Ở hậu tuyến của một trung đoàn, tôi được gặp một đội dân công toàn anh chị em ở một xã vừa được phát động quần chúng thắng lợi. Cả đội đang chờ lệnh lên tuyến thứ nhất tải thương binh. Nét mặt mọi người tươi vui hớn hở nhận nhiệm vụ. Mấy chị ngồi học ôn bài học bình dân. Một chị đang viết ca dao:

“Danh dự người bần cố nông.
Phản phong, phản đế có xong mới về”.

Các đồng chí trong chi bộ xã cũng xung phong đi rất đông. Cán bộ tất tả chăm lo chỗ nghỉ cho anh chị em và chạy đi chạy lại liên lạc với bộ đội. Anh chị em kể cho tôi nghe chuyện nhà sau phát động và đoạn đường đi từ xã đến hỏa tuyến này. Hơn hẳn mọi năm, dân công từ nhà ra một trận, đi như một đoàn quân chiến thắng. Suốt những ngày đi không để rơi vãi qua một hạt gạo nào. Giữa đường gặp việc là bắt tay vào làm ngay.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. Ảnh: TTXVN

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. Ảnh: TTXVN

Đang hành quân thấy rừng cháy, xung phong lên chữa rừng. Có lúc trú quân, thấy bom ném cháy bản của đồng bào, xông qua lửa napan vào chữa. Đến một địa điểm thì gặp ô-tô của thương binh, vì trời sáng phải đỗ lại, liền bảo nhau cáng gấp thương binh vào rừng, chia nhau nấu cháo, giặt giũ cho anh em, còn cả đội chịu ăn cơm muộn. Tối đến đưa anh em thương binh chu tất rồi mới lên đường. Gặp ô-tô chết máy, giúp các anh lái xe đẩy và giấu ô-tô. Những đoạn đường dốc nhất, có đồng chí lên rồi lại xuống, luôn một mạch đẩy giúp 32 xe đạp thồ lên.

Vừa đi vừa chiến đấu vừa học tập mục đích ý nghĩa của chiến dịch.

Vừa đi vừa chiến đấu vừa học tập mục đích ý nghĩa của chiến dịch. Lên đến đây, quân số không hụt người nào. Chiều 30/3, lên đến tuyến hậu cần, đào hầm, làm bếp Hoàng Cầm xong thì nửa đêm. Trời đang mưa rừng tầm tã thì có tin bộ đội ta giải quyết xong đồn, cấp trên giao cho nhiệm vụ đi ngay. Từ đấy đến hôm nay đã năm ngày liền, công tác không nghỉ. Đi sâu vào trận địa lạc đường, có ngày chỉ có một bữa cơm. Các đồng chí bộ đội lại nhường cơm cho dân công ăn.

Các chị khoe với tôi: “Thế là đời chúng em được ăn cơm với các anh bộ đội ở ngoài mặt trận rồi”. Nhất là ở các chị, tinh thần hy sinh rất lớn, nhưng thật giản dị. Các chị lấy khăn trùm đầu buộc vết thương cho thương binh. Bao nhiêu chăn áo tốt, ni-lông lót xuống cáng để anh thương binh nằm cho đỡ đau. Tôi hỏi các chị: “Chuyến này ta phải thi đua mang về cho nông hội nhà mấy huân chương mới được, phải không các chị...”. Các chị trả lời: “Có chứ, chúng em đi phục vụ xong về nhà tham gia cải cách ruộng đất là vừa”.

Súng ta đã nổ, đạn không thể chậm. Bộ đội ta đã đánh, ăn không thể thiếu. Quân ta đã tiến, quyết không thể ngừng. Cán bộ và chiến sĩ dân công hãy dốc toàn tâm toàn lực, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, bền bỉ, không quản ngại gian khổ, khó khăn mệt nhọc, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ.

Từ khi tiếng súng Hin-lam đã nổ, các đội dân công trên hỏa tuyến càng phấn khởi làm nhiệm vụ. Lời kêu gọi của Đảng ủy cung cấp mặt trận biến thành quyết tâm của mọi người: “Súng ta đã nổ, đạn không thể chậm. Bộ đội ta đã đánh, ăn không thể thiếu. Quân ta đã tiến, quyết không thể ngừng. Cán bộ và chiến sĩ dân công hãy dốc toàn tâm toàn lực, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, bền bỉ, không quản ngại gian khổ, khó khăn mệt nhọc, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ”.

