Nội địa hóa chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo

Bước đi chiến lược trên con đường chuyển dịch xanh

Với mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam không chỉ cần phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mà còn cần một lực lượng lao động chất lượng cao và một chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh. Video: VĂN DUY/GIZ

Với mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam không chỉ cần phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mà còn cần một lực lượng lao động chất lượng cao và một chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh. Video: VĂN DUY/GIZ

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu chuyển dịch năng lượng bền vững, Việt Nam đang nỗ lực khẳng định vị thế của mình trên bản đồ năng lượng tái tạo toàn cầu. Với mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam không chỉ cần phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mà còn cần một lực lượng lao động chất lượng cao và một chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh. Đào tạo nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước được xem là hai yếu tố then chốt trong việc nội địa hóa chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững.

Từ đam mê đến đổi mới giáo dục nghề nghiệp ngành năng lượng tái tạo

Turbine gió của trang trại điện gió Phú Lạc. Ảnh: GIZ

Turbine gió của trang trại điện gió Phú Lạc. Ảnh: GIZ

Ngành kỹ thuật, đặc biệt là năng lượng tái tạo, từ lâu đã được xem như một lĩnh vực chủ yếu dành cho nam giới. Tuy nhiên, cô Ngô Thị Kim Hậu, một giảng viên đầy nhiệt huyết tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận đã khẳng định rằng, giới tính không phải là rào cản trong việc theo đuổi thành công trong ngành này.

“Tôi vẫn còn nhớ khi còn học đại học chuyên ngành điện, cả lớp chỉ có 4 bạn nữ. Đến lúc tốt nghiệp và bắt đầu làm ở công ty, tôi cũng là một trong số những phụ nữ hiếm hoi trong doanh nghiệp mảng kỹ thuật. Vốn tính tỉ mỉ, tôi nhanh chóng được giao nhiệm vụ giám sát các đồng nghiệp khác, mà toàn là nam giới. Sau một vài năm, tôi trở về quê tìm kiếm công việc kỹ thuật khác để tiện gần gũi với gia đình. Đó cũng là điểm bắt đầu cho hành trình 14 năm đi dạy của tôi tại trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận”, giảng viên Ngô Thị Kim Hậu chia sẻ.

Giảng viên Ngô Thị Kim Hậu trao đổi với các học viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: TRUNG HƯNG

Giảng viên Ngô Thị Kim Hậu trao đổi với các học viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: TRUNG HƯNG

Nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề giảng dạy, cô Hậu thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, và phần lớn bài giảng của cô đều dựa trên lý thuyết khô khan. Việc thiếu thiết bị thực hành đã hạn chế khả năng cung cấp cho sinh viên trải nghiệm thực tế cần thiết để hiểu sâu hơn về ngành nghề mà họ đang theo đuổi. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi cô nhận được sự hỗ trợ, đặc biệt từ Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) trong khuôn khổ các dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp liên quan đến năng lượng tái tạo.

Với sự hỗ trợ từ GIZ, cô đã tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu như lắp đặt điện mặt trời áp mái, kỹ thuật an toàn điện gió và nhiều khóa học khác giúp nâng cao năng lực chuyên môn. Những kiến thức mới mẻ này đã không chỉ giúp cô tự tin hơn trong việc giảng dạy mà còn mang đến những phương pháp truyền tải kiến thức hiệu quả hơn cho sinh viên.

Cô Hậu kể lại rằng, một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp giảng dạy của mình là khi cô tham gia khóa đào tạo và trải nghiệm thực tế tại nhà máy điện gió ở Đắk Lắk năm 2022. Mặc dù ban đầu có nhiều người nghi ngờ về khả năng của cô, nhưng cô đã mạnh dạn leo lên turbine gió cao 94m để khám phá cơ cấu bên trong, trở thành giảng viên nữ đầu tiên làm điều này.

“Ban đầu tôi có chút cảm thấy lạ khi dường như mọi người hiểu với nhau là giảng viên nữ không nên leo lên trên turbine gió. Trong khi các đồng nghiệp nam vẫn còn e dè, lưỡng lự, tôi đã mạnh dạn chủ động đề xuất được leo lên turbine gió cao 94m, tận dụng tối đa cơ hội để mở mang tầm mắt của mình. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác tự hào khi là giảng viên nữ đầu tiên được leo lên tháp turbine gió”, cô Hậu chia sẻ.

