Ninh Bình là tỉnh có điều kiện tự nhiên đa dạng, sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế du lịch, nông nghiệp, nông thôn và phát triển các sản phẩm OCOP, đồng thời cũng gặp các thách thức về diện tích đất tự nhiên không lớn và xu thế đô thị hóa.
Trao đổi với Báo Nhân Dân, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn với việc chuẩn hóa, phát triển sản phẩm OCOP từ nông sản, sản phẩm đặc trưng, đặc sản, đặc hữu của Ninh Bình, gắn với truyền tải các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của mỗi vùng quê, hướng tới phục vụ khách du lịch đến với Ninh Bình; tập trung phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng để các sản phẩm OCOP Ninh Bình phát triển bền vững và tương xứng với tiềm năng địa phương.
Phóng viên: Xin bà chia sẻ đôi chút về lộ trình thực hiện Chương trình OCOP tại Ninh Bình từ những ngày đầu năm 2018 đến nay?
Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Năm 2023 là năm thứ 5 Ninh Bình triển khai thực hiện chương trình OCOP. Định hướng xuyên suốt trong chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Ninh Bình là chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Từ năm 2018 đến nay, việc tổ chức thực hiện Chương trình, về cơ bản, có thể phân thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn đầu, từ năm 2018 đến năm 2021: Ninh Bình bắt đầu triển khai Chương trình ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018. Ninh Bình là một trong những tỉnh sớm ban hành Đề án thực hiện Chương trình OCOP; ngày 12/7/2018, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình giai đoạn 2018-2020 với mục tiêu trọng tâm là phát triển, chuẩn hóa các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc sản, đặc hữu có lợi thế, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh, gia tăng giá trị, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn. Trong thời gian này, các cấp, các ngành, cán bộ quản lý Chương trình đều vừa học vừa làm, được các chuyên gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn cho các chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất) được lựa chọn tham gia Chương trình. Đây cũng là thời điểm bà con mới tiếp cận với Chương trình, chưa hiểu bản chất Chương trình, còn e ngại, chưa hào hứng tham gia.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan được giao chủ trì thực hiện chương trình vừa phải tiến hành khảo sát các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình của từng địa phương, vừa thuyết phục, vận động bà con tham gia Chương trình. Nhiều chủ thể còn băn khoăn, ngần ngại khi được vận động tham gia chương trình, bởi họ nghĩ xưa nay họ vẫn làm, vẫn bán, tham gia Chương trình thì phải làm nhiều thủ tục, hồ sơ và họ không quen sinh ra tâm lý "ngại".
Do đó, những năm 2019, 2020 chủ yếu tập trung chuẩn hóa sản phẩm OCOP từ các sản phẩm đã có sẵn, sản phẩm của các làng nghề, sản phẩm đặc sản đã có tiếng của địa phương như thêu ren Văn lâm, nem Yên Mạc, ... Như vậy, số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, tạo niềm tin về chất lượng, thương hiệu và uy tín của sản phẩm đối với người tiêu dùng và đối với chính chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP.
Giai đoạn từ năm 2022 đến nay: Sau 3 năm thực hiện Chương trình, với chủ trương chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; Chương trình đã tạo được dấu ấn, sự nhận diện đối với thị trường, người tiêu dùng. Để phát triển các sản phẩm đạt OCOP của tỉnh tương xứng với tiềm năng và gắn với phát triển du lịch; năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 trong đó có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể OCOP, tạo nền tảng, động lực quan trọng thúc đẩy chương trình OCOP ở các địa phương.
Chính sách hỗ trợ sau đầu tư đối với các sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận đạt từ 3,4,5 sao với các mức hỗ trợ tương ứng 75, 85,100 triệu đồng/sản phẩm, có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới các chủ thể có sản phẩm tiềm năng.
Nghị quyết 32/NQ-HĐND đã quy định chính sách hỗ trợ sau đầu tư đối với các sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận đạt từ 3 sao trở lên như: sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao sẽ được hỗ trợ 75 triệu đồng/sản phẩm, hạng 4 sao hỗ trợ 85 triệu đồng/sản phẩm, hạng 5 sao hỗ trợ 100 triệu đồng/sản phẩm. Chính sách này có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới các chủ thể có sản phẩm tiềm năng.
