Quyết định mở cửa
gây tranh cãi
của nước Anh

Chuyên đề: Chiến lược chống dịch Covid-19 nào đối phó “bão Delta"? cung cấp góc nhìn đa chiều về sự điều chỉnh, thay đổi chiến lược chống dịch trên thế giới, ngay cả ở những nơi từng là “hình mẫu” trong giai đoạn đầu.

Ngày 19/7, sau hơn một năm phong tỏa đất nước để ngăn chặn sự tàn phá của Covid-19, Thủ tướng Anh Borris Johnson quyết định mở cửa. Dù tỷ lệ dân tiêm vaccine khá cao, quyết định trên vẫn là nước đi mạo hiểm và gây tranh cãi, nhằm cứu nền kinh tế.

Quyết định dỡ bỏ phong tỏa hoàn toàn được đưa ra khi chỉ 1 ngày trước đó, Anh ghi nhận thêm 48.161 ca mắc Covid-19 mà chủ đạo vẫn là biến thể Delta. Anh vẫn là quốc gia có số người chết do Covid-19 cao thứ 7 thế giới, với 128.708 người. Đồng thời, các chuyên gia không ngừng cảnh báo sẽ sớm có thêm nhiều ca nhiễm mới mỗi ngày hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của đợt dịch thứ 2 hồi đầu năm nay.

Điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 bên ngoài nhà ga London Bridge, ở London, Anh, ngày 5/4/2021 (Ảnh: REUTERS)

Điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 bên ngoài nhà ga London Bridge, ở London, Anh, ngày 5/4/2021 (Ảnh: REUTERS)

Ngay cả Thủ tướng Borris Johnson khi đó cũng đang phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid được xác định mắc Covid-19.

Nhưng không phải người đứng đầu chính phủ Anh đưa ra quyết định dựa trên thiếu căn cứ.

Vào thời điểm đó, Anh đã đạt được những kết quả ban đầu từ chiến lược tiêm chủng đại trà, vượt xa các nước Châu Âu khi có tới 87% dân số trưởng thành của Anh đã tiêm một liều vaccine và hơn 68% đã tiêm hai liều. Số người chết do Covid-19 hàng ngày ở mức khoảng 40 ca - chỉ là một phần nhỏ so với mức cao nhất trên 1.800 ca tử vong đợt tháng 1/2021.

Điểm tiêm chủng đại trà cho người trên 18 tuổi tại Sân vận động London, Anh ngày 19/6/2021 (Ảnh: REUTERS)

Điểm tiêm chủng đại trà cho người trên 18 tuổi tại Sân vận động London, Anh ngày 19/6/2021 (Ảnh: REUTERS)

Từ nửa đêm ngày 19/7, Anh cho phép các hộp đêm mở cửa trở lại và các địa điểm trong nhà khác được phép hoạt động hết công suất, các quy định pháp lý về việc đeo khẩu trang và làm việc tại nhà đã bị bãi bỏ.

Từ nơi cách ly, Thủ tướng Anh bảo vệ quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau nhiều tháng. "Nếu chúng ta không làm ngay bây giờ, chúng ta phải tự hỏi mình, bao giờ chúng ta sẽ làm điều đó?”, ông Johnson nói.

Đồng thời Thủ tướng Anh cũng phát đi thông điệp kêu gọi người dân thận trọng và đi tiêm phòng không chậm trễ. Thủ tướng Anh nói: "Đây là thời điểm thích hợp nhưng chúng ta phải làm điều đó một cách thận trọng. Chúng ta phải nhớ rằng, đáng buồn là loại virus này vẫn còn ở đó”.

“Làm ơn, làm ơn, làm ơn, cẩn trọng”, Thủ tướng Anh Johnson kêu gọi.

"Hãy bước vào ngày mai bằng tất cả sự cẩn trọng và tôn trọng người khác vì căn bệnh này vẫn còn nhiều rủi ro và trên hết, làm ơn hãy đi tiêm phòng khi bạn được yêu cầu tiêm mũi thứ hai..”, ông Borris Johnson nói từ nơi cách ly.

(Ảnh: REUTERS)

Người dân đeo khẩu trang tại nơi cộng cộng (ga tàu điện ngầm ở Lodon) ngày 25/7 (Ảnh: REUTERS)

Đoàn du khách đầu tiên tới thăm quan Tháp London sau 16 tháng đóng cửa hôm 19/7 (Ảnh: REUTERS)

Khán đài trận chung kết giải EURO 2020 giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Italia lấp đầy khán giả (Ảnh: REUTERS)

Người dân đeo khẩu trang tại nơi cộng cộng (ga tàu điện ngầm ở Lodon) ngày 25/7 (Ảnh: REUTERS)

Đoàn du khách đầu tiên tới thăm quan Tháp London sau 16 tháng đóng cửa hôm 19/7 (Ảnh: REUTERS)

Khán đài trận chung kết giải EURO 2020 giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Italia lấp đầy khán giả (Ảnh: REUTERS)

Hơn một tháng sau ngày dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nước Anh đã ghi nhận tín hiệu tích cực dù vẫn còn đó những nguy cơ đối mặt với một làn sóng Covid-19 mới từ các biến thể, đặc biệt là Delta.

Dữ liệu của chính phủ Anh ngày 30/8 công bố, nước này ghi nhận 26.476 ca mắc Covid-19 mới, số ca mắc mới thấp nhất kể từ hôm 10/8. Trong 1 tuần qua, số ca mắc mới tại Anh đã tăng thêm 1,8% so với mức của 1 tuần trước đó. Số ca tử vong ghi nhận trong ngày 30/8 là 48 ca, cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 23/8.

Nhưng tính trung bình, số ca nhập viện do Covid-19 hiện ở mức hơn 900 ca/ngày, cao gấp 8 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Gần 7.000 người đang nhập viện điều trị Covid-19 và số ca tử vong đang tăng trở lại, trung bình hơn 100 ca/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3.

Theo dữ liệu từ Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS), tỷ lệ mắc Covid-19 của Anh hiện ở mức 1/70 dân - một trong những tỷ lệ cao nhất ở châu Âu.

Mặc dù tỷ lệ mắc Covid-19 đang tăng nhanh, các chuyên gia chỉ ra rằng các ca nhập viện và tử vong tại Anh hiện ở mức thấp hơn nhiều so với mùa đông năm ngoái.

Theo Giáo sư danh dự về thống kê ứng dụng Kevin McConway tại Viện Đại học Mở (Open University), tại đỉnh dịch vào mùa đông năm ngoái, trung bình mỗi ngày nước Anh có hơn 3.000 ca nhập viện và 1.100 ca tử vong do Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nhấn mạnh, chương trình tiêm chủng của nước này đang mang lại hiệu quả.

Thực hiện chiến dịch tiêm chủng đại trà ngay từ tháng 12/2020 và tính đến ngày 30/8, tổng số 48.025 triệu người dân Anh trên 16 tuổi đã được tiêm 1 mũi vaccine Covid-19 và 42.719 triệu người đã nhận được mũi thứ hai (tương đương với 79% dân số trên 16 tuổi).

Cơ quan Y tế Công cộng England (PHE) ngày 26/8 công bố, chương trình tiêm chủng của Anh đã trực tiếp ngăn chặn từ 102.500 đến 109.500 trường hợp tử vong do Covid-19, cao hơn con số ước tính từ 91.700 đến 98.700 ca trước đó. Khoảng 82.100 ca nhập viện cũng đã được ngăn chặn nhờ tiêm chủng.

Kết quả nghiên cứu do ONS và Trung tâm nghiên cứu vaccine Oxford (thuộc Đại học Oxford) thực hiện cho thấy, tiêm đủ 2 mũi vaccine Pfizer có thể ngăn ngừa 90% các ca mắc Covid-19 có triệu chứng trong khi tỷ lệ này là khoảng 70% đối với vaccine AstraZeneca. Hiệu quả ngăn chặn nhập viện nếu nhiễm biến thể Delta khi đã tiêm đủ liều vaccine của Pfizer hoặc AstraZeneca lần lượt là 96% và 92%.

Việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa cũng giúp chi tiêu của người dân Anh tăng đáng kể trong tháng 7 vừa qua.

Chi tiêu của người tiêu dùng Anh trong tháng 7 đã tăng 11,6% so với mức trước đại dịch là thống kê của công ty cung cấp thẻ thanh toán Barclaycard (Anh) có được sau khảo sát.

Các quán rượu ở London đông nghẹt cổ động viên của đội tuyển Anh cổ vũ đội tuyển nhà trong trận bán kết với đội tuyển Đan Mạch. Các cổ động viên bùng nổ niềm vui khi đội tuyển nước nhà giành suất vào trận chung kết EURO 2020. (Nguồn: REUTERS)

Các quán rượu ở London đông nghẹt cổ động viên của đội tuyển Anh cổ vũ đội tuyển nhà trong trận bán kết với đội tuyển Đan Mạch. Các cổ động viên bùng nổ niềm vui khi đội tuyển nước nhà giành suất vào trận chung kết EURO 2020. (Nguồn: REUTERS)

Các siêu thị và các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống khác đã chứng kiến các ​​giao dịch bùng nổ khi mọi người tụ tập để xem các sự kiện thể thao, bao gồm nửa sau của Giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2020, giải vô địch quần vợt Wimbledon và Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.

Một cuộc khảo sát riêng từ British Retail Consortium (BRC) cũng báo cáo chi tiêu tại các cửa hàng đã tăng 6,4% trong tháng 7 so với một năm trước đó.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn lo ngại về làn sóng gia tăng các ca mắc mới trong vài tuần tới khi học sinh trên khắp Vương quốc Anh tựu trường và nhân viên văn phòng trở lại làm việc vào mùa thu.

Các ca mắc Covid-19 gia tăng cùng với các loại cúm mùa khác khiến các nhà khoa học cảnh báo tình hình có thể trở nên tệ hơn vào mùa thu và mùa đông năm nay, đồng thời nhấn mạnh việc tiêm chủng cần được ưu tiên hàng đầu, bởi vaccine là biện pháp hiệu quả nhất cho tới lúc này.

Các chuyên gia khẳng định vaccine có khả năng bảo vệ cao đối với biến thể Delta, hiện chiếm hơn 98% các trường hợp mắc Covid-19 ở Anh, và vì vậy những người chưa tiêm đủ 2 mũi cần tiêm càng sớm càng tốt. Ngoài ra, thực hiện xét nghiệm nhanh và đeo khẩu trang cũng là biện pháp hữu ích để giảm nguy cơ lây nhiễm.


Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Thực hiện: NGUYỄN TRANG, HỒNG VÂN, PHAN ANH
Ảnh: REUTERS, Nguồn tin và dữ liệu: REUTERS, Our World in Data, Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS), TTXVN.