
NHỮNG TRẬN ĐÁNH Ở PHÍA ĐÔNG
1
Vào khoảng trung tuần tháng 10 năm 1953, Đại đoàn tôi đã hoàn thành tốt đẹp cuộc chỉnh quân chính trị và huấn luyện quân sự. Tôi nhận thấy đơn vị tôi đang có một sức mạnh mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng căm thù sâu sắc đế quốc và phong kiến địa chủ. Ai cũng mong được đi chiến đấu ngay để trả thù cho giai cấp mình. Vả lại, Thu Đông đến rồi, Thu Đông là mùa giết giặc lập công của bộ đội.
Giữa lúc đó thì địch cho quân đánh thọc ra vùng tây nam Ninh Bình. Cán bộ và chiến sĩ tưởng như được đi chiến đấu ngay, nên có vẻ vui mừng chờ đợi. Một số cán bộ tiểu, trung đoàn ra chiều sốt ruột, mỗi khi gặp tôi, lại hỏi:
- Thế nào, anh?
Tuy chưa được phổ biến nhiệm vụ quân sự Đông Xuân, nhưng tôi cũng phỏng đoán rằng: nhiệm vụ đại đoàn tôi không phải ở phía đó, vì vậy tôi chỉ trả lời:
- Thế nào nữa. Cứ chuẩn bị sẵn sàng, đợi lệnh Bộ Tổng tư lệnh. Hướng chuẩn bị vẫn như mọi năm. Mũ, lưới ngụy trang, ống bương đựng nước, gậy chống... tất cả là hướng lên miền rừng núi.
Quả nhiên, đầu tháng 11-1953, chúng tôi nhận được lệnh tiến quân vào Tây Bắc lần thứ hai để giải phóng thị xã Lai Châu. Ngày 3 - 11 - 1953, đồng chí Vũ Lập, Tham mưu trưởng Đại đoàn dẫn một số cán bộ cùng với đội quân báo đi trước để chuẩn bị chiến trường. Mấy hôm sau, tôi chỉ huy Đại đoàn hành quân, còn anh Chu Huy Mân - Chính ủy Đại đoàn - về Bộ nhận nhiệm vụ quân sự Đông Xuân.
Tây Bắc đối với chúng tôi không xa lạ gì. Từ tháng 10-1952 tới giờ, đơn vị tôi chiến đấu liên tục, giải phóng Mộc Châu, Quang Huy, Ba Khe... sau bao vây Nà Sản và hồi tháng 9 vừa qua tiêu diệt 3.000 thổ phỉ ở Mường Lẩm, Thuận Châu, bây giờ toàn Đại đoàn lại tiến quân theo con đường cũ. Để giữ bí mật Đại đoàn cứ ngày nghỉ, đêm đi. Riêng đoàn cán bộ được đi trước, nên đều đi ban ngày. Con đường 41 hồi đó cỏ vẫn mọc rậm rạp, vả lại máy bay địch ít tuần tiễu nên chúng tôi không gặp trở ngại gì mấy.

Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu các vị trí đánh địch trên sa bàn trước khi vào chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu các vị trí đánh địch trên sa bàn trước khi vào chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Một hôm, đang trên đường hành quân, tôi bỗng nghe tiếng máy bay địch bay lên phía Lai Châu rất nhiều. Tôi nghĩ bụng: chúng đánh hơi thấy mình lên Tây Bắc và chúng tăng cường quân chăng?
Tối hôm đó, tới Mộc Châu, tôi nhận được điện của Bộ báo cho biết địch đã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Tôi phán đoán rằng có thể địch xuống đó để tiếp ứng cho Lai Châu đang bị cô lập, nhưng cũng có thể chúng rút từ Lai Châu về Điện Biên Phủ để thành lập tập đoàn cứ điểm như ở Nà Sản năm 1952, tránh bị quân ta tiêu diệt đây. Trước tình hình đó, một mặt tôi hội ý cán bộ, một mặt cho bộ đội tranh thủ hành quân thật nhanh lên Lai Châu.
Mấy hôm sau, anh Mân đi họp về. Anh đi xe đạp suốt từ Thái Nguyên cho đến khi đuổi kịp chúng tôi. Anh phổ biến chủ trương quân sự Đông Xuân của Trung ương và đồng thời nhắc lại mệnh lệnh của Đại tướng: địch đã nhảy dù Điện Biên Phủ; đơn vị phải hành quân cấp tốc lên bao vây Lai Châu.
Phải chặn con đường từ Lai Châu về Điện Biên Phủ, đề phòng địch từ Lai Châu rút về Điện Biên Phủ. Trước tình hình đó, chúng tôi quyết định chia quân làm hai cánh. Cánh thứ nhất theo đường 41 tiến thẳng lên tiêu diệt địch ở thị xã Lai Châu. Cánh thứ hai từ Tuần Giáo tạt ngang vào phía bắc Điện Biên Phủ chặn đường từ Lai Châu về Điện Biên Phủ.
Tiểu đoàn 439 đi đầu cánh quân thứ nhất xuất phát từ Tuần Giáo tối mồng 9 - 12 - 1953. Tiểu đoàn này đã hành quân liền trong 20 đêm rồi, nhưng với tinh thần tích cực tiêu diệt địch, đêm hôm đó anh em cấp tốc hành quân được 68 kilômét. Sáng hôm sau tiểu đoàn gặp địch ở Pa Ham.
Ở đây chúng có ba đại đội do tên Guynlơmít chỉ huy. Sau nửa giờ chiến đấu, tiểu đoàn đánh tan ngay ba đại đội đó, tên Guynlơmít trốn vào rừng nhịn ăn, nhưng sau cũng bị ta bắt nốt. Ta tiến về Lai Châu cũng đánh tan luôn bọn địch ở đèo Cơlavô. Hai giờ sáng ngày 12 - 12 - 1953, ta tiến vào giải phóng thị xã Lai Châu. Bọn địch còn lại, một bộ phận chạy về phía tây bắc Lai Châu, một bộ phận chạy về phía nam đường đi Điện Biên Phủ.
Chúng tôi nhận được tin chiến thắng, vừa mừng nhưng vừa lo. Nếu để bọn địch chạy thoát về tập trung ở Điện Biên Phủ thì nhiệm vụ của Bộ giao cho, chúng tôi không hoàn thành. Chết một cái là quân địch hễ thấy bóng quân ta đâu là chúng đã co chân bỏ chạy, nên việc tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch lúc đó rất khó khăn.
Chúng tôi đánh điện cho tiểu đoàn 439 tiếp tục truy kích địch, mặt khác giục cánh thứ hai phải đánh chặn tiêu diệt bằng hết, không để một tên nào chạy thoát về Điện Biên Phủ. May hôm sau, tôi được tin tiểu đoàn 439 đã đuổi kịp và đánh tan một đại đội nữa của địch.
Ngày 12 - 12, cánh thứ hai gặp bọn địch ở Lai Châu rút về đóng quân ở mỏm núi Pu San và vùng Mường Pồn, cách Điện Biên Phủ gần hai chục kilômét. Ngày 13 - 12, một tiểu đoàn do trung đoàn trưởng Vũ Lăng chỉ huy tấn công vào Pu San và Mường Pồn, tiêu diệt và đánh tan 5 đại đội.
Trong trận này đồng chí Bế Văn Đàn ở đại đội 674 đã lấy thân mình làm giá súng (các sách, báo đã nói nhiều, ở đây tôi không kể chi tiết nữa) và nêu tấm gương anh hùng cho toàn Đại đoàn tôi. Khí thế lập công sôi nổi, các đơn vị tiếp tục truy kích địch. Cho đến ngày 19 - 12, hai cánh quân của Đại đoàn chúng tôi bao vây chặt quân địch, đánh hai trận lớn, tiêu diệt 9 đại đội địch nữa.
Tính ra sau 12 ngày truy kích địch, Đại đoàn chúng tôi đã cấp tốc hành quân trên quãng đường 300 kilômét, vượt qua hàng chục ngọn núi cao, đã tiêu diệt và đánh tan 24 đại đội địch tổng cộng trên 2500 tên, thu gần một nghìn súng các loại. Nhiệm vụ của Bộ giao cho đại đoàn chúng tôi thời kỳ đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ căn bản đã hoàn thành thắng lợi.


