Những nữ y, bác sĩ “anh hùng” trong đại dịch

Những nữ cán bộ, nhân viên y tế đã lặng lẽ cất giấu những đau thương “dồn nén bằng cả đời người”. Đại dịch đã biến họ thành những “người hùng”, lăn xả vào tâm dịch và tận hiến không biết mệt mỏi. Với họ, cho đi là một lẽ sống.

Tôn vinh những nhân viên y tế ở tuyến đầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn chứng hình ảnh đẹp đẽ: “Hơn 24 nghìn người thuộc ngành y trực tiếp tham gia chống dịch là hơn 24 nghìn những bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, đồng chí, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tình đồng chí, nghĩa đồng bào”.

Trong suốt hành trình 150 ngày chống dịch ở tuyến đầu, không thể ước lượng được bao nhiêu những đau thương chồng chất mà các nhân viên y tế phải đối mặt khi đứng trước những cuộc ra đi trong cô quạnh của người bệnh. Hơn 4 tháng qua, có nhiều người không về nhà, lấy sự hồi phục của bệnh nhân làm động lực để vực dậy.

Trong số 5 nữ nhân viên y tế mà chúng tôi khắc họa chân dung về sự hy sinh thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch, có những người bước qua tuổi thanh xuân nhưng chưa yên bề gia thất, có những người hy sinh hạnh phúc riêng, có người gửi con hàng năm để yên tâm, vững vàng trên tuyến đầu. Họ là những hình mẫu tiêu biểu cho hàng nghìn nữ chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 gần 2 năm qua.

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ : "Không buông tay" và tình yêu phi thường trong khu ICU

“Nhiệt huyết, niềm tin, chia sẻ và dấn thân”, đó là bí quyết “làm việc từ tâm” để bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ cùng đồng đội “rồng nhỏ” vượt qua được 4 tháng khốc liệt chiến đấu với Covid-19 tại tuyến đầu khốc liệt ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đầu tháng 7, bác sĩ Anh Thơ được điều động vào khoa Hồi sức tích cực ở tầng 3, tập hợp đội quân “liên hợp quốc” các chuyên khoa khác nhau để cùng sẵn sàng chiến đấu tại tiền tuyến nóng bỏng nhất.

Nữ bác sĩ nhỏ nhắn nhưng bản lĩnh, kiên cường đã đi qua rất nhiều mặt trận điều trị Covid-19 khốc liệt từ Bình Thuận, Gia Lai…, đã chiến đấu với virus SARS-CoV-2 ngay ở cuộc chiến đầu tiên khi điều trị cho hai cha con người Trung Quốc mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng đứng trước cuộc chiến này, mọi sự chủ động, mọi hiểu biết về Covid-19 đều chậm hơn so với tốc độ tàn phá của biến chủng Delta. Cả ngành y tế rơi vào bị động và một người bác sĩ có kinh nghiệm đầy mình như chị, cũng đã có lúc phải “đứng nhìn bất lực”.

Bệnh viện Chợ Rẫy rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân Covid-19, 4 khu được mở rộng với sức chứa 1.200 bệnh nhân vẫn không đáp ứng nổi với tình trạng khẩn cấp. “Thời điểm khốc liệt nhất, khu cấp cứu chỉ chừng 20 giường phải đón 100-150 bệnh nhân nặng, nguy kịch”. Bệnh viện lúc này như trải qua một cuộc chiến tranh không tiếng súng. Hàng dài bệnh nhân nằm la liệt, oằn mình vì hơi thở không đủ ô-xy nuôi cơ thể. Những tiếng la hét, cầu cứu chạy dọc hành lang như khắc sâu thêm một nỗi sợ hãi. Là tuyến đầu chủ công điều trị Covid-19 của thành phố, nhưng lúc này, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không thể xoay xở nổi vì thiếu trầm trọng trang thiết bị hỗ trợ thở cho bệnh nhân.

Bác sĩ Anh Thơ cùng đồng đội đã vượt qua những ngày khốc liệt nhất trong khu ICU.

Bác sĩ Anh Thơ cùng đồng đội đã vượt qua những ngày khốc liệt nhất trong khu ICU.

Trong cuộc chiến nhiều nước mắt này, chị Thơ luôn có những niềm riêng để làm động lực cho sự vực dậy. Đó là một sự nhiệt huyết của đội rồng, là sự lăn xả của đồng đội, là sự không quản ngại gian khó, chấp nhận hy sinh của bất kỳ ai xung phong lên tuyến đầu, là những cố gắng giấu nỗi đau của mỗi bác sĩ.

Được đánh giá là “người có làm việc mới giảm được stress, nếu nghỉ lâu quá chịu không nổi”, 4 tháng qua, ở trong khu điều trị Covid-19, chị làm việc gấp đôi so với bình thường. Ngoài nhiệm vụ của một bác sĩ điều trị, chị còn làm quản lý, tạo động lực cho các anh em vững vàng, lạc quan và đưa ra những quyết định sáng suốt nhất để cứu chữa người bệnh.

