Hoàng Thành Thăng Long

Những giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật toàn cầu

Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản Thế giới nhờ đáp ứng những tiêu chí nào?

Năm 2010, khu di tích Hoàng thành Thăng Long của Việt nam  đã được Tổ chức khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là một dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long nói riêng và đối với Việt Nam nói chung.

Để được ghi danh vào danh sách Di sản thế giới của Unesco, một tài sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn về văn hóa hoặc thiên nhiên theo Công ước Di sản thế giới đã được Ủy ban về Di sản thế giới của Unesco phê duyệt. Có 6 tiêu chí được đưa ra đối với Di sản văn hóa, bao gồm:

(I) – Là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người

(II) – Thể hiện một sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hóa của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan.

(III) – Là một bằng chứng độc đáo hoặc duy nhất hoặc ít ra cũng là một bằng chứng đặc biệt về một truyền thống văn hoá hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất.

(IV) – Là một ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc xây dựng hoặc một quần thể kiến trúc cảnh quan minh hoạ cho một hay nhiều giai đoạn có ý nghĩa trong lịch sử nhân loại.

(V) – Là một ví dụ tiêu biểu về sự định cư của con người hoặc một sự chiếm đóng lãnh thổ mang tính truyền thống và tiêu biểu cho một hoặc nhiều nền văn hóa, nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược được.

(VI) – Gắn bó trực tiếp hoặc cụ thể với những sự kiện hoặc truyền thống sinh hoạt với các ý tưởng, hoặc các tín ngưỡng, các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật toàn cầu. (tiêu chuẩn này chỉ duy nhất được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt và áp dụng đồng thời với các tiêu chuẩn khác)

Trở thành Di sản văn hóa thế giới là do Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội đã đáp ứngđược  các tiêu chí ii, iii và iv được quy định tại Bản Hướng dẫn thực hiện công ước Di sản thế giới.

Tiêu chí số II về chiều dài lịch sử văn hóa: Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), đến từ Trung Hoa, Champa,  Pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Tiêu chí số III về các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Tiêu chí số VI về tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực: Với các chức năng chính trị và vai trò mang tính biểu tượng của mình, Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội có liên quan trực tiếp tới rất nhiều sự kiện văn hóa và lịch sử quan trọng, những biểu đạt nghệ thuật cũng như các tư tưởng luân lý, triết học, và tôn giáo. Các sự kiện diễn ra tiếp nối nhau này đã đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của một quốc gia độc lập trong suốt hơn một ngàn năm, bao gồm cả thời kỳ thuộc địa và hai cuộc Chiến tranh giành độc lập thời hiện đại và thống nhất Việt Nam.

(Theo tư liệu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội)

Ngày xuất bản: 1/10/2022
Tổ chức thực hiện: HỮU VIỆT - HỒNG MINH
Nội dung: HỒNG TRANG
Trình bày: HẢI BÌNH
Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH, TRUNG TÂM BẢO TỒN DI SẢN THĂNG LONG - HÀ NỘI