NƯỚC PHÁP CỦA IM LẶNG

“Thất thủ Điện Biên Phủ là một thảm họa” là nhận định được Louis Salleron đưa ra trong bài viết đăng trên báo Thế giới (Le Monde), số ra ngày 21/5/1954, hai tuần sau sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ. Tác giả Louis Salleron lược tả nỗi thất vọng cùng sự im lặng trên chính trường Pháp thời điểm đó:
“... Thất thủ ấy đã được cảm nhận như một thảm hoạ, vậy mà, trong thâm tâm người Pháp, một cảm giác đau xót và tủi hổ được pha trộn với một niềm hy vọng.
Vì lẽ gì mà họ đã chiến đấu? Họ đã hy sinh cho cái gì? Họ đã làm tù binh vì cái gì? Câu trả lời luôn luôn vẫn là: Chẳng vì gì cả.
Thật vậy, chẳng vì gì cả.
Chính từ cái “chẳng vì gì cả” ấy mà bắt nguồn niềm hy vọng. Trong cuộc chiến đấu không thương tiếc của các thứ chủ nghĩa duy vật trên thế giới, đã có những người hy sinh chẳng vì gì cả. Một sự hy sinh hoàn toàn công cốc.
…im lặng hoàn toàn.
…Có một nước Pháp của những nỗi niềm sâu thẳm và có một nước Pháp của bề mặt chính trị.
Ban đêm xe cảnh sát chạy đầy đường thủ đô, chống ai? Nước Pháp của im lặng không hề nhúc nhích.
Nước Pháp của im lặng thong thả làm lại tồn tại của mình. Một mình với lịch sử của mình, với số phận của mình. Nước Pháp xây dựng lại những tổ ấm, những ấp trại, những nhà máy, những trường học của mình. Nó làm lại tất cả những gì có thể tự mình làm lấy. Nó không thể làm được cái thứ chính trị, là tác phẩm của người cầm đầu chứ không phải của các công dân.
Im lặng thật hoàn toàn. Im lặng là uy quyền độc nhất của đất nước không có một tiếng nói nào cất lên. Không một tiếng nói nào tự cảm thấy hay tự ban cho mình nhiệm vụ tự nói, không phải trên diễn đàn nghị viện, không phải trên báo chí, không phải trong nhà thờ. Im lặng của các chính sách, im lặng của các nhà văn, nhà thơ, im lặng của các nhân vật Giáo hội.
Người ta cho tôi biết rằng, báo chí Tây Ban Nha có nói đến những chiến sĩ “Pháp-Đức” đã bảo vệ ở Điện Biên Phủ. Nói một cách mỉa mai chăng, tôi nghĩ bụng. Nhưng tiếng ấy đã đi khá xa hơn là họ đã tưởng. Bởi vì, ngày mai nếu ta thấy đẻ ra một cộng đồng châu Âu để bảo vệ các giá trị phương Tây, thì chính Điện Biên Phủ là cái nôi đã sinh ra nó. Những điều khoản kỳ quặc của một dự thảo hiệp ước ngu ngốc cũng chẳng làm nổi trò gì ở đây.

Toàn bộ bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ đi đầu là tướng De Castries ra hàng. (Ảnh TTXVN)
Toàn bộ bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ đi đầu là tướng De Castries ra hàng. (Ảnh TTXVN)
Số phận đã định rằng tổng số của chủ nghĩa anh hùng trong số 12 ngàn chiến binh ở Điện Biên Phủ đã được tóm tắt trong hai cái tên: tên của tướng De Castries và tên của Geneviève de Galard. Một truyền thống quý phái nghìn năm đã tụ hội quanh hai cái tên đó như những người da trắng, da đen, da vàng, tất cả những người lính ưu tú nhất của chúng ta, của nước Đức, của châu Âu, của châu Phi và của châu Á. Tất cả đều hy sinh chẳng vì cái gì cả trong một thế giới và trong một thời đại mà sự sản xuất là một quy luật tối cao mà vật chất được phát triển biện chứng đang báo hiệu những ngày mai tươi đẹp.
Rút cục, chính cái sự cống hiến tuyệt đối ấy, cái sự hào phóng mất trí ấy, cái sự tiêu hao phí phạm năng lượng sống ấy, lại là tiếng nói của nước Pháp, là tiếng nói duy nhất của cả hành tinh này hôm nay nghe thấy được. Và chính vì lẽ đó mà niềm hy vọng ở nước Pháp có pha trộn với nỗi đau và niềm tủi hổ.
Nhưng nếu danh dự lại là gốc của mọi chính trị, thì nó không còn là chính trị nữa. Danh dự của người chiến binh chỉ có thể ủng hộ cho chiến lược của các bộ tham mưu và chính sách của các chính phủ.
Nước Pháp của im lặng chờ đợi tiếng nói của người nào sẽ lên tiếng và sẽ hành động. Và khi đó, từ trong sâu thẳm của bóng đêm, nó sẽ tìm thấy lại vị trí của nó trong dàn đồng ca của các nước trên thế giới.”

(Theo cuốn Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học; Nxb. Chính trị Quốc Gia, tr.1119-22)
NỘI DUNG: VŨ PHONG
TRÌNH BÀY: GIANG THU
ẢNH TƯ LIỆU TTXVN