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Đồng chí phụ trách đơn vị dân công đã năm tháng nay phục vụ hỏa tuyến kể lại cho tôi nghe thành tích của đơn vị mình một cách rất tự hào: “Đơn vị tôi đã đi vòng quanh Điện Biên như một chữ O. Nhiều đèo, nhiều dốc ở quanh đồn giặc, đơn vị tôi đặt tên trước tiên: đèo lê, đèo tuột, đèo bò, đèo tụt, nhưng đèo cao thế nào thì cao, khó đi thế nào đi nữa, không đèo nào chúng tôi phải quật cáng thương binh xuống sườn đá”.

Chính các đồng chí thương binh cũng cảm thấy: “Không có chiến dịch nào như chiến dịch này. Nằm trên cáng êm đến nỗi có người gọi mới biết là đã về đến nơi”. Có lần qua một quả gò bị giặc ném bom napan, dân công cáng chạy như bay mà anh thương binh nằm trên vẫn yên giấc tốt. Đến mỗi chỗ nghỉ anh chị em dân công lại làm lán, căng bạt, đun nước uống, nước rửa mặt cho thương binh.

Ở mặt trận Điện Biên Phủ: Dân công ở hỏa tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Ở mặt trận Điện Biên Phủ: Dân công ở hỏa tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Mỗi đội dân công đều phản ảnh phong trào địa phương sau khi phát động. 18 phần 100 anh chị em trong đơn vị này là hội viên nông hội mới. Cán bộ và dân công thương yêu nhau như ruột thịt. Người dân công thấy rõ mình với cán bộ là một. Chỗ ở của dân công, ngăn nắp, chu đáo, có lán, có sàn, có chỗ để bát đũa, có mái thông tin, có bếp Hoàng Cầm. Ở mỗi tuyến có bệnh viện riêng cho dân công, rộng rãi, sạch sẽ. Nhưng cũng đặc biệt là rất ít người phải nằm ở đây.

Anh chị em dân công thường nói: “Ở nhà Đảng chăm lo đời sống cho gia đình mình. Ở đây Đảng lại săn sóc từng ly từng tí đời sống cho mình. Chỉ có Đảng mới quý nhân dân như thế”. Đi dân công, ngay ở hỏa tuyến, anh chị em cũng vẫn được bảo đảm quyền lợi sinh hoạt chính trị như ở nhà và anh chị em biết đòi quyền lợi rất chính đáng ấy của mình. Một ngày vắng học tập thấy trong người “cứ thế nào ấy”. Tổ ba người chặt chẽ, giúp nhau tiến bộ; mỗi trung đội có một tổ nông hội, một phân đoàn thanh niên, một phân chi phụ nữ. Trong tổ chức của mình, các anh các chị xiết chặt đấu tranh phê bình và tự phê bình, nhắc nhở nhau căm thù giai cấp và nhiệm vụ trước mắt, giữ vững và đề cao ý thức của người nông dân đã phát động.

Ở nhà Đảng chăm lo đời sống cho gia đình mình. Ở đây Đảng lại săn sóc từng ly từng tí đời sống cho mình. Chỉ có Đảng mới quý nhân dân như thế.

Tôi được gặp một lão dân công ở hỏa tuyến Điện Biên. Tên cụ là Trần Văn Thiện 64 tuổi, người xã Vũ Đạo, huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Gia đình cụ có ba người có mặt ở hỏa tuyến Điện Biên. Cụ và cô con gái là Lan, con dâu cũng tên là Lan, ba cha con cùng đi phục vụ trong đội dân công này.

Cụ kể chuyện: “Xã đã miễn cho tôi nhưng tôi nói với xã, tôi còn khỏe lắm, gánh thuê là nghề của tôi. Tôi đã già đời gánh thuê, vai trồi xương mà vẫn không bao giờ được no. Nay nhờ Đảng, nhờ Chính phủ, nhờ Hồ Chủ Tịch, nhờ bộ đội diệt giặc, tôi có ruộng cày, áo mặc cơm ăn thì trên phải cho tôi đi gánh cho bộ đội. Ta như rết nhiều chân, càng thêm người, càng mạnh. Tôi chỉ mới được phục vụ mươi đồng chí thương binh. Tôi rất là thương xót những vết thương của anh em. Có lên hỏa tuyến thế này mới biết các anh bộ đội chiến đấu hy sinh gian khổ vì nhân dân”.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)

Trên hỏa tuyến, nhân dân cùng những chiến sĩ của mình chia sẻ gian lao, khó khăn và vinh quang của chiến dịch này. Dân công coi chiến sĩ như người nhà, coi việc phục vụ như việc nhà, và các chiến sĩ cũng nhìn các anh, các chị dân công như những người đại biểu của quê hương và gia đình mình.

THÉP - MỚI

Bài đăng Báo Nhân Dân số 184, ngày 12/5-15/5/1954, trang 6