Trong tâm trí những người lính, mỗi người đều có những ấn tượng sâu sắc, nhớ mãi cả đời về một trận đánh từng tham gia. Với những người lính của Quân khu Trị Thiên, hay đội trinh sát vũ trang, hay biệt động nội thành Huế, những trận đánh ấn tượng của họ dù lớn hay nhỏ, cũng góp phần quan trọng vào chiến thắng.

Nhớ ngày giải phóng Huế

Cựu chiến binh Phan Xuân Hùng, quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, vẫn nhớ như in trận đánh ngay trước thềm ngày giải phóng thành phố Huế 20/3/1975. Ông và cựu chiến binh Lương Ngọc Trọng là đồng đội cùng đơn vị tại Trung đoàn 271, cùng chung với nhau nhiều trận đánh, và có chung nhiều kỷ niệm chiến trường với nhau. Mỗi dịp đơn vị gặp gỡ, là các ông lại có dịp hàn huyên, kể lại cho nhau nghe, ôn lại những tháng năm thanh xuân chinh chiến trên khắp các chiến trường Quân khu Trị Thiên.

Cựu chiến binh Phan Xuân Hùng và đồng đội Lương Ngọc Trọng.

Cựu chiến binh Phan Xuân Hùng và đồng đội Lương Ngọc Trọng.

Trung đoàn 271 được thành lập ngày 12/8/1971 tại Nam Đàn, Nghệ An. Đây là Trung đoàn chủ lực của Quân khu Trị Thiên, có nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng, bảo vệ miền bắc, sẵn sàng cơ động chiến đấu trên chiến trường miền nam. Cách đây 50 năm về trước, đơn vị là một trong những đơn vị chủ lực của Quân khu Trị Thiên. Trung đoàn đã có gần 4 năm chiến đấu trên mảnh đất Quảng Trị Thừa Thiên Huế anh hùng, đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, gần như ngày nào cũng đều chiến đấu với kẻ địch.

Ông Phan Xuân Hùng kể lại, năm 1974, đơn vị của ông nhận được lệnh của trên tập trung giải phóng thành phố Huế. Toàn trung đoàn đảm nhiệm hơn 150 điểm chốt từ Quảng Trị đến Mỏ Tàu (Thừa Thiên Huế). Có điểm chốt như Núi Bông - Núi Nghệ có ngày nổ súng chiến đấu với quân thù 5 - 6 trận lớn nhỏ. Đặc biệt trong chiến dịch giải phóng thành phố Huế năm 1975, toàn Trung đoàn là một cánh quân, là mũi chủ công.

Cựu chiến binh Phan Xuân Hùng kể chuyện ký ức hào hùng.

Cựu chiến binh Phan Xuân Hùng kể chuyện ký ức hào hùng.

 “Ngày 20/3/1975, chúng tôi bắt đầu hành quân từ cao điểm Mỏ Tàu (Hương Thủy), một trong những cụm cao điểm nổi tiếng ác liệt trên chiến trường Thừa Thiên Huế, và các cao điểm đồi 303, đồi Bông, đồi Nghệ thuộc huyện Phú Lộc, tiến thẳng ra giải phóng Huế. Chúng tôi được lệnh vượt sông ở An Hòa.” – ông Phan Xuân Hùng kể lại.   

Từ các điểm chốt, các cánh quân của đơn vị luồn sâu tấn công đồng loạt các mục tiêu căn cứ của địch. Ngày 26/3/1975 đơn vị đã đánh vào ấp 5 nơi Sở chỉ huy của Quân đoàn Quân khu 1 khét tiếng, đánh vào Đài phát thanh An Cựu, sân bay Phú Bài cùng các đơn vị bạn truy kích địch về cửa biển Thuận An, cửa biển Tư Hiền, giải phóng các huyện thuộc thành phố Huế.

Ở cửa biển Thuận An, ngụy quân dồn lại, một số lính địch chạy ra tàu biển tháo lui, còn lại khoảng 300 lính bị ta bắt làm tù binh.

“Đúng 12 giờ trưa ngày 26/3/1975 lá cờ nửa đỏ, nửa xanh của Mặt trận Giải phóng phấp phới bay trên cột cờ Phu Văn Lâu, thành phố Huế đã được hoàn toàn giải phóng” – ông Phan Xuân Hùng nhắc lại thời khắc lịch sử ấy.

Đơn vị của ông Phan Xuân Hùng ở địa bàn quân khu Trị Thiên, cho nên sau khi giải phóng Thừa Thiên Huế đã đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ, chốt giữ địa bàn và truy quét tàn quân. Còn bộ đội chủ lực tiếp tục hành quân vào giải phóng Đà Nẵng và phía nam. Đơn vị của ông cũng nhận nhiệm vụ sẵn sàng cơ động cho giải phóng miền nam. “Chúng tôi lúc nào cũng có vài vắt cơm nắm trong ba lô để sẵn sàng lên đường bất kỳ khi nào có lệnh” – ông Hùng kể.

Quân Giải phóng Trị Thiên tiến vào chiến trường, mở đầu chiến dịch

Quân Giải phóng Trị Thiên tiến vào chiến trường, mở đầu chiến dịch

Hàng vạn cán bộ, nhân dân và lực lượng giao thông Trị Thiên mở đường mới phục vụ chiến dịch.

Hàng vạn cán bộ, nhân dân và lực lượng giao thông Trị Thiên mở đường mới phục vụ chiến dịch.

Sau trận này, Trung đoàn 271 được lệnh rút ra để giải phóng Huế. Giải phóng Huế thành công, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ Thừa Thiên Huế. “Khi đó chúng tôi rất háo hức muốn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng được trên giao nhiệm vụ bảo vệ Thừa Thiên Huế nên phải ở lại. Nghe tin giải phóng lần lượt các tỉnh phía nam, rồi giải phóng hoàn toàn miền nam , thống nhất đất nước, ai cũng phấn khởi. Đối với những người lính chúng tôi, không có niềm vui nào hơn…” – ông Lương Ngọc Trọng nói.

Quân giải phóng tiến vào thành phố Huế.

Quân giải phóng tiến vào thành phố Huế.

Những trận địa trên đường phố

Đối với cựu chiến binh, Trung tá trinh sát vũ trang, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Thức Bảo, trận đánh mà ông nhớ mãi là cuộc giữ thành Huế 26 ngày đêm mùa xuân năm Mậu Thân 1968.

Ngày 31/1/1968, đúng dịp nghỉ Tết, tiểu đoàn trinh sát vũ trang (thuộc Trung đoàn 6) của ông Hoàng Thức Bảo bí mật chia làm 5 mũi bất ngờ tấn công vào thành phố Huế. Đúng dịp Tết, người dân tập trung đón Tết cùng gia đình, địch cũng mải ăn Tết mà bỏ ngỏ nhiều vị trí trong nội thành Huế. Địch khi đó lực lượng có khoảng hơn 20 nghìn quân, trong khi tiểu đoàn trinh sát vũ trang quân số không nhiều, lại phải chia ra nhiều mũi. Nhưng chính sự bất ngờ đã giúp quân ta chiếm nhanh chóng các vị trí trọng yếu của địch, như cầu Trường Tiền, cửa Đông Ba, cửa Chánh Tây, đồn Mang Cá, Bộ chỉ huy sư đoàn 1 và nơi đóng quân của một số cánh quân địch ở quanh đó.

Anh hùng LLVTND Hoàng Thức Bảo.

Anh hùng LLVTND Hoàng Thức Bảo.

Huế là nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy của Sư đoàn 1 và các lực lượng của địch tập trung ở Đại nội. “Chúng tôi có nhiệm vụ vào cửa Chánh Tây đánh chiếm Đại nội và sau đó là chiếm bờ bắc sông Hương, không cho địch ở phía nam sang. Chủ trương của ta là bí mật đánh vào tận hang ổ của địch, mục đích là để cho địch biết rằng không thể tìm diệt theo chiến lược chiến lược chiến tranh cục bộ được mà phải đối phó với ta ngay tại hậu cứ của chúng.” – Anh hùng Hoàng Thức Bảo kể.

Trận đánh đó, bất ngờ lớn nhất đối với Trung tá Hoàng Thức Bảo và đồng đội là địch gần như bỏ ngỏ hết các vị trí then chốt. Các cửa Chánh Tây, Thượng Tứ, Đông Ba hoàn toàn mở. Khi quân ta vào qua cầu Tràng Tiền, đơn vị của địch cũng hoàn toàn không biết gì, cho đến khi ta đánh thốc vào thành nội, quân địch mới biết và bỏ chạy, sau đó mới liên lạc với phía nam xin chi viện.

Trước sức tấn công vũ bão của quân và dân thành phố Huế đêm 31/1/1968, lính Mỹ khiêng xác đồng bọn rút chạy qua cầu Tràng Tiền. (Ảnh Tư liệu TTXGP)

Trước sức tấn công vũ bão của quân và dân thành phố Huế đêm 31/1/1968, lính Mỹ khiêng xác đồng bọn rút chạy qua cầu Tràng Tiền. (Ảnh Tư liệu TTXGP)

Khi đó, đơn vị trinh sát vũ trang của Trung tá Hoàng Thức Bảo không phải là đơn vị chủ lực, nhưng phải đi đầu các lực lượng để làm nhiệm vụ đánh chiếm các vị trí trọng điểm. Đến ngày thứ 8, địch bắt đầu phản công lại. Hai bên giành giật nhau từng góc phố, từng con đường. Địch dùng mọi lực lượng mạnh nhất, từ thủy quân lục chiến, pháo, bom… để tấn công nhưng không thể đẩy bật quân ta khỏi trận địa.

“Chúng tôi ở đường Phan Đăng Lưu, ngày xưa gọi là Phan Bội Châu, gần chợ Đông Ba, chốt ở đó không cho địch đánh vào cửa Đông Ba để vào liên lạc với đồn Mang Cá, mỗi ngày đánh nhau ngày 3, 4 trận” – Anh hùng Hoàng Thức Bảo kể lại.

Ngày 25/2, đơn vị trinh sát vũ trang đánh nhau suốt một ngày với tiểu đoàn Nam Hàn đánh thuê, từ 6 giờ sáng tới 9 giờ đêm. “Khi bắt được quân địch, chúng tôi mới hỏi là tại sao đánh dữ dội thế, cứ xông lên là chết mà các anh vẫn lên. Tên địch trả lời rằng chỉ huy bắt phải xông lên dù có phải chết, để bịt đường Huỳnh Thúc Kháng (đường Chi Lăng) từ đó qua sông về Phú Vang, không cho Việt Cộng thoát ra ngoài, cho nên chết gần cả tiểu đoàn mà vẫn phải đánh” – ông Hoàng Thúc Bảo kể.

Những ngày tháng đó, góc phố nào cũng là chiến trường. Dọc các đường phố từ cửa Đông Ba tới đường Trần Hưng Đạo, dân đục tường từ nhà này qua nhà kia để lấy lối đi lại, cung cấp lương thực thực phẩm, nước uống. Ngoài đường đánh nhau, đạn pháo liên tục. Bên trong các ngôi nhà, dân che chở bộ đội, cả dân và quân cùng chiến đấu theo dọc các đường phố để giữ từng tấc đất. “Khi đó các đài phương Tây gọi khu vực này là mặt trận ác liệt nhất của chiến dịch, tất cả các lực lượng sừng sỏ nhất của địch đều đánh vào đó nhưng cuối cùng đều bị đánh bật trở lại”. Sau này, quân ta được chủ trương rút khỏi thành phố để chuẩn bị cho chiến dịch khác.

Các ngôi nhà, góc phố ở Huế đều trở thành trận địa.

Các ngôi nhà, góc phố ở Huế đều trở thành trận địa.

Ông Hoàng Thức Bảo cho biết, Thành phố Huế sau đó được Trung ương gọi là thành phố tấn công nổi dậy, anh dũng kiên cường.

Những trận đánh năm đó chưa từng có trong lịch sử, khi Mỹ với đầy đủ lực lượng, vũ khí, khí tài hiện đại nhưng không thể đánh được một thành phố, bị ta chiếm giữ 26 ngày đêm.

Ông Hoàng Thức Bảo.

Những trận đánh trước thềm chiến thắng

Ông Nguyễn Huy Ngọc, cựu chính trị viên biệt động thành Huế, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vẫn nhớ như in từng trận đánh mà đội biệt động thành tham gia. Ông cho biết, trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, khoảng thời gian từ đầu năm đến tháng 3/1975, đơn vị ông có 5 trận đánh riêng và phối hợp với các đơn vị khác 3 trận.

Trận thứ nhất là đánh và tiêu diệt được một trung đội lính nhảy dù chốt chặn đường tấn công của ta ở Miếu Vọng, đập Khe Ngang. Trận thứ 2 là đánh và tiêu diệt một tiểu đội biệt kích cũng chốt chặn địa điểm đó. Trận này chúng ta thắng giòn giã, thu được súng đạn, vũ khí và cả bộ đàm, tiêu diệt toàn bộ tiểu đội biệt kích. Trận thứ 3 là trận phá phục kích ở rú Bắc (Trúc Lâm). Đơn vị biệt động thành hy sinh 1 đồng chí do bị địch bắn từ trên cầu xuống. Trận thứ 4 là ở An Viên, trên đường hành quân từ trên rú về, đơn vị của biệt động đã vây bắt được 2 tù binh. Hai tù binh này sau khi khai hết thông tin, còn tham gia phục vụ đơn vị hoạt động sản xuất kinh tế, và sau này còn may mắn được tham gia cách mạng trước ngày giải phóng Huế 26/3. Trận thứ 5 là đánh vào phân chi khu Hương Sơ, vào đêm 21/3. Khi đó quân đoàn 2 đã đập vỡ phòng tuyến Mỏ Tàu, La Sơn, Núi Bông Núi Nghệ ở phía nam.