Sau khi tham gia các khóa đào tạo, cô Hậu không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo ra môi trường học tập hấp dẫn và truyền cảm hứng cho sinh viên. Thay vì chỉ dạy lý thuyết, cô đã biến các bài học về năng lượng tái tạo thành những buổi thực hành sinh động. Các sinh viên không chỉ ngồi nghe giảng mà còn được trực tiếp thao tác trên các thiết bị. Những bài học này mang tính ứng dụng cao, giúp sinh viên không chỉ hiểu lý thuyết mà còn nắm bắt được các quy trình thực tế tại các doanh nghiệp.

“Nhờ được liên tục trau dồi chuyên môn từ các khóa đào tạo cộng với cơ sở vật chất giảng dạy được hỗ trợ, tôi mang các kiến thức tôi được học về, cùng với các thiết bị bảo hộ cá nhân mới được cung cấp để đổi mới cách giảng dạy. Hàng chục giờ học lý thuyết khô khan về các nguyên tắc an toàn trước đây giờ biến thành hoạt động giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm. Việc học tập dựa trên cộng cụ thật, có tính áp dụng cao làm cho sinh viên hứng thú với việc học hơn”, cô Hậu cho biết.

Các học viên của Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận trong giờ học. Ảnh: TRUNG HƯNG

Các học viên của Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận trong giờ học. Ảnh: TRUNG HƯNG

Cô cũng đưa sinh viên tham gia thực tế tại các nhà máy lớn, nơi các em có cơ hội làm việc cùng các kỹ sư và công nhân, đồng thời quan sát trực tiếp các hoạt động của nhà máy. Đây là bước đi quan trọng giúp sinh viên không chỉ hiểu sâu hơn về ngành học mà còn chuẩn bị kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn, giúp họ tự tin bước vào thị trường lao động.

Từ những kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu mà tích lũy được, cô đã truyền cảm hứng cho hàng trăm sinh viên, đặc biệt là những nữ sinh còn e ngại khi theo đuổi ngành kỹ thuật. Cô luôn khuyến khích họ dám bước ra khỏi vùng an toàn, tin tưởng vào bản thân và không để giới tính cản trở sự nghiệp.

“Việc các em thành công ở mảng kỹ thuật hay không nằm ở tinh thần lăn xả và thái độ học tập tích cực. Giới tính không phải, và cũng sẽ không bao giờ là yếu tố ngăn cản em tiến xa trong ngành này”, cô Hậu nhấn mạnh.

Đào tạo nhân lực cho tương lai năng lượng sạch

Công nhân trang trại điện mặt trời Phong Phú (Solarcom) kiểm tra các tấm pin mặt trời. Ảnh: GIZ

Công nhân trang trại điện mặt trời Phong Phú (Solarcom) kiểm tra các tấm pin mặt trời. Ảnh: GIZ

Việt Nam sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cho năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời. Theo dự báo năm 2023 của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có thể tạo ra khoảng 18 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2050. Việt Nam, với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo lên khoảng 70% trong tổng năng lượng sản xuất, nằm trong số những quốc gia dẫn đầu trong xu hướng này.

Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo và đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế, với nhiều dự án điện gió và điện mặt trời trên khắp cả nước, đặc biệt tại những địa phương có tiềm năng như Ninh Thuận, Bình Thuận… Tuy nhiên, để khai thác tối đa những lợi thế này, cũng như để những dự án năng lượng tái tạo hoạt động hiệu quả và bền vững, cần có một lực lượng lao động có tay nghề cao.

Theo các chuyên gia, đào tạo nhân lực cho lĩnh vực lắp đặt, bảo trì và sửa chữa các hệ thống năng lượng tái tạo là yêu cầu cấp thiết. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhân lực nước ngoài, mà còn bảo đảm rằng các hệ thống năng lượng sạch của Việt Nam được vận hành và duy trì một cách ổn định, lâu dài.

Chính vì vậy, việc xây dựng một hệ thống đào tạo nhân lực bài bản, tập trung vào các kỹ năng thực hành và kiến thức chuyên sâu về năng lượng tái tạo là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường đại học tại Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc này và đang nỗ lực để cải thiện chương trình đào tạo.

