn hoặc không đơn. Hệ thống cảnh báo đơn đã bán 1 phần, toàn phần hay hết thời hạn hiệu lực để cơ sơ bán thuốc tuân thủ đúng quy định”.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình triển khai Đề án 06 liên thông dữ liệu dân cư với Hồ sơ bệnh án điện tử tạo nhiều thuân lợi cho người bệnh.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình triển khai Đề án 06 liên thông dữ liệu dân cư với Hồ sơ bệnh án điện tử tạo nhiều thuân lợi cho người bệnh.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau 5 năm triển khai EMR, đơn thuốc điện tử: “100% đã dùng bệnh án điện tử, không in phim. Sai sót xuất toán bảo hiểm y tế giảm đi 10 lần. Tính riêng quý I/2023 xuất toán bảo hiểm chỉ còn 118 triệu/150 tỷ đồng. Hiệu suất công việc tăng 15%. Sai sót y khoa giảm 20%. Thời gian chờ đợi của người bệnh giảm 22% và giảm 90% giấy tờ khi đến khám, chữa bệnh. Ngược lại, bệnh viện tiết kiệm được 25% chi phí mỗi năm dành cho văn phòng phẩm, thuê kho, mua phim…”. Tuy nhiên vẫn có nhiều thách thức, thậm chí mối lo tiềm ẩn ngay trong những kết quả đạt được, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết: “Toàn bộ hoạt động của bệnh viện phụ thuộc vào CNTT, vì thế phương án dự phòng, phương án khi có sự cố luôn phải được bảo đảm. Các cuộc tấn công mạng liên tục gia tăng theo các năm: Năm 2020: 5 đợt; năm: 2021: 17 đợt tấn công; tới năm 2022 đã có 45 đợt tấn công mạng. Tình trạng lạm dụng công nghệ, để AI hỗ trợ ra quyết định cũng có thể xảy ra”…
Việc chưa có sự liên thông dữ liệu của ngành y tế dẫn đến các cơ sở dữ liệu còn phân tán, thiếu kết nối chia sẻ cũng là băn khoăn mà lãnh đạo các đơn vị thường trăn trở… Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đề xuất: “Bộ Y tế xây dựng trung tâm lưu trữ dữ liệu y tế tập trung giúp đồng bộ dữ liệu, tăng khả năng chia sẻ và sử dụng dữ liệu, nhằm giảm thiểu chi phí lưu trữ cho các cơ sở khám chữa bệnh”, cũng như thiết kế để hệ thống Bệnh án điện tử có thể tích hợp với các hệ thống hiện có và các hệ thống khác... Từng có chuyện, ngay ở các bệnh viện hạng đặc biệt, mỗi phòng ban dùng một phần mềm khác cho công việc của mình mà không có tiếng nói chung. Tình trạng tùy hứng, manh mún này buộc phải chấm dứt khi triển khai BAĐT. Như Quảng Ninh đã hình thành: “Trung tâm điều hành của Sở Y tế và cơ sở dữ liệu tập trung của tỉnh, kết nối các đầu mối: Cơ sở dữ liệu về Hồ sơ sức khỏe; Cơ sở dữ liệu về hình ảnh y khoa; Cơ sở dữ liệu về trang thiết bị y tế; Cơ sở dữ liệu về khám chữa bệnh, y tế dự phòng…, từng bước hoàn thiện mục tiêu: Chính quyền số y tế và Xã hội số y tế…”…
Là bệnh viện hạng 1, đang phấn đấu trở thành bệnh viện hạng đặc biệt vào năm 2025, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ quyết tâm thí điểm bệnh án điện tử từ năm 2018, đến nay nhờ triển khai Đề án 06, “80% bệnh nhân đã sử dụng VNeID để KCB”. Bệnh viện cũng đồng bộ được các loại giấy tờ như: Giấy khám sức khỏe lái xe; giấy chứng tử… vào hệ thống… Tuy nhiên, quá trình vận hành thực tế phát sinh nhiều khó khăn: “một số mẫu phiếu vẫn phải lưu trữ bản giấy như tem vật tư thay thế, phiếu công khai thuốc đầu giường do bệnh viện chưa đủ điều kiện trang bị máy tính bảng cài đầu giường”...
Ghi nhận thực tế thấy rõ, kinh phí là mối lo thường trực khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống y tế cả công lập và tư nhân. Nhìn sang các các nước phát triển, như Mỹ, kinh phí để vận hành, ứng dụng Hồ sơ bệnh án điện tử có nhiều thành phần cùng tham gia: Từ đóng góp của Chính phủ đến các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp và đặc biệt do đặc thù riêng của nền y tế Mỹ, còn có sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống bảo hiểm y tế công cộng…

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Dạ Miên-Thanh Hằng-Mi Sol-Ngô Hương Sen
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Phóng viên, nguồn internet