Năm 1964, tròn 14 tuổi, Lâm Quốc Dũng xung phong nhập ngũ, được phân về Bộ phận in ấn - Phòng Tuyên huấn Quân khu Sài Gòn-Gia Định. Sau đó, tổ chức bố trí cho ông đi học lớp khắc mộc, làm dấu. Năm 1967, ông về Ban Quân báo thuộc Phòng Tham mưu Quân khu, bắt đầu nhiệm vụ mới: Làm giấy tờ giả cho cán bộ, chiến sĩ biệt động.

“Hành trang của tôi, ngoài đồ dùng cá nhân là bộ đồ nghề khắc dấu. Tôi đâu biết mấy món đồ đơn giản lại trở thành vũ khí sắc bén cùng đồng đội đánh Mỹ suốt chặng đường dài”, người chiến sĩ nhớ lại.

“KHO GIẤY TỜ” CỦA BIỆT ĐỘNG

Khéo tay lại ham học hỏi, ông Dũng ra nghề làm thành thạo từng công đoạn thực hiện nhiều loại giấy tờ quan trọng. Chụp ảnh, khắc dấu, đánh máy, ký tên giả, dán ép thẻ… khâu nào cũng xong, ông được đồng đội trong quân khu gọi vui là chiến sĩ “3 trong 1”. Giai đoạn này, lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định đang chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Để đưa một lực lượng vào 5 mục tiêu trọng yếu của địch trong Sài Gòn bằng con đường công khai với rất nhiều trạm chốt kiểm tra gắt gao, cần có giấy tờ qua mắt địch.

Khách tham quan tìm hiểu về bộ đồ nghề do ông Dũng “râu” gửi tặng Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Khách tham quan tìm hiểu về bộ đồ nghề do ông Dũng “râu” gửi tặng Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Cùng bộ phận với người lính trẻ Lâm Quốc Dũng khi ấy là đồng chí Sáu Hổ. Họ phải khẩn trương làm giấy tờ giả cho khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ. Giấy căn cước, giấy hoãn dịch, chứng chỉ tại ngũ, giấy nghỉ phép, sự vụ lệnh… mỗi loại đòi hỏi cách gia công, xử lý khác nhau sao cho độ chính xác cao nhất, bởi bị địch phát hiện sẽ khó có ai trở về. “Thế rồi, đùng một cái, đồng chí Sáu Hổ được bổ sung vào lực lượng chiến đấu của biệt động, mình tôi vật lộn với khối công việc dở dang. Mọi thứ gấp rút vì chẳng ai có thể đợi lâu. Tôi làm ngày làm đêm, đến tận thao trường chụp hình, lăn tay cho từng anh chị em. Thẻ căn cước khi ấy, khó nhất là giả chữ ký. Tôi tập rất nhiều, có khi cả ngày ngồi cầm bút chỉ ký một mẫu, mấy chục lần ký ra giấy, chọn cho được chữ giống nhất, không run tay. Làm xong, còn phải chà cho căn cước cũ lại để tránh bị nghi ngờ giấy giả. Tính mạng từng đồng đội nằm trong đó, sai sót nào cũng phải trả giá nên cái gì cũng kỹ từng chi tiết”, ông Dũng chia sẻ.

Mồng 2 Tết Mậu Thân 1968, các đội biệt động đồng loạt tấn công 5 mục tiêu trọng yếu tại khu vực trung tâm. Thế nhưng, hơn 80 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và sa vào tay giặc, chỉ số ít còn sống sót trở về. Khi đi, phần lớn họ dùng giấy tờ giả do ông Dũng làm. Tuy chưa có thông tin nào về việc giấy tờ bị phát hiện nhưng ông Dũng đã nhanh chóng nghĩ đến hướng đi mới phòng trường hợp xấu nhất xảy ra. Ông Dũng bắt đầu làm giả các loại giấy tờ không trùng với đợt đầu tiên, trang bị “vỏ bọc” mới cho các cán bộ, chiến sĩ nhằm bảo toàn lực lượng, duy trì tốt đường dây liên lạc nội - ngoại thành, giúp Bộ Chỉ huy Quân khu nắm sát tình hình và đưa ra chỉ đạo kịp thời. Ông âm thầm tìm hiểu tình hình sinh sống, làm ăn, đi lại của bà con địa phương rồi sưu tầm, thu thập thêm một số giấy tờ tùy thân của họ, làm mẫu cho số giấy tờ giả mới, xóa sổ những địa danh bị địch săm soi.

Căn cước rồng xanh. Ảnh: ANTV.

Căn cước rồng xanh. Ảnh: ANTV.

Nửa cuối năm 1968, chính quyền Sài Gòn đổi căn cước mới trên toàn miền nam cho công dân từ 15 tuổi trở lên. “Căn cước rồng xanh” được in ấn bằng công nghệ hiện đại tại Mỹ, chỉ vài công đoạn nhỏ thực hiện ở Sài Gòn nhằm tránh làm giả. Người được cấp căn cước mới trước tiên phải có tên trong tờ khai gia đình, căn cước cũ phải có hồ sơ gốc. Tận dụng khoảng thời gian chờ đổi căn cước mới khá dài, trong khi gửi mẫu ra trung ương tìm cách in ấn, tại căn cứ, ông Dũng tiếp tục làm giả các loại giấy tờ có giá trị đi đường cho cán bộ, chiến sĩ và mày mò cách làm thủ công giả loại căn cước đòi hỏi kỹ thuật quá cao này. Đợi mãi chưa thấy hồi đáp từ trung ương, ông đặt mục tiêu làm cho bằng được mẫu giả của tờ biên nhận căn cước mới, một loại giấy thông hành có giá trị lúc bấy giờ. Nhờ tờ giấy biên nhận ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ an toàn di chuyển khắp Sài Gòn thực hiện các nhiệm vụ quan trọng. Về sau, ông cũng làm được “căn cước rồng xanh”, lấy kính lúp soi không trật một cái vẩy, cọng râu nào mới an tâm đưa cho anh em lên đường.

“Bộ đồ nghề chỉ với mấy cây compa, dao khắc gỗ và cây bút theo tôi đến ngày giải phóng, thống nhất nước nhà. Tôi quý chúng như báu vật, cất rất kỹ. Cách đây hai năm, tôi quyết định trao tặng bộ đồ nghề ấy cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định”, ông Dũng nói, giọng khấp khởi niềm vui.

CẦN XÉ NGỤY TRANG

Năm nay đã 93 tuổi, chuyện gia đình lúc nhớ lúc quên, nhưng khi nghe ai đó hỏi về thời tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định, đôi mắt bà Trần Thị Điều mở to hơn, sáng ngời. Bà nói, quên gì thì quên, làm sao quên được những chuyến xe năm ấy. Bà Điều là tiểu thư con nhà giàu tại Hà Nội, năm 1948 mới theo gia đình vào nam. Duyên số cho bà gặp chồng mình là Nguyễn Văn Ba (tự Ba Bảo), một chiến sĩ thuộc lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định, tham gia cách mạng từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. “Ban đầu, cả tôi và gia đình đều sợ nhưng một lần theo chồng về căn cứ ở Củ Chi tham dự cuộc họp, nghe mấy anh, mấy chú nói chuyện, tôi hiểu, tại sao nhiều người chọn theo cách mạng như thế. Tôi cũng như vậy, không muốn con cháu mình sau này phải làm bia đỡ đạn cho quân thù. Tôi quyết định cùng chồng làm nhiệm vụ, trở thành chiến sĩ biệt động dưới vỏ bọc thương lái, ngược xuôi khắp nơi buôn rau củ, gạo than”, bà Điều nhắc lại

Đồng chí Ba Bảo rành đường, thuộc lòng các điểm giao - nhận, biết cách giao tiếp đúng kiểu lái xe, lái buôn nên đơn vị tin tưởng đưa xe, phân công nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ các căn cứ ở Củ Chi, Tây Ninh vào nội thành Sài Gòn, chuẩn bị cho những trận đánh chiến lược của Tết Mậu Thân năm 1968. Ngồi cạnh chồng trong buồng lái, bao giờ bà Điều cũng tỏ ra không quen biết vì khi ấy bà vào vai tiểu thương, còn ông là lái xe của hãng xe chở hàng. Phía sau thùng xe chở súng B40, AK, đạn dược được giấu kỹ trong cần xé (giỏ tre), bên trên phủ đầy dưa leo, cà chua. Mỗi chặng di chuyển, họ phải vượt qua từ 4 đến 6 trạm gác. Lính gác lăm le cầm cây xiên rất dài để đâm vào các thùng hàng tìm vũ khí. Chúng nhận được lệnh, phát hiện ai chở vũ khí, biệt động là bắn tại chỗ.

Trước mỗi chuyến đi, thủ trưởng luôn quấn sẵn vài cuộn tiền để bà Điều mua chuộc lính canh tại mỗi trạm gác. Khi lệnh dừng xe kiểm soát, chúng luôn bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi tâm lý “Trên xe mày có Việt Cộng không?”. Bình tĩnh xuống xe, bà Điều nhẹ nhàng dúi tiền vào tay lính gác, nhỏ nhẹ: “Tôi có chút tiền cà-phê, nhờ sếp nhận giúp rồi giúp tôi chở hàng đi bán còn nuôi con”. Thấy lính gác cầm xiên, định đâm vào cần xé, bà liền nói to, giọng van xin vì sợ hỏng cà chua, dưa leo, lấy đâu ra hàng giao khách ở Sài Gòn kiếm tiền chợ búa. Lính canh thương tình cho đi. Cứ thế, nữ chiến sĩ biệt động tìm đủ cách bảo toàn số vũ khí về đến nội thành, chuyển đến từng địa điểm bí mật. Cuối năm 1967, các chuyến xe ngày càng dày thêm để vận chuyển thật nhiều vũ khí, đạn dược, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm 1968. Những ngày giáp Tết, vợ chồng bà Điều còn chở chiến sĩ từ căn cứ vào nội thành dưới danh nghĩa chở người quen về quê đón Tết.

Bà Điều hay kể cho con cháu trong nhà nghe những câu chuyện về tình đồng đội trong thời chiến.

Bà Điều hay kể cho con cháu trong nhà nghe những câu chuyện về tình đồng đội trong thời chiến.

Căn nhà nhỏ của ông bà ở quận Bình Thạnh mở một sạp bán gạo và than. Thi thoảng, hàng xóm lại thấy vài thanh niên lạ mặt tá túc. Ai hỏi thăm, bà Điều đều cười tươi, giải thích: “Nhà tôi buôn bán toàn hàng nặng, cồng kềnh, phải đưa mấy người quen ở quê lên phụ chứ làm không xuể”. Những người “thợ phụ” cứ thế được phân chia về những địa điểm bố trí từ trước để làm nhiệm vụ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ biệt động được trú ém thành công, hoàn thành tốt phần việc cấp trên giao.

Ban đầu, cả tôi và gia đình đều sợ nhưng một lần theo chồng về căn cứ ở Củ Chi tham dự cuộc họp, nghe mấy anh, mấy chú nói chuyện, tôi hiểu, tại sao nhiều người chọn theo cách mạng như thế. Tôi cũng như vậy, không muốn con cháu mình sau này phải làm bia đỡ đạn cho quân thù. Tôi quyết định cùng chồng làm nhiệm vụ, trở thành chiến sĩ biệt động dưới vỏ bọc thương lái, ngược xuôi khắp nơi buôn rau củ, gạo than
Bà Điều nhắc lại

Cũng như ông Dũng, vợ chồng bà Điều, rất nhiều chiến sĩ biệt động ngày ấy đã “vào vai” rất đạt. Họ làm đủ thứ nghề, từ đơn giản, phức tạp đến lạ lùng, miễn sao che mắt được kẻ thù, giúp bảo toàn lực lượng, chuẩn bị thật tốt khâu hậu cần để đồng đội vững tin chiến đấu đến cùng, giành lấy hòa bình, độc lập cho đất nước.

E-Magazine | Nhandan.vn
Nội dung:
KHỞI MINH
Trình bày: Vân Thanh