Hiện nay các chủ thể chủ động hơn trong việc tham gia Chương trình, cả về tiếp cận, tìm kiếm thông tin Chương trình; chủ động xây dựng, phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; chủ động liên hệ với cơ quan quản lý Chương trình để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn. Cơ quan quản lý Chương trình cùng với các sở ngành, địa phương đã tổ chức tập huấn, truyền thông, hướng dẫn các chủ thể trong quá trình phát triển sản phẩm, đánh giá công nhận sản phẩm và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm; đồng thời trong quá trình chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn có định hướng phát triển các sản phẩm có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP.
Phóng viên: Thưa bà, các chủ thể thay đổi nhận thức như thế nào qua từng giai đoạn?
Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018; Ninh Bình xác định đây là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tạo việc làm tại chỗ cho cư dân nông thôn. Tuy nhiên, thời gian đầu khi mới triển khai, bà con còn bỡ ngỡ, chưa hiểu rõ về chương trình nên đôi khi công tác triển khai còn chậm, nhiều nội dung chưa được như kỳ vọng.
Chuyển sang giai đoạn 2021-2025, việc tiếp cận chương trình đã có những chuyển biến rất tích cực, chương trình đã tạo niềm tin, lan tỏa và thấm dần vào các chủ thể. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nhận thấy ích lợi từ việc tham gia Chương trình như được chuẩn hóa chất lượng, chuẩn hóa bao bì, tem nhãn mác theo quy định, được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, uy tín sản phẩm tăng lên, có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất,... thương hiệu sản phẩm được nhận diện từ nhãn hiệu riêng và nhãn hiệu OCOP 3 sao, 4 sao (đây là nhãn hiệu có uy tín toàn quốc), vòng đời chu kỳ của sản phẩm dài hơn, … Từ đó sức tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng lên và thu nhập tăng cao hơn, và bởi thế người dân tìm hiểu và mạnh dạn tham gia hơn.
Bên cạnh đó, từ năm 2022, Ninh Bình có chính sách hỗ trợ sau đầu tư nên nhận thấy rõ lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP, bà con chủ động, phấn khởi tham gia, chủ động đăng ký tham gia, tự tìm kiếm, lựa chọn tư vấn hoặc tự hoàn thiện hồ sơ thủ tục; sản phẩm OCOP tăng cả về số lượng và chất lượng. Kết quả riêng năm 2022, toàn tỉnh đã có 47 sản phẩm OCOP được công nhận, gần bằng số lượng sản phẩm OCOP của 3 năm 2019, 2020, 2021 (54 sản phẩm); và dự kiến năm 2023, số lượng sản phẩm OCOP được công nhận sẽ nhiều hơn năm 2022. Chương trình OCOP đang có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt ghi nhận ở sự chủ động của chính các chủ thể.
Tranh lá Bồ Đề Hợp tác xã Sinh Dược.
Tranh lá Bồ Đề Hợp tác xã Sinh Dược.
Con đường cây bồ đề dài gần 15km nối giữa phố cổ Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An và chùa Bái Đính.
Con đường cây bồ đề dài gần 15km nối giữa phố cổ Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An và chùa Bái Đính.
Phóng viên: Bà có thể cho biết, trong định hướng phát triển, Ninh Bình chú trọng điều gì ở mỗi sản phẩm OCOP?
Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Ninh Bình không có lợi thế về sản xuất hàng hóa lớn, với các vùng nguyên liệu quy mô lớn, với các nhà máy chế biến công suất lớn. Quy mô sản xuất các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… của Ninh Bình nhỏ, mỗi tiểu vùng kinh tế sinh thái có các sản phẩm lợi thế, đặc trưng riêng, chiếu vào tiêu chí, chu trình của Chương trình OCOP thì thấy sản phẩm của Ninh Bình rất phù hợp tham gia Chương trình.