Nguyên chính trị viên Biệt động Thành cánh Bắc Huế Nguyễn Huy Ngọc.

Nguyên chính trị viên Biệt động Thành cánh Bắc Huế Nguyễn Huy Ngọc.

Trong số 5 trận đánh này, trận đập vỡ phân chi khu Hương Sơ là sự kiện mà ông Nguyễn Huy Ngọc nhớ mãi. “Nhiệm vụ của trên giao là bằng mọi cách phải phá bằng được phân chi khu này. Chúng tôi đã lên phương án huy động toàn bộ lực lượng tinh nhuệ nhất của đơn vị, có hy sinh cũng phải quyết đánh để mở đường đưa quân qua”.

Đêm hôm đó đơn vị có 8 đồng chí lên đường, trang bị 1 khẩu B40, 1 khẩu B41, riêng ông Nguyễn Huy Ngọc mang theo khẩu M79 chống tăng. Đơn vị dùng pháo sáng tịch thu của tiểu đội biệt kích trước đó để xác định mục tiêu, sau đó dùng B41 và M79 phá sập phân chi khu. Đánh nhanh thắng nhanh, cả nhóm rút trong khoảng 15 phút, lúc ra ngoài lại gặp xe tiếp viện của địch và tiếp tục bắn hạ được chiếc xe này.

Tuy nhiên, trên đường rút, ông Nguyễn Huy Ngọc và các đồng đội bị địch phục kích, 6 người hy sinh. “Lúc 3 giờ sáng, chúng tôi chôn đồng đội bên bờ ruộng quê hương. Chúng tôi đặt lên mộ các anh những chiếc mũ tai bèo bị rơi lại trên đường” – ông Nguyễn Huy Ngọc bồi hồi kể.

Đó chính là lý do ông nhớ mãi trận đánh này, khi có những người đồng đội của ông đã không thể chờ được chiến thắng của cả dân tộc, mặc dù chiến thắng đó đã rất gần.

“Trận đó chúng tôi đánh gây tiếng vang lớn, tiêu diệt được phân chi khu, đánh sập một trận địa pháo 105 mm và tập kích được vào trong cửa ngõ thành phố trong một thời điểm lịch sử mà chúng ta đã phải chờ 20 năm mới có. Điều quan trọng hơn, chiến thắng này cũng thúc đẩy phong trào đấu tranh và khích lệ tinh thần đồng chí, đồng bào đang chiến đấu trong nội thành Huế. Nhiều đơn vị du kích, trinh sát, biệt động trong thành kể lại, nghe tiếng súng vọng về rất gần, tinh thần chiến đấu lên rất cao” – người cựu biệt động thành Huế kể lại.

Quân giải phóng lợi dụng những hố bom, hố đạn pháo của địch làm công sự để chuẩn bị trút bão lửa xuống các căn cứ quân sự của Mỹ ngụy ở thành phố Huế.

Quân giải phóng lợi dụng những hố bom, hố đạn pháo của địch làm công sự để chuẩn bị trút bão lửa xuống các căn cứ quân sự của Mỹ ngụy ở thành phố Huế.

Trận đó chúng tôi đánh gây tiếng vang lớn, tiêu diệt được phân chi khu, đánh sập một trận địa pháo 105 mm và tập kích được vào trong cửa ngõ thành phố trong một thời điểm lịch sử mà chúng ta đã phải chờ 20 năm mới có. Điều quan trọng hơn, chiến thắng này cũng thúc đẩy phong trào đấu tranh và khích lệ tinh thần đồng chí, đồng bào đang chiến đấu trong nội thành Huế. Nhiều đơn vị du kích, trinh sát, biệt động trong thành kể lại, nghe tiếng súng vọng về rất gần, tinh thần chiến đấu lên rất cao.

Ông Nguyễn Huy Ngọc, cựu chính trị viên biệt động thành cánh bắc Huế.

Chiến thắng này của đơn vị biệt động thành cũng là một sự phối hợp chiến trường hiệu quả, góp phần mở đường đưa đơn vị chủ lực vào giải phóng Huế sau đó.

Những trận đánh ngày ấy bây giờ chỉ còn là những ký ức đẹp đầy tự hào đối với những người lính cao niên. Nhưng với lịch sử, đó là những trận đánh góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của cả dân tộc.

E-Magazine | Nhandan.vn
Nội dung: TUYẾT LOAN,
Trình bày: VÂN THANH
Ảnh: TUYẾT LOAN, TRUNG HIẾU, CÔNG HẬU, tư liệu, TTXVN,
Ngày xuất bản: 25/4/2025