2
Bọn địch nhảy dù thêm xuống Điện Biên Phủ. Chúng đóng thành tập đoàn cứ điểm. Lúc đầu chủ trương của Bộ chỉ huy mặt trận là “Đánh nhanh giải quyết nhanh” nên đưa quân vào sát Điện Biên Phủ. Nhưng sau đó, Bộ chỉ huy mặt trận nhận định “Đánh chắc tiến chắc” có lợi hơn, nên hạ lệnh cho các đơn vị rút quân ra để đi mở đường đưa pháo vào trận địa.
Nhận được lệnh, hôm đó tôi ra dốc Tà Lèng để chỉ huy đơn vị quay về. Sau đó tôi trèo lên mấy quả núi tìm địa hình để bố trí một đơn vị nhỏ bám sát địch. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ khu rừng phía Đông này, không được để địch tiến ra chiếm các cao điểm. Ngoài ra chúng tôi còn nhiệm vụ bảo vệ hầm pháo 75 để sắp tới bắn kiềm chế địch.
Ngày 31 - 1 - 1954, hai đại đội địch kéo ra dốc Tà Lèng. Gặp tiểu đội của đồng chí Niết thuộc Đại đội 925 chặn đánh, chúng bỏ chạy. Lập tức, Niết cho anh em truy kích. Dũng sĩ Hoàng Văn Nô một mình dùng lưỡi lê đâm chết 5 tên địch và đâm đến tên thứ 5, Nô chưa kịp rút lưỡi lê ra thì bị một tên địch dùng tiểu liên bắn trúng. Nô ngã xuống, nhưng mắt anh quắc lên, đỏ ngầu, hai tay vẫn giữ tư thế đâm lê rất mãnh liệt. Sau Bế Văn Đàn, tinh thần dũng cảm của Hoàng Văn Nô lại đẩy cao thêm nữa khí thế thi đua giết giặc lập công trong Đại đoàn.

Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN
Ngày mồng một Tết, khoảng 8 giờ sáng, anh Văn trực tiếp gọi điện chúc Tết chung đơn vị và riêng tôi. Chúc xong, anh Vãn hỏi:
- Có “làm gì” để mừng năm mới không đây?
Chả là chúng tôi đã đào xong hầm pháo 75 rồi. Theo lệnh của anh Văn, hôm nay pháo của ta bắt đầu bắn vào sân bay Mường Thanh. Tôi báo cáo:
- Anh em đã chuẩn bị sẵn sàng rồi. Đợi tan sương mới bắn được.
Thỉnh thoảng anh Văn lại hỏi:
- Sương tan chưa?
Sương mù ở Điện Biên Phủ thường phủ kín cánh đồng cho đến 10 giờ mới tan dần. Tôi lên đài quan sát trông xuống. Sương mênh mông như mặt biển. Và phải đợi mãi tới mười một giờ sương mới tan dần. Sân bay Mường Thanh ngày một hiện rõ. Theo báo cáo của đài quan sát thì sân bay lúc đó có 8 chiếc Hen-cát, 2 chiếc “bà già” và một số Đacôta. Tôi báo cáo với anh Văn. Anh Văn cho lệnh bắn. Anh còn dặn thêm:
- Nhắc anh em ngắm thật chắc rồi hãy bắn. Nên nhớ rằng mỗi viên đạn đưa từ hậu phương lên tốn nhiều công sức lắm đấy.
- Rõ! - Tôi đáp lại.
Bắt đầu bắn.

Bộ đội kéo pháo vào trận địa chuẩn bị tác chiến theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Ảnh: TTXVN
Bộ đội kéo pháo vào trận địa chuẩn bị tác chiến theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Ảnh: TTXVN
Phát thứ nhất, đạn trúng sân bay. Nhưng chưa diệt được chiếc máy bay nào. Điều chỉnh phát thứ hai. Lại vọt ra ngoài. Tôi lo lắng nghĩ bụng: “Bắn chác thụt lùi thế này thì bỏ mẹ...”. Lập tức tôi gọi điện động viên anh em pháo thủ, nhắc anh em kiểm tra lại đường ngắm. Thì, hay quá, phát thứ ba trúng luôn chiếc Hen-cát. Nó bốc cháy đùng đùng. Bọn địch hoảng hốt phải cho máy bay tản rộng ra. Có chiếc phải bay tốc lên trời.
Tôi báo cáo ngay thành tích đó lên Bộ Chỉ huy Mặt trận và được Bộ quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công cho đơn vị pháo 75 của Đại đoàn. Tiếp đó, anh Văn nhắc tôi:
- Phải đề phòng, kẻo địch oanh tạc đấy.
Quả nhiên, một lúc sau, máy bay, đại bác địch tới tấp giội bom đạn xuống ầm ầm. Nhưng kết quả chỉ trận địa nghi binh của ta “bị vạ” mà thôi. Còn đơn vị pháo lúc đó cứ yên trí ngồi trong hầm ăn mừng chiến thắng đầu Xuân với bánh chưng từ hậu phương gửi tới.
Sau khi quân ta tiêu diệt ba vị trí Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Đại đoàn chúng tôi và một số đơn vị bạn nhận nhiệm vụ mở đợt tấn công thứ hai nhằm đánh chiếm toàn bộ hệ thống phòng vệ phía đông phân khu Mường Thanh. Hệ thống này gồm 5 cứ điểm kiên cố đóng trên 5 quả đồi dọc từ hướng bắc xuống hướng nam tả ngạn sông Nậm Rốm, sát con đường 41. Đó là khu vực rất xung yếu, trực tiếp che đỡ phía đông sân bay Mường Thanh và sở chỉ huy của địch ở Điện Biên Phủ, đồng thời có tính chất quyết định vấn đề sống chết của giặc ở đây. Có thể nói nếu chiếm được những quả đồi này thì bọn địch ở Mường Thanh hết đường chống cự.
Đại đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ tấn công đồi A1 và C1. Hai trung đoàn đã từng tiêu diệt địch ở Lai Châu được trao nhiệm vụ này, trung đoàn của Nguyễn Hữu An - trung đoàn chủ công nhận đánh A1 - trung đoàn của Vũ Lăng nhận phần C1.
Tôi rất mến hai trung đoàn trưởng này. An tuy mới được đề bạt lên, nhưng chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, có tinh thần chấp hành mệnh lệnh rất nghiêm chỉnh và khẩn trương. Vũ Lăng cũng từng chiến đấu gan dạ xông xáo, tính toán tỉ mỉ, cẩn thận, đã hứa điều gì thường làm bằng được.
Trao nhiêm vụ cho An và Vũ Lăng, tôi rất tin tưởng là sẽ chiến thắng. Hôm lên nhận nhiệm vụ chiến đấu, anh Văn tỏ ra rất quan tâm đên hai trận đánh A1 và C1. Anh nói với tôi:
- Quyết tâm của Đại đoàn thế nào?
Tôi đáp:
- Báo cáo anh: đơn vị quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Anh Văn quay ra hỏi An và Vũ Lăng về tình hình tổ chức chiến đấu, tình hình tư tưởng bộ đội... Sau đó anh hỏi riêng Vũ Lăng:
- Đồng chí có tin tưởng chiến thắng không?
Vũ Lăng đáp:
- Báo cáo anh, tin tưởng nhất định thắng.
- Đánh bao nhiêu lâu?
Vũ Lăng vẻ cương quyết:
- Xin anh 45 phút.
- Có thể để hẳn cho cậu một giờ.
Rồi anh Văn quay lại hỏi An:
- Còn đồng chí cần bao nhiêu thời gian?
An có vẻ lúng túng. Anh Văn liền nói:
- Thôi cho cậu hai giờ. Có làm được không?
An vui vẻ trả lời:
- Báo cáo, làm được.
Chúng tôi ra về với một niềm tin chiến thắng. Tôi nhớ lại hôm xuống Tiểu đoàn 9, tiểu đoàn chủ công đánh vào A1, tôi hỏi tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe:
- Có quyết tâm, có chắc thắng không?
Hòe đáp:
- Chắc thắng. Chỉ cần vào được đồn là một giờ sau sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi hỏi các chiến sĩ đại đội chủ công. Anh nào cũng hăng hái, phấn khởi tỏ rõ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 30 - 4 - 1954, đúng 5 giờ chiều, trọng pháo của ta khai hoả. Mặc dầu tôi đã thức mấy đêm liền, đôi mắt nhiều lúc cứ như muốn díp chặt lại, nhưng đêm hôm đó tôi thức suốt cho đến sáng. Sau khi bộ binh của ta xung phong vào C1, tiếng của Vũ Lăng oang oang trong máy nói: “Pháo binh bắn giỏi quá”. Tôi giục Vũ Lăng cho biết tình hình. Vũ Lăng cho biết pháo ta đã bắn trúng giữa đồn địch. Trung đoàn đang cho mở hàng rào.
Phía A1, lúc đầu không bắt được liên lạc, tôi sốt ruột quá. Mãi sau mới được tin là trung đoàn đang xung phong nhưng gặp pháo địch bắn chặn, bị thương vong một số nên đang có nhiều khó khăn.
Từng giờ, từng phút trôi qua rất nhanh và cũng rất căng thẳng. Trung đoàn Vũ Lăng đã chiếm được lô cốt cột cờ. Tôi nhìn đồng hồ: Mới có 20 phút. Nhưng phía A1 vẫn chưa nhận được tin tức gì thêm. Tôi bồn chồn lo lắng. Sao vậy? Trung đoàn của Nguyễn Hữu An xưa nay là đơn vị có nhiều thành tích, có nhiều kinh nghiệm đánh công kiên kia mà! Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An đã trực tiếp đánh Đông Khê, Arivê, Mộc Châu... Tiểu đoàn trưởng Hòe có dáng người thư sinh nhưng lại gan lỳ có tiếng, tại sao trận này lại chậm chạp vậy.
Bốn mươi phút trôi qua. Tôi lại nghe tiếng Vũ Lăng reo lên trong máy nói: “Báo cáo anh, đã chiếm xong hoàn toàn đồi C1”.

Sau khi pháo binh ngừng bắn, các chiến sĩ xung kích của ta đã lợi dụng địa hình địa vật đang tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam, và tiêu diệt các vị trí của địch ở đây ngay trong ngày 13/3/1954, ngày mở đầu chiến dịch. Ảnh: TTXVN
Sau khi pháo binh ngừng bắn, các chiến sĩ xung kích của ta đã lợi dụng địa hình địa vật đang tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam, và tiêu diệt các vị trí của địch ở đây ngay trong ngày 13/3/1954, ngày mở đầu chiến dịch. Ảnh: TTXVN
Tôi quay lại nói với anh Mân: “Vũ Lăng nó làm ăn khá đấy”. Chúng tôi báo cáo lên anh Văn. Anh Văn điện xuống báo cho biết Bộ Chỉ huy mặt trận có quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công cho tiểu đoàn chủ công đánh C1. Anh gửi lời khen ngợi Vũ Lăng đã thực hiện tốt lời hứa với Bộ.
Chiến thắng C1 đem lại cho tôi niềm vui sướng bao nhiêu, thì giờ đây tôi càng lo lắng đến tình hình A1 bấy nhiêu.
Mãi gần nửa đêm, tôi được tin anh em đã vào đồi A1 và đánh chiếm nửa đồi, rồi hai phần ba đồi. Nhưng lại có tin địch phản kích rất dữ dội. Địch tập trung đại bác bắn phá lên trận địa ta vừa chiếm được, gây nhiều thiệt hại cho ta.
Tôi bảo đồng chí An cử một cán bộ vào tăng cường ngay cho A1 để nắm tình hình và chỉ huy chiếm bằng được A1, nhưng mới vào gần đến khâu đột phá thì anh cán bộ tăng cường đó đã dao động, chùn lại. (Sau này anh ta đã bị thi hành kỷ luật nặng vì không nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh) ở trên đồi A1. Trận chiến đấu giành từng thước đất vẫn diễn ra ác liệt.
Các chiến sĩ của ta vẫn chiến đấu với tinh thần quyết thắng cao độ. Họ đánh lui hàng chục đợt phản kích của giặc. Có tổ ba người đánh lui một đại đội địch. Hết đạn, hết lựu đạn, họ dùng tới quả bộc phá cuối cùng. Thương binh cũng chiến đấu liên tục. Có chiến sĩ hy sinh, tay vẫn còn ôm chặt xác giặc.
Tuy vậy cho đến sáng, trung đoàn của An vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ. Quân ta mới chiếm được nửa quả đồi. Bọn địch dựa vào hầm ngầm lớn cố thủ phản kích ta. Chúng tôi không dự kiến được hết khó khăn, nên đã không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đau đớn xót xa. Tôi thấy tôi có khuyết điểm với cấp trên và cấp dưới. Tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm trước Bộ.
3
Cuộc chiến đấu trên đồi A1 kéo dài ròng rã bốn ngày bốn đêm. Các cán bộ, chiến sĩ đơn vị và một số đơn vị bạn bổ sung thêm vẫn giành giật với địch từng thước đất. Địch bị thiệt hại rất nặng nề. Qua điện đài của địch, ta được biết đồi A1 luôn luôn kêu cứu khẩn cấp với Mường Thanh và ở Mường Thanh địch đã rút quân ở các cứ điểm dồn lên cứu viện A1. Chúng quyết tâm giữ cái “cổ họng” đó. (Địch gọi đồi A1 là cổ họng của Điện Biên Phủ).

Bộ đội ta dũng cảm tiến công chiến đấu giành giật với quân Pháp trên đồi A1. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội ta dũng cảm tiến công chiến đấu giành giật với quân Pháp trên đồi A1. (Ảnh: TTXVN)
Quả vậy, đây là quả đồi quan trọng nhất ở khu đông. Mất nó, coi như Mường Thanh không thể tồn tại được. Năm 1945, giặc Nhật chiếm đóng Điện Biên Phủ, đã biến đồi A1 thành một vị trí kiên cố, có hầm ngầm vững chắc. Năm 1946, giặc Pháp trở lại Điện Biên Phủ, xây dựng thêm mấy hầm ngầm nữa và có đường bí mật nối liền với nhau. Từ khi địch nhảy dù xuống, chúng lại củng cố thêm.
Và giờ đây chúng đang cố sống cố chết tung hết lực lượng ra để hòng chiếm lại nửa quả đồi mà Đại đoàn chúng tôi đã chiếm được đêm 30-4. Ở đồi C1, địch dùng pháo binh, bộ binh tấn công liên tiếp và chúng cũng đã chiếm lại già nửa quả đồi. Tình hình trở nên ngày một quyết liệt.
Những cao điểm phía đông quả đã làm cho địch mất ăn mất ngủ, nhưng đối với ta, chiến thắng được địch cũng không phải là dễ dàng. Mấy ngày hôm đó, tôi mệt lử cả người không thiết gì ăn uống. Ngay cả cái bệnh đau dạ dày kinh niên của tôi thường xuyên vẫn ngâm ngẩm đau mà mấy hôm đó cũng chẳng thấy đau đớn gì nữa.

Bộ đội ta dũng cảm tiến công chiến đấu giành giật với quân Pháp trên đồi C1. Ảnh: TTXVN
Bộ đội ta dũng cảm tiến công chiến đấu giành giật với quân Pháp trên đồi C1. Ảnh: TTXVN
Thế trận vẫn giằng co. Cả hai quả đồi A1 và C1 địch chiếm một nửa đồi, ta chiếm một nửa đồi. Quân hai bên giáp mặt nhau, chỉ cách vài chục mét. Có lúc ta đánh chiếm được một vài lô cốt, nhưng cũng có khi địch lấn xuống trận địa ta mươi mét. Có ngày pháo địch bắn dữ đội xuống trận địa ta, nhưng cũng có buổi pháo ta cũng giọt tơi bời vào đồn địch. Cả hai quả đồi, địch và ta vẫn như hai người kéo co, đương cố giữ thế, chuẩn bị thời cơ đánh trận mới.
Giữa lúc đó, Bộ triệu tập lên họp. Trong cuộc họp này, anh Văn nghiêm khắc phê bình tư tưởng chủ quan của cán bộ. Vì tư tưởng chủ quan nên Đại đoàn tôi đã không hoàn thành đánh A1. Tôi đứng lên nhận khuyết điểm.
Sau đó, anh Văn vẫn trao nhiệm vụ cho Đại đoàn tôi tiếp tục xây dựng trận địa tấn công, tích cực chấn chỉnh lực lượng đánh chiếm bằng được đồi A1, C1 và C2. Anh còn góp ý nhiều ý kiến về công tác chỉ đạo tác chiến.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. Ảnh: TTXVN
Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. Ảnh: TTXVN
Sau buổi họp đó ra về, tôi suy nghĩ nhiều về cách chỉ huy đánh đồi A1 sắp tới. Sau khi hội ý, Bộ Tư lệnh Đại đoàn chúng tôi phân công nhau ra tận hoả tuyến để nghiên cứu chuẩn bị kế hoạch chiến đấu.
Sáng hôm ấy, vòm trời Điện Biên Phủ trong xanh. Tôi cảm thấy người thư thái dễ chịu. Tôi men theo đường hào lên đồi Cháy, cách đồi A1 chừng 50 mét, có một đơn vị nhỏ của trung đoàn đồng chí An phòng ngự ở đó. Tôi vừa bước chân vào hầm quan sát thì đại bác địch ở Mường Thanh bắn như mưa lên đỉnh đồi. Quả đồi rung chuyển ầm ầm.
Các chiến sĩ ở trong hầm vẫn bình thản như thường, nhưng thấy tôi vào liền đứng dậy tỏ vẻ ngạc nhiên. Đồng chí trung đội trưởng vội mời tôi vào trong hầm, rồi nói khẽ với đồng chí bảo vệ:


- Cẩn thận đấy. Đại bác ở đây nó bắn thường xuyên. Sao lại để Bộ Tư lệnh ra tận đây.
Đồng chí bảo vệ cười, đáp:
- “Ông ấy” muốn đi thì bố ai giữ được.
Tôi mỉm cười, làm như không nghe thấy, quay ra hỏi các chiến sĩ:
- Địch bắn phá như vậy, các đồng chí đối phó như thế nào?
Các chiến sĩ đưa mắt nhìn nhau, không ai đáp lại. Đồng chí trung đội trưởng đứng lên nói:
- Báo cáo anh, chúng tôi xây dựng trận địa thật vững chắc ạ.
- Chỉ xây dựng trận địa thôi à?
- Cả bắn tỉa nữa.
- Mấy hôm nay các đồng chí bắn tỉa chết bao nhiêu địch?
Một chiến sĩ trả lời:
- Báo cáo chết 12, bị thương 5 ạ.
Từ lúc tôi vầo hầm đến giờ, tôi vẫn đề ý một chiến sĩ trẻ ngồi dựa vào sát góc hầm. Cậu ta cứ lơ đãng nhìn tận đâu đâu không nói không rằng. Tôi đoán chắc tâm tư chiến sĩ này đang vướng mắc gì, nên hỏi:
- Có đúng thế không, đồng chí?
Chiến sĩ đó ngẩng lên nhìn tôi, ấp úng:
- Đúng.
- Tên đồng chí là gì?
- Báo cáo: Trần Văn Hảo.
- Đồng chí bắn chết được mấy tên?
Mặt Hảo đỏ bừng lên:
- Báo cáo, tôi vừa mới được bổ sung về hai hôm nay.
Sau này đồng chí trung đội trưởng cho biết Hảo là tân binh mới ra trận địa. Cậu ta sợ đại bác, mỗi lần địch bắn là cứ chúi đầu xuống nên đã ba bốn lần đi bắn tỉa mà không chết một tên giặc nào.
Tôi ra đài quan sát, ở đây nhìn sang đồi A1 rõ mồn một. Nó nham nhở, đất đá bị cầy lên lổn nhổn, đỏ loét. Lên tới đây mới thấy rõ tính chất dữ dội, quyết liệt của những trận đánh vừa qua. Nhác trông thấy ba bốn tên địch đang lúi húi xúc đất lấp công sự, tôi quay lại thấy tân binh Hảo đang đứng bên cạnh hầm, liền gọi Hảo tới, bảo:
- Đồng chí có nhìn thấy mấy tên địch ở đồi A1 không?
- Có ạ, chúng đang đắp công sự.
- Thế thì còn đợi gì mà không bắn đi.
Hảo chĩa súng bắn liền hai phát. Bọn địch nhảy tụt xuống mặt hào. Mặt Hảo lại đỏ bừng lên. Tôi liền động viên:
- Lần sau bình tĩnh mà ngắm thì trúng đấy.
Tôi vừa dứt lời bỗng đồng chí trung đội trưởng gọi giật giọng:
- Báo cáo anh cúi thấp đầu xuống, địch bắn đại bác đấy.
Tôi vừa kịp ngồi thụp xuống, đại bác địch đã nổ dồn dập trước lỗ châu mai. Nhiều mảnh đạn văng cả vào trong hầm. Một đồng chí quân báo đứng bên tôi chưa kịp cúi xuống đã bị thương nhẹ ở mặt. Buổi sáng hôm đó, tôi đứng liền ở quãng đó để quan sát, nghiên cứu trận địa. Bỗng tôi nảy ra một ý định. Mấy hôm vừa qua, bộ đội vẫn đào đường hào vào A1 theo kiểu đào dũi để chuẩn bị cho trận chiến đấu sắp tới.
Nhưng vì ở đó thấp, địch ở trên cao suốt ngày ném lựu đạn xuống, ta thương vong ngày một nhiều mà kết quả đào lại rất chậm. Không thể để bộ đội tiếp tục đào dũi trong tình huống này nữa. Nhưng phải có biện pháp khác bớt thương vong cho chiến sĩ thì quý báu biết chừng nào. Trách nhiệm đó thuộc về cán bộ chỉ huy chúng tôi.

Quân đội nhân dân Việt Nam đào hệ thống giao thông hào "vây lấn" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Quân đội nhân dân Việt Nam đào hệ thống giao thông hào "vây lấn" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Phải suy nghĩ chín chắn để quyết định một kế hoạch mới. Bất giác tôi nhớ tới những trận chiến đấu của Giải phóng quân Trung Quốc hồi đánh bọn Tưởng Giới Thạch. Trong trận đánh thành phố Thái Nguyên, các đồng chí Giải phóng quân đã đào hầm để đưa hẳn một quan tài bộc phá vào phá hầm cố thủ của địch, giành thắng lợi lớn trong trận chiến đấu đó... Vậy ta có thể áp dụng kinh nghiệm đó được không? Ý nghĩ đó cứ ám ảnh tôi mãi.
Đào một đường hầm xuyên qua lòng quả đồi tới tận dưới đáy lô cốt mẹ, đặt một quả bộc phá thật lớn để tiêu diệt lô cốt đó được không? Tôi suy tính khoảng cách giữa địch và ta, thời gian đào, dụng cụ và sức lực của bộ đội ta, nhưng vẫn chưa quyết tâm lắm. Hay bàn với anh Chu Huy Mân xem sao?
Buổi trưa tôi ăn cơm cùng với anh em chiến sĩ ở đường hầm. Mọi ngày anh em vẫn ăn cơm nắm với muối rang. Nhưng mấy ngày qua, bọn địch thả dù lạc sang trận địa ta ngày một nhiều, nên anh em đã có đồ hộp ăn. Tôi hỏi tân binh Hảo:
- Các đồng chí ăn đã chán đồ hộp chưa?
- Báo cáo chỉ thèm bữa rau xanh thôi. Quê tôi dạo này vẫn còn nhiều su hào lắm ạ.
- Quê đồng chí ở đâu?
- Bắc Ninh.
- Đồng chí đã tham gia trận chiến đấu nào chưa?
- Chưa ạ. Nhưng có một lần tôi tham gia đào hầm chiến đấu với du kích ạ.
- Đào có giống ở đây không?
- Báo cáo, cũng có cái giống nhưng cũng có cái khác.
- Khác như thế nào đồng chí?
Hảo linh hoạt hẳn lên:
- Báo cáo, có lần du kích xã tôi bao vây một đồn giặc suốt hai tháng liền. Gọi hàng, chúng ngoan cố không ra. Mà đánh thì lực lượng du kích còn yếu. Anh em bàn luận mãi, sau đào hầm xuyên cánh đồng, luồn qua hàng dây thép, đặt mìn giật đổ lô cốt giặc...
Một chiến sĩ ngồi bên nhổm lên, cắt ngang lời Hảo:
- Cũng đánh lấn chứ gì?
Hảo cười:
- Lúc đó chả gọi là đánh lấn gì đâu, mà chúng tôi gọi với nhau là đánh độn thổ. Đánh kiểu ấy giặc sợ lắm, ra hàng sạch.
Các chiến sĩ đều gật gù có vẻ thú vị với câu chuyện của Hảo. Riêng tôi, qua câu chuyện đào hầm độn thổ của đồng chí Hảo, tôi càng suy nghĩ về ý định đào đường hầm đặt bộc phá tiêu diệt địch ở đồi A1.
Cân nhắc, đắn đo thật kỹ lưỡng, một buổi trưa tôi đem ý định đó bàn với anh Mân. Anh Mân đang nằm nhổ râu, liền ngồi bật dậy, nhìn trừng trừng vào tôi, tay vẫn cầm chiếc díp. Những lúc suy nghĩ lao lung, anh thường “làm bạn” với chiếc díp như thế.
Sau khi trao đổi bàn bạc, anh gật gù:
- Được đấy, ta cứ đề nghị lên Bộ đi.
Ngay buổi chiều hôm ấy, tôi báo cáo kế hoạch đào hầm lên anh Văn bằng điện thoại. Anh bảo:
- Ý định của đồng chí là muốn đánh bật cả cái lô cốt mẹ ấy đi à?
- Vâng.
- Được, Bộ sẽ nghiên cứu, trả lời sau.
Sáng hôm sau, tôi vừa ngủ dậy thì chuông điện thoại đã réo.
Tôi cầm ống nghe. Tiếng anh Văn rành rọt:
- Bộ đã nghiên cứu kế hoạch của đồng chí rồi. Bộ đồng ý. Đại đoàn cứ tiến hành, nếu cần sẽ điều thêm công binh của Bộ xuống giúp đỡ.
Công việc chuẩn bị đào hầm được tiến hành gấp rút. Đồng chí Nguyễn Hữu An được trao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy đào hầm. Đồng chí báo cáo công tác chuẩn bị: Lực lượng đào hầm gồm có một tiểu đội công binh của Đại đoàn và hơn một chục cán bộ, chiến sĩ công binh của Bộ cử xuống phối hợp. Ngoài ra còn có một trung đội bộ binh của Đại đoàn phòng ngự trên nửa quả đồi A1 cũng có nhiệm vụ phối hợp, đào một mũi diện nữa.
Ngày 20-4-1954, tôi ra lệnh bắt đầu mở cửa hầm. Tôi ngồi trong sở chỉ huy theo dõi từng giờ từng phút. Tâm trạng của tôi lúc đó bồn chồn, hồi hộp chẳng khác hôm theo dõi mở đột phá khẩu trong trận tấn công lần trước. Anh Mân ngồi bên cạnh tôi, thỉnh thoảng lại hỏi: “Thế nào rồi?”. Tôi lắc đầu: “Vẫn chưa được”.
Nửa giờ sau tin tức từ trận địa báo về: địch bắn đại bác rất dữ dội, đã có một số chiến sĩ bị thương vong. Tuy vậy anh em vẫn dũng cảm thay nhau tiến lên mở cửa hầm. Nhát cuốc đầu tiên đã bắt đầu.
Mãi đến 22 giờ, ở mặt điểm, cửa hầm mới khoét được bằng cái nón, ở mặt diện thì gặp thuận lợi hơn, đã khoét lọt được một người. Nhưng từ đó đến sáng bọn địch bắn dữ dội hơn, anh em không đào thêm được bao nhiêu.
Sang ngày thứ hai, phía mặt diện đã đào sâu được vài mét. Phía mặt điểm cũng đào được tới 80 phân, nhưng con số thương vong tăng hơn đêm trước.
Đêm thứ ba, đường hầm đã đào ngày một sâu, nhưng lại gặp phải khó khăn mới, càng đào vào sâu thì càng thiếu ánh sáng và khó thở. Nhiều chiến sĩ bị ngất vì thiếu không khí. Anh em đã phải luân phiên thay nhau đào, mỗi tổ đào chừng 20, 30 phút lại phải thay tổ khác.
Phía mặt diện, đào ban ngày tuy có thuận lợi hơn, nhưng năng suất chậm lại cũng vì thiếu không khí. Ngày hôm sau, nhiều sáng kiến của chiến sĩ đề ra để khắc phục khó khăn đó: tập nín thở, đan quạt nan thay nhau quạt không khí vào hầm... Những biện pháp đó tuy không hoàn hảo, nhưng cũng thêm một ít không khí trong hầm, làm anh em dễ chịu một phần.

Bộ đội ta sinh hoạt và cảnh giới trong giao thông hào. Ảnh: Tư liệu
Bộ đội ta sinh hoạt và cảnh giới trong giao thông hào. Ảnh: Tư liệu
Chiều tối hôm đó, tôi định rủ mấy đồng chí cần vụ đánh vài ván tú lơ khơ cho đỡ mệt óc thì có chuông điện thoại. Tôi cầm ống nghe. Đồng chí An báo cáo: “Anh em công binh đào vào sâu hơn, nhưng đường hầm càng tối và vào sâu quá, từ thạch ở địa bàn không hút được, nên có hiện tượng đào chệch hướng.
Tôi ngẫm nghĩ một lúc, nảy ra một cách điều chỉnh phương hướng, tôi liền bảo An:
- Địa bàn không dùng được nữa thì đồng chí cho lấy hương thắp làm vật chuẩn cắm ở ngoài cửa hầm để anh em làm hướng đào cho thẳng. Nhớ cẩn thận kẻo địch phát hiện được thì bằng “lạy ông tôi ở bụi này" đấy”.
- Còn vấn đề ánh sáng nữa?
- Đại đoàn đã tập trung pin đưa xuống cho anh em rồi cơ mà.
- Vâng, nhưng ánh đèn pin nhỏ, lại bị lóa rất khó đào.
Ở trận địa, đường hầm lúc bấy giờ có pin đã là biện pháp tốt nhất rồi, biết làm thế nào được nữa. Tôi dặn An là Đại đoàn sẽ nghiên cứu sau, nhưng trong bụng thì nghĩ chẳng còn cách nào khắc phục được nữa.
Đặt ống nghe xuống, tôi chợt nhìn chiếc đèn sô lếch để trong hầm chỉ huy. Ánh đèn sáng trưng cả gian hầm. Tôi nghĩ bụng: “Thế là vẫn có biện pháp khắc phục đấy chứ. Ngày mai đưa chiếc đèn này xuống cho anh em đào hầm”.
Đèn sô lếch đưa xuống quả có đỡ khó khăn cho anh em nhiều.
Ngày thứ sáu, địch cho một tổ ra chiếm đầu hào, giáp trận địa của ta, cách đường hầm phía diện chừng 50 mét. Chúng đặt súng trung liên, thỉnh thoảng bắn một tràng về hướng cửa hầm như thăm dò. Tôi nhắc đồng chí An phải theo dõi bọn địch đó và hết sức đề phòng chúng ra cản trở công việc đào hầm.
Cả buổi chiều hôm ấy, để giữ bí mật, ở phía diện, anh em không chuyển đất đá ra cửa hầm, nhưng đến tối, địch vẫn bò được ra ném lựu đạn làm hai chiến sĩ ta bị thương. Cả ngày thứ bảy, địch vẫn nhập nhằng như vậy, khiến việc đào hầm của chúng tôi chậm hẳn lại. Tối hôm đó, đồng chí An đề nghị cho một tổ ra tập kích tiêu diệt toán địch này. Tôi đồng ý.
Mười hai giờ đêm, ta đã phá hủy hoàn toàn ụ súng trung liên của địch và giết chết 10 tên.

Bộ đội ta đánh phá các căn cứ điểm. Ảnh: TTXVN
Bộ đội ta đánh phá các căn cứ điểm. Ảnh: TTXVN
Bọn địch không dám thò ra khỏi vị trí của chúng nữa. Công việc đào hầm của chúng tôi lại tiến hành gấp rút. Năng suất đào ngày một nâng cao: mỗi ngày tám, chín mươi phân, hoặc một mét và cứ thế nâng lên mãi. Anh em đào qua cả dưới trận địa địch, nghe rõ tiếng động trong các đường hào của chúng.
Trước tình hình đó, tôi cử đồng chí tham mưu phó Đại đoàn xuống tận nơi để kiểm tra hướng và cho mở rộng hầm ra. Trước đó, đồng chí An cũng đã nhiều lần ra tận đường hầm kiểm tra. Đến ngày 11, khoảng 8 giờ sáng, địch đem hai xe tăng và hai tiểu đoàn Âu Phi tấn công về phía đường hầm.
Có thể địch đã phát hiện được công việc của quân ta, nên địch đưa quân ra phá hoại. Tôi ra lệnh cho pháo binh của Đại đoàn bắn phủ đầu vào bọn giặc. Phút đầu tiên, pháo binh của ta đã bắn cháy một chiếc xe tăng địch. Đồng thời bộ binh của ta phòng ngự trên đồi A1 cũng đánh lui đợt tấn công thứ nhất của giặc. Chúng bỏ chạy tán loạn để lại trận địa ngót hai chục xác chết.
Một lát sau, đại bác địch lại bắn tới tấp về trận địa ta. Bộ binh của chúng lại ồ ạt kéo sang. Cuộc chiến đấu ngày càng diễn ra gay go hơn. Sau ba đợt tấn công liên tiếp, với lực lượng đông gấp chục lần, bọn địch chiếm được một đoạn hào của ta. Trận chiến đấu giáp lá cà diễn ra rất ác liệt.
Có một chiến sĩ của ta dùng lưỡi lê đâm chết tới 7 tên giặc, góp phần đánh lui đợt tấn công của chúng, giữ vững được trận địa. Tôi hỏi đồng chí An:
- Cho Đại đoàn biết ngay tên đồng chí chiến sĩ anh dũng đó.
Nửa giờ sau, đồng chí An trả lời:
- Chiến sĩ đó tên là Hảo.
- Có phải đồng chí tân binh tôi gặp hôm nọ ở Đồi Cháy đấy không?
- Báo cáo, đúng, Trần Văn Hảo, tân binh...
Trần Văn Hảo là chiến sĩ tôi đã gặp ở Đồi Cháy đó ư! Tôi xúc động vô cùng và hội ý ngay với đồng chí Mân quyết định tặng thưởng Hảo Huân chương Chiến sĩ hạng Ba.

Bộ đội ta xung phong, tấn công cứ điểm của địch tại sân bay Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Bộ đội ta xung phong, tấn công cứ điểm của địch tại sân bay Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Chúng tôi được lệnh chiếm lại đồi C1 bằng được để chuẩn bị cho đợt tổng công kích. Lần này Đại đoàn, trung đoàn đều tiến hành công tác chuẩn bị thật tỉ mỉ, sau đó cho triệu tập tất cả cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên đã đánh C1 về dựng lại trận địa C1, bàn bạc cách tiến công, ở đại đội chủ công, các chiến sĩ bàn thêm cách chống súng phun lửa. Rất nhiều ý kiến tốt của chiến sĩ góp vào cách đánh, cách đuổi địch ở đường hào và cách diệt súng phun lửa...
Đêm 30-4, chúng tôi được lệnh tiến công. Sau khi pháo ta ngừng bắn, đồng chí Thiều Quang, đại đội trưởng đại đội chủ công là người quyết tâm nhất trong cách đánh tiếp cận này, dẫn luôn tiểu đội mũi nhọn lao lên phía cột cờ.

Bị quân ta tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, các chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào đang dùng súng trường bắn tỉa. Ảnh: TTXVN
Bị quân ta tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, các chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào đang dùng súng trường bắn tỉa. Ảnh: TTXVN
Bọn lính giữ súng phun lửa còn đang trong cơn sợ hãi, chúi trong hầm thì các chiến sĩ của Thiều Quang đã ào ạt xốc tới diệt sạch. Những mũi xung kích khác cũng tiến công, diệt địch rất mau lẹ. Trận chiến đấu kết thúc nhanh chóng không ngờ.
Tin chiến thắng làm rộn cả sở chỉ huy. Anh Mân vừa cầm díp nhổ râu vừa cười, nói:
- C1 thế là được. Còn A1 thế nào đây?
Tôi không trả lời. Tôi cho câu hỏi đó như chính anh Mân hỏi tôi.
Tôi biết anh cũng lo lắng cho trận tấn công đồi A1 sắp tới. Bộ tư lệnh chúng tôi cảm thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề trước cấp trên và cấp dưới. Chúng tôi đã nhiều lân bàn bạc, tìm mọi kế hoạch chuẩn bị chu đáo để tiêu diệt A1 bằng được.
Một hôm đồng chí tham mưu phó Đại đoàn đi kiểm tra trận địa về báo cáo tình hình đường hầm.
Đường hầm đã đào sâu tới hơn ba mươi mét, số đất đào chuyển ra gần lấp cửa hầm. Anh em đã tính toán nhiều nhưng vì thiếu phương tiện nên chưa biết giải quyết thế nào. Nếu cào đất ra ngoài thì lộ cửa hầm ngay. Chúng tôi quyết định lấy số dù thu được của địch khâu thành túi gửi xuống để anh em đựng đất chuyển ra ngoài.
Có túi, số đất ùn lại được giải quyết nhanh chóng. Công việc đào hầm ngày một khẩn trương hơn. Sức mạnh của hai bàn tay bộ đội ta với chiếc xẻng nhỏ tý xíu đã đào vượt mức ngoài sức tưởng tượng của con người.
Lúc nghe tin đồng chí An báo đã đào xong hố đặt bọc phá, tất cả cơ quan Bộ tư lệnh chúng tôi mừng rỡ lắm. Lập tức tôi báo cáo tin đó về Bộ và xin trên cho thuốc nổ. Nhưng với số lượng hàng tấn thuốc nổ, phải đợi từ hậu phương chuyển lên. Nghe tin đó, sợ chậm kế hoạch, đơn vị công binh liền mò ra cánh đồng Căng Na, tìm thuốc nổ ở những quả bom trong chiếc máy bay bị quân ta bắn rơi. Anh em lấy được hàng tấn đem về.
Công việc chuẩn bị xong xuôi, cùng lúc đó, kế hoạch tổng công kích Điện Biên Phủ đã được phát ra. Hôm tôi nhận mệnh lệnh tiêu diệt đồi A1, anh Văn hỏi tôi:
- Có chắc chắn không?
Tôi trả lời, đầy tin tưởng:
- Báo cáo anh! Chắc thắng.

Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1. Ảnh: TTXVN
Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1. Ảnh: TTXVN
Đêm 6-5-1954. Trời lất phất mưa. Hôm ấy, Bộ tư lệnh chúng tôi ngồi hầm chỉ huy, hồi hộp theo dõi đường tiến của các đơn vị xung kích. Riêng đơn vị công binh giật quả bộc phá khổng lồ đặt giữa lòng quả đồi A1 thì chúng tôi cho đặt một máy điện thoại trực tiếp với Bộ tư lệnh.
Tôi nhìn đồng hồ. Theo đúng giờ quy định, các đơn vị đã tiến đến vị trí tập kết. Nhưng đường dây điện thoại ở đơn vị công binh giật bộc phá bỗng nhiên đứt. Tôi hỏi đồng chí An. Thì ra có một đoạn bị địch bắn đại bác phá nát, trung đoàn đang cho nối lại.
Khoảng 9 giờ đêm, đài quan sát của Đại đoàn báo cáo: có tia chớp ở phía đồi A1 và có tiếng nổ chuyển đất.
- Bộc phá nổ rồi à? Nhưng sao nổ bé thế? - Chúng tôi ngạc nhiên, hỏi nhau.
Vừa lúc đó, đồng chí An báo cáo:
- Bộc phá đã nổ rồi. Vâng! Vâng! Xung kích đang chiến đấu thắng lợi trên đồi A1.
Bộc phá đã nổ rồi! Quả bộc phá 1.000kg đặt trong đường hầm A1 đã nổ, phá thành một hố rộng và sâu 18 mét, đánh gãy luôn cả mọi xà dọc xà ngang của lô cốt mẹ. Quân lính địch chung quanh đều chết ngất vì sức ép. Bọn còn lại thì ù tai, choáng óc. Lợi dụng thời cơ đó, xung kích ta ào ào tiến lên, diệt nốt những tên địch còn chống cự lại.

Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1. Ảnh: TTXVN
Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1. Ảnh: TTXVN
Bốn giờ sáng hôm mồng 7-5, đơn vị chúng tôi chiếm được đồi A1. “Cổ họng” Điện Biên Phủ bị chẹt. Sáng mồng 7-5-1954, chiếm nốt đồi C2. Thế là toàn bộ các cao điểm ở phía đông Mường Thanh đã lọt vào tay quân ta. Hỏa lực của quân ta đặt trên các cao điểm đó khống chế toàn bộ khu trung tâm Mường Thanh.
Trưa mồng 7-5, từ các ngả, quân ta tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Và đến chiều thì tên bại tướng Đờ Cát và toàn bộ sĩ quan tham mưu của hắn bị bắt gọn, đưa về trại tù binh của Quân đội nhân dân Việt Nam chúng ta.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ Cát. Ảnh: TTXVN
Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ Cát. Ảnh: TTXVN

Toàn bộ Bộ Chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ đi đầu là tên tướng Đờ Cát-tơ-ri ra hàng. Ảnh: TTXVN
Toàn bộ Bộ Chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ đi đầu là tên tướng Đờ Cát-tơ-ri ra hàng. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt. Ảnh: TTXVN
Thiếu tướng Lê Quảng Ba (Mai Vui ghi)
Nguồn: Sách "Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ" (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2004), trang 361
Ảnh: TTXVN
Trình bày: DUY LONG