Ninh Bình chú trọng phát triển Chương trình thực chất và bền vững, mỗi sản phẩm OCOP Ninh Bình không chỉ chứa đựng trong nó giá trị về kinh tế mà còn cả các giá trị về văn hóa, truyền thống của mỗi miền quê. Trọng tâm của Chương trình là tập trung phát triển, chuẩn hóa các sản phẩm từ nông nghiệp, từ ngành nghề nông thôn có lợi thế ở từng địa phương, từ các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, hình thành các chuỗi giá trị nhỏ, hướng tới phục vụ du lịch của tỉnh.
Nhìn ra chung quanh, chúng tôi thấy rằng, là sản phẩm OCOP, có thể tên gọi, nguyên liệu gần giống nhau, nhưng sản phẩm của địa phương này vẫn khác sản phẩm địa phương khác, ở chính câu chuyện sản phẩm, ở chính giá trị lịch sử, văn hoá, truyền thống được truyền tải trong câu chuyện sản phẩm, tại bao bì nhãn mác sản phẩm, bởi vậy chúng tôi không chạy đua số lượng sản phẩm, mà đi sâu tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm của Ninh Bình. Những sản phẩm đã đạt OCOP phải phản ánh được tính đặc sắc của nông thôn Ninh Bình. Tiêu biểu như một số sản phẩm đặc sản truyền thống mắm tép Gia Viễn, cơm cháy, ruốc cá rô Tổng Trường,…. Các sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP phải tiếp tục tồn tại, phát triển và tạo được dấu ấn, nhận diện riêng. Đó cũng chính là mục tiêu tỉnh Ninh Bình phát triển các sản phẩm OCOP gắn với định dạng, bản sắc của cố đô Ninh Bình.
Phóng viên: Chương trình OCOP tác động như thế nào với các chương trình, kế hoạch khác của tỉnh Ninh Bình đang thực hiện?
Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội lực và gia tăng giá trị; tác động tích cực đến kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia (xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Qua chương trình OCOP, kinh tế khu vực nông thôn được cải thiện, thu nhập cho cư dân nông thôn theo đó gia tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm,... Đây đều là những tiêu chí quan trọng của các chương trình mục tiêu quốc gia. Tham gia Chương trình OCOP, giúp phát triển sản phẩm, gia tăng quy mô sản xuất, nhờ đó giải quyết việc làm tại chỗ cho cư dân nông thôn, gồm cả lao động lúc nông nhàn, lao động hết tuổi làm việc trong khu, cụm công nghiệp, và tạo điều kiện cho người lao động khó tiếp cận các công việc khác …
Bên cạnh đó, tiêu chí tác động rõ nhất chính là phát triển các hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Khi tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể phải bảo đảm yêu cầu về vùng nguyên liệu, về bộ máy sản xuất, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… từ đó tác động đến tổ chức sản xuất tại địa phương; trong quá trình phát triển sản phẩm có thể hợp tác, liên kết từ hộ cá thể trở thành cơ sở sản xuất tiến tới hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Cụ thể là nhờ việc thực hiện các tiêu chí, chu trình OCOP, bà con thay đổi nhận thức, áp dụng kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, tiếp cận thêm các kênh tiêu thụ mới,....
Chương trình OCOP là một kênh truyền thông cho văn hóa bản địa không chỉ tới người tiêu dùng, tới khách du lịch mà tới chính các chủ thể qua mỗi sản phẩm, từ đó người dân hiểu và thêm yêu thêm tự hào về quê hương, gắn kết gia đình, làng xóm.
Không chỉ tác động tích cực tới chương trình, kế hoạch của tỉnh, Chương trình OCOP còn mang lại giá trị tích cực cho chính các chủ thể, không chỉ là nâng cao thu nhập cho chủ thể mà chính trong quá trình chuẩn hoá phát triển sản phẩm đã thêm hiểu, yêu mến hơn vùng quê mình từ các câu chuyện sản phẩm OCOP đem lại. Những câu chuyện đó không chỉ truyền đi văn hóa địa phương tới người tiêu dùng mà ở chiều ngược lại, nó giúp chính các chủ thể và những người tham gia sản xuất trở lại tìm hiểu về nguồn gốc, giá trị mang bản sắc địa phương trong mỗi sản phẩm. Nói cách khác, Chương trình OCOP là một kênh truyền thông cho văn hóa bản địa không chỉ tới người tiêu dùng, tới khách du lịch mà tới chính các chủ thể qua mỗi sản phẩm, từ đó người dân hiểu và thêm yêu thêm tự hào về quê hương, gắn kết gia đình, làng xóm.