TS, BS Trương Anh Thư: “Bông hồng thép” trên mặt trận kiểm soát nhiễm khuẩn

TS, BS Trương Anh Thư, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai mang theo bề dày kinh nghiệm đã từng trải qua tại các mặt trận nóng nhất như Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh để nam tiến. Nhưng khi đặt chân tới TP Hồ Chí Minh thì mọi sự ập đến với đầy bất ngờ bởi sự thiếu thốn nghiêm trọng từ trang thiết bị, phương tiện tới nhân lực. Danh mục hàng hóa hơn 100 mặt hàng cần thiết để chống nhiễm khuẩn trong đại dịch mà trong 2-3 tuần đầu gần như có rất nhỏ giọt.

Mỗi ngày, bác sĩ Anh Thư đi lại như con thoi giữa các bệnh viện dã chiến, vừa đi khảo sát cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chị vừa tìm hiểu khó khăn, vướng mắc để tìm cách phối hợp, triển khai giải quyết theo tình huống thực tế. Đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn trong bối cảnh bệnh dịch cần phải hướng tới những thực hành phòng, chống dịch an toàn, có thể thực hiện trong điều kiện thiếu thốn theo hình thức cầm tay chỉ việc.

Trong cuộc chiến với biến chủng Delta có tốc độ lây lan cấp số nhân, lây nhiễm trong khu điều trị là tất yếu nếu xem nhẹ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhân viên y tế không được bảo vệ thì bệnh viện sẽ vỡ trận. Vì thế, công việc của một nữ tướng trên mặt trận kiểm soát nhiễm khuẩn như bác sĩ Anh Thư, chính là người gác cổng để bảo đảm nhân viên y tế có những thực hành an toàn trong môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cho nhân viên y tế, người bệnh. Mục tiêu lớn nhất của công cuộc chống dịch đợt này là giảm tỷ lệ người bệnh Covid-19 tiến triển nặng và tử vong. Nếu không làm tốt kiểm soát nhiễm khuẩn thì sẽ khó đạt được mục tiêu này.

Bác sĩ Anh Thư đã cùng đồng đội xây dựng được các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn đạt tới 80% tại Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Anh Thư đã cùng đồng đội xây dựng được các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn đạt tới 80% tại Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai.

Nhìn lại thành quả mình và các đồng nghiệp đã làm được thời gian ngắn qua, bác sĩ Anh Thư chia sẻ: TP Hồ Chí Minh đã có những khởi sắc, đầu tư về nhân lực và nguồn lực cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

“Lúc trung tâm mới thành lập, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn là “zero” thì bây giờ, chúng tôi đã xây dựng được hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn đạt trên 80% tiêu chí với nhân lực tốt hơn, có sở vật chất cần thiết, đi vào hoạt động thường quy. Trong điều kiện bệnh viện dã chiến, để đạt 100% theo tiêu chuẩn đặt ra như tại bệnh viện rất khó, vì thế chúng tôi tạm hài lòng với kết quả đạt được”.

PGS, TS Hoàng Thị Diễm Tuyết: Chuyện về nơi "hạnh phúc" nhân đôi

Tàn khốc, đau thương nhưng buộc phải mạnh mẽ đứng vững là những trải nghiệm mà PGS, TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cùng đồng đội đã kiên cường bước qua giai đoạn dịch khốc liệt nhất những ngày tháng 7/2021.

Gần 1,5 năm trước, Bệnh viện Hùng Vương chỉ tiếp nhận chưa đầy 10 ca sản phụ nhiễm Covid-19. Nhưng từ tháng 7/2021, số ca sản phụ nhiễm Covid-19 tăng đột biến. Bệnh viện Hùng Vương nhận nhiệm vụ “chia đôi” cơ sở để thu dung, điều trị cho sản phụ không may nhiễm bệnh. Số giường ban đầu là 120 giường đã liên tục phải bổ sung đáp ứng ngày điều trị, có ngày cao điểm lên 200 ca/ngày. Trung bình mỗi ngày có 40-50 sản phụ nhập viện, ai nấy cũng rất sốc.

Nắm trong tay 2 sinh mệnh, được trở về cả 2 hay chỉ có 1, hoặc chẳng còn ai là điều tác động rất lớn vào tâm trí của nhân viên y tế. Ở ranh giới mỏng manh của sự sống, trong không gian đặc quánh của sợ hãi và những cơn thở dốc của bệnh nhân, PGS, TS Hoàng Thị Diễm Tuyết động viên anh em đồng nghiệp “Phải cố gắng hết sức tối đa vì sự sống của 2 sinh mạng”.

Bệnh nhân nằm ICU đầu tiên được xuất viện tại Bệnh viện Hùng Vương.

Bệnh nhân nằm ICU đầu tiên được xuất viện tại Bệnh viện Hùng Vương.

Mỗi ngày, chị cùng các đồng nghiệp giao ban, phân tích từng trường hợp nặng để có phương án xử trí tốt nhất. Tuy nhiên, những người tuyến đầu cũng chịu bao tổn thương khi có nhiều ca diễn biến nhanh không thể làm gì để cứu chữa.

Ngày ngày được chào đón những sinh linh bé bỏng chào đời luôn trong tình cảnh cấp cứu, khẩn cấp, bác sĩ Tuyết tâm sự, người đáng thương nhất trong cuộc chiến này là những đứa trẻ vì chào đời đã không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ. Mỗi năm, ở bệnh viện sản, 1-2 sản phụ tử vong đã thấy nhiều, nhưng trong mùa dịch vài tháng qua, đã có 8 ca tử vong tại bệnh viện. “Con số này tuy còn nhỏ so với nhiều cơ sở sản khoa khác tại thành phố, nhưng thật sự cũng khiến chúng tôi vô cùng đau xót. Sản phụ suy hô hấp diễn biến quá nhanh và chúng tôi có lúc bất lực”. Chặng đường dài tới đây, các bé sẽ sống sao khi trở về chỉ còn chỗ dựa chính là người cha.

Ở nơi vẫn còn nhiều hy vọng và động lực sống, để đưa các sản phụ từ từ rời khỏi nguy kịch và sớm vượt qua bệnh tật, bác sĩ Tuyết trăn trở làm thế nào để các con chào đời vẫn được chăm sóc khỏe mạnh trong vòng tay ấm áp của các cô bảo mẫu, làm gì để mẹ có thêm nghị lực sống mà sớm bình phục. Trung tâm HOPE ra đời trong một tình thế gấp gáp như vậy.

Để tiếp thêm nghị lực sống mỗi ngày cho sản phụ, bác sĩ Tuyết chỉ đạo phòng Công tác xã hội chụp lại ảnh các em bé, ép ảnh vào những tấm thiệp nhỏ gửi động viên mẹ đang nằm điều trị.

Với một nữ tướng như chị, trước mọi khó khăn luôn chọn cách đương đầu chứ không chạy trốn: “Trong nguy có cơ, sẽ có cơ hội khác mà chúng ta phải thích nghi. Khi khó khăn người ta càng trưởng thành hơn. Tôi rất tự hào vì đồng đội của mình đã tận hiến, kiên cường ở tuyến đầu. Có những người vừa làm vừa học không ngừng. Có đồng đội nhiễm Covid-19 nhưng vẫn trám vào một vị trí có thể làm việc từ xa. Nhờ sự đồng lòng, chung sức đó, tôi mới có thể lèo lái con thuyền này vượt qua được sóng dữ”.

Bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh: Người truyền cảm hứng ở mặt trận phía tây thành phố

Là bác sĩ ngoại khoa, để chiến đấu ở tuyến đầu, bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh phải kiên cường gấp đôi người khác cả về sự học hỏi và cống hiến sức lực. Hơn 5 tháng qua, bác sĩ Anh đã đi qua các mặt trận điều trị nóng bỏng và chưa một ngày được về nhà. Chị và đồng đội đều phải đối diện với rất nhiều thách thức để cứu sống bệnh nhân và phải bảo đảm an toàn cho mình. Mỗi ngày vào ca trực, tất cả đều cố gắng kể về những chuyện lạc quan, vui vẻ. Hào hứng nhất là khi kể bệnh nhân này, người bệnh kia đã có tiến triển bất ngờ. Đó là động lực để khi vào khu điều trị, ai cũng phấn chấn hơn khi đứng trước các ca bệnh.

Đảm nhiệm vai trò tuyến đầu, ai cũng trải qua những áp lực mỗi ngày mà bài toán phải giải quyết là bệnh nhân có tín hiệu tích cực từng ngày và kết quả là bệnh nhân được xuất viện khỏe mạnh.

Bác sĩ Nguyệt Anh bước vào cuộc chiến đấu với biến chủng Delta tại trung tâm hồi sức.

Bác sĩ Nguyệt Anh bước vào cuộc chiến đấu với biến chủng Delta tại trung tâm hồi sức.

Người bản lĩnh nhất cũng phải học cho mình cách vượt qua áp lực: “Chúng tôi không phải là cỗ máy bền bỉ. Nếu để mất bệnh nhân thì hôm sau tinh thần sẽ lao dốc. Mỗi ngày mình đều phải cố gắng vượt qua được mệt nhọc, những chán chường sinh ra trong lúc làm việc. Phải xác định tinh thần “fighting” mỗi khi mặc đồ bảo hộ, vượt qua cánh cửa vào khu điều trị”, bác sĩ Anh luôn truyền cảm hứng trong team của mình.

Vì thế, niềm vui đến luôn vỡ òa dù bệnh nhân chỉ có tín hiệu tích cực rất nhỏ. Có khi hạnh phúc đến trào nước mắt vì bệnh nhân nói được lời cảm ơn sau khi vượt qua cửa tử, là khi nhận những bức thư tay viết vội lời tự sự không nghĩ mình còn cơ hội tỉnh lại.

Nữ bác sĩ Nguyệt Anh tâm sự thêm, thách thức lớn nhất mà hơn 5 tháng qua, chị đã vượt qua bản thân những lo lắng trong điều trị, vượt qua nỗi sợ nhiễm bệnh, nỗi sợ đối diện với bệnh nhân tử vong mỗi ngày. Trong quá trình làm việc theo nhóm, có những điều không hiểu nhau, có lúc xích mích nhưng chị cũng vượt qua được, bình tĩnh phối hợp giải quyết công việc để thuận lợi nhất cho từng trường hợp ca bệnh, bớt nóng nảy hơn. Những ngày này, chị và đồng đội đang chuẩn bị các bước để tiếp nhận mặt trận phía đông thành phố khi lực lượng chi viện của Bệnh viện Việt Đức rút quân.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Quế: Người lặng lẽ đứng sau những cuộc đoàn tụ

Hành trang trở về của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Quế là những bức thư tay, những tấm ảnh kỷ niệm, nhiều tin nhắn cảm tạ và một dãy dài số điện thoại bệnh nhân được lưu trữ lại. Sự khốc liệt nhất cô từng chứng kiến, cũng vẫn mãi nằm sâu trong ký ức chỉ cần chạm tới, nước mắt sẽ chảy.

Ngày 13/7, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Quế gửi hai con cho ông bà nội, ngoại để lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh. Đặt chân tới TP Hồ Chí Minh, điều dưỡng Nguyễn Thị Quế, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cùng đồng đội trực chiến tại Bệnh viện Dã chiến số 6 (quận 3). 2 ngày đầu, cả đội rơi vào sự hoang mang, sợ hãi vì chưa bao giờ chứng kiến một thảm họa nào mà bệnh nhân đông tới thế. Một người phải chăm sóc cho tới cả trăm bệnh nhân cùng lúc. Y lệnh được bác sĩ ra liên tục, và điều dưỡng phải nhớ hết từng trường hợp để theo dõi, chăm sóc. “Đó là một cảm giác sốc ngoài sức tưởng tượng. Mọi thứ diễn ra rất nhanh, rất nguy hiểm và tang thương. Chưa bao giờ, tôi thấy cuộc sống mong manh như thế”.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Quế hạnh phúc khi được nhìn các gia đình đoàn tụ.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Quế hạnh phúc khi được nhìn các gia đình đoàn tụ.

Trong khu cấp cứu, điều trị Covid-19, Bệnh viện Dã chiến 12, điều dưỡng Nguyễn Thị Quế cùng đoàn chi viện của tỉnh Quảng Ninh đã quen với công việc của một người nhà bệnh nhân. Lúc giống như những đứa con của các cụ cao tuổi, không nơi nương tựa. Lúc trở thành các bảo mẫu bất đắc dĩ khi những đứa trẻ phải điều trị riêng biệt tại đây hoặc trở nên bơ vơ khi mẹ rơi vào nguy kịch.

Quế bộc bạch, nhiều lúc cô nghĩ mình phải trả ơn đời vì những bệnh nhân đã khỏi bệnh. Nếu họ không cố gắng vượt qua, không khát vọng sống, buông lơi thì mình không thể làm gì được. “Tôi đến thăm một vài bệnh nhân sau khi khỏi bệnh. Tôi cũng gửi lời cảm ơn tới nhiều người vì nếu họ không có nghị lực sống thì chúng cháu không làm gì khác được. Vì họ có động lực, chúng tôi mới sức chiến đấu vượt qua được”, Quế giãi bày.

Quế tâm sự: “Điều tôi làm được nhất là cuối cùng tôi đã được cống hiến một phần sức của mình vào cuộc chống dịch này, góp một phần công nhỏ nhoi cho những cuộc đoàn tụ. Nhiều gia đình được sum họp sau khi họ đi qua những biến cố lớn nhất cuộc đời, những cái nắm tay vội rơm rớm nước mắt, những vẫy tay chào ra viện đầy thân thương của người mà mới hôm qua còn nằm thoi thóp, đó là điều tôi thấy mình đã được sống và cống hiến có ý nghĩa nhất trong cuộc đời”.

Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Thực hiện: THẢO LÊ, THIÊN LAM, PHAN ANH
Trình bày: ĐỨC DUY
Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP