Nuôi biển

Cơ hội đột phá

Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt khoảng 8,73 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 4,95 triệu tấn. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Tuy đạt được những kết quả nổi bật, nhưng nghề nuôi trồng thủy sản còn gặp không ít khó khăn. Ảnh: TRỌNG DUY

Trong những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, thể hiện ở tăng trưởng diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng đang bộc lộ không ít bất cập, hạn chế: khai thác ồ ạt, nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng; giá trị sản phẩm nuôi trồng chưa cao; tăng trưởng nóng sản lượng chưa gắn với bảo vệ môi trường và đầu tư phát triển hạ tầng; chưa chủ động được nguồn giống…

Chính vì vậy, việc giảm khai thác, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng theo hướng bền vững được xem là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm để ngành kinh tế quan trọng này vươn lên phát triển bền vững.

Để nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Cả nước hiện có 25 tỉnh, thành phố phát triển nuôi cá nước lạnh. Ảnh: CATAVIET

Cả nước hiện có 25 tỉnh, thành phố phát triển nuôi cá nước lạnh. Ảnh: CATAVIET

Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích vùng biển, nhưng diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, chuyển hướng sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, để hình thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn cần phải có cơ chế chính sách khuyến khích đủ mạnh.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, do trữ lượng khai thác ngày càng giảm nên tại nhiều địa phương, trong những năm gần đây, có ngày càng nhiều bà con ngư dân chuyển sang hình thức nuôi trồng thủy sản và đạt hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng năm 2021, tổng sản lượng nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, con số này vượt cả sản lượng khai thác (3,92 triệu tấn). Những địa phương có diện tích và sản lượng nuôi lớn như: Bạc Liêu, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp…

Về nuôi trồng thủy sản trên biển, nhằm thực hiện chủ trương phát triển chuyển từ nuôi trồng theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành ngành nuôi biển công nghiệp. Theo đó, hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi, hạ tầng phụ trợ được đầu tư chuyên nghiệp, bài bản hơn.

Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành thế mạnh của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: MINH THU

Vùng nuôi của Công ty Australis tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Nguồn: VSA

Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành thế mạnh của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: MINH THU

Vùng nuôi của Công ty Australis tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Nguồn: VSA

Hiện nay, tại nhiều địa phương ven biển, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào các trại nuôi biển theo phương thức công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao; nổi bật như: Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú (Kiên Giang); Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (Khánh Hòa),… Các doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ là “những cánh chim đầu đàn” để doanh nghiệp, cũng như người dân ở các địa phương có thế mạnh về nuôi biển vươn theo.

Nếu xét về tiềm năng, kỳ vọng về sự lớn mạnh của “những cánh chim đầu đàn” là có. Nhưng muốn bay được xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta lại vướng phải không ít khó khăn phần lớn xuất phát từ hạn chế trong hoạch định chính sách.

Khó khăn lớn hiện nay xuất phát từ việc đầu tư hạ tầng-kỹ thuật phục vụ nuôi trồng thủy sản còn yếu và thiếu. Đặc biệt, hạ tầng phục vụ nuôi biển hiện nay còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Hệ thống phao tiêu, biển báo giao thông phục vụ riêng cho ngành nuôi biển chưa đáp ứng được nhu cầu và các bến đỗ tàu thuyền phục vụ nuôi biển ở nước ta hầu hết chưa được quan tâm đầu tư. Giống thủy sản tuy đã đạt được những kết quả nổi bật, nhưng một số giống bố mẹ vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ nước ngoài…
Ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản.

Nhằm phát huy lợi thế kinh tế biển nói chung, Trung ương đã có Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ 36). Để thể chế hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 339/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng biển đảo của Tổ quốc.

Mục tiêu từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8-2 tỷ USD.

Nghề nuôi hàu phát triển mạnh ở vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NGHĨA HIẾU

Nghề nuôi hàu phát triển mạnh ở vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NGHĨA HIẾU

Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển thủy sản và Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, trong quá trình thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế địa phương và kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước ven biển, xảy ra nhiều mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ven biển với chính quyền các địa phương.

Nhiều địa phương có chủ trương, kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước vào những mục đích khác như khai thác tài nguyên (cát) cũng như làm khu công nghiệp, du lịch… dẫn đến giảm diện tích nuôi trồng, ảnh hưởng không nhỏ sinh kế của người nông dân.

