Hành trình hồi sinh
"dòng sông cháy" của nước Mỹ
Ô nhiễm nguồn nước là một trong những mối đe dọa sinh thái nghiêm trọng nhất mà con người đang phải đối mặt. Chuyên đề Xử lý ô nhiễm nguồn nước - vấn đề cấp bách mang đến góc nhìn đa chiều từ nỗ lực hồi sinh những dòng sông, con suối "chết", cho tới những biện pháp để "tắt chế độ báo động đỏ" về tình trạng ô nhiễm này ở một số quốc gia trên thế giới.
Sông Cuyahoga có độ dài khoảng 137 km, nằm ở phía đông bắc bang Ohio, nước Mỹ. Tên của dòng sông tự nói lên dáng hình của nó, Cuyahoga có nghĩa là quanh co, uốn lượn. Khi nhìn vào bản đồ, có thể thấy hiện lên một dòng sông uốn theo hình chữ U, khởi nguồn từ hạt Geauga, chảy theo hướng nam và bắc rồi đi qua thành phố Akron. Dòng chảy tiếp tục quay ngược lên phía bắc để đến thành phố Cleveland trước khi hòa vào hồ Erie.
Từ những năm 1880, khi Cleveland nổi lên như một trung tâm sản xuất lớn, sông Cuyahoga đã phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của quá trình công nghiệp hóa. Chất thải công nghiệp đã đầu độc Cuyahoga và biến nó thành một trong những dòng sông ô nhiễm nhất nước Mỹ.
13 lần cháy sông
Ngày 22/6/1969, tia lửa từ một đoàn tàu chạy ngang qua đã bắn xuống sông Cuyahoga, làm vệt dầu loang trên mặt sông bùng cháy. Đám cháy kéo dài chưa đầy nửa giờ và chỉ gây hư hại nhỏ cho cầu đường sắt với thiệt hại khoảng 50.000 USD. Lực lượng cứu hỏa đã kiểm soát ngọn lửa trước khi giới truyền thông có mặt tại hiện trường, cho nên không có hình ảnh ghi lại đám cháy này.
Vụ hỏa hoạn không khiến người dân Cleveland ngạc nhiên vì đây là lần thứ 13 sông Cuyahoga bốc cháy. Đám cháy đầu tiên được ghi nhận vào năm 1868. Sau đó, vào năm 1952, Cuyahoga hứng chịu đám cháy kinh hoàng nhất trong lịch sử của dòng sông này với thiệt hại lên tới 1,5 triệu USD.
Sông Cuyahoga từng được coi là một phần của kết cấu hạ tầng công nghiệp tại thành phố Cleveland. Cho nên không quá khó để giải thích vì sao tờ báo đầu tiên đưa tin về đám cháy năm 1969 lại tập trung thông tin về thiệt hại thay vì sự thật "dòng sông đã bốc cháy".
Trong một thời gian dài, không ít người dân tại Cleveland đã chấp nhận tình trạng ô nhiễm sông Cuyahoga là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển nhanh chóng của thành phố. Tuy nhiên, nếu đặt dòng sông vào vai trò của một hệ thống tự nhiên thì đám cháy trên sông không còn là điều bình thường nữa.
Ngày 23/6/1969, một ngày sau khi xảy ra hỏa hoạn, Thị trưởng thành phố Cleveland, ông Carl Stokes, đã dẫn các nhà báo địa phương đi thực tế tại sông Cuyahoga. Họ đã tới thăm hiện trường vụ cháy, một khu công nghiệp và những cống rãnh xả thải.
Bà Betty Klaric, một trong những phóng viên môi trường làm việc toàn thời gian đầu tiên tại Mỹ, đã có bài viết về hành trình này đăng lên nhật báo Cleveland Press.
Đến ngày 1/8 năm đó, khi tạp chí Time đề cập đến Thị trưởng Stokes và đám cháy trên sông Cuyahoga trong bài viết đăng trong mục "Môi trường" thì câu chuyện về Cuyahoga không còn là của riêng Cleveland nữa.
"Dòng sông cháy" lập tức thu hút sự quan tâm của các hãng truyền thông trong nước và quốc tế. Nó đã trở thành biểu tượng cho mối đe dọa khi môi trường nước bị ô nhiễm và sự cần thiết của một cuộc cách mạng về môi trường.
Time mô tả Cuyahoga như một “sông bùn chứ không phải là dòng chảy", rơi vào đó con người sẽ "không chết đuối mà bị phân hủy".
Người tiên phong
Năm 1967, ông Carl Stokes trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu làm thị trưởng của một thành phố lớn ở "xứ cờ hoa". Một trong những vấn đề ông quan tâm nhất là ô nhiễm nguồn nước. Trước khi đám cháy thứ 13 được ghi nhận trên sông Cuyahoga, ông đã thuyết phục người dân Cleveland ủng hộ "sáng kiến trái phiếu 100 triệu USD" để cải thiện chất lượng dòng sông chảy qua thành phố này.
Song, Stokes biết rằng dù thành phố của ông có nỗ lực thế nào chăng nữa thì Cuyahoga cũng không thể hồi sinh nếu thiếu sự chung tay của tất cả các địa phương nằm dọc theo chiều dài của dòng sông. Cuyahoga chảy qua nhiều khu vực trước khi tới Cleveland cho nên xử lý tình trạng ô nhiễm con sông này nằm ngoài tầm kiểm soát của ông.
Nhận thấy đám cháy năm 1969 chính là cơ hội vàng để hướng dư luận vào thực trạng ô nhiễm nguồn nước, ông đã tổ chức họp báo ngay bên bờ sông Cuyahoga. Tại đây, Thị trưởng Stokes khẳng định rằng cần có sự phối hợp từ chính quyền bang và liên bang để triển khai hành động có ý nghĩa đối với các vấn đề môi trường tại Cleveland.
Năm 1970, Thị trưởng Stokes đã được mời đến Thượng viện Mỹ để nói về các vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại Cleveland. Vào thời điểm đó, ông đã đặt ra mối quan hệ giữa ô nhiễm môi trường với chất lượng sống và các vấn đề sức khỏe trong khái niệm mà ông gọi là "môi trường đô thị". Một lần nữa, Thị trưởng Stokes kêu gọi liên bang đầu tư cho các nỗ lực làm sạch nguồn nước không chỉ tại Cleveland mà còn tại nhiều thành phố lớn khác.
Chúng ta gặp phải các vấn đề ô nhiễm nước và không khí tại nhiều thành phố. Vấn đề này gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của người dân như những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cách xa đất nước chúng ta 5.000 dặm.
Tầm nhìn của Thị trưởng thành phố Cleveland đã góp phần truyền cảm hứng cho các phong trào bảo vệ môi trường và làm thay đổi nhận thức của công chúng Mỹ về tác hại của ô nhiễm nguồn nước.
Nhà chức trách Mỹ cũng thật sự quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động đo lường, giám sát chất lượng nước sông và các chương trình kiểm soát ô nhiễm nước trên toàn lưu vực sông.
Lắng nghe ý kiến của công chúng, Quốc hội Mỹ những năm sau đó đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng để cải thiện và bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Một trong những dấu mốc đáng chú ý là sự ra đời của Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) và Ngày Trái đất (22/4).
Đạo luật Nước sạch được thông qua
Đạo luật Kiểm soát ô nhiễm nước liên bang (năm 1948) là đạo luật quan trọng đầu tiên tại Mỹ nhằm giải quyết vấn đề nước bị ô nhiễm. Sự hiểu biết và quan tâm của cộng đồng đối với vấn đề nước bị ô nhiễm đã dẫn tới những sửa đổi sâu rộng về luật vào năm 1972.
Kể từ đó đến nay, đạo luật này được biết đến rộng rãi với tên gọi Đạo luật Nước sạch. Đạo luật này đã thiết lập nền tảng cơ bản quy định về việc thải các chất gây ô nhiễm vào nguồn nước và tiêu chuẩn chất lượng nước trên bề mặt Trái đất. Các tiêu chuẩn đã được điều chỉnh và thậm chí được siết chặt theo thời gian.
Có thể nói, Đạo luật Nước sạch đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống kiểm soát ô nhiễm nguồn nước của Mỹ. Nếu như trước đây, sông Cuyahoga bị nhiễm độc đến mức dễ dàng bốc cháy thì sau hàng thập kỷ các quy định bảo vệ nguồn nước được đưa vào luật, dòng sông đã dần hồi sinh.
Các công viên với cảnh quan ấn tượng dần thế chỗ những nhà máy sản xuất nằm bên hai bờ sông. Các hoạt động thu gom rác trên sông thu hút sự tham gia của đông đảo tình nguyện viên. Ngày 20/3/2019, cơ quan quản lý môi trường liên bang đã xác nhận cá được đánh bắt từ sông Cuyahoga đủ độ an toàn để chế biến thành món ăn.
Là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, nhưng trong quá khứ nước Mỹ từng trải qua những giai đoạn nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, mà bằng chứng sống động nhất là hình ảnh "dòng sông cháy" Cuyahoga.
13 đám cháy trên sông Cuyahoga cho đến sự ra đời của Đạo luật Nước sạch là bài học cho thấy giá trị của một quá trình trải nghiệm lâu dài và đấu tranh quyết liệt để bảo vệ nguồn nước. Tiếng kêu cứu từ "dòng sông cháy" nhắc nhở con người ghi nhớ sự phát triển kinh tế luôn phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước không phải của riêng cá nhân, địa phương nào mà là của cả cộng đồng.
Nhận thức đúng đắn của cộng đồng, sự sát sao của nhà chức trách và sự vào cuộc của báo chí - truyền thông... tạo nên tấm lá chắn bảo vệ nguồn nước trước nguy cơ bị suy thoái.
Ngày xuất bản: 28/9/2021
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: HOÀNG HÀ, HỒNG VÂN, PHAN ANH
Ảnh: Reuters, Americanrivers.org, Nationalgeographic.com, Nps.gov
Nguồn tin và dữ liệu: Reuters, Gallup, EPA, Americanrivers.org, Cuyahogariver.org, Nationalgeographic.com, Nps.gov