Nữ bác sĩ quyết chứng minh mình “không mơ mộng” khi theo ngành tạo hình vi phẫu

“Đau…”, tiếng kêu bật ra từ miệng của cậu bé 8 tuổi ở phòng hậu phẫu khiến bác sĩ Nhung và người mẹ òa khóc. Vậy là cậu bé bị bó chặt cơ hàm miệng tưởng mãi mãi câm đã có thể nói được. Vài tháng trước, sau cú nghịch dại với pháo, T. bị “bay” toàn bộ phần mũi miệng, biến dạng hoàn toàn vùng mặt, không thể nói, không nhai nuốt. Cậu đã trải qua cuộc phẫu thuật đầu tiên trên hành trình đi tìm lại khuôn mặt.
“Bé sẽ phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật, từng chút một, tôi muốn mang lại cho bé một gương mặt cân đối”, bác sĩ Nhung nói. Bé trai này, cũng như nhiều bệnh nhân mắc những khiếm khuyết vùng răng, hàm, mặt đã trở thành người thân của Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung trong nhiều năm.
“Mỗi bệnh nhân, với tôi đều là một câu chuyện”

Bệnh nhân của Nhung luôn đặc biệt và gắn bó với bác sĩ trong một hành trình dài. T. cũng vậy. 3 năm trước, T. đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương trong tình trạng đã phẫu thuật can thiệp sau khi bị pháo nổ tàn phá khuôn mặt. Khi mở khẩu trang, bác sĩ Nhung giật mình khi thấy cậu bé bị bay toàn bộ vùng mũi mồm, hàm khít lại, không há được miệng. Sống nhờ ăn xông, cậu bé gầy đét.
“Đây là một ca rất khó. Cậu bé mất hết khuôn mặt, mất hết phần mềm, chảy mủ ở vết thương. Nếu mổ, toàn bộ phần da môi là sẹo, rất khó tạo hình. Nhưng không thể không làm. Ánh mắt cậu bé rất tội, rất hiểu chuyện”, Nhung kể lại.
Cô hứa với người mẹ đứng tần ngần bên cạnh: “Chúng em sẽ cố, nhưng không thể trả lại gương mặt ngay được, chỉ giúp bé không còn chảy mủ, không còn viêm, và sẽ ăn uống được”. Ca phẫu thuật với Nhung, chỉ thật sự thành công và vỡ òa cảm xúc khi nghe tiếng kêu “đau” của cậu bé.
3 năm sau khi thoát khỏi cứng hàm, ăn uống được, T. vẫn rất tự ti chẳng dám bỏ khẩu trang khi ra đường. Cuối năm 2024, trong một chương trình phẫu thuật nhân đạo tại Bệnh viện E, T. lại được bác sĩ Nhung tiếp tục phẫu thuật, lấy phần da đùi để tạo hình môi dưới. Vài năm nữa, T. tiếp tục được tạo hình môi trên và phải trải qua nhiều giai đoạn để có gương mặt hoàn hảo.
Trong điện thoại của cô, rất nhiều bệnh nhân cũ coi bác sĩ Nhung như người chị trong gia đình. Có những người biến dạng toàn bộ gương mặt không còn nhìn thấy mắt, mũi; có những bệnh nhân bị khối u lớn choán hết mặt, rất khó trong tạo hình vi phẫu; có những người mang khối u quái ác tha thiết được sống; có những ca mắc ung thư lưỡi khi còn rất trẻ…
Nhung tâm sự, làm phẫu thuật thẩm mỹ ngày có thể làm chục ca, nhưng trôi tuột cảm xúc. Còn với phẫu thuật tạo hình trong bệnh lý, có khi mất cả chục tiếng để mổ, có ca kết thúc vào nửa đêm, nên mỗi ca mổ đều rất nhiều cảm xúc. Nhìn bệnh nhân bình phục, tự tin hòa nhập cuộc sống chính là Nhung đang gom góp niềm vui mỗi ngày.
“Tôi chưa từng “mượn” công sức của bố”



Là con một, sinh ra trong gia đình có nền tảng y học từ bé, bố mẹ định hướng học y, nhưng theo ngành nhàn hơn, Nhung nhất mực từ chối. Nhung học phẫu thuật tạo hình, nhưng thay vì đi cửa sáng là tạo hình thẩm mỹ, cô chọn đi một khe cửa hẹp – phẫu thuật tạo hình trong bệnh lý.
Những bệnh nhân của Nhung, không phải là những chị em sẵn sàng chi tiền lớn để có một cơ thể, gương mặt đẹp mà hầu hết là bệnh nhân có bệnh lý phức tạp, hoàn cảnh khó khăn và có người mang trọng bệnh. Những khuyết lớn trên gương mặt khiến bác sĩ phải cân não để lựa chọn phương án tái tạo khuyết hổng.
“Đó là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khó khăn rất lớn. Vì thế, ngay cả những phẫu thuật viên là nam giới cũng không nhiều, chứ không nói tới phái nữ”, Nhung kể.
Nhung là một người hiếu thắng. Cô tự nhận mình như vậy. Càng khó khăn ngáng trở, càng có tiếng bàn lùi không làm được đâu, càng có tiếng dèm pha không tin Nhung có thể phẫu thuật độc lập tái tạo gương mặt khuyết hổng lớn… cô càng quyết tâm chứng minh bản thân.
“Có những đồng nghiệp ban đầu tiếp xúc nghĩ tôi chỉ có thể làm được những cái linh tinh, nhỏ nhỏ thôi. Ánh mắt nghi ngờ đó kéo dài rất lâu, thậm chí những người thầy ở trong ngành cũng nghi ngờ. Tôi cũng rất ấm ức, cảm thấy mọi người coi mình là trẻ con, hiếu thắng, mơ mộng”, nữ bác sĩ tâm sự.
Với một bác sĩ nữ bình thường, bị hồ nghi đã tác động tâm lý rất lớn đến việc có kiên trì theo đuổi nghề hay không. Nhưng với Nhung, cô còn mang một tâm lý bị đè nặng, do bóng của bố quá lớn. Bố Nhung là Giáo sư Nguyễn Tài Sơn – một bàn tay vàng trong làng phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình.
“Để chứng minh được thành quả là do chính bàn tay của mình làm chứ không phải bố làm là điều rất khó. Sự tự tin duy nhất tôi có được lúc bấy giờ, chính là những bài học đầu đời do chính bố chỉ bảo”, Nhung giãi bày.
Nhung khởi đầu sự nghiệp cầm dao phẫu thuật tạo hình tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương. Những gì Nhung làm được thì thời gian đầu đều gặp chung một câu hỏi: “Cô làm hay bố cô làm?”. Thậm chí khi làm nghiên cứu sinh đề tài Tiến sĩ về “Sử dụng vạt cánh tay ngoài để tạo hình khuyết trong khoang miệng sau cắt ung thư”, đến giai đoạn thực hành lâm sàng, Nhung một mình vào TP Hồ Chí Minh, thực hiện nối vi phẫu trên xác, sự hồ nghi vẫn đeo bám.
“Mặc dù tôi làm tất mọi khâu, chỉ nhờ bố xem kết quả sau thực hành, nhưng tôi vẫn không tránh được suy nghĩ của các thầy rằng: “Chắc lại bố làm cho thôi”. Cứ thế, các thầy kiểm tra tôi rất nhiều lần, có những câu hỏi đánh đố ngoài đề tài để kiểm tra, xem công sức là của tôi, hay những gì tôi đang làm là mượn công sức của bố”, Nhung tâm sự.
Những lúc ấy, Nhung giữ lại cho riêng mình, âm thầm tự mình vượt qua, từng bước chứng minh những thành quả công sức làm việc độc lập. Có những ca phẫu thuật kéo dài cả ngày, vác khoan lên vai, cưa xương, mài xương, cắt lưỡi, cắt nửa khuôn mặt… cô cũng không nề hà, tỉ mẩn tạo hình cho người bệnh.
Chỉ tới khi đã có thành công, đã chứng minh được chỗ đứng của mình, Nhung mới thường xuyên chia sẻ với bố. Khi đó cô mới tự tin thảo luận với Giáo sư Nguyễn Tài Sơn như 2 người đồng nghiệp.
Giáo sư Nguyễn Tài Sơn không ít lần xót con vì lựa chọn nghề nặng quá, muốn con bẻ hướng nghề nghiệp nhưng không thuyết phục được con gái. Nhưng Nhung biết, ông cũng rất tự hào trong mỗi ánh mắt khi ông nhìn thành quả của con gái hay nghe cách ông kể chuyện về Nhung với mọi người.
“Tại sao phụ nữ không thể theo ngành tạo hình vi phẫu?”

“Vất vả, không có thời gian chăm con cái, lại không kiếm tiền nhanh bằng phẫu thuật thẩm mỹ, động lực nào khiến Nhung vẫn theo đuổi nghề này” – Tôi hỏi. Nhung mở to đôi mắt to tròn, sáng trong veo như chưa hề phải vượt qua bất kỳ áp lực, thách thức nào trong cuộc sống, nói: “Càng làm, tôi càng thấy mình bị say mê. Bệnh nhân khiếm khuyết gương mặt rất tự ti. Việc tạo hình gương mặt không chỉ giúp họ tránh được biến dạng, mất chức năng nhai nói mà còn giúp chọ được hòa nhập cuộc sống bình thường. Khi đối diện bệnh nhân, tôi chỉ có suy nghĩ, cái gì trong khả năng có thể làm cho người bệnh, mình phải làm bằng được. Phải chữa được cho họ, và chữa một cách hoàn hảo để họ tự tin quay về cuộc sống”.
Đó là lý do, ở tuổi 42, Nhung vẫn chưa hài lòng với những gì mình làm được. Cô vẫn ngày đêm mày mò nghiên cứu, làm sao những lần phẫu thuật sau tốt hơn lần trước, những mũi khâu nhỏ hơn, chức năng của người bệnh tốt hơn. Cô muốn rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh để bớt đi những di chứng. Những mong muốn ấy càng thúc đẩy sự hăng say và ham mê tìm tòi ở nữ bác sĩ.
Được học tập nhiều ở môi trường quốc tế, Nhung bảo, ngành vi phẫu của Việt Nam phát triển không kém gì so với thế giới. Người Việt Nam thông minh, nhanh nhạy và luôn uyển chuyển trong ứng dụng vào thực tiễn. Thứ chúng ta yếu hơn là sự đầu tư vào trang thiết bị hiện đại và hiện chi phí cho phẫu thuật tạo hình vi phẫu trong bệnh lý còn quá đắt đỏ.
Tham gia vào nhiều chương trình phẫu thuật nhân đạo, Nhung thấy bệnh khuyết tật môi vòm miệng vẫn còn rất nhiều. Bởi vậy, cứ mỗi khi có chương trình phẫu thuật nhân đạo ở bất kỳ đâu, Nhung đều xắn tay cùng các đồng nghiệp để có cơ hội tái tạo lại gương mặt cho các em.
Ngoài công tác tại Bệnh viện E, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung còn là giảng viên tại Trường Đại học Y Dược Quốc gia. Điều mà nữ giảng viên trẻ này trăn trở, chính là số sinh viên theo ngành phẫu thuật tạo hình trong bệnh lý ngày càng ít.
Bởi vậy, cô muốn truyền đi cảm hứng với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên nữ, rằng ngành phẫu thuật tạo hình trong bệnh lý, vi phẫu dù nặng, vất vả nhưng phụ nữ hoàn toàn chinh phục được. Ngành phẫu thuật tạo hình cần rất nhiều bác sĩ, để ngành phát triển hơn mạnh mẽ hơn nữa trong nền y học Việt Nam.
“Ngành phẫu thuật tạo hình rất nhiều người học, nhưng phẫu thuật tạo hình cho bệnh lý, vi phẫu rất ít. Thậm chí lĩnh vực vi phẫu có thời điểm không có bác sĩ trẻ nào muốn làm”.
Bác sĩ Nhung


Ngày xuất bản: 8/3/2025
Nội dung: THIÊN LAM
Trình bày: DIỆP LINH