Trong 10 năm tới, nếu không phát triển nuôi biển, chắc chắn sẽ không có được sự đột phá trong ngành thủy sản. Đồng thời, nuôi biển cũng mở ra cơ hội tái tạo lại nguồn lợi thuỷ sản, đa dạng sinh học biển.
PGS,TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA).

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển tại Khánh Hòa với quy mô lớn. Ảnh: CTV

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển tại Khánh Hòa với quy mô lớn. Ảnh: CTV

Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Đặng Xuân Trường cho rằng: tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát xảy ra khá phổ biến do rất nhiều nguyên nhân; trong đó, có cả do quy hoạch, trình độ kỹ thuật nuôi trồng của bà con còn hạn chế... Để đạt hiệu quả kinh tế bền vững, nông dân cần bảo đảm mật độ nuôi, tuân thủ khâu xử lý môi trường nước, hạn chế ảnh hưởng môi trường chung quanh.

Mới đây, tại Hội nghị “Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững năm 2022” được tổ chức ở tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, Tổng cục Thủy sản khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có những chính sách phát triển nuôi biển, cùng với đó là tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng và nhu cầu hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi biển, làm cơ sở đầu tư sản xuất. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển như: giống, thức ăn, môi trường, nuôi thương phẩm, lồng nuôi, vùng nuôi…

Tổng diện tích có tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha, trong đó vùng bãi triều 153.300 ha; vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo 79.790 ha; vùng biển xa bờ gần 167.000 ha, diện tích còn lại là các phương thức nuôi khác.

Tổng cục Thủy sản.

Nuôi cá lồng bè tại đảo Ông Cụ (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: CTV

Nuôi cá lồng bè tại đảo Ông Cụ (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: CTV

Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần tập trung nghiên cứu và hoàn thiện các quy định hiện hành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn đọng; thống nhất hệ thống cơ quan quản lý thủy sản từ trung ương đến địa phương; có chính sách thu hút, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ kỹ thuật, ban quản trị các hợp tác xã và tổ hợp tác, doanh nghiệp, trang trại và các cơ sở nuôi để có khả năng tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.

Tạo dựng nên hệ sinh thái nuôi biển bền vững cả vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ đồng thời khơi thông được nguồn lực đầu tư vào ngành thủy sản sẽ giúp thương hiệu thủy sản Việt Nam vươn xa và có vị thế xứng đáng trên thị trường quốc tế...

Từng bước chủ động nguồn giống thủy sản

Trong những năm gần đây, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản. Ảnh: VIỆT HOA

Trong những năm gần đây, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản. Ảnh: VIỆT HOA

Con giống được xem là chìa khóa, góp phần quyết định đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu, phát triển giống đã được quan tâm, chú trọng, nhờ đó giống thủy sản ngày càng đa dạng về chủng loại, số lượng và chất lượng từng bước được nâng cao.

Tuy mới phát triển được khoảng 15 năm, nhưng nghề nuôi cá nước lạnh và công tác nghiên cứu, sản xuất giống cá ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Cả nước hiện có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng cá nuôi nhiều nhất tại các tỉnh phía bắc và Tây Nguyên, điển hình là Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu... Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Theo đó, mỗi năm, nhu cầu khoảng 5 triệu con giống (cá tầm 4 triệu con; cá hồi 1 triệu con). 

Trước đây có hai hình thức sản xuất, ương dưỡng con giống đó là: nhập trứng cá đã thụ tinh từ các nước về để tiếp tục ấp, sau đó ương lên thành cá hương, cá giống; hoặc nhập trực tiếp cá hương về để ương lên thành con giống với các kích thước khác nhau rồi cung cấp cho thị trường.

Dự kiến trong vài năm tới, Việt Nam sẽ chủ động được khoảng 60-70% lượng cá giống tầm. Ảnh: CATAVIET

Dự kiến trong vài năm tới, Việt Nam sẽ chủ động được khoảng 60-70% lượng cá giống tầm. Ảnh: CATAVIET

Để giảm phụ thuộc vào nguồn con giống nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá tầm” triển khai từ năm 2018-2019. Dự án cho kết quả tốt, qua đó đã khép kín được quy trình sản xuất giống nhân tạo (từ nuôi cá bố mẹ, cho sinh sản nhân tạo và ương lên thành giống) ba loài cá tầm gồm: Nga, Siberia và Sterlet.

Hiện nay, quy trình sản xuất giống cá tầm đang bắt đầu được triển khai ứng dụng rộng rãi, đã đáp ứng được 20% nhu cầu về con giống của người chăn nuôi trong nước. Dự kiến trong vài năm tới, Việt Nam sẽ chủ động được khoảng 60-70% lượng cá giống tầm, khi hàng chục tấn cá tầm bố mẹ đang được nuôi ở các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp đến độ tuổi sinh sản.
Ông Nguyễn Viết Thùy, Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản vùng III).

Ở lĩnh vực sản xuất tôm giống, có thể kể đến Tập đoàn Việt-Úc, đơn vị tiên phong đã mạnh dạn đầu tư vào phân khúc tôm bố mẹ. Sau nhiều năm tiến hành di truyền và chọn giống dưới sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, cũng như từ phía Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ quốc gia Australia (CSIRO), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức cho phép Tập đoàn Việt-Úc đưa tôm thẻ chân trắng bố mẹ vào thương mại hóa, đánh dấu bước đột phá mới cho cả ngành tôm Việt Nam. Việt-Úc đã nghiên cứu, chọn tạo được giống tôm thẻ chân trắng thế hệ G9, có tỷ lệ sinh trưởng và phát triển hơn 60% so với tôm đầu tiên, thích nghi tốt khí hậu và thổ nhưỡng của nhiều địa phương.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công chất lượng cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt-Úc trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TRỌNG DUY

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công chất lượng cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt-Úc trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TRỌNG DUY

Tập đoàn Việt-Úc có chín công ty giống quy mô lớn đang hoạt động tại Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Nghệ An, Quảng Ninh và Sóc Trăng, với tổng công suất đạt hơn 50 tỷ con giống/năm, với thị phần hơn 25%.

Thiếu hụt về số lượng dẫn đến hệ quả là chất lượng khó có thể kiểm soát được. Khi chủ động được nguồn tôm bố mẹ là chúng ta chủ động được cả về chất lượng và số lượng. Việc nghiên cứu, tạo giống thành công không chỉ phục vụ cho hoạt động nuôi trồng, phát triển tôm của riêng bản thân Việt-Úc mà còn phục vụ phát triển cho ngành tôm của cả nước nói chung…
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Việt-Úc Quảng Ninh.

Tôm giống có vai trò hết sức quan trọng đối với ngành tôm, nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, chưa thể chủ động được tôm bố mẹ.

Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy: mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 200.000-250.000 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ (chiếm 90% lượng tôm bố mẹ). Một phần tôm sú bố mẹ vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Hiện tại, nước ta chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh…

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Ảnh: CTV

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Ảnh: CTV

Để kiểm soát chất lượng tôm giống, theo ông Trình Trung Phi - Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Việt-Úc: cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, địa phương. Trước hết, cơ quan quản lý ngành dọc là Tổng cục Thủy sản cần phối hợp địa phương tăng cường công tác kiểm tra thời hạn sử dụng tôm bố mẹ theo quy định; chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống tôm trước khi xuất bán ngoại tỉnh.

Nhà nước cần điều chỉnh các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tập trung nguồn lực, lựa chọn đơn vị đủ năng lực giao nhiệm vụ nghiên cứu lâu dài về chọn tạo giống tôm nước lợ phù hợp với mỗi tiểu vùng sinh thái của nước ta.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Cá tra, cá basa là những đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt chủ lực của Việt Nam hiện nay. Ảnh: CTV

Cá tra, cá basa là những đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt chủ lực của Việt Nam hiện nay. Ảnh: CTV

Dự kiến cuối quý III tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản (thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP), trong đó tập trung các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi biển, nhất là nuôi biển xa bờ, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Thủy sản trao đổi ý kiến cùng Nhân Dân cuối tuần.

Thưa ông, có thực tế diện tích nuôi trồng thủy sản chịu sự tác động mạnh mẽ từ một số ngành kinh tế khác như công nghiệp, du lịch…, thậm chí ở nhiều nơi, còn thu hẹp diện tích nuôi trồng. Vậy cần làm gì để giải quyết tình trạng này?

Theo Luật Quy hoạch năm 2017, các quy hoạch ngành-hàng sản phẩm đều đã được bãi bỏ, trong đó có quy hoạch phát triển các đối tượng thủy sản nuôi: tôm nước lợ, cá tra, cá rô phi, nhuyễn thể, cá nước lạnh… Tuy nhiên, các quy hoạch như: quy hoạch không gian biển, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh lại chưa được ban hành; việc này gây ra không ít khó khăn cho định hướng của ngành.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, cần sớm xây dựng và ban hành các quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017; tích hợp chi tiết nội dung nuôi trồng thủy sản vào các quy hoạch, bảo đảm phân định rõ ranh giới giữa các ngành kinh tế, tạo hành lang và dư địa cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Đây được xem là điểm mấu chốt để vừa bảo đảm diện tích nuôi trồng thủy sản, sinh kế của người dân, vừa hài hòa lợi ích với các ngành, nghề, lĩnh vực khác.

Ngư dân xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau thu hoạch hàu lồng nuôi ven sông. Ảnh: CTV

Ngư dân xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau thu hoạch hàu lồng nuôi ven sông. Ảnh: CTV

Từ góc độ quản lý ngành, theo ông nhìn nhận, muốn hình thành ngành nuôi biển tương xứng với tiềm năng, sẽ cần tập trung vào những chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nào?

Để thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1195/QĐ-BNN-TCTS ngày 4/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai một số nhiệm vụ: đánh giá sức tải môi trường nuôi tôm hùm; xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ tôm hùm tại tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp phát triển nuôi biển bền vững năm 2022” vào giữa tháng 5 vừa qua.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản cùng với bốn địa phương (Quảng Ninh, Phú Yên, Ninh Thuận, Kiên Giang) tổ chức xây dựng và triển khai dự án đầu tư hạ tầng thí điểm vùng nuôi trồng thủy sản trên biển, sau đó sẽ tổng hợp kết quả để nhân rộng mô hình ra các địa phương khác. Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn, con giống chất lượng cao, giải pháp phòng chống và điều trị dịch bệnh, công nghệ nuôi, công nghệ thu hoạch và bảo quản sản phẩm trong nuôi biển…

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn và hạn chế. Muốn phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới cần tập trung vào những giải pháp gì, thưa ông?

Tổng cục đã xác định cần tập trung triển khai một số nội dung sau: Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thủy sản tại Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, tập trung quản lý điều kiện sản xuất và kiểm soát tốt chất lượng con giống, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để có những điều chỉnh hợp lý hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Mô hình nuôi mực ở Cù Lao Xanh, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: TTXVN

Mô hình nuôi mực ở Cù Lao Xanh, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: TTXVN

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết, hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để thuận tiện, hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để hóa giải thách thức trong việc quản lý từng nhân tố trong chuỗi giá trị, quản lý các yếu tố đầu vào, quản lý môi trường, dịch bệnh, quy trình sản xuất, cần thực hiện tối ưu hóa quản lý sản xuất thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số.

Đây cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược ngành thủy sản Việt Nam; đặc biệt đối với các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) và các đối tượng có giá trị kinh tế cao khác. Tổng cục Thủy sản đang tiếp tục hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu về quản lý nuôi trồng thủy sản, giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Mô hình tôm-lúa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TRỌNG DUY

Mô hình tôm-lúa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TRỌNG DUY

Tăng cường hợp tác quốc tế, xử lý rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại. Duy trì phát triển thị trường truyền thống, tích cực tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới. Nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Do quy định đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (cấp mã số) chưa phù hợp, nên việc triển khai tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Nắm bắt thực tế, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét sửa đổi quy định này…

Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!

Đẩy mạnh nuôi trồng là định hướng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Nguồn CATAVIET

Đẩy mạnh nuôi trồng là định hướng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Nguồn CATAVIET

Đẩy mạnh nuôi trồng là định hướng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Nguồn CATAVIET

Đẩy mạnh nuôi trồng là định hướng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Nguồn CATAVIET

Đẩy mạnh nuôi trồng là định hướng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Nguồn CATAVIET

Đẩy mạnh nuôi trồng là định hướng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Nguồn CATAVIET

Item 1 of 3

Đẩy mạnh nuôi trồng là định hướng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Nguồn CATAVIET

Đẩy mạnh nuôi trồng là định hướng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Nguồn CATAVIET

Đẩy mạnh nuôi trồng là định hướng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Nguồn CATAVIET

Đẩy mạnh nuôi trồng là định hướng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Nguồn CATAVIET

Đẩy mạnh nuôi trồng là định hướng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Nguồn CATAVIET

Đẩy mạnh nuôi trồng là định hướng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Nguồn CATAVIET

Ngày xuất bản: 23/5/2022
Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: LƯU HƯƠNG GIANG, TRẦN TRUNG HIẾU, TÂM THỜI, TRỌNG DUY, DIÊN KHÁNH, THANH TÂM
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG