Năm 2021, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả hết sức khả quan, không chỉ đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra mà còn tiếp tục giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định xã hội trong lúc đất nước gặp khó khăn do dịch bệnh.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để hiểu rõ hơn những nỗ lực cũng như các giải pháp hữu hiệu làm nên kết quả đó, mở ra tương lai cho một nền nông nghiệp xanh, trách nhiệm và bền vững.

Tái cơ cấu dần đi vào chiều sâu


Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, năm 2021 sắp kết thúc, đến thời điểm này (hết tháng 11) đồng chí có thể đánh giá về khả năng hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đề ra cho năm nay?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước hết phải nói, năm 2021 là một năm cực kỳ khó khăn đối với ngành nông nghiệp. Xác định rõ vai trò của ngành, ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh để bảo đảm thích ứng tốt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, cũng như thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Tính đến hết tháng 11, sản lượng lúa vẫn đạt 41,2 triệu tấn và dự kiến hết năm nay sẽ đạt 43,3 triệu tấn. Như vậy riêng lĩnh vực lúa gạo không những đạt mà còn vượt chỉ tiêu đặt ra... Sản lượng rau dự kiến đạt 18,5 triệu tấn, còn quả khoảng 8,5 triệu tấn, như vậy mục tiêu đặt ra cũng hoàn toàn đạt được. Lĩnh vực chăn nuôi, năm nay phấn đấu đạt 6,2 triệu tấn thịt, cộng 16 tỷ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa thì đến hết tháng 9 đã đạt 4,7 triệu tấn thịt, hơn 14 tỷ quả trứng cộng gần 900 nghìn tấn sữa.

Những tháng cuối năm, đàn bò vẫn tăng 1,2 %, đàn gia cầm tăng 1,6%, đàn lợn tăng 0,6%. Về thủy sản, cả năm phấn đấu đạt 8,6 triệu tấn, xuất khẩu 8,6 tỷ USD; đến thời điểm này đã đạt khoảng xấp xỉ 8 triệu tấn và xuất khẩu nếu phấn đấu trong tháng này đạt 600-700 triệu USD thì chúng ta sẽ đạt được cả sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu. Về lâm nghiệp, đến nay, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 236,8 nghìn ha, tăng 15,6% so cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 16,15 triệu m3, tăng 4,58%; lâm nghiệp xuất khẩu vượt đích 14,5 tỷ USD. Xây dựng nông thôn mới phấn đấu 68% hoàn toàn đạt được. Về xuất khẩu nông lâm thủy sản, hết tháng 11, đã đạt 43,48 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt 46 đến 47 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao là 42 tỷ USD.

Phải khẳng định rằng, thời gian trước chúng ta đã xây dựng được hệ thống luật pháp tương đối đầy đủ đối với nông nghiệp. Có 11 luật và trong thời gian Quốc hội khóa 14 có 4 luật được thông qua rất quan trọng với bốn ngành sản xuất. Đó là Thủy sản, Lâm nghiệp, Chăn nuôi, Trồng trọt, tạo ra khung pháp lý để huy động nguồn lực phát triển. Bốn luật này đều đi theo một chuỗi khép kín từ chuồng nuôi; từ ao nuôi; từ đồng ruộng đến bàn ăn. Đây là một xu thế tất yếu mà chúng ta đang hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, và chỉ có thể theo chuỗi như thế, chúng ta mới có thể vào được chuỗi phân phối của thế giới.
- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Có thể thấy, không chỉ đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra mà ngành nông nghiệp còn tiếp tục giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định xã hội trong lúc đất nước gặp khó khăn do dịch bệnh. Qua đây cũng có thể thấy rằng, tái cơ cấu nông nghiệp đang chuyển biến rất tích cực và đi vào chiều sâu, trên tất cả các lĩnh vực, kể cả sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất khẩu. Không hề chủ quan khi nói rằng, nếu chúng ta không bị ảnh hưởng dịch Covid-19 thì nông nghiệp năm nay sẽ còn bứt phá lớn hơn rất nhiều.

Việt Nam sẽ là bếp ăn
của thế giới


Phóng viên: Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, với những dự án lớn được triển khai, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đó cũng là một kết quả tất yếu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, như các dự án của tập đoàn Xuân Thiện khoảng một tỷ USD, chưa kể các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như: DABACO, Vinamilk, TH milk, Greenfeed, Japfa, CP cũng đầu tư rất lớn cho các dự án. Như tập đoàn CP đầu tư trong Bình Phước một nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà 250 triệu USD; bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đầu tư từ 200 đến 500 triệu USD vào lĩnh vực chăn nuôi. Sắp tới các chuỗi sẽ được đầu tư  công nghệ cao hết, thí dụ như cắt thì không phải bằng dao mà cắt bằng tia nước; tiêm vaccine thì tiêm vào trứng luôn...

Khu chăn nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ cao tại Công ty Delco Fram (Bắc Ninh). (Ảnh: Duy Linh)

Khu chăn nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ cao tại Công ty Delco Fram (Bắc Ninh). (Ảnh: Duy Linh)

Các doanh nghiệp đầu tư lớn như vậy, không chỉ đáp ứng nhu cầu của 97 triệu người của Việt Nam, mà còn tính đến xuất khẩu ra các nước phát triển. Trước đây sản phẩm chăn nuôi chỉ nghĩ tiêu thụ trong nước, nhưng năm nay đã được xuất khẩu, đem lại giá trị hàng trăm triệu USD. Người ta nhận định Việt Nam sẽ là bếp ăn của thế giới, và điều này chắc hai, ba năm tới sẽ thành hiện thực.

Nông nghiệp Việt Nam với ưu thế bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm hơn phần lớn các nước đang phát triển ở châu Á, có vai trò ngày càng tăng trong hỗ trợ an ninh lương thực, thực phẩm cho các quốc gia khác.
- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Linh hoạt, sáng tạo
chống đứt gãy chuỗi sản xuất


Phóng viên: Có thể thấy, năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chỉ đạo hết sức linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt trong điều hành chuỗi sản xuất, chế biến và đặc biệt là trong tiêu thụ nông sản, giúp tháo gỡ khó khăn cho nông dân, doanh nghiệp trong những lúc vô cùng khó khăn do phải dãn cách, cách ly để chống dịch?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Những thành tựu có được trước hết phải nhờ quyết tâm cao, sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của người dân, doanh nghiệp...

Ứng dụng khoa học kỹ thuật tại trang trại trồng dâu tây của Công ty TNHH Hoa Thắng Thịnh, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). (Ảnh: Duy Linh)

Ứng dụng khoa học kỹ thuật tại trang trại trồng dâu tây của Công ty TNHH Hoa Thắng Thịnh, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). (Ảnh: Duy Linh)

Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, chế biến, tháo gỡ vướng mắc về lưu thông, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; đặc biệt phát triển các mô hình liên kết sản xuất-kinh doanh, trong đó các hợp tác, doanh nghiệp có vai trò quan trọng để thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Bộ đã sớm thành lập hai tổ công tác đặc biệt để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân, doanh nghiệp. Tổ công tác phía nam đã tham gia giải quyết được rất nhiều khó khăn vướng mắc, xúc tiến đầu tư, kết nối sản xuất-tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tổ công tác tại các tỉnh phía bắc ngoài giúp tháo gỡ khó khăn về vận chuyển, tiêu thụ nông sản, còn chỉ đạo những địa phương có tiềm năng, có khả năng tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho cả nước.

Đóng gói dâu tây tại Công ty TNHH Hoa Thắng Thịnh, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Ảnh: (Duy Linh)

Đóng gói dâu tây tại Công ty TNHH Hoa Thắng Thịnh, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Ảnh: (Duy Linh)

Phóng viên: Có những thời điểm, hàng loạt chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bị đứt gãy do đại dịch, Bộ cũng đã phải quyết liệt vào cuộc?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đúng vậy, có những thời điểm lãnh đạo Bộ hết sức lo lắng khi hàng loạt chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản bị đứt gãy. Tôm, cá dưới ao, lợn, gà trong chuồng, rau, quả trong vườn, ngoài đồng đều quá lứa, nhưng không thể tiêu thụ, trong khi nhà máy thì thiếu nguyên liệu, các đơn hàng xuất khẩu cũng không thể đáp ứng...

Một thí dụ thế này để chúng ta hình dung ra được những khó khăn thách thức đặt ra tại thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, lây lan ra 19 tỉnh thành phố phía nam. Ở TP Hồ Chí Minh có ba chợ đầu mối: Bình Điền, Thủ Đức và Hóc môn, mỗi ngày tiêu thụ 1.600 tấn thực phẩm và một tháng là 480.000 tấn, nhưng trong thực tế TP Hồ Chí Minh chỉ tự sản xuất 5-10%, phần còn lại chủ yếu ở các tỉnh miền tây.

Khi “đóng băng” do phòng, chống dịch Covid-19, ngay lập tức ảnh hưởng đến sản xuất của các tỉnh miền tây trong khoảng thời gian tương đối dài. Các tỉnh miền bắc trong thời gian căng thẳng cũng hầu như “đóng băng” tạo nên tình trạng chia cắt giữa các địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành chức năng đã kiến nghị Chính phủ để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, một trong những giải pháp quan trọng là tạo "luồng xanh" cho nông sản.

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) tại khu công nghiệp Vàm Cống, huyện huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh)

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) tại khu công nghiệp Vàm Cống, huyện huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu đứt gẫy chuỗi sản xuất nông nghiệp, đồng thời rà soát, chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo, nhất là tại các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ tại các Nghị quyết và các Quyết định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như: Tập trung chỉ đạo sản xuất, điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp với biến động thị trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và khuyến khích tiêu dùng nội địa; hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản; tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; nhân rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, dán tem truy xuất điện tử.

Bộ đã phối hợp Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh phân phối hàng hóa nông sản trên nền các sàn thương mại điện tử lớn như: Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VnPost), Lazada, Alibaba.com, Amazon.com; các doanh nghiệp ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, Goviet…); hỗ trợ các địa phương tiếp cận kênh phân phối mới, có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế một cách hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các Đoàn công tác làm việc với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu nông sản nhằm giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam.

Trong đó, tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản vào các thị trường, như: Trung Quốc (sầu riêng, thạch đen, tổ yến, khoai lang tím, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa), Hoa Kỳ (quả bưởi tươi), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo), Hàn Quốc (tôm, thanh long ruột đỏ, bưởi, vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Úc (tôm tươi, nhãn, chanh leo), New-Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu, mít)…

Phối hợp các Đại sứ quán, Tham tán thương mại tăng cường xúc tiến, quảng bá nông sản theo hình thức trực tuyến (online), gắn với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản-Hàn Quốc, Asean, Úc-New Zealand, Trung Đông)...

Phóng viên: Có một câu chuyện rất đáng nhớ trong năm 2021, đó là đúng vào lúc vải thiều ở Bắc Giang đến kỳ thu hoạch thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh. Mọi người đều rất lo lắng về việc tiêu thụ vải. Nhưng rồi, hơn 200 nghìn tấn vải vẫn được tiêu thụ với mức giá ổn định, hơn cả mong đợi của nhiều người?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Lúc đó, lãnh đạo Bộ đã phải tổ chức rất nhiều cuộc họp, làm việc với các ngành, đơn vị chức năng, địa phương để bàn giải pháp tiêu thụ vải. Như tôi đã nói, Bộ giao Tổ công tác phải bám sát thực tiễn, chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để kết nối tiêu thụ vải, đồng thời hết sức chú trọng thương mại điện tử, bán hàng qua mạng.

Bộ phối hợp Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam tổ chức nhiều hình thức, điểm bán hàng tiêu thụ vải cho nông dân. Đặc biệt, với vụ thu hoạch vải thiều, Bắc Giang đã chủ động từ khâu chăm sóc, phân bón, thu hoạch bao gói, nhãn mãn, đến chủ động cả xúc tiến thương mại trên các thị trường, cả kịch bản dự trữ khi không xuất được sang thị trường Trung quốc. Cũng chính nhờ hình thức thương mại điện tử mà chỉ trong hai ngày quả vải đã vào đến các tỉnh phía nam mà khi bán vẫn còn tươi nguyên.

Thu hoạch vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Minh Hà)

Thu hoạch vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Minh Hà)

Thứ nữa, ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc, tuy số lượng không nhiều nhưng quả vải đã có mặt trên các siêu thị ở Mỹ, Đức, New Zealand, Nhật Bản. Dự kiến sản lượng ban đầu chỉ khoảng 185 nghìn tấn vải thôi, nhưng khi tổng kết cả vụ, sản lượng vải tiêu thụ của Bắc Giang lên đến 245 nghìn tấn, cả nước là hơn 300 nghìn tấn. Phải nói rằng, trong điều kiện dịch bùng phát, tiêu thụ được số lượng như vậy là cả một kỳ tích. Các hình thức thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ nông sản là rất hiệu quả và đến giờ Bộ vẫn giao cho báo Nông nghiệp Việt Nam kết nối tất cả các sản phẩm.

Trong đó, vai trò của xúc tiến thương mại và thương mại điện tử rất quan trọng và đấy là một trong những nhân tố để chúng ta làm chuyển đổi số trong thời gian tới: Bộ Nông nghiệp số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số.

Nhà nước cần tạo sàn diễn


Phóng viên: Trong năm 2021, câu chuyện về giá cũng gây nhiều lo lắng cho người nông dân, giá đầu ra nông sản thì thấp, giá đầu vào vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi lại cao. Bộ đã có ứng xử như thế nào để vừa bảo đảm đúng theo cơ chế thị trường nhưng vẫn bảo đảm ổn định sản xuất?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Về giá vật tư đầu vào tăng rất cao, thậm trí 25 đến 40%, nhưng phải nói một cách công bằng thì toàn cảnh thế giới cũng có tăng và vì thế Việt Nam cũng không thể đứng ngoài. Bởi thế, Bộ đã đề nghị Chính phủ giảm thuế vật tư đầu vào như ngô, đậu tương để giảm giá thành thức ăn cho chăn nuôi và thủy sản. Thứ nữa là triển khai quyết định của Chính phủ về Chiến lược phát triển chăn nuôi (Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ), thì có 5 đề án đang được hoàn thiện là công nghiệp giống (sản xuất giống theo hướng công nghiệp hàng loạt, mức độ đồng đều cao); tiếp đến là thức ăn chăn nuôi, trong đó đặt ra những vấn đề là có gì thay thế được nhập khẩu không? Như trồng ngô sinh khối, đỗ tương nhập về ép lấy dầu, lấy cả khô dầu làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi…

Thu hoạch khoai tây tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Duy Linh)

Thu hoạch khoai tây tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Duy Linh)

Phóng viênCâu chuyện "được mùa rớt giá", một trong những vấn đề nan giải lâu nay của ngành nông nghiệp có vẻ đang được Bộ tìm cách giải quyết với những giải pháp như việc quy hoạch 5 vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp...?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nông nghiệp Việt Nam có đặc thù riêng với 14,8 triệu hộ dân, gần 8 triệu thửa ruộng. Nói như vậy để thấy nền sản xuất nông nghiệp còn hết sức nhỏ lẻ. Để đi vào sản xuất hàng hóa với quy mô tỷ suất hàng hóa cao thì cần phải có thời gian, việc đi vào chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn phải có những bước đi chắc chắn. Do vậy việc tái cơ cấu phải sâu hơn, phải bảo đảm được nhu cầu của thị trường. Hiện giờ chúng ta có 14 FTA thế hệ mới đang phát huy rất tốt, đặc biệt EVFTA và thị trường Trung Quốc, thị trường Mỹ.

Trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao tại Công ty Delco Fram (Bắc Ninh). (Ảnh: Duy Linh)

Trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao tại Công ty Delco Fram (Bắc Ninh). (Ảnh: Duy Linh)

Đồng thời cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Cần tháo gỡ để cho các doanh nghiệp phối hợp các viện, trường, tạo sinh lực, động lực quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp. Khóa này, Bộ sẽ quyết tâm trình Chính phủ, báo cáo các bộ, ngành để có những đổi mới trong hoạt động khoa học, công nghệ, tạo động lực mạnh mẽ cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Trong thời gian tới, Luật Đất đai năm 2013 sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét, sửa đổi, qua đó giúp tháo gỡ những vướng mắc về tích tụ đất đai. Nếu tích tụ được ruộng đất tốt hơn, khoa học công nghệ tốt hơn, chính sách tốt hơn thì chúng ta sẽ giải quyết được từng bước một vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và câu chuyện "được mùa rớt giá". Nhà nước cần tạo sàn diễn, khoa học phải đi tiên phong, doanh nghiệp phải đua tài, nông dân phải được hưởng lợi. Hiện chúng ta có 7.500 doanh nghiệp chế biến, một năm có thể chế biến 150 triệu tấn nông sản nhưng công nghệ chế biến của ta còn lạc hậu, kho bãi, kho lạnh còn thiếu, mà đây là những cản trở mà quyết định của Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp quy định là phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng thì vế nâng cao giá trị gia tăng chưa thực hiện được đậm nét.

Trong giai đoạn 1, nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La) do Tập đoàn TH đầu tư có công suất chế biến 300 tấn rau, quả, dược liệu/ngày. (Ảnh: Tuệ Linh)

Trong giai đoạn 1, nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La) do Tập đoàn TH đầu tư có công suất chế biến 300 tấn rau, quả, dược liệu/ngày. (Ảnh: Tuệ Linh)

Khu chăn nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ cao tại Công ty Delco Fram (Bắc Ninh). (Ảnh: Duy Linh)

Khu chăn nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ cao tại Công ty Delco Fram (Bắc Ninh). (Ảnh: Duy Linh)

Trồng dưa Pepino trong nhà lưới tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Duy Linh)

Trồng dưa Pepino trong nhà lưới tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Duy Linh)

Trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại xã Hữu Hòa, huyện Quốc Oai (Hà Nội). (Ảnh: Duy Linh)

Trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại xã Hữu Hòa, huyện Quốc Oai (Hà Nội). (Ảnh: Duy Linh)

Khu vực nuôi cá giống tại Công ty TNHH Hưng Việt (Hải Dương). (Ảnh: Duy Linh)

Khu vực nuôi cá giống tại Công ty TNHH Hưng Việt (Hải Dương). (Ảnh: Duy Linh)

Item 1 of 5

Trong giai đoạn 1, nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La) do Tập đoàn TH đầu tư có công suất chế biến 300 tấn rau, quả, dược liệu/ngày. (Ảnh: Tuệ Linh)

Trong giai đoạn 1, nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La) do Tập đoàn TH đầu tư có công suất chế biến 300 tấn rau, quả, dược liệu/ngày. (Ảnh: Tuệ Linh)

Khu chăn nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ cao tại Công ty Delco Fram (Bắc Ninh). (Ảnh: Duy Linh)

Khu chăn nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ cao tại Công ty Delco Fram (Bắc Ninh). (Ảnh: Duy Linh)

Trồng dưa Pepino trong nhà lưới tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Duy Linh)

Trồng dưa Pepino trong nhà lưới tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Duy Linh)

Trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại xã Hữu Hòa, huyện Quốc Oai (Hà Nội). (Ảnh: Duy Linh)

Trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại xã Hữu Hòa, huyện Quốc Oai (Hà Nội). (Ảnh: Duy Linh)

Khu vực nuôi cá giống tại Công ty TNHH Hưng Việt (Hải Dương). (Ảnh: Duy Linh)

Khu vực nuôi cá giống tại Công ty TNHH Hưng Việt (Hải Dương). (Ảnh: Duy Linh)

“Nông nghiệp sinh thái,
nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”


Phóng viên: Trong năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) vẫn tiếp tục lan tỏa, nhiều xã, huyện tiếp tục cán đích NTM và nhiều địa phương vẫn tiếp tục hướng tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong hơn 1 năm qua, mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng xây dựng NTM vẫn tiếp tục lan tỏa, được các địa phương chủ động, tích cực triển khai. Đến hết tháng 11/2021, kết quả xây dựng NTM đạt được những kết quả rất tích cực. Chương trình OCOP, chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm cũng được triển khai mạnh mẽ, nhiều giải pháp quảng bá, xúc tiến thương mại được tổ chức triển khai, giúp các chủ thể thích ứng hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh.

Đến nay, đã có 5.105 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 63,1% sản phẩm 3 sao, 35,2% sản phẩm 4 sao và 1,3% sản phẩm tiềm năng 5 sao (tăng gần 1.000 sản phẩm so với năm 2020, hoàn thành vượt mục tiêu được Chính phủ giao).

Hiện cả nước có hơn 5.400 xã (65,5%) đạt chuẩn NTM, ước đến hết tháng 12/2021 đạt 68% (tăng 5,6% so với năm 2020, hoàn thành mục tiêu được Chính phủ giao), trong đó, có 490 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 43 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,7 tiêu chí/xã; có 211 đơn vị cấp huyện thuộc 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, ước đến hết năm 2021 có ít nhất 210 đơn vị (tăng 37 đơn vị so với năm 2020, hoàn thành vượt mục tiêu được Chính phủ giao) - Báo cáo của Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương

Phóng viên: Vậy theo Thứ trưởng, yếu tố quyết định ở đây là gì? Vai trò dẫn dắt, chỉ đạo của các cấp, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xây dựng NTM bền vững như thế nào?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Để đạt được những kết quả như trên, trong bối cảnh hầu hết các địa phương phải vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai xây dựng NTM, tôi cho rằng, yếu tố rất quan trọng đó là giữ được sự nhiệt huyết, chủ động và tích cực của các cấp chính quyền từ cấp xã, huyện, tỉnh, đặc biệt là duy trì được sự vào cuộc của người dân trong xây dựng NTM.

Chăm sóc cà chua trồng trong nhà lưới tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La). (Ảnh: Duy Linh)

Chăm sóc cà chua trồng trong nhà lưới tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La). (Ảnh: Duy Linh)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với vai trò cơ quan thường trực của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã chủ động trong công tác triển khai, dẫn dắt, chỉ đạo, góp phần duy trì động lực, sự quyết tâm của các địa phương, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đặc biệt là truyền tải các thông điệp về phát triển bền vững, phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, vai trò của cộng động và cán bộ cơ sở.

Bộ cũng chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM năm 2021 được Chính phủ giao.

Lãnh đạo Bộ thường xuyên trao đổi, làm việc với các địa phương về định hướng mới trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM, nhằm chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức của chính quyền, địa phương về: chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển chuỗi liên kết giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các sản phẩm đa giá trị; phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng miền; đặc biệt là xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, hướng đến xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Nông nghiệp Việt Nam có 7 vùng sinh thái với thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, vì vậy sản phẩm của mỗi vùng không chỉ chứa đựng những giá trị phi vật thể riêng biệt, là văn hóa canh tác, văn hóa sản xuất, mà còn được thể hiện sự riêng biệt ấy trên bao gói nhãn mác và thương mại. Đấy là bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, phối hợp các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ về Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thông qua đó, đưa những định hướng, mục tiêu và giải pháp xây dựng NTM giai đoạn tới đến các địa phương, giúp các địa phương nắm bắt được định hướng, quan điểm về NTM để xây dựng nghị quyết, kế hoạch cụ thể của địa phương trong giai đoạn 2021-2025.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng.


Tổ chức thực hiện: QUỐC VIỆT - XUÂN BÁCH
Nội dung: QUỐC VIỆT - HẢI PHƯƠNG
Trình bày: NGÔ HƯƠNG
Ảnh: DUY LINH - VĂN LÚA - VŨ SINH - MINH HÀ