
Thời điểm nửa đầu năm 1984, trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, dự lệnh Đổi mới đã phát tín hiệu trên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Báo Nhân Dân khi ấy mở chuyên mục “Tiếng nói giám đốc” phản ánh ý kiến của nhiều đồng chí lãnh đạo cơ sở. Hơn 40 năm đã qua, nhà báo Hà Đăng vẫn nhớ bài viết tựa đề “Tổng kết Tiếng nói giám đốc”, in trên Báo Nhân Dân số ra ngày 29/6/1984...
Để có diễn đàn "Tiếng nói giám đốc"
Theo nhà báo Hà Đăng, “Chuyên mục Tiếng nói giám đốc đã gây hiệu ứng xã hội rộng rãi. Xuất phát từ thực tế, tại cơ sở, có nhiều giám đốc xí nghiệp vượt rào, tổ chức thực hiện các kế hoạch phụ ngoài kế hoạch được Nhà nước giao. Các kế hoạch này mang lại hiệu quả cao, tạo ra nhiều sản phẩm, tạo thêm công ăn việc làm, tăng nguồn thu cho xí nghiệp và người lao động. Tuy nhiên những tín hiệu tích cực mang lại nhiều giá trị cho xã hội đã gặp phải những phản ứng trái chiều, những phê phán cho rằng các xí nghiệp này đang đi vào con đường tư nhân hóa. Tạo điều kiện cho người trong cuộc được lên tiếng, nhằm ghi nhận kịp thời phản ánh của các giám đốc xí nghiệp, các nhà quản lý kinh tế thuộc các cấp ngành..., Báo Nhân Dân mở diễn đàn Tiếng nói giám đốc”.
“Cuộc thảo luận về cải tiến quản lý kinh tế trong mục Tiếng nói giám đốc, mở ra trên Báo Nhân Dân từ ngày 27/2/1984, đến nay kết thúc. Cuộc thảo luận đã được sự hưởng ứng rộng rãi của các đồng chí lãnh đạo các xí nghiệp cơ sở. Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã nhận được gần một trăm bài phát biểu của các đồng chí giám đốc các xí nghiệp Trung ương và địa phương thuộc các ngành khác nhau cả trong công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến thực phẩm, trong xây dựng, giao thông vận tải, khai thác mỏ, cung ứng vật tư nguyên liệu... Một số đồng chí giám đốc không có điều kiện viết bài đã trực tiếp đến tòa soạn, gặp mặt trao đổi ý kiến và đưa ra những kiến nghị của mình”.
Diễn đàn đã làm nên một cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình, có ý kiến phân tích: nếu có sai thì sửa, nhưng đường lối chung là cổ vũ... Đồng chí Tố Hữu - khi ấy là Phó Thủ tướng cũng lên tiếng ủng hộ tinh thần đổi mới, ủng hộ “Tiếng nói giám đốc” trên Báo Nhân Dân. Nhà báo Hà Đăng cũng nhấn mạnh, “bây giờ Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, chứ năm 1984 cụm từ “kinh tế tư nhân” vẫn còn là kỵ húy. Nhưng ngay từ năm 1984, báo chí đã thực hiện đúng vai trò của mình, tham gia vào quá trình hình thành và dẫn dắt các ý kiến trong xã hội, góp tiếng nói với Đảng, Nhà nước để đưa ra những quyết sách, chủ trương lớn”.

Tiếng vọng của “Ba lần đuổi kịp trung nông”
Trong sự nghiệp báo chí đồ sộ của mình, nhà báo Hà Đăng có nhiều bài viết mang tầm ảnh hưởng sâu rộng. Ngày 9/1/1961, bài viết “Ba lần đuổi kịp trung nông” được đăng trên Báo Nhân Dân.
Trong một bài viết vào năm 2020, nhà báo Hà Đăng kể lại: “Tháng 11/1960, lần đầu tiên tôi được cử vào Quảng Bình. Ở Đồng Hới đang có một hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa. Do lỡ một chuyến xe đò, tôi đến hội nghị quá chậm, lúc gần kết thúc, khi Phó Thủ tướng Phạm Hùng đang nói chuyện. Đồng chí đặc biệt biểu dương Hợp tác xã Đại Phong làm ăn tốt. Cảm nhận đây là một điển hình hay, ngay sau hội nghị bế mạc, tôi “bám” lấy Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Ánh và đề nghị được cùng anh về thăm hợp tác xã, không phải qua tỉnh, huyện nữa. Ý kiến đó được Chủ tịch tỉnh Trần Vũ ủng hộ. Bởi chính ông cũng muốn được về thăm huyện Lệ Thủy và Hợp tác xã Đại Phong.
Phong trào “Gió Đại Phong” được nông dân cả nước hưởng ứng. Ảnh tư liệu.
Phong trào “Gió Đại Phong” được nông dân cả nước hưởng ứng. Ảnh tư liệu.
Ngay ngày hôm sau, tôi cùng ông và Chủ nhiệm Ánh, trên một chuyến xe Jeep cũ, chạy về hướng đó. Chủ nhiệm sắp xếp cho tôi ở nhà một bà cụ xã viên. Liền mấy hôm, tôi đi khảo sát tình hình ở hợp tác xã, nghe chủ nhiệm báo cáo, phỏng vấn các gia đình xã viên. Người cung cấp cho tôi nhiều điều lý thú lại chính là bà cụ nông dân nhà tôi ở. Để giới thiệu vùng khai hoang của hợp tác xã, Chủ nhiệm Ánh, bằng một con thuyền gỗ nhỏ, đã đưa chúng tôi lên miền Tây, tới vùng nông trường Lệ Ninh, nơi mà sau này, khi xảy ra chiến tranh, bị máy bay địch đánh phá ác liệt.
Khách của Hợp tác xã Đại Phong lúc này khá nhiều, từ nhiều nơi trong tỉnh đến. Có ngày Chủ nhiệm Ánh phải tiếp vài ba lượt. Và mỗi lần anh tiếp khách, tôi lại dự nghe để lấy thêm tài liệu, cũng là để kiểm tra xem anh nói có gì không đúng với thực tế không, có gì bị che giấu hay được thổi phồng lên không. Cái hay của Hợp tác xã Đại Phong là cái hay của một hướng phát triển mới: Từ tổ đổi công lên hợp tác xã và từ hợp tác xã nhỏ lên hợp tác xã lớn. Tôi viết bài “Ba lần đuổi kịp trung nông”, phản ánh ba bước tiến đáng ghi nhận của hợp tác xã”.
Bài báo "Ba lần đuổi kịp trung nông"của nhà báo Hà Đăng đăng trên Báo Nhân Dân ngày 9/1/1961.
Bài báo "Ba lần đuổi kịp trung nông"của nhà báo Hà Đăng đăng trên Báo Nhân Dân ngày 9/1/1961.
Đúng ngày bài báo “Ba lần đuổi kịp trung nông” ra mắt bạn đọc cả nước, Bác Hồ đã gọi điện cho Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, khen đây là một điển hình tốt. Vẫn trong bài báo in năm 2020, nhà báo Hà Đăng hồi tưởng: “Ngày 11/1/1961, Báo Nhân Dân đăng bài ký tên T.L với nhan đề “Một hợp tác xã gương mẫu”. Bác viết: “Trong khoảng ba năm, từ một hợp tác xã 23 hộ nghèo khó phát triển đến 455 hộ sinh hoạt ngang với mức sống của trung nông và đang có đà tiến lên nữa. Có kết quả đó là vì: Họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ không sợ khó sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để tiến lên” (trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.248).
Bác về thăm HTX Nam Tiến ngày 19/8/1962. Ảnh tư liệu
Bác về thăm HTX Nam Tiến ngày 19/8/1962. Ảnh tư liệu
Bác cũng đã chỉ thị cho Ban Công tác nông thôn Trung ương, lúc ấy do đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Trưởng ban, trực tiếp đi nghiên cứu và viết về kinh nghiệm Đại Phong. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã dẫn đầu một đoàn cán bộ gồm nhiều chuyên viên am hiểu về vấn đề nông nghiệp và nông thôn vào Đại Phong làm việc trong nhiều ngày. Khi về, giữa những ngày giáp Tết, đồng chí đích thân hướng dẫn anh em chuẩn bị và sửa một bài điều tra mang tính tổng kết sâu sắc về Đại Phong, trong đó nêu lên rất nhiều kinh nghiệm. Bài này được đăng cả một trang Báo Nhân Dân. Cũng từ đó, một phong trào học tập Đại Phong, đuổi kịp và vượt Đại Phong, được gọi là Phong trào Gió Đại Phong nổi lên khắp cả nước”.
Xác định vai trò, bổn phận, trách nhiệm của nhà báo, của đội ngũ báo chí, các cơ quan báo chí với sự nghiệp Đổi mới, trong bài trên Nhân Dân cuối tuần ngày 21/6/2015, dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Hà Đăng viết: “Ngay từ rất sớm, Báo Nhân Dân đã phản ánh một cách trung thực những nhân tố đầu tiên của đổi mới kinh tế, khởi đầu là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 8/1979), chủ trương bằng mọi cách làm cho sản xuất bung ra. Tiếp đó là những điển hình về cách làm ăn mới xuất hiện khắp các địa phương trong cả nước. Long An thí điểm mô hình “mua cao, bán cao”, “bù giá vào lương” thay cho cơ chế “mua cung, bán cấp”. Hải Phòng, Vĩnh Phú, Nghệ Tĩnh thí điểm hình thức khoán. Từ thực tiễn sống động, Chỉ thị số 100-CT/TW (ngày 13/1/1981) của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp ra đời”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp và đổi công toàn quốc (23/5/1957).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp và đổi công toàn quốc (23/5/1957).
Và ông đúc kết: “Cứ như vậy, trong mấy chục năm qua, Báo Nhân Dân đã sát cánh cùng toàn bộ hệ thống báo chí và đội ngũ những người làm báo đóng góp tích cực vào tiến trình đổi mới kinh tế của đất nước”.
Chiếc máy cày của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Hợp tác xã Đại Phong thực hiện luống cày đầu tiên (tháng 6/1961) trước sự vui mừng của bà con xã viên. Ảnh: Văn Thượng – TTXVN.
Chiếc máy cày của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Hợp tác xã Đại Phong thực hiện luống cày đầu tiên (tháng 6/1961) trước sự vui mừng của bà con xã viên. Ảnh: Văn Thượng – TTXVN.
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân