NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN
“Đã đến lúc không thể lùi bước được nữa rồi. Sự suy thoái, biến chất, cửa quyền, kéo bè, kéo cánh, chạy chức, chạy quyền, chạy tội; nạn đồng hương đồng khói, họ mạc; đưa con, đưa cháu vào các vị trí bất chấp họ có làm được việc hay không; vơ vét của công, sách nhiễu người dân... đang trở thành những căn bệnh vô cùng nguy hại, phát tán không chỉ ở cấp địa phương mà cả ở Trung ương, không chỉ ở những cán bộ cấp dưới mà cả cán bộ cấp cao. Những căn bệnh này đang làm xói mòn lòng tin của người dân vào Đảng. Vì vậy, việc Tổng Bí thư gióng hồi trống chống tham nhũng đã đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân.
Đúng như Tổng Bí thư đã nói, đánh trống thì phải từng tiếng một, rành rọt, đánh đâu chắc đấy. Lòng dân thì mong muốn là vậy, nhưng người cầm dùi phải hết sức thận trọng. Tùy thuộc vào vụ việc cụ thể, hoàn cảnh cụ thể mà đánh trống trận hay trống ngũ liên vỡ đê. Đối với việc chống tham nhũng, tiêu cực thì càng phải thận trọng. Thận trọng để đúng người, đúng tội.
Tổng Bí thư đã gióng trống rồi. Chúng ta phải đánh trống tiếp. Nếu chúng ta bỏ dùi thì pháp luật sẽ bị nhờn. Chính quyền bị giỡn mặt. Lòng dân sẽ ly tán. Mà muốn đánh trống rồi không bỏ dùi thì công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ càng, lực lượng phải đầy đủ, làm đến nơi đến chốn”.
Nhà báo Nhị Lê,
Viettimes.vn, ngày 9/8/2016
Tổng Bí thư đã gióng trống rồi. Chúng ta phải đánh trống tiếp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nông dân trên cánh đồng lúa bị xâm nhập mặn ở xã Tân Thanh , huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nông dân trên cánh đồng lúa bị xâm nhập mặn ở xã Tân Thanh , huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư đã bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn Đảng, toàn dân.
“Tổng Bí thư đã bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn Đảng, toàn dân. Sức mạnh của Tổng Bí thư lúc này là ý chí, sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân. Yêu cầu Đảng phải trong sạch, vững mạnh. Yêu cầu Đảng phải nhìn thẳng vào những sai lầm và loại bỏ chúng để làm cho Đảng trong sạch, từ đó lấy lại lòng tin của dân, của đảng viên đối với cơ quan lãnh đạo.
Phải hành động để Đảng thật sự là Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cầm cờ là như vậy! Tổng Bí thư đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm được những việc mà trước đây chưa làm được. Điều này cho thấy Tổng Bí thư đã lắng nghe dân, lắng nghe Đảng... từ đó phát động phong trào trực tiếp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để đưa ra được vấn đề như vừa qua”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Vietnamnet.vn, ngày 8/5/2017
“Sức răn đe ở chỗ, khi đương chức mà mắc sai phạm thì sẽ bị kỷ luật, nhưng khi về hưu anh cũng không thoát được.
Điều đó mở ra một hướng mới cho công tác xử lý kỷ luật của Đảng. Tôi cho rằng, bước đầu dân có tin.
Tôi rất thấm thía và tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Khi quần chúng và toàn Đảng đã lên án, tất cả mọi người đều vào cuộc thì bất kỳ ai có khuất tất gì cũng phải được làm sáng tỏ.
Người ta thường nói: “Cờ ngoài, bài trong”, tức là người trong cuộc, người đương chức, đương quyền phải là người nhen nhóm, đốt lên và làm bùng cháy ngọn lửa đó. Dân và Đảng ủng hộ, báo chí vào cuộc, quan trọng người cầm cờ phải là người đốt bó đuốc đó”.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
Vov.vn, ngày 10/8/2017
“Tổng Bí thư đã cùng với Đảng chỉ cho dân biết những ông quan to, quan nhỏ đã bị lộ, những ông quan đang vướng lợi ích nhóm, đang ức hiếp dân lành, vơ vét đục khoét ngân sách, tiền thuế của dân, làm giàu bất chính, dùng cường quyền cướp đất đai, khai thác tài nguyên, tàn phá môi trường ở các địa phương. Dân chúng gọi Tổng Bí thư là “quân vương”, trên vâng lời Bác Hồ dạy, dưới thuận theo lòng dân. Những vụ bị xử lý, kỷ luật thời gian gần đây hầu hết là cán bộ cấp cao, chứng tỏ tham nhũng đã leo thang đến bậc cửa quyền. Quan không chịu rèn mình, không chịu học hỏi nhưng vẫn lớn tiếng rao giảng đạo lý.
Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do tiền đóng thuế của dân, vì vậy phải đền bù xứng đáng cho dân. Qua các vụ xử lý tham nhũng, người đứng đầu Đảng đã châm lên ngọn lửa. Nhân dân mong rằng kẻ bòn rút tiền của Nhà nước, nhân dân hàng ngàn tỷ đồng sẽ bị trừng trị. Đảng, cấp cao cứ châm lò, nhân dân sẽ bỏ củi khô, tươi vào”.
Ông Trần Viết Hoàn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, ngày 29/11/2017
“Hiện nay, trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, những trái tim yêu nước luôn đập theo dòng chảy của thời cuộc. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện có nhiều chiều, nhiều hướng phức tạp. Một bộ phận lớn người dân tin tưởng, hưởng ứng, tham gia và mong muốn công cuộc phòng, chống tham nhũng thành công. Một bộ phận lại tỏ ra không tin tưởng, thậm chí có người đã chuẩn bị, vun vén cho cuộc sống cá nhân với suy nghĩ lỡ may có gì đó thay đổi... Bởi vậy, phải nhận thức đúng về “giặc nội xâm”, về tính chất cam go, khốc liệt của cuộc chiến ấy. Việc xử lý tham nhũng phải được đầu tư, thực hiện có đường lối, nguyên tắc, kết hợp yêu cầu chính trị và pháp luật, gắn với đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và mưu lược của một sĩ phu Bắc Hà, đã phất lên ngọn cờ quyết tâm tiêu diệt bằng được sự tham nhũng, sự lộng quyền. Ông trở thành một người đốt lò vĩ đại đã nhóm lên chiếc lò được cháy bằng ngọn lửa của lương tâm và công lý để thiêu hủy bằng được cơn đại dịch tham nhũng và lạm quyền”.
Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn
Thông tấn xã Việt Nam, ngày 19/2/2018
“Lò lửa chống tham nhũng đang ngùn ngụt cháy, đúng như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”[1].
Chiếc lò đó đã bắt đầu và sẽ liên tục thiêu ra tro những củi gộc mối mọt, độc địa. Ngọn lửa nghìn độ đó không chỉ được nuôi bằng lương tâm, dũng khí mà còn bằng trí tuệ, tài thao lược bài bản, có lớp lang của một sĩ phu có tâm, có tài, có dũng.
Nhờ có chiếc lò và ngọn lửa hợp lòng dân như vậy nên chưa bao giờ cuộc chiến đấu chống tham nhũng lại quyết liệt, công bằng và có kết quả như lúc này.
Xin nhắc lại: người nhóm lò và giữ cho ngọn lửa trong lò đó, người đứng đầu cuộc chiến chống tham nhũng đang có hiệu lực làm nức lòng, người đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một sĩ phu Bắc Hà ta đó”.
Nhà văn Nguyễn Hiếu
Vov.vn, ngày 19/2/2018
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi và tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với nông dân về tình trạng xâm nhập mặn tại xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tải, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. (Ảnh: TTXVN)
“Đấu tranh chống tham nhũng không chỉ dùng sức mạnh của pháp lý mà còn dùng sức mạnh của dư luận xã hội, dùng sức mạnh của đạo đức, lấy cái tốt át đi những cái xấu xa, thoái hóa, hư hỏng.
Ấn tượng với phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa)”[1], đây cũng chính là căn dặn tự soi, tự sửa, tự chỉnh đốn chính mình của người đứng đầu Đảng. Tất cả điều đó đều cho thấy một ấn tượng tốt đẹp trong Đảng, trong dân dành cho Tổng Bí thư, tức là một sự nhất quán nói và làm, quyết tâm hành động triệt để, dù phức tạp đến đâu cũng phải vượt qua, kể cả xử lý cán bộ cao cấp.
Tất cả đều lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích và quyền lực của dân làm mục tiêu phấn đấu của hành động. Vai trò của người đứng đầu - Tổng Bí thư thường xuyên thể hiện điều này. Đây là tấm gương để chúng ta học tập và noi theo, và cũng là một tấm gương được lòng dân. Trước hết phải trong sạch, làm cho mình phải liêm chính thì mới trong sạch, liêm chính trong tổ chức, mới thúc đẩy cuộc đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, công lý cho xã hội”.
GS, TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Vov.vn, ngày 5/3/2018
Tất cả đều lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích và quyền lực của dân làm mục tiêu phấn đấu của hành động. Vai trò của người đứng đầu - Tổng Bí thư thường xuyên thể hiện điều này.
Có lẽ chưa bao giờ công cuộc phòng, chống tham nhũng lại quyết liệt và thu được nhiều thành công như thời gian vừa qua.
Có lẽ chưa bao giờ công cuộc phòng, chống tham nhũng lại quyết liệt và thu được nhiều thành công như thời gian vừa qua. Hàng loạt cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của Đảng bị truy tố và nhận hình phạt rất cao của pháp luật. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực được đưa ra xử lý nghiêm khắc.
Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm nào “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” tiếp tục phát huy hiệu quả. Có thể khẳng định, công cuộc phòng, chống tham nhũng không chỉ làm trong sạch đội ngũ của đảng cầm quyền, thu hồi lại tài sản quốc gia mà quan trọng hơn nữa, nó đã đem lại niềm tin tưởng cho nhân dân để từ đó tạo động lực cho sự phát triển đất nước.
Có được những thành công này là sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là sự kiên định, quyết tâm và đồng thời cũng thể hiện sách lược của “Người nhóm lò” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hơn ai hết, Tổng Bí thư là người hiểu rõ nhất sự gian nan, phức tạp, khốc liệt khi đánh vào “thành trì tham nhũng”. Có thể công khai, có thể ngấm ngầm, song sự chống đối chắc chắn là không nhỏ”.
Nhà báo Bùi Hoàng Tám
Báo Dân vận, ngày 12/4/2018
“Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã khẳng định, để chống tham nhũng thành công phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì phải quyết tâm làm và làm cho bằng được. Ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra sáu giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Các giải pháp này phải tiến hành đồng bộ, tạo ra sức mạnh tổng hợp. Tuy nhiên cái gốc vẫn là công tác cán bộ. Theo đó, công tác lựa chọn, đào tạo, bố trí, sắp xếp cán bộ phải được thực hiện nghiêm. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện.
Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị, thậm chí phải giáo dục đạo đức từ phổ thông. Đặc biệt, phải kiểm soát quyền lực cán bộ thông qua cơ chế, như Tổng Bí thư từng nói “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, chú trọng kiểm soát chéo, nhân dân kiểm soát cán bộ. Chính sách cán bộ cũng cần quan tâm hơn nữa, tạo ra chế độ đãi ngộ xứng đáng để cán bộ toàn tâm, toàn ý vào công việc”.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Để chống tham nhũng thành công phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác tới thăm, tặng quà gia đình bà Bạch Thị Khôi, cán bộ tiền khởi nghĩa.
“Tôi thấy rất mừng trước những thành quả trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, đã có những cán bộ cao cấp bị khởi tố; những vụ đại án hàng nghìn tỷ đồng bị phanh phui. Là một người dân, là một đảng viên, một cán bộ quân đội đã về hưu, tôi thực sự tin tưởng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, để làm tốt hơn và lấy lại hoàn toàn niềm tin trong nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước cần có những hành động quyết liệt hơn trong việc xử lý những cá nhân tham nhũng. Mặt khác, “phòng hơn chống”, chúng ta cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn, phòng ngừa và tiêu diệt tận gốc tham nhũng, lãng phí”.
Đại tá Trần Đức Xán,
phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội,
Báo Công an nhân dân Online, ngày 26/6/2018
“Việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội đối với những đối tượng vi phạm đã phần nào thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc chiến “nói không với tham nhũng, tiêu cực, tha hóa”.
Với sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân, tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét hơn nữa trong cuộc chiến không khoan nhượng với “kẻ thù nội bộ”, đem lại sự trong sạch cho bộ máy từ những giải pháp thiết thực, cụ thể, được thực hiện đồng bộ ở tất cả các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở”.
Trung tá Đặng Thị Phượng
Thông tấn xã Việt Nam, tháng 6/2018
“Từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ngày càng khởi sắc.
Điều này thể hiện rõ về mặt pháp luật, như hàng loạt những vụ án tham nhũng bị phát giác, khởi tố; nhiều cán bộ có chức quyền, có sai phạm đã bị xử lý... giúp nhân dân tin rằng điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” đã và đang trở thành hiện thực.
Song song với công tác “chống”, công tác “phòng” tham nhũng cũng được tiến hành một cách bài bản, khá khẩn trương trong từng cơ quan nhà nước. Những quy định của pháp luật được bổ sung, hoàn chỉnh, khiến những cán bộ, đặc biệt là cán bộ có liên quan đến tài chính, những lĩnh vực nhạy cảm phải thận trọng hơn. Từ đó những hiện tượng tiêu cực trong xã hội có chiều hướng giảm, đó là điều đáng mừng”.
Ông Nguyễn Túc
Thông tấn xã Việt Nam, tháng 6/2018
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: TTXVN, Báo Điện tử Đảng Cộng sản
(Bài viết trong cuốn "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” - NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2023)