Những ngày sống với Bác Tôn ở Côn Đảo*

Thời gian tôi được gặp Bác Tôn, biết Bác Tôn và sống chung với Bác Tôn nhiều nhất là thời kỳ ở Côn Đảo. Lúc bấy giờ tôi mới 17 tuổi, tôi bị địch bắt ở Hải Phòng và bị đi đày ra Côn Đảo.

Tôi lãnh hai án, trong đó một án 18 tháng tù về tội rải truyền đơn, và một án là phát lưu chung thân do Hội đồng đại hình kết tội. Ra đến Côn Đảo, tôi và hai người bạn nữa còn nhỏ tuổi nên bị giam ở banh 1, không bị bắt đi làm khổ sai hằng ngày. Ở đó có Bác Tôn, vì cao tuổi nên chúng không bắt Bác đi làm khổ sai. Bác và chúng tôi phải dọn dẹp các sam (chambre), quét sân, nhổ cỏ ở banh 1.

Thấy chúng tôi còn trẻ mà đã giác ngộ cách mạng thì Bác rất thương. Bác bắt đầu giáo dục cho tôi và hai người bạn hiểu thế nào là cách mạng, thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Bác rất hiền. Bác không những thương chúng tôi mà còn thương các bạn tù khác, kể cả tù thường phạm. Khi họ đi làm về, sau bữa ăn, bị nhốt ở sam thì Bác thường gần gũi họ, giảng giải cho họ những điều sơ đẳng nhất về chủ nghĩa cộng sản, về lòng yêu nước và động viên họ phải can đảm lên, cố chịu đựng rồi khi ra tù sẽ tiếp tục làm cách mạng. Những người tù thường phạm cũng được Bác giáo dục về chủ nghĩa yêu nước và chỉ cho họ biết, chính vì nước mình không có độc lập tự do nên họ rơi vào cảnh nghèo khổ và phải làm những nghề bất chính để nuôi sống bản thân và gia đình. Khi bị bắt họ lại bị đày ải và tù tội.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Nguyễn Văn Cúc, 1915-1998) quê ở Hưng Yên. Ông mồ côi cha mẹ từ bé, 14 tuổi theo chú ruột và bà nội về Hải Phòng sống, đi học tại Trường Bonnal (nay là trường THPT Ngô Quyền). Ảnh: Thư viện quốc gia

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Nguyễn Văn Cúc, 1915-1998) quê ở Hưng Yên. Ông mồ côi cha mẹ từ bé, 14 tuổi theo chú ruột và bà nội về Hải Phòng sống, đi học tại Trường Bonnal (nay là trường THPT Ngô Quyền). Ảnh: Thư viện quốc gia

Sau đó ít lâu, ở Sở Lưới có một ca-nô bị hỏng, biết Bác Tôn là thợ máy, chúng đưa Bác Tôn ra để sửa máy ca-nô. Tôi và một trong hai bạn tù cũng được đưa ra ngoài Sở Lưới. Lúc bấy giờ, tôi được giao việc làm hộp đồi mồi và lược đồi mồi. Viên cai ngục rất kính trọng Bác, nói với Bác cứ ở ngoài, ngủ ở ngoài cho thoáng nhưng Bác nhất định không chịu, Bác vẫn vào trong Sở Lưới ở với anh em, ngủ chung với anh em. Đấy cũng là những điều mà bản thân tôi học tập được ở Bác. Bác luôn thể hiện tình thương đối với những người bạn tù và luôn luôn giáo dục họ để họ hiểu được cách mạng, hiểu con đường cách mạng. Thời kỳ đó tôi chưa vào Đảng, mới giác ngộ cách mạng, mà người đầu tiên tôi được gần gũi và giáo dục tôi nhiều nhất là Bác Tôn.

Năm 1936 tôi được ân xá và trở về đất liền. Năm 1941 tôi lại bị bắt giam trở lại Côn Đảo và tôi đã gặp lại Bác Tôn ở Sở Lưới. Bác vẫn ở suốt trong tù. Gặp lại tôi, Bác rất mừng vì thấy tôi còn trẻ mà tuy được ân xá rồi vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Khi Bác hỏi tôi về tình hình phong trào cách mạng, tình hình phát triển Đảng ở bên ngoài thì tôi thuật lại cho Bác nghe theo hiểu biết của tôi. Bác rất vui và nói: "Nhất định cách mạng sẽ thắng!".

Đồng chí Nguyễn Văn Linh trên đường đi công tác. Ảnh: Thư viện quốc gia

Đồng chí Nguyễn Văn Linh trên đường đi công tác. Ảnh: Thư viện quốc gia

Đến khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công ở trong đất liền mà ở ngoài Côn Đảo chúng tôi vẫn còn chưa biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là ai; chúng tôi chỉ biết về Nguyễn Ái Quốc nhưng cũng đoán là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc.

Đồng chí Tưởng Dân Bảo, trước đây bị đày ra Côn Đảo, là người theo Quốc dân Đảng rồi sau giác ngộ theo Đảng Cộng sản, đã tự thuê thuyền và thuê một chiếc tàu ra đón chúng tôi ở Côn Đảo về. Tôi và các bạn tôi đi bằng thuyền buồm về Sóc Trăng rồi Cần Thơ. Bác Tôn cùng một số đồng chí khác như Phạm Hùng cùng đi về bằng ca-nô do chính Bác Tôn tự lái. Sau đó Bác Tôn được điều động ra Hà Nội. Từ đó, tôi ở lại Nam Bộ chiến đấu chống thực dân Pháp rồi tiếp tục chống đế quốc Mỹ.

Bác luôn thể hiện tình thương đối với những người bạn tù và luôn luôn giáo dục họ để họ hiểu được cách mạng, hiểu con đường cách mạng. Thời kỳ đó tôi chưa vào Đảng, mới giác ngộ cách mạng, mà người đầu tiên tôi được gần gũi và giáo dục tôi nhiều nhất là Bác Tôn.

Tôi rất kính trọng Bác Tôn cũng như kính trọng Bác Hồ.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Lâu lâu, có dịp ra Hà Nội là tôi lại ghé thăm Bác Tôn và gia đình.

Khi đã trở thành vị Phó Chủ tịch nước, sau là Chủ tịch nước, Bác Tôn vẫn giữ tính điềm đạm, chân thành, thương người như khi ở tù Côn Đảo năm xưa mà tôi được cùng sống bên Bác.

Bác Hồ và Bác Tôn tham dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I (từ ngày 29/12/1956 đến 25/1/1957). Ảnh: TTXVN

Bác Hồ và Bác Tôn tham dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I (từ ngày 29/12/1956 đến 25/1/1957). Ảnh: TTXVN

Tôi rất kính trọng Bác Tôn cũng như kính trọng Bác Hồ. Bác Tôn là người xuất thân từ công nhân, trước đây học ở trường thợ máy ở Sài Gòn, làm thợ ở Ba Son rồi sang Pháp. Khi Cách mạng Tháng Mười thành công, bọn đế quốc đem quân, và tàu chiến câu kết với bọn bạch vệ ở trong nước Nga chống lại nước Nga Xô-viết non trẻ thì Bác Tôn là một trong số những thủy thủ đã dũng cảm đấu tranh chống lại. Chính Bác là người đã kéo lá cờ đỏ búa liềm ở trên tàu France. Hành động này cho thấy Bác chẳng những là một người yêu nước mà còn là người có tinh thần quốc tế vô sản.

Những kỷ niệm đó thường hiện lên mỗi lần tôi nhớ tới Bác Tôn và càng nhớ thì càng kính phục Bác, càng thương Bác nhiều.

Nguồn: Sách Nguyễn Văn Linh tuyển tập (tập 2)
Trình bày: NGÔ HƯƠNG