Ngành nông nghiệp vươn tới thị trường toàn cầu

Trong gần 40 năm kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, ngành nông nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng nhanh, ổn định và tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Hành trình đầy thử thách trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từng bước thay đổi tiếp cận từ nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh... đã đưa Việt Nam vươn lên vị trí một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành 3,5-4%, xuất khẩu hướng đến ngưỡng 70 tỷ USD và khẳng định nông nghiệp mang sức hút của một ngành kinh tế lớn.

CÙNG NÔNG DÂN KIẾN TẠO GIÁ TRỊ MỚI

Đứng bên ruộng lúa thẳng cánh cò bay, anh Lê Văn Đức, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số 1 xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp tự hào là một trong những hộ dân tham gia Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (TRVC)”. Đây là chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã triển khai quy trình sản xuất lúa bền vững. Vụ hè thu 2024, hợp tác xã đã liên kết với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính trên diện tích 1.201 ha.

Trong dự án này, Công ty có tổng diện tích liên kết là 1.515 ha. Cuối vụ, nhờ đạt mức giảm phát thải khí nhà kính gần 9.953 tấn CO2e/1.515 ha; lợi nhuận trung bình của nông hộ tham gia đạt 68,41%, Chơn Chính nhận mức thưởng cao nhất, gần 1,2 tỷ đồng từ dự án. Anh Đức bày tỏ: “Tham gia chương trình, lợi nhuận từ trồng lúa không chỉ đến từ năng suất, sản lượng mà còn nhìn thấy được ngay từ đầu vụ khi giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón hóa học, thực hiện tưới ngập khô xen kẽ... Ngoài ra, lượng rơm rạ trước kia đốt tại đồng ruộng thì nay chuyển sang bán rơm cuộn hoặc sử dụng cho trồng nấm, làm phân hữu cơ phục vụ 420 ha trồng rau hữu cơ của hợp tác xã. Đặc biệt, mỗi hộ dân chúng tôi còn được chia sẻ cùng doanh nghiệp tiền thưởng từ dự án nhờ trồng lúa giảm phát thải với mức 200.000 đồng/ha”.

Những nông dân như anh Đức không phải là “của hiếm” ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Đã qua thời sản xuất lúa gạo “trông trời, trông đất, trông mây; trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”; giờ đây từng cánh đồng được gieo sạ bằng máy, được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị drone; nông dân có thể theo dõi lượng nước, phân bón, sâu bệnh hay từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa từ điện thoại thông minh… góp phần kiến tạo nên những giá trị mới cho nông nghiệp.

Theo khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á, gần 50% nông dân trồng lúa và rau quả của Việt Nam được hỏi cho biết muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp.So với một số quốc gia khu vực ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất.

Nói đến hành trình vươn mình chinh phục thị trường toàn cầu của ngành nông nghiệp, không thể không đến với Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió, nơi mà cà-phê, hồ tiêu, sầu riêng… đã trở thành những nông sản nức tiếng “tỷ USD”. Câu chuyện cà-phê hạnh phúc (Coffee Made Happy) và chương trình cảnh quan bền vững của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) hẳn đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ đến cảm phục hành trình đổi mới tư duy sản xuất của cả doanh nghiệp và nông dân. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng-Giám đốc Phát triển nông nghiệp bền vững Simexco DakLak, chương trình do Simexco DakLak phối hợp với Công ty JDE PEET’s và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) thực hiện theo đuổi những giá trị bền vững. Một mặt giúp công ty mở rộng quy mô canh tác, mặt khác mang lại những giá trị lớn cho cộng đồng.

Với quy mô ban đầu thu hút 5.360 nông dân tham gia, đến năm 2024 đã lên đến 36.817 nông dân với 48.956 ha. Từ đó, công ty cấp gần 3 triệu cây giống cà-phê, 98.000 cây trồng xen, tập huấn cho 56.000 lượt nông dân các phương thức canh tác tiên tiến, tăng chất lượng, giảm phát thải từ việc giảm phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và phân bón hóa học- chất chiếm hơn 80% dấu chân carbon tại vườn. Với chương trình này, công ty còn tổ chức các hoạt động tri ân người trồng cà-phê để từ đó kết nối các thế hệ người trồng cà-phê. Để người trồng cà-phê được kể những câu chuyện đong đầy cảm xúc về từng vùng trồng, vun đắp những giá trị nhân văn qua từng chương trình thể hiện trách nhiệm xã hội..., đó là cách mỗi sản phẩm được gia tăng giá trị và trở nên khác biệt trong mắt của đổi tác nhập khẩu...

NÂNG CÁNH CHO KHÁT VỌNG VƯƠN XA

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến năm 2024, Việt Nam đã có bảy mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, gồm: gạo, cà-phê, cao su, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ; Khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 11,86% GDP cả nước – cao hơn mức trung bình của thế giới là 4,3%. Lý giải về sức bền và sức bật trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp, điều Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến tâm đắc, chính. là giá trị thu được từ quá trình chuyển đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp đạt được sự thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam liên tục lập lỷ lục mới với danh mục sản phẩm đa dạng, hiện diện tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia và khu vực lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu đều cho biết các thị trường này ngày càng đánh giá cao những đổi mới trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thông qua chất lượng hàng hóa được nâng cao, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của người tiêu dùng. Từ đó, EU đang tăng cường nhập khẩu gạo và trái cây của Việt Nam; Mỹ nhập khẩu thủy sản, đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ với trị giá lớn; Trung Quốc dẫn đầu về nhập khẩu rau quả của Việt Nam; trong khi đó thị trường mới Halal với quy mô lớn cả về dân số, nhu cầu tiêu dùng và doanh thu cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong nhập khẩu nông sản, thực phẩm...

Tiếp sức cho thành tựu này là những chính sách nông nghiệp đa dạng được đưa ra dày đặc trong thời gian qua liên quan đến các vấn đề như: tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình giống quốc gia; nông nghiệp tuần hoàn; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp giảm phát thải; chuyển đổi số trong nông nghiệp; tín dụng cho nông, lâm, thủy sản; logistics phục vụ sản xuất và xuất khẩu nông sản…

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang phải chịu áp lực từ khan hiếm tài nguyên thiên nhiên; biến đổi khí hậu…, để tạo ra bước đột phá tăng trưởng thời gian tới, ngành nông nghiệp cần thay đổi mạnh mẽ hơn trong ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là các công nghệ số như: Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Chuỗi khối (Blockchain), Dữ liệu lớn (Big Data), Hệ thống tính toán hiệu năng cao (High Performance Computing-HPC), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Robot tự động hóa (Antonomous Robots), An toàn, an ninh thông tin mạng (CyberSecurity)...

Nền sản xuất nông nghiệp sáng tạo dựa trên thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ góp phần định hình chuỗi giá trị nông nghiệp trên cơ sở tối ưu tài nguyên, tối ưu chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này cũng đã được thể hiện rõ nét tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” khi xác định rõ nông nghiệp là một trong những ngành cần ưu tiên chuyển đổi số trước; trong đó, chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, đến năm 2050, thế giới cần sản xuất thêm 70% thực phẩm, trong khi tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 3% GDP toàn cầu. Năm 2030, dự báo thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người bị đói và 8% dân số vẫn ở trong tình trạng suy dinh dưỡng. Đây là thách thức cho vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, nhưng cũng là thời cơ cho nông nghiệp Việt Nam vươn mình thể hiện vị thế mới thông qua việc đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng bền vững, sớm trở thành “bếp ăn”, thành nguồn cung lương thực, thực phẩm tin cậy của thế giới. Không chỉ vinh danh nông sản Việt Nam trên trường quốc tế, nông nghiệp Việt Nam còn vươn đến mục tiêu cao hơn - đóng góp vai trò to lớn vào an ninh lương thực toàn cầu.

Năm 2024, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,3%. Không chỉ bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, nông nghiệp Việt Nam còn hội nhập quốc tế mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD; xuất siêu 17,9 tỷ USD, chiếm đến 71,6% xuất siêu cả nước.

Thực hiện: ÁNH TUYẾT
Trình bày: THÀNH HƯNG