Đứng trên bãi cát dài trắng muốt chạy dọc biển Vĩnh Thái, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngò nhìn bần thần về con thuyền nhỏ neo đậu gần bờ. Nhiều năm đi đánh bắt cá, ông đã thấm mệt với những chuyến ra khơi. Nhưng ông vẫn yêu biển và muốn mưu sinh từ biển. Ở tuổi 48, ông đánh liều bỏ biển khơi, lên bờ, cùng người vợ cũng là cựu chiến binh khởi nghiệp bằng nghề nuôi trồng thủy sản trên đất cát.

NUÔI TRỒNG HẢI SẢN TRÊN ĐẤT CÁT, GIÓ LÀO

Đất Vĩnh Linh kiên cường có nhiều cựu chiến binh tham gia các cuộc kháng chiến, nhưng cả hai vợ chồng cùng là cựu chiến binh, sinh hoạt cùng câu lạc bộ cựu chiến binh lại không nhiều. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngò nằm trong số đó.

Bà Nguyễn Thị Lệ, quê ở Hải Lăng, còn ông Ngò ở Vĩnh Linh, là bạn học cùng nhau. Năm 1978, bà đi bộ đội vào tháng 8, đóng quân ở Đắk Lắk, còn ông nhập ngũ vào tháng 11, sang làm nhiệm vụ trên nước bạn Lào. Ba năm sau bà xuất ngũ về quê. Còn ông Ngò, sau 4 năm đi lính, Tết năm 1982, ông về phép để xin gia đình đi sĩ quan chuyên nghiệp. Nhưng mẹ ông không đồng ý và muốn ông lấy vợ để ổn định cuộc sống.

Vĩnh Thái là quê ngoại của bà, bà gặp lại ông khi về thăm quê và hẹn gặp các đồng đội cũ. Duyên số đã khiến hai cựu chiến binh đến với nhau. Ông Ngò ngỏ lời với bà một cách giản dị: “Có cho vô chơi nhà không thì để tui vô?”, bà trả lời: “Nhà thì chật chứ lòng có chật mô”.

Khi vào nhà, ông Ngò xin dâu luôn. “Bọn con ưng chắc rồi thì cho con cưới luôn”, ông Ngò mạnh dạn nói với mẹ bà Lệ, trong khi bà còn người chị gái chưa lấy chồng. “Hắn đi bộ đội về đau lên đau xuống, mi chịu được thì cho mi luôn đó”, mẹ bà Lệ trả lời.

Ông Ngò về hối gia đình đem cau trầu vô hỏi cưới bà Lệ. Từ tình bạn, họ thành vợ chồng, đồng cam cộng khổ với nhau đã hơn 40 năm, cùng gây dựng kinh tế ở mảnh đất ven biển vùng ngang. Hai vợ chồng bảo nhau, ở vùng biển bãi ngang này, nếu không thoát ly được, chỉ có bám biển mà sống.

Ông Ngò đi biển từ năm 1993, sau khi HTX mua bán của xã Vĩnh Thái giải thể. Ông cùng vài người bạn, rong ruổi đánh bắt cá gần bờ trên chiếc thuyền cá mỏng manh. Cuộc sống ngư dân ở bãi ngang chủ yếu đi sản xuất bằng thuyền bé đi về trong ngày, không ra khơi xa. Thiếu ngư cụ, đánh bắt thô sơ, chiếc thuyền mỏng không đủ sức chịu sóng to, gió lớn nên thu nhập mang lại chẳng đáng là bao, chỉ đủ để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Đến mùa biển động, thuyền nằm bờ, gia đình ông Ngò lại rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu.

Ông đắn đo, suy nghĩ, tìm một hướng đi mới trong phát triển kinh tế trên cơ sở dựa vào tiềm năng của vùng cát quê hương. Thấy một số người chung quanh khởi nghiệp bằng nghề nuôi trồng thủy sản khấm khá, ông quyết định lên bờ.

Năm 2006, ở tuổi 48, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngò khởi nghiệp và là cựu chiến binh đầu tiên của xã nuôi trồng thủy sản trên đất cát. “Lúc ấy sao đã dám nghĩ tới làm giàu, chỉ nghĩ tới chuyển đổi cây trồng sang nuôi trồng thủy hải sản để may chăng đời sống gia đình được nâng cao hơn trước”, ông Ngò tâm sự.