Turbine gió của trang trại điện gió Phú Lạc (Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình). Ảnh: VĂN DUY

Turbine gió của trang trại điện gió Phú Lạc (Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình). Ảnh: VĂN DUY

Các tấm pin mặt trời tại trang trại điện mặt trời Phong Phú (Solarcom). Ảnh: VĂN DUY

Các tấm pin mặt trời tại trang trại điện mặt trời Phong Phú (Solarcom). Ảnh: VĂN DUY

Được xem là “thủ phủ” của nguồn năng lượng tái tạo, tỉnh Ninh Thuận đã có những bước tiến lớn trong việc phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời. Tổng công suất lắp đặt trên toàn tỉnh đã lên tới gần 6.500MW, chiếm khoảng 9-10% tổng công suất năng lượng tái tạo của cả nước. Chính quyền địa phương đã xác định đây là một trong những trụ cột phát triển kinh tế, đồng thời đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Để phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo, Ninh Thuận cũng xác định việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là cực kỳ quan trọng. Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận là một trong số ít các cơ sở đào tạo tại Việt Nam có các chuyên ngành đào tạo làm tiền đề cung cấp nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận cho biết, bám sát nhu cầu phát triển cũng như định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, nhà trường đã xây dựng và tổ chức đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu xã hội như ngành cơ điện tử theo tiêu chuẩn Đức. Sau khi học xong chương trình học, các học viên sẽ được học thêm các modul nâng cao liên quan vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện gió. Đây là chương trình học hoàn toàn mới tại Việt Nam, sau khi hoàn thành các khóa học, học viên sẽ được cấp chứng chỉ tương đương với bằng cao đẳng của Đức và có thể sang Đức làm việc.

Ngoài ra, nhà trường đang được hỗ trợ về đào tạo lẫn thiết bị đào tạo bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để thành lập Trung tâm đào tạo về năng lượng tái tạo, tập trung về điện gió và điện mặt trời. Nhà trường cũng sẽ mở các khóa đào tạo theo đơn đặt hàng, cùng các khóa đào tạo dành riêng cho giáo viên và học sinh, sinh viên về các ngành năng lượng tái tạo, với mục tiêu trở thành trung tâm vùng đào tạo chuyên về năng lượng tái tạo cho cả nước trong tương lai gần.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các chương trình chuyển giao, đồng thời tổ chức thí điểm đào tạo, cung cấp các khóa dịch vụ đào tạo về năng lượng tái tạo cho người lao động và doanh nghiệp để mở rộng mạng lưới.

- Ông Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận -

Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác quốc tế cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và cập nhật các công nghệ mới nhất. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã hỗ trợ Việt Nam trong việc cung cấp các khóa học về an toàn và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời, giúp giảng viên và sinh viên nắm bắt nhanh các kỹ thuật hiện đại.

Một trong những điểm sáng trong hoạt động đào tạo của Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận là việc triển khai mô hình đào tạo kép. Mô hình này không chỉ giúp sinh viên có cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp mà còn mở ra cánh cửa việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Doãn Hữu Hiệp, sinh viên năm 2 Khoa Cơ điện tử khóa 23 chia sẻ: “Em xác định theo học ngành cơ điện tử với hy vọng sẽ làm việc tại nhà máy điện mặt trời ở địa phương. Chúng em mong muốn được trang bị thêm kiến thức và kỹ năng thực hành để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường”.

Nhờ có mô hình đào tạo kép, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tại trường đạt trên 85% với mức lương ổn định. Nhiều sinh viên đã làm việc ở các vị trí quan trọng như vận hành và bảo trì tại các nhà máy điện gió và điện mặt trời.

Theo ông Quốc, bảo trì, bảo dưỡng các dự án năng lượng tái tạo trước đây hầu như thuộc gói dịch vụ của các nhà đầu tư, nhà cung cấp nước ngoài hoặc bên thứ 3, nhưng trong thời gian tới, tỷ lệ nội địa hóa nhân lực cho lĩnh vực này sẽ từng bước được nâng lên, trong khi nhân lực Việt Nam cho vận hành các dự án điện gió, điện mặt trời hoàn toàn có thể đáp ứng được với chất lượng tốt.

Chiến lược nội địa hóa - hướng tới tương lai bền vững

Turbine gió của nhà máy điện gió Đầm Nại, Ninh Thuận. Ảnh: GIZ

Turbine gió của nhà máy điện gió Đầm Nại, Ninh Thuận. Ảnh: GIZ

Công nhân bảo dưỡng pin mặt trời tại trang trại điện mặt trời Phong Phú. Ảnh: PHÚ THỌ

Công nhân bảo dưỡng pin mặt trời tại trang trại điện mặt trời Phong Phú. Ảnh: PHÚ THỌ

Công nhân vận hành turbine gió tại trang trại điện gió Phú Lạc. Ảnh: PHÚ THỌ

Công nhân vận hành turbine gió tại trang trại điện gió Phú Lạc. Ảnh: PHÚ THỌ

Bên cạnh việc đào tạo nhân lực, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của quá trình chuyển dịch năng lượng là tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo. Việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ là bài toán về môi trường mà còn là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển công nghiệp nội địa, tạo việc làm và tăng cường khả năng tự chủ công nghệ của quốc gia.

Hiện tại, phần lớn các linh kiện và thiết bị phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ sản xuất linh kiện nhỏ cho đến lắp đặt và vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống.

Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và công bằng cho các nước Đông Nam Á (CASE) Việt Nam nhận định: "Chuyển dịch năng lượng không chỉ là việc sử dụng các công nghệ mới mà còn là khả năng đóng góp của doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng tham gia của doanh nghiệp trong nước, từ khâu sản xuất linh kiện đến lắp đặt và vận hành các hệ thống năng lượng tái tạo".

Theo bà Mai, trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn phải dựa vào các công nghệ từ nước ngoài để xây dựng và vận hành các nhà máy điện gió và điện mặt trời, song song với xây dựng những khóa đào tạo ngắn hạn để giúp nguồn nhân lực có thể bổ sung thêm những kiến thức, năng lực cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng cho các nhà máy hiện có.

Tuy nhiên, về dài hạn, để giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và giảm chi phí sản xuất, cần có chiến lược dài hơi trong phát triển nội địa hóa và sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước vào chuỗi cung ứng để giảm giá thành, từ đó góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cũng như bảo đảm giá thành điện có thể tiếp cận được với tất cả người dân.

Nhiều khi sự tham gia của các doanh nghiệp Việt không cần phải là một sản phẩm cụ thể nào đó, mà chỉ cần là một phần mắt xích của sản phẩm đó cũng đã được đánh giá là có cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

- Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án CASE Việt Nam -

Bà Mai chia sẻ, hiện nay, trong khuôn khổ dự án, CASE đang xúc tiến một dự án hợp tác mới với Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), với mong muốn tìm ra được những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các khâu trong chuỗi sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển nội địa hóa ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Một trong những thí dụ điển hình cho sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình, đơn vị vận hành trang trại điện gió Phú Lạc tại tỉnh Bình Thuận, với việc thực hiện nội địa hóa các quy trình bảo dưỡng và sửa chữa.

Ông Phạm Quốc Triệu, kỹ sư công ty chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi phải phụ thuộc rất nhiều vào các chuyên gia nước ngoài trong việc bảo trì các turbine gió. Tuy nhiên, sau thời gian dài tích lũy kinh nghiệm thông qua tự tìm tòi, học hỏi, chúng tôi đã có thể tự vận hành và bảo trì hệ thống, giảm đáng kể chi phí và thời gian".

Còn tại Công ty cổ phần Đầu tư Điện mặt trời (Solarcom), theo ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Giám đốc công ty, trước đây, điện mặt trời là một hướng đi rất mới ở Việt Nam nhưng tới giai đoạn kể từ sau năm 2020, lĩnh vực điện mặt trời đã có nhiều thay đổi và các kỹ sư của Việt Nam đã nắm bắt được nhiều về phần công nghệ trong lĩnh vực này. Thí dụ như ở trang trại điện mặt trời Phong Phú được vận hành bởi Solarcom, những hư hỏng không liên quan đến nhà sản xuất đều được các bộ phận vận hành và bảo trì của nhà máy tự sửa chữa để đưa vào vận hành trở lại.

“Chúng tôi đang từng bước xây dựng đội ngũ kỹ sư trong nước có khả năng tự vận hành và bảo trì nhà máy điện mặt trời. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp”, Phó Giám đốc Solarcom chia sẻ.

Doanh nghiệp Việt cần cơ hội

Turbine gió của nhà máy điện gió Phú Lạc. Ảnh: GIZ

Turbine gió của nhà máy điện gió Phú Lạc. Ảnh: GIZ

Nội địa hóa chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo là một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong quá trình phát triển ngành năng lượng. Theo các chuyên gia, để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, bảo đảm tính ổn định và lâu dài để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ.

GS, TS Lê Chí Hiệp, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, cần phải có những chính sách đủ hấp dẫn và ổn định đối với các nhà đầu tư. Nội địa hóa không thể đạt được trong một sớm một chiều mà cần phải có lộ trình rõ ràng và bảo đảm tính khả thi”.

Nhằm thúc đẩy quá trình tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng. Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời đẩy mạnh các chương trình nội địa hóa sản xuất thiết bị và công nghệ liên quan.

Quang cảnh trang trại điện mặt trời Vĩnh Tân 2. Ảnh: GIZ

Quang cảnh trang trại điện mặt trời Vĩnh Tân 2. Ảnh: GIZ

Tuy nhiên, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhấn mạnh rằng, sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành năng lượng tái tạo còn rất hạn chế. Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào việc cung cấp một số linh kiện turbine điện gió, nhưng số lượng còn rất ít. Điều này cho thấy rằng Việt Nam cần một chiến lược dài hạn để phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp.

Về tầm nhìn dài hơi, theo bà Bình, để doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, quan trọng nhất là thị trường, tức các nhà máy năng lượng tái tạo phải cho doanh nghiệp cơ hội để tham gia vào chuỗi này.

“Nếu như không được tham dự để cung cấp linh kiện ngay từ đầu cho những công ty bán các thiết bị điện gió, điện mặt trời, doanh nghiệp Việt có thể tham dự vào công đoạn cung cấp linh kiện thay thế. Thực tế trong các nhà máy lớn của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhiều khi linh kiện thay thế mua tại Việt Nam vừa rẻ hơn, vừa tốt hơn lại vừa nhanh hơn các linh kiện thiết kế của hãng ban đầu. Những linh kiện đơn chiếc như vậy cần sự phát triển của thị trường nội địa và sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với nhập khẩu”, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết.

Để doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, quan trọng nhất là thị trường, tức các nhà máy năng lượng tái tạo phải cho doanh nghiệp cơ hội để tham gia vào chuỗi này.

- Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam -

Để những nhà máy đã đi vào hoạt động có thể tìm những linh kiện thay thế trong nước, theo bà Bình, cần phải có kế hoạch sớm bởi quá trình bảo hành, bảo dưỡng sẽ biết được về kế hoạch các linh kiện nào cần thời gian để thay thế. Do đó, ngay từ bây giờ, các bên nên ngồi lại với nhau để thảo luận về những linh kiện nào các nhà máy năng lượng tái tạo có thể cần trong tương lai gần để phát triển sớm.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch điện VIII, trong tương lai, chiến lược phát triển điện phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng tái tạo. Do đó, rất cần một chính sách nội địa hóa dài hơi của Chính phủ để làm sao ngay từ ban đầu khi những nhà máy năng lượng tái tạo bắt đầu triển khai, họ phải có trách nhiệm với việc nội địa hóa những phần linh kiện, phụ tùng liên quan chế tạo ở trong nước. Nếu có chiến lược ban đầu và có kế hoạch nội địa hóa rõ ràng sẽ giúp các bên có sự chuẩn bị, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo.

Về chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng tái tạo từ phía Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, bà Bình cho biết, thời gian tới, hiệp hội sẽ làm việc với các đơn vị liên quan về việc thiết lập bản đồ công nghệ cho các lĩnh vực cụ thể như điện mặt trời, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi… để cùng xác định xem khu vực nào doanh nghiệp Việt có thể tham dự được, và trong tương lai lộ trình sẽ thực hiện như thế nào.

Về hỗ trợ kỹ thuật, đối với mảng năng lượng tái tạo liên quan một số quy định, tiêu chuẩn quốc tế khá đặc thù và chi phí cao, hiệp hội đang hỗ trợ cung cấp thông tin. Để làm tốt phần việc sản xuất linh kiện cho ngành này, bà Bình nhấn mạnh, năng lực sản xuất, đặc biệt là tối ưu hóa sản xuất phải tốt, tức phải bảo đảm về chất lượng và giá thành thì doanh nghiệp mới có thể cung ứng được vào các chuỗi này. Do đó, hiệp hội cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp năng lượng tái tạo đạt được tiêu chuẩn về năng lực sản xuất để trong mọi hoàn cảnh, doanh nghiệp nội đều có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Có thể nói, Việt Nam đang đi đúng hướng trong quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững, với những nỗ lực không ngừng trong việc đào tạo nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để thành công, cần có sự đồng thuận, nỗ lực và hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, đồng thời duy trì các chính sách hỗ trợ dài hạn nhằm tạo ra một hệ sinh thái năng lượng tái tạo tự chủ và phát triển bền vững, qua đó bảo đảm một tương lai năng lượng công bằng và hiệu quả cho mọi người.

Ngày xuất bản: 23/10/2024
Tổ chức: THẢO LÊ
Thực hiện: TRUNG HƯNG

E-MAGAZINE
nhandan.vn