Đầm Vân Long- 1 sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Ninh Mạnh Thắng)
Đầm Vân Long- 1 sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Ninh Mạnh Thắng)
Sản phẩm du lịch trải nghiệm làng nghề tại Ninh Bình.
Sản phẩm du lịch trải nghiệm làng nghề tại Ninh Bình.
Phóng viên: Ở chiều ngược lại, chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh hỗ trợ gì trong phát triển các sản phẩm OCOP?
Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Thời gian qua, nông nghiệp Ninh Bình đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Hoạt động cơ cấu lại ngành nông nghiệp được triển khai bài bản, đồng bộ. Trong đó, triển khai có hiệu quả các Chương trình sản xuất phù hợp điều kiện thực tế của từng tiểu vùng kinh tế sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất.
Ninh Bình đặc biệt quan tâm đến phát triển xanh, phát triển bền vững trong nông nghiệp, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sống. Nhiều chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất hữu cơ các sản phẩm nông nghiệp được áp dụng như hỗ trợ người dân kinh phí mua các chế phẩm sinh học hữu cơ, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị, chuyển giao công nghệ,… Nhờ đó cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện, nguồn đất được xanh hóa,… hiện trong các ruộng lúa, cá cờ, rươi (những con vật chỉ sống ở môi trường sạch) xuất hiện rất nhiều,… Đây chính là điều kiện thuận lợi để sản xuất các sản phẩm tiềm năng cho Chương trình OCOP.
Tới đây, Ninh Bình sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, "thuận thiên", đặc hữu gắn với du lịch, trên cơ sở tích hợp các giá trị truyền thống và hiện đại để khai thác lợi thế từng tiểu vùng kinh tế sinh thái; áp dụng quy trình sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ, tuần hoàn đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản; duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống; qua đó đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP.
Một tác phẩm tranh thêu thủ công một màu độc đáo của Công ty thêu mặt trời, làng nghề thêu ren Văn Lâm.
Bức tranh "công" làm từ lá bồ đề của Hợp tác xã Sinh Dược, Ninh Bình.
Sản phẩm Trà hoa vàng OCOP 4 sao của Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia, Nho Quan, Ninh Bình.
Phóng viên: Bà vừa nhắc tới các tiểu vùng kinh tế sinh thái, vậy chủ trương phát triển các tiểu vùng này có ý nghĩa gì khi thực hiện Chương trình OCOP?
Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Với vị trí nằm ở cực nam vùng đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình có địa thế "tụ sơn tích thủy", hội tụ đặc trưng địa lý của cả 3 vùng là đồng bằng châu thổ sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung bộ. Chính điều kiện đa dạng tự nhiên đã tạo thuận lợi cũng như thách thức cho phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Ninh Bình chia thành 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái, mỗi tiểu vùng đều có các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, lợi thế riêng. Cụ thể như: Tiểu vùng đồi, núi, bán sơn địa (Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp) thuận lợi cho phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi, rau quả, dược liệu; Tiểu vùng trũng (Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô) có thế mạnh để sản xuất lúa-cá, thủy sản, thủy cầm; Tiểu vùng ven đô thị (thành phố Ninh Bình, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp) phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao; Tiểu vùng đồng bằng (Yên Khánh, Yên Mô và Kim Sơn) phát triển sản xuất lúa, rau; Tiểu vùng ven biển (Kim Sơn) thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản mặn lợ, sản xuất giống, khai thác xa bờ, trồng rừng ngập mặn.
Tuy đa dạng về sản phẩm, nhưng nông nghiệp Ninh Bình lại không có thế mạnh để sản xuất hàng hóa lớn. Diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh khá nhỏ bé. Ngoài cây dứa thì Ninh Bình không có vùng chuyên canh quy mô lớn của nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.
Vì thế tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, xây dựng các sản phẩm địa phương theo từng chuỗi giá trị nhỏ. Định hướng này lại rất phù hợp tiêu chí và chu trình chương trình OCOP, bởi các sản phẩm OCOP có quy mô sản xuất nhỏ, chú trọng vào giá trị bản địa. Chính vì vậy, tỉnh chủ trương phát triển sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc hữu riêng từng địa phương, qua đó hỗ trợ các sản phẩm tiềm năng phát triển trở thành sản phẩm OCOP.
Phóng viên: Vậy còn du lịch? Tỉnh có định hướng phát triển OCOP gắn với du lịch - một thế mạnh đang phát triển “nóng” tại Ninh Bình không?
Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Ninh Bình có nhiều lợi thế về phát triển du lịch, Trong nhiệm vụ giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã xác định “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với du lịch”.
Ngành nông nghiệp Ninh Bình đang xây dựng các sản phẩm phục vụ du lịch; đó là nông sản đặc sản, đặc hữu an toàn phục vụ ẩm thực cho khách du lịch; là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp nông thôn; là chuẩn hoá các nông sản, sản phẩm từ làng nghề nông thôn theo tiêu chuẩn OCOP trở thành các sản phẩm phục vụ khách du lịch đến với Ninh Bình, trở thành sản phẩm quà tặng khách du lịch mua về làm quà sau khi đến với Ninh Bình.
Như tôi nói trên, Ninh Bình không có điều kiện thuận lợi để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, sản lượng, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP cũng có giới hạn nhất định. Thêm vào đó, với tiềm năng phát triển du lịch lớn, mỗi năm tỉnh đón khoảng 9 triệu lượt du khách. Các sản phẩm OCOP của Ninh Bình được khách du lịch yêu mến, tín nhiệm, sử dụng, mua làm quà tặng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt cho các chủ thể. Vì thế, việc khuyến khích các chủ thể OCOP hướng đến khách du lịch, đưa sản phẩm OCOP trở thành các sản phẩm phục vụ du lịch, là một trong những chủ trương mà tỉnh hướng tới trong phát triển Chương trình OCOP.
Thực tế, gần đây, Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng, quy mô quốc gia và quốc tế như: Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc-Bích Động... Nhiều năm liền Ninh Bình được các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đón nhiều khách du lịch nhất cả nước. Ninh Bình có cánh đồng lúa Tam Cốc được chuyên trang du lịch Business Insider bình chọn là một trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam và từng lọt top 15 địa danh "tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến" do tờ Telegraph (Anh) bình chọn.
Ngoài ra, còn có nhiều điểm check in được du khách yêu thích như: cánh đồng dứa Đồng Giao, đào phai, vườn cây ăn quả kết hợp với nuôi con đặc sản ở Quèn Thờ (thành phố Tam Điệp); đầm sen ở Hang Múa, vườn nho Hạ đen ở Hoa Lư, hay du lịch trải nghiệm ẩm thực ở xã Khánh Thiện (Yên Khánh)... Đây là bước khởi đầu để tiến đến định hướng sản xuất các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm đạt OCOP nói riêng phục vụ cho du lịch.
Hiện nay, tại các điểm du lịch nói trên đều có các khu trưng bày bán sản phẩm OCOP. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, đặc biệt là các hội chợ, triển lãm, sự kiện văn hóa, lễ hội, du lịch để gặp gỡ đối tác từ đó liên kết cùng phát triển, thí dụ tham gia trưng bày sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại “Tuần Du lịch năm 2022-Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An”, tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại hội nghị Hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh đồng bằng sông Hồng…Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp ngành du lịch xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm, tổ chức các tour du lịch làng nghề, tham quan vùng nguyên liệu, tìm hiểu quy trình sản xuất các sản phẩm OCOP, tổ chức các hoạt động “thử” làm nông dân, thưởng thức các nông sản, sản phẩm OCOP,..
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
Ngày xuất bản: 14/12/2023
Tổ chức: HỒNG MINH-XUÂN BÁCH
Thực hiện: VĂN LÚA-XUÂN TRƯỜNG-
SONG THU-NGỌC BÍCH
Trình bày: BÍCH DIỆP
Ảnh: NHẬT QUANG