Được ngân hàng cho vay vốn 100 triệu đồng, ông chuyển đổi 500m2 đất trồng khoai, lạc kém hiệu quả trong vườn nhà sang đào ao, thả cá. Vụ đầu tiên, ông thả 3.000 cá trê, vụ tiếp theo ông thả 5.000 cá nước ngọt các loại. Hồi hộp như lần đầu bế con trên tay, ngày ngày, ông ăn ngủ bên hồ nuôi cá, xem chúng sinh trưởng từng ngày. Nhưng càng làm, càng chưa thấy tương lai kinh tế ở đâu. Một năm sau, ông bỏ cuộc.

Ngay phía bên trái nhà ông, một dự án nuôi tôm sú của một đơn vị thủy sản nhà nước được đầu tư rất quy mô. Bấy giờ, mô hình nuôi tôm sú ở Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn ở vùng biển Cửa Tùng, Hiền Lương rất thành công, cho một vụ lãi 20-30 triệu đồng. Ông cũng liều chuyển đổi hướng đi. Nhưng dự án nuôi tôm sú trên đất Vĩnh Thái quê ông bị thất bại liên tiếp 2 vụ do thiếu những áp dụng khoa học kỹ thuật khiến ông chùn bước.

Bước những bước vô định trở về nhà mỗi chiều, ông ngồi trước ao cá dành dụm bao công sức gây dựng và nghĩ, ở vùng biển bãi ngang, thứ nhiều nhất là cát trắng, nuôi tôm sú không được, vậy có cách nào nuôi giống tôm khác không. Những ngày tiếp theo, ông tìm hiểu, học hỏi mô hình nuôi tôm thẻ trên cát ở nhiều địa phương khác, về áp dụng tại ao nhà mình.

Bấy giờ, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở Bình Thuận rất thành công. Xách ba lô đi về phía nam, tới vùng đất Bình Thuận cát trắng, ông nghĩ trong bụng, tại sao người dân đất cát người ta nuôi được tôm sinh lời cao mà mình lại không làm được.

“Trong Bình Thuận, cát cũng giống ở Vĩnh Thái. Người dân ở đây cũng đào ao, làm bạt chống thấm, cũng nuôi tôm sinh lời tốt. Tôi hỏi kinh nghiệm mọi người chỗ mua bạt, học mót cách làm. Dần về nhà, các kỹ sư ở các đơn vị bán thức ăn chăn nuôi, bán con giống cũng bày cho thêm kinh nghiệm nuôi trồng, phòng bệnh cho tôm. Các lớp tập huấn được mở thường xuyên, tôi cũng rất chăm chú học hỏi”, ông Ngò tâm sự.

Ngày ông bàn với vợ về ý tưởng nuôi tôm trên đất cát, bà rất hồ nghi. Nhưng nếu không thử, giờ chỉ còn cách quay trở lại nghề biển lênh đênh. Hai vợ chồng quyết tâm một lần nữa vượt khó, tiếp tục đi vay vốn làm ăn. Ông nhờ các chuyên gia của công ty thủy sản sang hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật nuôi, cách trải bạt dưới hố cát, lắp đặt sục cho đầm tôm.

Học hỏi kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật, dần tay nghề của ông lên cao. Vốn ít, chưa đủ sức đầu tư một lần, ông mở rộng diện tích ao nuôi qua từng vụ, từ 500m2 nâng dần lên 1,2ha. Rồi cứ thế, ông từng bước làm được hệ thống kênh mương dẫn nước, xây đắp bờ bao kiên cố, lót bạt và rắc vôi để diệt tạp và tiêu độc…

Năm 2008, vụ đầu tiên, ông Ngò thả 25 vạn tôm thẻ chân trắng, chưa lãi. Vụ tiếp theo, ông huề vốn và tới vụ thứ 3, ao tôm đã giúp cho nhà ông có lời được vài chục triệu. “Xác định vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm nên trải qua ba vụ không những không lỗ vốn mà còn có lãi là một thành công lớn với tôi”, ông hạnh phúc nói.

Loay hoay nhiều năm, rồi cuối cùng ông cũng tự tin với vốn kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản của mình. Không chỉ biết chọn giống tốt, nuôi tôm sinh trưởng đều đặn, mà còn biết phòng, chống dịch bệnh cho tôm. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật được ông miệt mài học tập áp dụng.

Bấy giờ, ông mới tin, nuôi tôm thẻ chân trắng chính là lối đi cho gia đình ông cũng như nhiều gia đình ở vùng biển Thái Lai.

Năm 2013, ông thuê thêm 1ha đất cát trên địa bàn để mở rộng quy mô nuôi tôm. Những kinh nghiệm có được cùng việc đưa kỹ thuật tiên tiến vào nuôi tôm nên cứ thế, sản lượng tôm nhà ông tăng dần, lợi nhuận giúp gia đình ông khấm khá hơn trước. “Thời ấy, mỗi năm cũng thu lời được từ 100-200 triệu đồng”, ông Ngò nói.

Nhờ áp dụng hiệu quả kỹ thuật vào quá trình nuôi nên sản lượng tôm thu được năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận tăng dần, gia đình ông Ngò khấm khá nhờ con tôm thẻ chân trắng.

Những năm 2012-2014 là thời điểm gia đình ông “phất” nhất. Một năm thu 2 lứa tôm, trừ các chi phí gia đình ông lời 300 triệu đồng/lứa.

Ngày ông Ngò bàn với vợ về ý tưởng nuôi tôm trên đất cát, bà Lệ rất hồ nghi. Nhưng nếu không thử, giờ chỉ còn cách quay trở lại nghề biển lênh đênh. Hai vợ chồng quyết tâm một lần nữa vượt khó, tiếp tục đi vay vốn làm ăn. Ông nhờ các chuyên gia của công ty thủy sản sang hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật nuôi, cách trải bạt dưới hố cát, lắp đặt sục cho đầm tôm.

Học hỏi kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật, dần tay nuôi của ông lên cao. Vốn ít, chưa đủ sức đầu tư một lần, ông mở rộng diện tích ao nuôi qua từng vụ, từ 500m2 nâng dần lên 1,2ha. Rồi cứ thế, ông từng bước làm được hệ thống kênh mương dẫn nước, xây đắp bờ bao kiên cố, lót bạt và rắc vôi để diệt tạp và tiêu độc…

Năm 2008, vụ đầu tiên, ông Ngò thả 25 vạn tôm thẻ chân trắng, chưa lãi. Vụ tiếp theo, ông huề vốn và tới vụ thứ 3, ao tôm đã giúp cho nhà ông có lời được vài chục triệu. “Xác định vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm nên trải qua ba vụ không những không lỗ vốn mà còn có lãi là một thành công lớn với tôi”, ông hạnh phúc nói.

Loay hoay nhiều năm, rồi cuối cùng ông cũng tự tin với vốn kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản của mình. Không chỉ biết chọn giống tốt, nuôi tôm sinh trưởng đều đặn, mà còn biết phòng, chống dịch bệnh cho tôm. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật được ông miệt mài học tập áp dụng.

Bấy giờ, ông mới tin, nuôi tôm thẻ chân trắng chính là lối đi cho gia đình ông cũng như nhiều gia đình ở vùng biển Thái Lai.

Năm 2013, ông thuê thêm 1ha đất cát trên địa bàn để mở rộng quy mô nuôi tôm. Những kinh nghiệm có được cùng việc đưa kỹ thuật tiên tiến vào nuôi tôm nên cứ thế, sản lượng tôm nhà ông tăng dần, lợi nhuận giúp gia đình ông khấm khá hơn trước. “Thời ấy, mỗi năm cũng thu lời được từ 100-200 triệu đồng”, ông Ngò nói.

Nhờ áp dụng hiệu quả kỹ thuật vào quá trình nuôi nên sản lượng tôm thu được năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận tăng dần, gia đình ông Ngò khấm khá nhờ con tôm thẻ chân trắng.

Những năm 2012-2014 là thời điểm gia đình ông “phất” nhất. Một năm thu 2 lứa tôm, trừ các chi phí gia đình ông lời 300 triệu đồng/lứa.

THĂNG TRẦM NGHỀ NUÔI TÔM TRÊN ĐẤT CÁT

Cuộc đời rồi có lúc thăng, lúc trầm. Nghề nuôi tôm cũng vậy. Sự cố Fomusa năm 2017 khiến cho hải sản ở vùng biển miền trung rơi vào tình trạng không có người mua. Ông cùng nhiều bà con nuôi trồng thủy sản “chết đứng, chết ngồi”.

Trước đây, một năm nuôi tôm 2 vụ có thể thắng tới 600-700 triệu đồng, nhưng do ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường do xả thải của Fomusa nên những năm 2017, tôm dễ sinh bệnh, trong đó có bệnh đen mang mà đến giờ vẫn chưa tìm ra thuốc chữa trị.

Tôm khó phát triển, người nuôi phải bán sớm và bán lỗ. Thay vì từng đoàn xe về mua gom như trước, để bán mẻ tôm, gia đình ông phải mang đi bán lẻ cho từng bà con, chỉ mong có đủ tiền cho mua giống tôm đầu vào cho vụ tới.

“Nhiều hộ muốn giải thể, tôi cũng vậy vì sợ đầu tư sẽ lỗ trong khi vốn mình ít. Muốn an toàn, tôi tìm cách thử nuôi thưa hơn để lỡ có lỗ, cũng sẽ lỗ ít hơn. May mắn là đến năm 2018, khi nguồn nước được Nhà nước kiểm định an toàn, việc nuôi tôm mới trở lại nhịp như trước”, ông Ngò tâm sự.

Để có mẻ tôm xuất đầm thắng lợi, người nông dân như ông Ngò gặp muôn chừng khó khăn, nhất là trên mảnh đất cát và gió Lào. Ngoài chọn được giống tốt, sạch bệnh môi trường nước ở ao phải bảo đảm vệ sinh để tránh rủi ro khi nuôi.

Vừa vớt nước váng bẩn trên đầm, ông Ngò vừa kể, nuôi tôm, cá phải canh đầm 24/24 giờ. Cứ ngủ chừng 1 tiếng, ông lại phải dậy đi kiểm tra 1 vòng, theo dõi các hoạt động của tôm hằng ngày, kiểm tra tăng trưởng, quan sát các dấu hiệu không bình thường của tôm như sử dụng thức ăn, bơi lội, màu sắc...

“Nuôi tôm cá mình lúc nào cũng như nuôi con mọn. 3 giờ sáng, tôi dậy rút ống xả thải rồi đến 8 giờ sáng lại bơm nước vào cho mát. Cứ vậy, xả thải 4 tiếng thì phải bơm lại đủ 4 tiếng. Nước bơm vào đầm tôm cá đều sử dụng men hoặc diorin xử lý nước. Đều đặn hàng tuần phải xử lý nước để tôm không bị nhiễm bệnh”, ông Ngò nói.

Hơn 10 năm qua, ông Ngò ít khi dám ra khỏi nhà đi đâu xa. Nhiều khi đi ăn bữa cỗ, ông cũng đứng ngồi không yên. Có lúc, ông phải bỏ dở việc để chạy về. Ông sợ mất điện hoặc sự cố nào đó khiến tôm cá có thể nổi trắng mặt đầm.

Mùa đông là thời điểm tôm bán lãi nhất, nhưng khó nuôi, dễ bệnh. Mùa hè là thời điểm nuôi tôm dễ nhất với bà con, nhưng lại không lãi bao nhiêu vì tốn chi phí đầu tư thức ăn cho tôm. Thấy nuôi tôm ngày một giá thấp đi, năm 2022, gia đình ông Ngò chuyển sang nuôi tôm xen kẽ với cá. 1 vạn giống tôm và khoảng 1 vạn cá dìa được nuôi chung trong đầm. Nếu tôm cá đồng giá tôi bán chung, nếu con nào bán đắt hơn thì tách ra bán.

Bà vợ ông Ngò cho biết, cá dìa nuôi ăn ngon hơn cá bắt ngoài biển, vì được cho ăn đầy đủ. Cá to đến đâu thì bán đến đấy. Ngày nào cũng có người đến lấy vài ba tạ cá.

Ông Ngò vớt bẩn trên đầm nuôi tôm, cá.

Ông Ngò vớt bẩn trên đầm nuôi tôm, cá.

Đầu tháng 7, khi chúng tôi đến đầm tôm của ông Ngò, những mẻ giống vừa ươm mới được thả xuống đầm chừng một tháng. Ông bảo, phải 8 tháng nữa, mẻ này mới thu hoạch được. Nhìn trời đất, ông bảo, nếu vẫn nuôi chuyên tôm thì một vụ cho thu hoạch 4-5 tấn cá, lời hơn 600 triệu đồng, nhưng vì nuôi xen kẽ nên tôm sẽ nuôi thưa hơn, giá trị thu hoạch cả tôm và cá chỉ khoảng dưới 200 triệu đồng. Thế nhưng ông vẫn chọn nuôi xen kẽ.

“Tôm sẽ cào đất, làm tốt môi trường cho cá và ngược lại, phân cá và thức ăn thừa của cá sẽ giúp nuôi con tôm, từ đó, vừa giảm chi phí nuôi tôm, vừa giúp chúng đỡ sinh bệnh hơn, nhờ đó mà ít dùng hóa chất cho đầm nuôi”, ông Ngò nói. Nhưng dù vậy, việc nuôi xen kẽ cũng đòi hỏi ông phải chú trọng hơn về mặt kỹ thuật để cả hai loài tôm, cá có tỷ lệ sống cao, phát triển tốt.

Nhìn lại hành trình gần 20 năm qua, thắng lợi của tôi chính là sự gan lì và quyết tâm.

Ông Nguyễn Văn Ngò

PHẢI THÚC ĐẨY NGƯỜI DÂN VĨNH THÁI “CÓ GAN LÀM GIÀU”

Mô hình nuôi tôm trên đất cát cứ thế lan truyền từ miền nam ra Huế, Quảng Trị. Mảnh đất Hải Lăng, Triệu Phong ở Quảng Trị là nơi bà con mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản nhiều nhất. Chỉ có người Vĩnh Thái mới không có gan”, ông Ngò chẹp miệng tiếc nuối.  

Xã Vĩnh Thái có 18,2ha nuôi tôm trên đất cát, trong đó ông Ngò sở hữu 1,2ha. Ông chỉ cho chúng tôi xem nhiều đầm nuôi tôm lân cận, nhưng hầu hết là do người dân nơi khác về đất này khai thác. Người dân địa phương còn rất nhiều ngại ngần. “Họ bảo, khi khỏe họ đi biển, già rồi thì nghỉ ngơi, chẳng việc gì phải vất vả như tôi”, ông Ngò cười nói.

Vợ chồng ông Ngò có 5 người con, nhưng đều lập nghiệp xa nhà. Đứa con trai thứ 3 ở gần ông bà nhất thỉnh thoảng chạy về giúp sửa cái mô tơ điện để thổi khí cho tôm cho cá.

Mỗi ngày, ông Ngò pha ấm trà, ngồi bên bàn đá, nhìn ra hồ, nheo mắt nhìn theo tuabin nước ở góc xa. Ai đến rủ đi chơi, ông cũng từ chối, chỉ mời ngồi uống trà, chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm thì lúc nào ông cũng sẵn sàng. Chỉ sợ ngơi mắt khỏi đầm, cái giá phải trả với gia đình là cả vài trăm triệu đồng.  

Ở mảnh đất Vĩnh Thái, Vĩnh Linh, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngò không chỉ được biết đến là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, mà ông còn là Chi hội trưởng cựu chiến binh thôn Thái Lai, Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thái, góp phần vào quá trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống và xây dựng nông thôn mới tại xã Vĩnh Thái. Hàng năm, ông vẫn dành một phần nhất định để hỗ trợ cho tập thể hội cựu chiến binh duy trì hoạt động, tham gia các công tác an sinh xã hội, đóng góp cho địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND, Phó Bí thư xã Vĩnh Thái chia sẻ thêm với chúng tôi, ở xã Vĩnh Thái, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngò là người đầu tiên mày mò, học hỏi mô hình nuôi trồng thủy sản và đã xây dựng được cơ ngơi. Xã cũng rất quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho cựu chiến binh phát triển kinh tế nhưng hiện nay cũng chưa nhiều người dân địa phương học hỏi mô hình này.

“Chúng tôi mong là mô hình của bác Ngò sẽ tạo động lực cho cựu chiến binh nói chung và đoàn viên thanh niên có thể đầu tư, nuôi trồng thủy hải sản, làm giàu trên mảnh đất quê hương”, ông Trường chia sẻ.

18 năm gắn bó với nghề nuôi thủy hải sản trên vùng đất cát trắng, gió Lào, những bài học xương máu đã được ông Ngò chia sẻ với nhiều người dân. Không chỉ đổi đời cho mình, ông Ngò mong mỏi có thêm nhiều bà con sẽ có những mô hình kinh tế được xây dựng thành công trên đất cát.

Nhìn lại hành trình gần 20 năm qua, ông Ngò bảo, thắng lợi của ông chính là sự gan lì và quyết tâm. Hiện Chi cục Thủy sản của tỉnh Quảng trị kêu gọi bà con trong xã Vĩnh Thái học tập mô hình nuôi trồng thủy hải sản trên cát, để giảm thiểu bớt những khó khăn, bấp bênh của nghề đi biển, nhưng bà con địa phương chưa mặn mà vì tính rủi ro cao. Chỉ có ông kiên trì đến cùng, đi qua bao đợt bão giá, mất trắng mùa nuôi tôm nhưng vẫn bám trụ bên đầm.

Ngày xuất bản: 10/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: LÂM QUANG HUY - HỒNG VÂN - THIÊN LAM
Trình bày: DƯƠNG DƯƠNG
Ảnh: TRƯƠNG NGỌC