Nỗi lo đến từ
thiết bị điện tử

Một đứa trẻ ngồi yên trước màn hình máy tính, tivi hoặc cùng với một thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng sẽ mang lại cảm giác an toàn cho cha mẹ. Nhưng đằng sau hình ảnh thoạt trông có vẻ an toàn đó là gì…
Các chuyên gia cảnh báo, khi trao một thiết bị điện tử vào tay con trẻ, các bậc cha mẹ có thể đã đang trao cho con một thứ "ma túy" mà không hề hay biết…


Rủi ro kép từ thiết bị điện tử

“Vợ chồng mình đã không lường được việc cháu đang ở tuổi mới lớn, dễ bị hấp dẫn bởi công nghệ, mạng xã hội. Cuối năm lớp 6,vì con phải học trực tuyến nên mua cho con 1 điện thoại thông minh. Vì vợ chồng mình bận việc không để ý, giao hẳn điện thoại cho cho cháu, qua mấy tháng, vợ chồng mình nhận ra bất ổn và tịch thu điện thoại, cấm sử dụng thì cháu phản ứng hết sức tiêu cực như bỏ ăn, tự đóng cửa ở trong phòng một mình nhiều ngày...", chị Đ.A (Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự câu chuyện buồn của gia đình khi cho cô con gái học lớp 7 tự do sử dụng điện thoại thông minh.

Đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý, anh chị nhận được kết quả con bị rối loạn tâm lý, mất kiểm soát hành vi và có dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như nhận thức. Hiện vợ chồng chị Đ.A đang nỗ lực đồng hành cùng con vượt qua căn bệnh tâm lý này.

"Dù đã muộn để sửa sai nhưng bằng mọi giá, vợ chồng mình phải cùng con vượt qua giai đoạn này” chị Đ.A bộc bạch. Chị nói rằng quá trình này thực sự khó khăn, ngay cả bản thân vợ chồng chị đang phải rất kiềm chế và hết sức khéo léo, xác định đây là một dạng bệnh lý phải điều trị lâu dài.  

Câu chuyện của gia đình chị Đ.A không quá mới, nhưng lại là câu chuyện điển hình về tác động tiêu cực của thiết bị điện tử thông minh đối với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Nhất là trong bối cảnh giãn cách vì dịch Covid-19, học sinh các cấp từ mầm non tới cấp 3 không được tới trường, bị hạn chế ra ngoài và học trực tuyến.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo Digital Vietnam in 2021 công bố tháng 2/2021, số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam tương đương với 73,7%, tăng 11% trong giai đoạn 2020-2021… Trong đó, có 4,9% thiếu niên gái và 4,3% thiếu niên trai trong độ tuổi từ 13-17 sử dụng mạng xã hội.

Mục đích sử dụng mạng xã hội của giới trẻ rất đa dạng, tìm kiếm, cập nhật thông tin xã hội, liên lạc với gia đình, bạn bè, chia sẻ thông tin hình ảnh, để giải trí,…. Mục đích sử dụng không xấu, nhưng việc mất kiểm soát thời gian sử dụng, thiếu khả năng nhận thức được hoạt động đúng sai trên không gian mạng khiến trẻ dễ bị lôi kéo vào những hoạt động nguy hại, làm lệch lạc hành vi, tổn thương tâm lý và cả thể chất.

Cũng theo báo cáo Digital Vietnam in 2021, mức thời gian trực tuyến của người dùng mạng internet trong thời gian đại dịch tại Việt Nam tăng lên mức đỉnh 4,2 giờ từ mức 3,1 giờ và sau đó duy trì ở mức 3,5 giờ mỗi ngày.

Con số này trong thực tế có thể còn cao hơn bởi trong thời kỳ đại dịch, các phương thức làm việc, học tập của các gia đình đều thay đổi sang hình thức trực tuyến.

Mang nỗi lo thiết bị điện tử gây hại tới tâm lý của trẻ, chị D.H (khu đô thị Times City, Hà Nội) có con đang học tiểu học kể, trước đây bé nhà chị hầu như không được tiếp xúc với các thiết bị điện tử, đợt này vào năm học mới đúng mùa dịch, phải tham gia lớp học trực tuyến nên dù có mẹ đồng hành suốt các buổi học nhưng cháu vẫn có những phản ứng tâm lý bất thường. Cháu dễ nổi cáu hơn vì những tương tác không như ý kéo dài trong thời gian học hằng ngày như mất kết nối đường truyền mạng, cháu giơ tay nhưng không được cô gọi trả lời,...

“Nếu các cháu ở lớp học trực tiếp, dù giơ tay nhưng cô không gọi thì vẫn có cảm giác bình tĩnh hơn vì cháu biết mình vẫn trong tầm mắt của cô, chung quanh còn nhiều bạn như mình. Nhưng khi chỉ một mình ngồi trước màn hình máy tính, các cháu dễ bị mất cân bằng, đâm ra khi không được gọi, không được tương tác với cô giáo và các bạn cháu dễ sinh chán nản”, chị D.H tâm sự.

Không khỏi lo lắng, chị D.H nói thêm: “Tôi rất sợ nếu việc học trực tuyến kéo dài, thời gian các cháu tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu như hiện nay sẽ gây hại tới sức khỏe về mắt, phát triển cơ thể. Nhưng điều mà gia đình tôi và có lẽ là các phụ huynh khác lo lắng hơn cả là việc này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của trẻ khi các cháu đang trong giai đoạn hình thành về tính cách”.

Dịch kéo dài, các trường học vẫn đóng cửa trong khi bố mẹ vẫn phải làm việc từ xa hoặc tới cơ quan, chẳng còn cách nào khác, nhiều gia đình buộc phải cho con sử dụng các thiết bị điện tử như một cách quản lý con tại nhà.

Không may mắn như chị D.H, chị N.T.H (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) vẫn phải đi làm hằng ngày chia sẻ: “Vợ chồng mình vẫn phải đi làm, nên chẳng thể có nhiều thời gian để kèm cặp các con. Đi học thì còn đỡ, chứ bất cứ khi nào ở nhà, bọn trẻ lại “dán mắt” vào điện thoại, máy tính bảng quên cả ăn, cả ngủ. Có gửi cho ông bà trông hộ cũng khó, vì người già thì đâu có sức mà chơi với chúng nó mãi được”.

Chia sẻ cùng một mối quan tâm, anh L.Q.M (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) cho biết: Bọn trẻ con nhà tôi do không phải đi học, nên thường xuyên sử dụng điện thoại di động để chơi game, thậm chí không có nhu cầu dành thời gian cho những việc vận động khác. Khi bị tịch thu điện thoại thì bọn trẻ lại chuyển qua ti vi để xem Youtube. Khi được người lớn yêu cầu làm việc gì đó, chúng thường kèm theo một điều kiện được phép sử dụng điện thoại, và tất nhiên là hoàn thành việc được nhờ một cách nhanh chóng. Đỉnh điểm là những bữa cơm kéo dài hàng tiếng đồng hồ do thói quen vừa ăn, vừa “ôm” điện thoại.”

Lý do khách quan dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi, nhưng không ít các gia đình, bố mẹ lại là người có thói quen cầm điện thoại, sử dụng máy tính bảng hay xem ti vi rất thường xuyên, khiến trẻ vô thức bắt chước theo.

Tác động tiêu cực về tâm lý trẻ đã rõ, các thiết bị điện tử cũng gây hàng loạt rủi ro về sức khỏe khác cho trẻ như gây béo phì, các vấn đề về phát triển thể chất, bệnh về mắt và rối loạn giấc ngủ ở trẻ.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dẫn một nghiên cứu năm 2015 cho kết quả, sử dụng máy tính ở trường và ở nhà có thể liên quan đến đau nhức cơ xương. Rắc rối về cơ xương khớp liên quan đến việc sử dụng máy tính và máy tính bảng của trẻ em đã được ghi nhận trong một số nghiên cứu vào các năm 2002, 2016.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, (Đại học Quốc Gia Hà Nội), số liệu thống kê từ báo cáo Digital Vietnam in 2021 cho thấy, người dùng Internet Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 64 dành trung bình 6 giờ 47 phút để sử dụng các thiết bị kết nối mạng mỗi ngày, đồng nghĩa với việc là họ dành 48 giờ hoặc 2 ngày để trực tuyến mỗi tuần.

Hệ lụy sức khỏe sẽ rất rõ ràng nếu như trẻ em cũng sử dụng các thiết bị công nghệ, bất kể loại nào, trong một khoảng thời gian tương đương với người lớn.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Học viện Mắt của Mỹ (The American Academy of Ophthalmology) giải thích, việc nhìn lâu vào các thiết bị điện tử không hẳn là sẽ gây hỏng mắt nhưng sẽ làm cho mắt rất mệt mỏi căng thẳng và khó chịu. Trung bình chúng ta chớp mắt 15 lần trong một phút nhưng khi tập trung nhìn vào màn hình, số lần chớp mắt giảm đi một nửa dẫn đến mắt khô và mỏi mệt.

Ánh sáng xanh từ màn hình có thể gây mỏi, hại mắt, đau đầu và rối loạn giấc ngủ. Trẻ em càng dễ bị tác động nhiều hơn bởi thủy tinh thể của các em lọc ánh sáng xanh kém hiệu quả hơn người lớn, tăng thêm nguy cơ thoái hóa điểm vàng theo lứa tuổi. Các triệu chứng của mắt phổ biến nhất thường là nhìn mờ, căng mắt, khô mắt,...

“Tuy nhiên, các em chưa đủ kiến thức để phản ánh những vấn đề này với cha mẹ, lâu dần sẽ dẫn tới đau đầu, khó ngủ, mệt mỏi và mất tập trung”, ông Trần Thành Nam cho biết.

Đồng hành cùng trẻ, không chỉ là câu chuyện gia đình

Xã hội ngày càng phát triển, những thiết bị điện tử công nghệ cao ngày một tân tiến và thu hút cả người lớn lẫn trẻ nhỏ và tất nhiên, không thể phủ nhận việc những thiết bị này trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng để giảm thiểu tác hại của chúng với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên luôn là vấn đề cấp bách cần nhiều sự hợp tác của các bên.

Trở lại câu chuyện của gia đình chị Đ.A, chị nói rằng giá như anh chị sát sao hơn trong việc quản lý điện thoại thông minh, chỉ cho con sử dụng trong giờ học thì sự việc đã không đi quá xa như hiện nay.

Còn chị A.T (phường Trung Tự quận Đống Đa) chia sẻ: “Điều mà tôi lo lắng khi bọn trẻ con phải thực hiện giãn cách xã hội ở nhà, không phải là chuyện ăn gì, chơi gì, mà là làm cách nào không để chúng cặm cụi suốt ngày với cái điện thoại”.

Nếu phụ huynh đóng vai trò là người đồng hành cùng con cái, để xem một chương trình nào đó phù hợp với lứa tuổi của trẻ, đó sẽ là một việc tốt. Sẽ càng tốt hơn, nếu các bậc cha mẹ cùng trò chuyện với con về chương trình đó, bởi sự trao đổi thông tin, kiến thức và quan điểm sẽ rất có lợi cho sự phát triển của trẻ.

Để cải thiện tình trạng “dán mắt” của trẻ nhỏ vào màn hình, chị N.T.H chia sẻ, gia đình chị đã gợi ý nhiều trò chơi và hoạt động để bé tránh xa màn hình, giúp con phát triển tư duy trong khi vẫn giải trí và kích thích trí tuệ.

Cũng theo chuyên gia Trần Thành Nam, các bậc cha mẹ cũng cần tạo ra một nề nếp, thói quen cho con với những quy ước cụ thể để bảo đảm kiểm soát thời lượng sử dụng đồ công nghệ trong ngày, nhưng không mang tính áp đặt, đặc biệt là đối với trẻ đang ở độ tuổi “teen”.

Đã có những phần mềm tin học (Norton Family, Kuru Pira Web Filter, Windows Live Family Safety, Cold Turkey,...) giúp các bậc phụ huynh quản lý được thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của con em mình. Việc sử dụng các phần mềm này sẽ mang tới cho trẻ nhỏ môi trường học tập, giải trí an toàn.

Việc kiểm soát sử dụng các thiết bị công nghệ của con sẽ càng khó hơn cho cha mẹ, nếu các bạn nhỏ có không gian sinh hoạt riêng. Lúc này, các bậc phụ huynh nên cố gắng đồng hành cùng con như một “người bạn”, chỉ nên có những động thái định hướng, thay vì áp đặt có thể gây ra phản ứng ngược.
Chuyên gia Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), đối với các bạn trẻ đang ở độ tuổi “teen”, đang ở giai đoạn thích khám phá, nhanh nhạy với việc học hỏi những điều mới mẻ và thích khẳng định, thể hiện bản thân, bố mẹ lúc này sẽ đóng vai trò như một người đồng hành và học hỏi từ chính con cái mình.

Hãy viện cớ bố mẹ “chưa biết làm làm cái này hay cái kia”, để chính các bạn “teen” sẽ là người hướng dẫn lại cha mẹ. Điều này sẽ giúp đáp ứng được tâm lý muốn khẳng định cái tôi hoàn toàn tự nhiên của các bạn trẻ, cũng để các bậc phụ huynh biết thêm rằng con cái của mình đang tiếp cận với những gì trên không gian mạng.

Bước sang giai đoạn cấp 2, các mối quan hệ của trẻ sẽ chuyển dần từ trong gia đình, ra ngoài bạn bè, trường lớp và xã hội. Bản thân các bạn trẻ ở độ tuổi này cũng dần được bố mẹ trang bị cho các thiết bị điện tử cá nhân.

Nhưng hơn hết, trẻ dù ở độ tuổi nào cũng cần được vận động để bảo đảm cho sự phát triển cơ thể và tâm lý. Bằng cách này hay cách khác, hãy cố gắng yêu cầu trẻ làm một việc nào đó trong gia đình, phụ giúp bố mẹ (quét nhà, tưới cây, gấp chăn màn, phơi quần áo,...); một mặt nhằm khuyến khích các con tăng cường hoạt động, mặt khác để trẻ cảm thấy đó là một quyền lợi mà vui vẻ nhận lời.  

Là người có điều kiện để cùng con trong mọi hoạt động, chị D.H thì bày tỏ mong muốn không chỉ gia đình mà nhà trường cũng cần hành động để trẻ giảm tiếp xúc với thiết bị điện tử trong thời gian đại dịch.

Từng sống ở nước ngoài trước khi về Việt Nam, chị D.H kể rằng trong đợt giãn cách, trường cháu học ở nước ngoài vẫn tổ chức học trực tuyến và đến lớp xen kẽ, ngay cả khi học trực tuyến cháu cũng chỉ xem một đoạn phim dài tối đa 15 phút mỗi ngày và làm bài tập ngắn trên giấy.

“Dù biết trong thời kỳ dịch, học trực tuyến là cách an toàn để các cháu có kiến thức, nhưng nên chăng là Sở giáo dục, các trường học ở Việt Nam thiết kế bài học trực tuyến ngắn hơn từ 10-15 phút (thời gian các cháu có độ tập trung cao nhất) và không quá 2 giờ học mỗi ngày để giảm thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử. Hoặc với những khu vực dịch đã được kiểm soát, có thể cho các cháu đến lớp học trực tiếp với các biện pháp phòng dịch xen kẽ với học trực tuyến để các cháu được tương tác trực tiếp với cô giáo và các bạn, tạo tâm lý thoải mái và được vận động nhiều hơn”, chị D.H tâm tư.

Không thể phủ nhận rằng công nghệ đã thay đổi đời sống và cơ hội tiếp cận những tri thức mới của thế hệ trẻ. Hiện nay, việc trẻ em tiếp cận và sử dụng các thiết bị điện tử là một tất yếu, khi mà sự tiến bộ không ngừng của khoa học - công nghệ đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống. Song để thiết bị điện tử, công nghệ trở thành công cụ thúc đẩy sự phát triển cân bằng của trẻ, đòi hỏi cả phụ huynh và nhà trường phải luôn đồng hành cùng trẻ, có các biện pháp điều chỉnh sự tiếp xúc giữa trẻ và thiết bị điện tử một cách hợp lý và kịp thời.  

Ngày xuất bản: 30/9/2021
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Thực hiện: MINH DUY, NGUYỄN TRANG, PHAN ANH